Bênêđictô XVI, giáo hoàng của những nghịch lý
la-croix.com, Jérôme Chapuis, Giám đốc biên tập, 2022-12-31
Sẽ là không công bằng với Đức Bênêđictô khi chỉ giữ lại quyết định từ nhiệm đã làm cho ngài đi vào lịch sử. Vì với Giáo hội công giáo, Đức Bênêđictô sẽ không bao giờ chỉ thu gọn trong quyết định từ nhiệm này, suy nghĩ chín muồi trong đơn độc, được công bố trước sự ngạc nhiên của mọi người một buổi sáng tháng hai gần mười năm trước. Sự ngạc nhiên ngày hôm đó phần lớn là do tính chất gần như chưa từng có của sự kiện cũng như đó là một nghịch lý rõ ràng: không ai mong chờ một người bị cho là bảo thủ lại có một hành vi hiện đại như vậy.
Ngoài ra, trong nhiều khía cạnh, Bênêđictô XVI là giáo hoàng của những nghịch lý. Người trung thành với Công đồng Vatican II, người sẽ bảo vệ di sản của truyền thống. Người của ảnh hưởng, người không bao giờ đi tìm quyền lực chỉ vì quyền lực. Nhà thần học vĩ đại, nhưng ít đối diện với thời kỳ khó khăn mà ngài bị ném vào. Sự sáng suốt ngài với các vụ tai tiếng – ấu dâm và tham nhũng – rất tiếc đã không ngăn chận các chuyện này tiếp diễn.
Việc từ nhiệm của ngài đặt chính quyền Giáo hội vào một tình thế mới: “có hai giáo hoàng”. Phanxicô, Bênêđictô XVI: hai giáo hoàng, hai nhân vật, tôn trọng nhau, cùng quan tâm chung cho sự hiệp nhất Giáo hội. Những trò chơi chính trị không thể tránh đã có thể thúc đẩy một số người, theo từng giai đoạn, khai thác những lời của giáo hoàng danh dự để chống người kế nhiệm ngài.
Loại ăn bám này không ở tầm cao vừa cả con người vừa cả công trình của ngài: Đức Bênêđictô XVI, đàng sau là Joseph Ratzinger không bao giờ thực sự bị che mờ, đã tạo ấn tượng với những người đối thoại ngài bằng sức mạnh trí tuệ cũng như bằng đức tính lắng nghe và khiêm tốn của ngài. Sẽ là một sự sỉ nhục nếu giữ hình ảnh biếm họa về một “hồng y xe tăng” (panzerkardinal) bị lạc lối nhầm thế kỷ. Trả lời câu hỏi của nhà văn viết tiểu sử của ngài, ông hỏi liệu ngài xem mình là người đại diện cuối cùng của một kỷ nguyên cũ hay là người đầu tiên của một kỷ nguyên mới, ngài trả lời: “Đúng hơn là tôi ở giữa các thời.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch