Lời giới thiệu sách Công giáo trong tự do

71

Lời giới thiệu sách Công giáo trong tự do

Trích sách Công giáo trong tự do, René Poujol

Nếu có người công giáo nào vì mù quáng hoặc vì chối bỏ, lười biếng hoặc sợ hãi, vẫn chưa lường hết được cú sốc lớn mà Giáo hội của họ đang trải qua, thì họ nên đọc tác giả René Poujol. Họ sẽ không thể phiền trách ông về sự ác độc mà họ thường buộc tội cho các nhà báo khi những người này đáng được cám ơn vì đã buộc Giáo hội phải về với Tin Mừng mà Giáo hội rao giảng. Thậm chí họ sẽ tự nói, hẳn tác giả René Poujol phải yêu Giáo hội của mình lắm mới cống hiến toàn bộ cuộc đời nghề nghiệp và tất cả dấn thân của mình cho Giáo hội, và còn hơn thế, để không tuyệt vọng khi Giáo hội ở cực điểm của cuộc khủng hoảng chưa từng có mà tác giả đề cập ở đây. Quyển sách của ông là thành quả của nhiều thập kỷ quan sát từ một nơi đặc quyền là báo chí công giáo, trong đó ông là nhân vật nổi tiếng, nói và viết “trong tư cách tín hữu kitô” trước khi là một blogger tự do trên Internet, can thiệp “với tư cách là tín hữu kitô”, theo các sự kiện và theo xác tín cá nhân của ông. Nhưng người viết blog vào năm 2009 không hề nghĩ rằng họ sẽ đối diện với làn sóng các vụ tai tiếng và những vụ việc làm rung chuyển toàn bộ tổ chức Giáo hội. Đây thực sự là một vụ nổ mà đột nhiên đám cháy khủng khiếp từ mái Nhà thờ Đức Bà là một ẩn dụ bi thảm đã làm nảy sinh, nếu chúng ta dám nói như vậy, ở tác giả René Poujol, khát vọng khơi dậy trong Giáo hội “ngọn lửa nhiệt thành của Tin Mừng” và ý muốn thôi thúc anh chị em kitô hữu cũng như anh em “giáo dân” của ông đóng góp, với những gì tốt nhất trong truyền thống của họ, trong một đối thoại mang tính đòi hỏi cao để bảo vệ nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng ngày nay.

Khác với nhiều người khác, ông không là khán giả thờ ơ để cuối cùng say sưa trước sự hoang vắng của cảnh tiêu điều bị tàn phá, René Poujol là nhà quan sát bắt rễ sâu trong lòng đất Giáo hội, say mê dấn thân vào đời sống Giáo hội, với lòng khiêm tốn và nghị lực của một người lính có đức tin. Nếu trong van xin của ông, ông xin Giáo hội đừng lên mặt dạy đời thế giới và Nhà nước đừng phân biệt điều thiện và điều ác, nhưng theo nguyên tắc nói những gì được phép và những gì bị cấm, điều này không phải là đảo ngược vai trò và đóng vai người kiểm duyệt đứng trên bệ quan sát của mình. Ông cũng không muốn mình là máy dò địa chấn, thờ ơ trước những cơn địa chấn kinh hoàng lay động đến tận đáy đức tin và làm cho ông phải hứng chịu những cú đánh từ mọi phía. Qua các bài viết theo thời gian về những vụ bê bối đã tích tụ trong mười năm qua, quyển sách của ông kể lại nỗi đau của một tín hữu kitô, kinh ngạc khi thấy Giáo hội của Chúa Kitô đồi trụy theo những người nắm quyền quản lý nó. Và ông làm chứng cho một nỗi đau khác, đó là nỗi đau “còn hơn là lý lẽ, rằng chúng ta đã không thể truyền đức tin cho các thế hệ trẻ”. Vì thế nỗi đau nhân đôi, đó là cảm giác bị thể chế phản bội, một thể chế mà chúng ta đã trung thành phục vụ và nghịch lý thay là có cảm giác bị kết tội vì sự sụp đổ của nó.

