Sự thanh thản hoàn hảo làm con người thành vô nhân, Đức Phanxicô cảnh báo

104

“Sự thanh thản hoàn hảo làm con người thành vô nhân”, Đức Phanxicô cảnh báo

Đức Phanxicô tiếp tục chương trình giáo lý hàng tuần, tuần này ngài đề cập đến “sầu khổ”: “Đời sống thiêng liêng không phải là một chương trình để được khỏe mạnh nội tâm, nhưng nó còn chứa một nỗi buồn lành mạnh và không nên trốn tránh nó.”

famillechretienne.fr, 2022-11-16

Hình ảnh buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 16 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô

Sau thời gian nghỉ để chuẩn bị chuyến đi Bahrain thứ tư tuần trước, Đức Phanxicô về lại với các buổi tiếp kiến chung hàng tuần, tiếp tục loạt bài giáo lý về phân định, hôm nay ngài nói đến chủ đề đặc biệt trong linh đạo của Thánh I-Nhã: sầu khổ, ngài nêu lên những lợi ích của tâm trạng sầu khổ: “Nếu không có một chút bất mãn, không có khả năng lành mạnh để sống trong cô đơn, để ở với chính mình mà không trốn chạy, chúng ta có nguy cơ sống hời hợt, chỉ ở bề mặt của mọi chuyện.”

Ngài xem những giây phút của “bóng tối” là giây phút bảo vệ chống lại những “cơn gió chướng”. Ngài cảnh báo, một sự thanh thản hoàn hảo, vô trùng, không tình cảm thì giống như đời sống trong phòng thí nghiệm đóng kín, làm con người trở nên vô nhân, dửng dưng với đau khổ của người khác và không có khả năng chấp nhận đau khổ của mình.

Theo ngài, những quyết định quan trọng đều có cái giá của nó. Ngài đi ra bài đã soạn sẵn: “Những quyết định này không nhờ xổ số nhưng nhờ một chút cố gắng, không tự dưng mà có, nhưng chúng ta phải trả giá cho quyết định để ra khỏi trạng thái thờ ơ.”

Ngài giải thích: “Sầu khổ là câu trả lời cho sự bác bỏ, cho rằng kinh nghiệm về Chúa chỉ là một loại gợi ý, một dự phóng đơn giản cho những ước muốn của chúng ta. Nếu như vậy thì chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và hài lòng, giống như đĩa hát quay lui quay tới một bài. Vì thế trong trường hợp chúng ta nản lòng, chúng ta hãy làm ngược lại với tiếng nói của kẻ cám dỗ nhằm làm chúng ta quay lưng với cầu nguyện.”

“Chúa có khỏe không?”

Ngài nói tiếp, sầu khổ cũng là lời mời gọi chúng ta “đừng hành động chỉ để làm vừa lòng cảm xúc, nhưng bắt đầu một quan hệ trưởng thành hơn, đẹp đẽ hơn với Chúa, với người thân yêu chúng ta”.

Ngài mời gọi chúng ta thoát khỏi thái độ của đứa trẻ đi tìm cha mẹ, không phải vì mình, nhưng vì lợi ích, và phải tìm kiếm một quan hệ không đơn thuần cho và nhận. Ngài lưu ý, trong Tin Mừng, đám đông luôn vây quanh Chúa Giêsu nhưng Ngài ở một mình vì đám đông họ đang tìm ngài “để có một cái gì đó”. Thay vì cầu nguyện chỉ tập trung vào lợi ích riêng của mình, ngài xin giáo dân hỏi Chúa, “Chúa có khỏe không?” Và học cách “ở với Ngài mà không đòi hỏi

gì khác, giống như khi chúng ta ở với người thân yêu: chúng ta càng ở gần càng muốn biết thêm về họ vì ở gần họ thì thật là tốt”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Để phân định, Đức Phanxicô xin chúng ta chú ý đến những “điều bất ngờ”