Tìm hiểu vụ Rupnik qua sáu câu hỏi chính

291

Tìm hiểu vụ Rupnik qua sáu câu hỏi chính

Các biện pháp trừng phạt theo giáo luật đối với các vụ lạm dụng thiêng liêng và tấn công tình dục gần đây được tiết lộ trên báo chí nhắm vào linh mục Dòng Tên Marko Rupnik, nghệ sĩ tranh khảm gần gũi với các giáo hoàng kế tiếp. Mọi con mắt đang đổ dồn về Đức Phanxicô.

lavie.fr, Youna Rivallain, 2022-12-29

Linh mục Marko Rupnik giảng ở hội trường Phaolô VI, tại Vatican ngày 22 tháng 2 năm 2016.  FABIO PIGNATA/CATHOLIC Press PHOTO

Marko Rupnik là ai và vì sao ông nổi tiếng?

Linh mục Marko Rupnik, Dòng Tên người Slovenia, đứng đầu giáo xứ Thánh Philippe-Néri ở Rôma được toàn thế giới biết tiếng qua các tranh khảm. Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm giám đốc xưởng nghệ thuật tôn giáo tại Trung tâm Aletti Rôma. Trong trung tâm nghiên cứu và học tập do Đức Gioan-Phaolô II thành lập có xưởng nghệ thuật tâm linh, linh mục Rupnik hướng dẫn nghệ thuật nhiều tác phẩm: tranh khảm ở vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Lộ Đức, vương cung thánh đường Chúa Ba Ngôi ở Fatima, Bồ Đào Nha hay đền thánh Gioan Phaolô II ở Krakow, Ba Lan và Washington, Mỹ.

Không nằm trong nhóm cố vấn của giáo hoàng, linh mục Marko Rupnik thân thiết với nhiều giám mục khác nhau ở Rôma. Đức Gioan-Phaolô II giao cho linh mục làm các công việc nghệ thuật ở nhà nguyện Mẹ Cứu Thế, nhà nguyện riêng của giáo hoàng ở các căn hộ giáo hoàng tại Vatican. Năm 2016, Đức Phanxicô nhờ linh mục làm logo Năm Thánh Lòng Thương Xót. Linh mục cũng được biết đến với thần học về nghệ thuật thiêng liêng, linh mục viết nhiều sách và giảng tĩnh tâm cho nhiều cộng đoàn. Cuối cùng ông là cố vấn của ba “bộ” trong Giáo triều: bộ phụ trách Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, bộ phụ trách Giáo sĩ và bộ phụ trách Truyền giáo. 

Linh mục bị buộc tội gì?

Trường hợp của Rupnik rất phức tạp và có nhiều giây mơ rễ má. Vụ đầu tiên liên quan đến những sự việc có từ năm 2015. Năm đó, ông tấn công tình dục một phụ nữ khi xưng tội, sau đó ông xóa tội cho nạn nhân của mình.

Vụ Rupnik thứ hai, được báo chí Ý tiết lộ tháng 12 năm 2022, liên quan đến các hành vi lạm dụng thiêng liêng và tấn công tình dục các nữ tu, xảy ra từ những năm 1980 và 1990 tại Cộng đồng Loyola có trụ sở tại Ljubljana, Slovenia, trong đó linh mục là người hướng dẫn thiêng liêng. Vào giữa tháng 12, báo La Croix tiết lộ các vụ bạo lực tình dục này liên hệ đến ít nhất chín nữ tu – đặc biệt khi họ xưng tội. Những lời chứng này được giám mục phụ tá giáo phận Rôma Daniele Libanori thu thập trong chuyến kinh lý tông tòa năm 2021.

Một trong những người tố cáo là bà Anna (tên được thay đổi), bà nói với báo cánh tả Ý Domani có khoảng 20 nữ tu trong số 40 nữ tu đã bị linh mục tấn công, họ là những người trong cộng đoàn Loyola được thành lập lúc đó. Một trong số nữ tu bị gãy tay khi cố thoát tấn công.