Nghịch lý kỳ lạ này tiếp tục gây bạo lực cho những người như tác giả René Poujol, thuộc thế hệ người công giáo “công đồng”, như họ được gọi, đã tìm thấy hy vọng được giải quyết vấn đề trong sự chỉ định can đảm và thẳng thắn của Đức Phanxicô về nguyên nhân đã thực sự tạo băng hoại trong Giáo hội: chủ nghĩa giáo quyền và ba thế lực phụ trợ cho nó: chủ nghĩa trung tâm, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa luân lý. Một chẩn đoán mà tác giả René Poujol không gặp khó khăn trong việc minh họa vì ông chỉ cần xem lại các chuỗi thảm họa đánh dấu sự kết thúc triều giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, những vụ bê bối liên quan đến tội phạm ấu dâm và các lệch lạc bè phái, đó là chưa tính đến tiết lộ không thể chịu được của bộ phim tài liệu Arte và quyển sách Sodoma.

Tác giả không phải không biết, chẩn đoán không đủ để vượt qua những kháng cự mà một phần của hệ thống phân cấp phản đối những cải cách cần thiết, những nỗi sợ được nói lên trong sự co mình vào bản sắc và sự tấn công phản-văn hóa, những mâu thuẫn tự thể hiện “giữa cách gọi của Đức Phanxicô để đấu tranh chống lại chủ nghĩa giáo quyền và sự trỗi dậy của tân chủ nghĩa giáo quyền trong hàng ngũ linh mục trẻ”. Cũng lo lắng như thế, hy vọng của tác giả René Poujol là kiên trì. Với chủ nghĩa giáo điều về sự ngu ngốc và sự quái dị của “những kẻ cuồng tín phụng vụ đăng-ten”, tác giả muốn tiếp tục chống lại “cảm thức đức tin” mà mọi người đã được rửa tội đều được ban tặng do chính sự thuộc về Chúa Kitô và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong họ. Như Ủy ban Thần học Quốc tế đã chính thức công bố, “do cảm thức đức tin, các tín hữu cá nhân có thể từ chối sự dạy dỗ của các mục tử hợp pháp của họ nếu họ không nhận ra trong sự giảng dạy này tiếng nói của Chúa Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành”. Bất chấp sự kiểm soát lạm dụng mà huấn quyền luôn cố gắng thực hiện trên cảm thức đức tin của những người rửa tội, chính vì những kẻ “dị giáo” của mình, để cái cách, Giáo hội phải dựa vào trí chỉ trích thông minh của phụ nữ cho đến nay họ vẫn ở xa những nơi ra quyết định, cũng như Giáo hội luôn cần đến “sự lệch lạc sáng tạo” của các thánh, như lịch sử lâu dài của Giáo hội cho thấy.

Điều này nói lên, René Poujol, đúng ra, không muốn tự bằng lòng với câu trả lời ngoan đạo mà các đại diện của thể chế thường uốn lại cho thẳng khi nói: “Giáo hội ít cần cải cách hơn là cần thánh thiện.” Nếu điều đó là đúng như Đức Phanxicô đã viết trong Thư gởi Dân Chúa tháng 8 năm 2018, thì những vụ bê bối không phải là: Toàn bộ những sai sót của cá nhân, nhưng là kết quả của sự “rối loạn chức năng của thể chế”, như thế không đủ để kêu gọi sự thánh thiện của cá nhân. Đây cũng là một cải cách cơ cấu trong việc quản trị mà Giáo hội cần phải đối diện với điều mà chính Giáo hội chỉ định như “một cơ cấu tội lỗi”. Nhân danh quyền tự do của con cái Chúa, tác giả René Poujol đề cập đến tất cả những chủ đề gây giận dữ như người ta nói, và làm cho người công giáo nổi giận với nhau, cho dù đó là việc thực thi quyền lực trong Giáo hội, về tương lai của các cộng đồng kitô giáo, về quan niệm chức tư tế, về bậc sống độc thân của linh mục, về khả năng phong chức cho các ông đã lập gia đình, hoặc về tất cả các vấn đề nhân chủng học và đạo đức học được đặt ra bởi luật Taubira và dự luật về việc mở rộng quyền PMA cho tất cả phụ nữ. Có quá nhiều vấn đề mà qua đó Giáo hội  không thể trốn tránh nhưng phải học cách im lặng, vì ngày nay Giáo hội trong tư cách là “chuyên gia về nhân loại” đã bị mất uy tín và không còn có thể nghe được. Trong trường hợp này, im lặng có nghĩa là dành thời gian để lắng nghe những gì các truyền thống triết học và tôn giáo khác nói với mình, để xem lại chính các nguồn cội của mình và để định hình lại nội dung của mình. Nếu tác giả René Poujol lên tiếng thì đó là để “chia sẻ với độc giả có trách nhiệm các suy nghĩ của ông” và trong đó quyển sách “Công giáo trong tự do” đồng nhất với công dân tự do. Làm thế nào có thể khác đi được khi đối thoại giữa các tôn giáo được chứng minh là có lợi ích chung qua việc phục vụ cuộc sống chung?