Lời khai của cựu nữ tu người Ý đặc biệt ớn lạnh làm nhớ lại các phương pháp mà anh em linh mục Philippe đã dùng để hành hung và hãm hiếp các nạn nhân của họ. Năm nay 58 tuổi, bà Anna kể, bà sống dưới ảnh hưởng của linh mục và bị tấn công tình dục trong 9 năm khi Marko Rupnik là người hướng dẫn thiêng liêng của bà. Trong cuộc phỏng vấn với báo Domani, bà kể bị linh mục Rupnik tấn công năm 1985. Đam mê nghệ thuật, khi đó bà 21 tuổi và đang học y khoa. Thời gian này linh mục vừa chịu chức và có một xưởng nhỏ ở quảng trường Gesù. Người phụ nữ trẻ vào cộng đoàn Slovenia năm 1987. Bà nói: “Ngay từ những năm 1980, ông đã là ngôi sao của các tu sĩ trẻ Dòng Tên Slovenia. Ông có sức lôi cuốn cá nhân rất mạnh khi giải thích Phúc âm và một nhạy cảm nhạy bén để xác định những điểm yếu của mỗi người. Ngay lập tức ông hiểu điểm yếu của tôi, bất an và nỗi sợ của tôi.”

Cựu nữ tu, bà Anna rời cộng đồng năm 1994, bà mô tả sự kềm kẹp tinh thần bà phải chịu đựng và chiến lược mà Marko Rupnik dùng để đạt mục đích của ông: “Lần đầu tiên ông hôn môi tôi, nói đó là cách ông hôn bàn thờ trước thánh lễ, vì với tôi, ông cảm nghiệm được tình yêu của Chúa qua quan hệ tình dục. (…) Mùa hè năm 1986, chúng tôi cùng cử hành thánh lễ, sau đó ông bắt tôi cởi quần áo và để ông chạm vào tôi. Nhưng lần đó tôi từ chối, ông tấn công tôi bằng những lời lẽ rất cay độc, nói tôi chẳng có giá trị gì, tôi chẳng làm được chuyện gì tốt. Tôi tuyệt vọng vì tôi hoàn toàn lệ thuộc vào sự chấp nhận của ông. Từ đó tôi quyết định gạt bỏ những nghi ngờ của mình sang một bên và hoàn toàn tuân phục ông.”

Bà Anna cũng kể một lần ông thủ dâm bạo lực, “tôi không thể dừng lại và lần đó tôi mất trinh”. Cách làm luôn giống nhau: nếu tôi nghi ngờ hoặc từ chối những đề nghị của ông, Rupnik làm mất uy tín của tôi trước cộng đoàn bằng cách nói tôi không phát triển về mặt thiêng liêng. Bà kể, ông bắt bà xem phim khiêu dâm và còn yêu cầu bà quan hệ tình dục tay ba với một nữ tu khác trong cộng đoàn, so sánh mối quan hệ này với hình ảnh Chúa Ba Ngôi.

Bà nói: “Đó thực sự là lạm dụng thiêng liêng. Nỗi ám ảnh tình dục của ông không phải ngẫu nhiên mà gắn bó sâu sắc với quan niệm nghệ thuật và quan niệm thần học của ông. Ông từ từ và nhẹ nhàng thấm nhập vào thế giới tâm lý và thiêng liêng của tôi, khơi dậy sự bất ổn và yếu đuối của tôi, đồng thời dùng mối quan hệ giữa tôi với Chúa để thúc đẩy tôi tôi có những trải nghiệm tình dục với ông.”

Giáo hội đã có những biện pháp nào?

Về trường hợp tấn công đầu tiên năm 2015, nạn nhân đã báo cáo sự việc với Dòng Tên năm 2018. Sau đó Dòng có các biện pháp trừng phạt kỷ luật đầu tiên như cấm giải tội và đồng hành thiêng liêng với phụ nữ. Hai năm sau đó, năm 2020 ông bị cách chức giám đốc Trung tâm Aletti.

Tháng 7 năm 2019, bộ Tín Lý có thẩm quyền tư pháp độc quyền với các vụ nghiêm trọng này đã yêu cầu Dòng Tên tiến hành tố tụng hình sự với linh mục Rupnik trong việc linh mục xóa tội cho kẻ quan hệ tình dục với mình. Trong giáo luật, việc kẻ lạm dụng tha tội cho “đồng lõa” (trong trường hợp này là nạn nhân) trong bí tích hòa giải sẽ tự động bị vạ tuyệt thông. Tháng 1 năm 2020, các thẩm phán của bộ Tín Lý, tất cả đều ở ngoài Dòng Tên nhất trí cho rằng thực sự đã có sự tha tội cho một “đồng phạm”.

Vài tháng sau, tháng 5 năm 2020 bộ Tín Lý tuyên bố việc tha tội cho một kẻ đồng lõa đã thực sự diễn ra và Marko Rupnik ở trong tình trạng vạ tuyệt thông. Việc xử phạt này không được công khai. Và đã được dỡ bỏ bởi một sắc lệnh của bộ Tín Lý vào cuối tháng đó. Vẫn theo giáo luật, vạ tuyệt thông có thể được dỡ bỏ, nhưng “người bị vạ phải nhận tội và chính thức ăn năn, điều này Marko Rupnik đã làm”, linh mục bề trên tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa đã giải thích trong một họp báo ở Rôma ngày 14 tháng 12. Tháng 4 năm 2021, Dòng Tên nhận một báo cáo liên quan đến những hành vi không phù hợp và lạm dụng thiêng liêng với một phụ nữ thứ hai thân cận với Marko Rupnik. Tháng 7 năm 2021, giám mục Daniele Libanori, giám mục phụ tá của giáo phận Rôma có chuyến kinh lý tông tòa đến cộng đồng Slovenia ở Ljubljana… giám mục thu thập những lời khai rùng rợn của một số nữ tu cho biết đã bị linh mục Rupnik tấn công tình dục, đặc biệt trong bối cảnh xưng tội, vì thế dẫn đến vụ Rupnik “thứ hai”. Theo yêu cầu của bộ Tín Lý, Dòng Tên tiến hành một cuộc điều tra và gởi kết quả về cho họ. Nhưng các sự việc đã hết thời hiệu. Dòng Tên cố gắng dỡ bỏ thời hiệu nhưng không thành công. Tháng 10 năm 2022, bộ Tín Lý đóng hồ sơ các nữ tu Slovenia về mặt hình sự mà không đưa ra một bình luận nào, ngăn cản việc mở một phiên tòa giáo luật.

Về phần các tu sĩ Dòng Tên, họ áp dụng các biện pháp kỷ luật, các biện pháp này chỉ được công khai khi báo chí Ý nhắc lại vào đầu tháng 12. Bây giờ cha Rupnik không còn có thể giải tội, không đồng hành thiêng liêng, không giảng tĩnh tâm hoặc linh thao và phải xin phép bề trên Dòng Tên địa phương nếu muốn phát biểu trước công chúng hoặc trong một hội thảo… Các hình phạt bị cho là nhẹ so với các hành vi đã làm, đặc biệt linh mục Marko Rupnik đã không tôn trọng, không được công bố công khai và ông vẫn có kế hoạch giảng tĩnh tâm hoặc giảng trên Internet. Linh mục Sosa nhấn mạnh trong cuộc họp báo: “Việc duy trì các biện pháp hạn chế mục vụ của cha Rupnik là một phần trong quá trình phức tạp mà chúng tôi biết là cần có thời gian và không có quy định thời hiệu trước. Đó là một phần của quá trình học hỏi, vì chúng tôi cố gắng không phạm sai lầm.”

Cuối cùng ngày 18 tháng 12, Dòng Tên đưa ra lời kêu gọi các nạn nhân tiềm năng khác của Marko Rupnik ra làm chứng, linh mục Johan Verschueren, đại diện bề trên tổng quyền cho các nhà quốc tế ở Rôma nhấn mạnh: “Dòng Tên, như yêu cầu của Tổng Hội lần thứ 36, muốn tạo ra một văn hóa bảo vệ, và chúng tôi cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thực hiện chức vụ của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng loại trừ khả năng cho bất kỳ ai có nguy cơ bị tổn thương khi thực hiện một trong các hoạt động tông đồ của chúng tôi.” Theo các đồng nghiệp của chúng tôi ở báo La Croix, sau lời kêu gọi này Dòng Tên đã nhận được khoảng mười lời chứng.

Ai biết?

Trong một thông cáo báo chí công bố ngày 23 tháng 12, hồng y đại diện giáo phận Rôma Angelo De Donatis cho biết ngài phát hiện các cáo buộc chống linh mục Rupnik cùng lúc với công chúng, ngài công nhận: “Giáo phận Rôma không biết các sự việc trước khi vụ này bùng nổ ra”, ngài đảm bảo hỗ trợ để tìm một giải pháp tích cực. Theo ngài, các sự việc của linh mục Rupnik – đã được Giáo triều Dòng Tên và các giám mục Slovenia công nhận – là “những lời buộc tội ở cấp độ truyền thông”.

Theo bà Anna, Giáo hội và Dòng Tên đã biết sự thật từ năm 1994, “khi cá nhân tôi xin tổng giám mục giáo phận Ljubljana ra khỏi dòng, tôi đã tố cáo các hành vi lạm dụng của cha Rupnik”. Tổng giám mục đã trả lời cho bà, Dòng Tên đã trừng phạt nghiêm khắc kẻ lạm dụng bà, bà giải thích: “Điều này không đáng tin vì công việc của Trung tâm Aletti ở Rôma đang được củng cố trong những năm này.”

Theo lời chứng của bà, cha Marko Rupnik đã bị trục xuất khỏi Cộng đồng Loyola ở Ljubljana và sau đó ông về Rôma… được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Aletti. Cựu nữ tu khẳng định một nữ tu khác, không phải là nạn nhân nhưng được thông báo về các sự việc, đã cho biết năm 1998 những hành vi gây hấn của Marko Rupnik với Francisco J. Egaña, lúc đó là đại biểu cho các nhà quốc tế của Dòng Tên ở Rôma, bà Anna tố cáo trong cuộc phỏng vấn với báo Domani: “Họ lắng nghe bà nhưng không làm gì. Cha Rupnik được mọi người bảo vệ.”

Nhưng theo trình tự thời gian các sự kiện được các tu sĩ Dòng Tên công khai, dòng không áp dụng bất kỳ hình phạt nào liên quan trực tiếp đến “vụ Rupnik thứ hai” trước chuyến kinh lý tông tòa đến Cộng đồng Loyola năm… 2021. Trong chuyến đi này của giám mục Daniele Libanori, bà Anna nói bà không có tin tức gì về tiến trình của thủ tục. Sau đó, bà viết một bức thư ngỏ gởi cho bề trên tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa, các hồng y, giám mục khác và các thành viên của Trung tâm Aletti.

Sự việc trở nên bối rối hơn, tháng 3 năm 2020, cha Marko Rupnik được giáo hoàng mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay tại Vatican cho Giáo triều và giáo hoàng có tham dự… hai tháng sau khi các thẩm phán của bộ Tín Lý kết tội nặng nhất trong việc tha tội cho một “đồng phạm”, và hai tháng trước khi bị vạ tuyệt thông.

Trách nhiệm của Đức Phanxicô là gì?

Trong cuộc họp báo của linh mục Arturo Sosa, các nhà báo đã nhanh chóng đề cập đến vai trò của Đức Phanxicô, giáo hoàng Dòng Tên khá thân thiết với Marko Rupnik trong vụ này. Linh mục Sosa bảo vệ: “Các kênh không trực tiếp ở điểm này”, ngài khẳng định “có thể tưởng tượng” hồng y Dòng Tên Luis Ladaria, bộ trưởng bộ Tín Lý đã thông báo cho Đức Phanxicô.