Làm thế nào có thể khác đi được khi đối diện với thách thức sinh thái – và bên cạnh đó là thách thức di cư – mà toàn nhân loại phải đương đầu nếu muốn bảo vệ “ngôi nhà chung” của mình, như thông điệp Laudato si yêu cầu?

Về tất cả những vấn đề này, vừa phức tạp cũng như mang tính quyết định, thì có rất nhiều sách. Nhưng điều làm cho tác phẩm của tác giả René Poujol trở nên độc đáo là nó không phải tác phẩm của một nhà xã hội học, cũng không phải triết gia, thần học, chính trị gia, cũng không phải của một người tự cho mình là tiên tri, cũng không phải của một người không tưởng, nhưng là tác phẩm của một nhà báo kitô giáo. Những con gấu đã khắc sâu nơi ông cốt truyện của quyển tiểu thuyết mà ông chưa bao giờ viết nhưng đã biến cuộc đời ông thành quyển tiểu thuyết “liên thế hệ.” Trong dự án biên tập này, đây là vấn đề của “người con” không chấp nhận khoác lên mình di sản đạo đức của người cha đã khuất như bị thúc đẩy phải nhận, nhưng “dưới lợi ích của một kiểm kê”, chống lại người bạn thân nhất của ông, người trở thành đối thủ tệ hại nhất của ông cho rằng, một di sản thì chỉ có thể nhận nguyên trạng, không bàn thảo trong sự trung thành trọn vẹn với “Giáo hội đời đời”. Có thể hiểu được, trong dụ ngôn mang trực giác sâu sắc về những gì sẽ là vận mệnh của thế hệ Công đồng Vatican II sẽ cho thấy, cho đến tận sự xâu xé giữa đà nhiệt tình và sự bất động, giữa hăng hái và thất vọng, giữa đổi mới và phục hồi. Những lời thú nhận kín đáo của ông, điều đã cứu tác giả René Poujol khỏi bị bỏ rơi và lang thang, không làm cho ông thành người không chịu cải cách của thời hiện đại, điều đã giữ ông luôn hy vọng cho một hòa giải không thể tránh khỏi giữa hai người con trai trong dụ ngôn của ông – đó là trung thành với đứa bé của Saint-Affrique mà khi sinh ra và – dùng cách mô tả của nhà văn Charles Péguy đã áp dụng cho chính mình – với “đứa con trai lớn nửa nổi loạn” mà nhờ ân sủng của Công đồng đã hiểu truyền thống kitô giáo xứng đáng được hoàn toàn trung thành, là truyền thống về sự mới mẻ vĩnh cửu của Chúa Kitô. Đây là lý do vì sao chúng ta có quyền hy vọng nơi những người công giáo trẻ tuổi, được thoát khỏi mọi thành kiến, không biết gì về cốt truyện của quyển “tiểu thuyết” của tác giả, sẽ thốt lên sau khi đọc: “Xin ngã mũ chào nhà báo!”

Robert Scholtus

Linh mục Robert Scholtus, nhà thần học, nhà văn, linh mục giáo phận  Metz, cha xứ giáo xứ Saint-Maximin ở Metz. Cha là bề trên chủng viện Cát Minh ở viện Công giáo ở Paris. Là thành viên của Cơ quan quan sát Đức tin và Văn hóa của Hội đồng Giám mục Pháp. Tác giả của nhiều quyển sách.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đọc để tin. Suy nghĩ tự do về Giáo hội