Giáo hoàng có liên quan đến việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông liên quan đến linh mục Rupnik không? Ngày 23 tháng 12 ban biên tập của trang web Il Sismografo đã đăng một bài nói lên trách nhiệm của Đức Phanxicô: “Trong vụ Rupnik, một phần trách nhiệm đáng kể và rất tế nhị liên quan trực tiếp đến giáo hoàng, người cho đến nay vẫn chưa làm sáng tỏ câu hỏi về việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông do bộ Tín Lý phê chuẩn.”

Theo các phương tiện truyền thông Ý, sau cuộc điều tra của bộ Tín Lý, thậm chí hồng y Luis Ladaria còn yêu cầu cha  Marko Rupnik phải bị ra khỏi hàng linh mục, giáng xuống thành giáo dân. Trang Il Sismografo viết: “Chính Đức Phanxicô đã bỏ hình phạt cực nặng này (dứt phép thông công) đối với một trong những tội nghiêm trọng nhất. Như chúng ta biết, giáo hoàng là thẩm quyền duy nhất trong quyết định này.” Điều này không hoàn toàn đúng, vì bộ Tín Lý có thể dỡ bỏ vạ tuyệt thông trong trường hợp ăn năn. Vì thế ở đây có thể có chỗ cho nghi ngờ. Các nghi ngờ đè nặng trên giáo hoàng, bà Lucetta Scaraffia, sử gia người Ý, chuyên gia về Vatican viết trên nhật báo La Stampa: “Nhiều tiếng nói, ngay cả các tu sĩ Dòng Tên nhấn mạnh chỉ có thẩm quyền của giáo hoàng mới có thể giải thoát linh mục khỏi sự kết án này.” Trang Il Sismografo tiết lộ, trong số những điều khác, “Rupnik đứng đầu một đế chế kinh tế”. Được Giáo hội trả theo giá của những nhà sáng tạo quốc tế, ông được trả 1,7 triệu âu kim cho việc trang trí một nhà nguyện ở Rôma.

Tại sao trường hợp này là điển hình?

Liên quan đến chiến lược mà Marko Rupnik dùng để tấn công các nạn nhân, vụ việc này minh họa hiện tượng khống chế và lạm dụng tâm lý-thiêng liêng trong hàng ngũ giáo sĩ. Nếu vấn đề tấn công tình dục trẻ vị thành niên bây giờ đã được nói lên thì vấn đề tấn công tình dục người lớn vẫn là một điểm mù trong suy nghĩ toàn cầu của Giáo hội về cuộc chiến chống lại bạo lực tình dục. Chỉ cần nhìn vào giáo luật, trong đó một nạn nhân bị cho là “đồng phạm” của kẻ tấn công họ.

Xuyên qua vụ này, bà Lucetta Scaraffia mô tả trên tờ La Stampa: “Vụ Rupnik cho thấy một cách tàn nhẫn đến độ nào các cấp bậc trong giáo hội khó hiểu được vấn đề lạm dụng tình dục trên các nữ tu. (…) Đối với thể chế giáo hội, việc lạm dụng tình dục phụ nữ trưởng thành, trong trường hợp ở đây là các nữ tu, không tồn tại: trên thực tế, những trường hợp này được xếp vào hạng mục, đó là vi phạm tình dục giữa hai bên, trên hết là vì, theo một quan niệm phi lý về lạc thú tình dục vẫn còn hiệu lực trong hệ thống cấp bậc công giáo, người ta luôn cho rằng các nạn nhân bị lạm dụng cũng cảm thấy khoái cảm, và do đó trở thành đồng phạm vi phạm điều răn thứ sáu.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Vụ Marko Rupnik, một tu sĩ Dòng Tên làm cả Dòng can dự theo

Đức Phanxicô tố cáo các lạm dụng tâm lý trong vụ của các tu sĩ Dòng Tên làm rung chuyển Giáo hội