“Thánh giáo hoàng Celestin V: không có lô-gích quyền lực nào có thể giam hãm ngài”

162

“Thánh giáo hoàng Celestin V: không có lô-gích quyền lực nào có thể giam hãm ngài”

“Không có lô-gích quyền lực nào có thể giam hãm ngài”:  lời ca ngợi mạnh mẽ của Đức Phanxicô dành cho Thánh giáo hoàng đã từ chức vào thời Trung cổ

Tại thành phố Aquila, Đức Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh giáo hoàng Celestin V, người đã từ chức năm 1294 và được Đức Phanxicô cho là người của “nói vâng”; lời kêu gọi mạnh mẽ về đức khiêm tốn trước cuộc gặp thượng đỉnh với các hồng y từ khắp nơi trên thế giới về họp.

lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2022-08-28

Sau lễ phong 20 tân hồng y vào Hồng y đoàn chiều thứ bảy 27 tháng 8, ngày chúa nhật Đức Phanxicô hành hương đến thành phố Aquila, thủ phủ của Abruzzo, nơi bị một trận động đất khủng khiếp tàn phá năm 2009. Tại đây ngài đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ cho lòng khiêm tốn và lòng thương xót, xa các đồn đoán bất cứ gì liên quan đến việc ngài từ nhiệm như Thánh giáo hoàng Celestin đã làm năm 1294.

Trong bài giảng ở bàn thờ đặt phía trước vương cung thánh đường Collemaggio xinh đẹp và cổ kính, nơi có mộ Thánh giáo hoàng thời Trung cổ Celestin V, ngài nói: “Đã quá nhiều lần chúng ta nghĩ chúng ta xứng với vị trí của mình trên thế giới này. Giá trị của con người không phải ở vị trí mình nắm giữ, nhưng ở tự do mình có thể có và điều đó được thể hiện đầy đủ khi chúng ta ở vị trí cuối cùng, hoặc khi chúng ta có vị trí trên Thập giá của Chúa.”

Ngài khóc khi nói: “Người tín hữu kitô biết cuộc sống của mình không chạy đua theo cách thế gian, nhưng chạy đua theo cách của Chúa Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Cho đến khi nào chúng ta hiểu được Tin Mừng trong tinh thần tự do này, chúng ta sẽ thấy chiến tranh, bạo lực và bất công không gì khác hơn là triệu chứng bên ngoài của sự thiếu tự do bên trong.” Ngài cảnh báo trong một thông điệp rất rõ ràng cho thế giới mà cũng cho các tân hồng y: “Ở đâu không có tự do nội tâm, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích, phẫn nộ, tất cả những đau khổ này sẽ bùng lên. Và đau khổ sẽ kiểm soát.

Một công nghị ngoại thường mà nhiều người xem như một buổi tập thử cho mật nghị sắp tới bầu người kế vị ngài, 197 hồng y từ khắp về Rôma để dự cuộc họp ngày mai và ngày trong về cuộc cải tổ Giáo triều gần đây, trong dịp này nhiều hồng y cử tri sẽ bắt đầu tìm hiểu nhau.

Với những khó khăn do đầu gối bị đau, ngài phải ngồi xe lăn, thỉnh thoảng mới đứng dậy được nhờ chống gậy, sáng chúa nhật Đức Phanxicô đi trực thăng đến Aquila, thành phố cách Rôma 100 cây số, trong chuyến đi được mong chờ từ lâu đến Abruzzo, thành phố bị động đất nặng năm 2009. Việc đầu tiên là ngài đội mũ bảo hiểm vào thăm nhà thờ đang được xây dựng lại. Sau đó, ngài chào và thăm hỏi an ủi thân nhân của 309 nạn nhân thảm kịch. Ngài là giáo hoàng đầu tiên mở Cửa Thánh của vương cung thánh đường Collemaggio 728 năm sau sắc chỉ Thánh giáo hoàng Celestin V thiết lập Năm Thánh Tha thứ.

Trong thánh lễ cử hành ngoài trời trước đền thờ, Đức Phanxicô nhắc lại giáo hoàng của thời Trung cổ này ngoài việc mơ được ân xá cho tất cả, ngài còn bị đàm tiếu vì chỉ ở chức vị giáo hoàng năm tháng. Và điều này đã làm nổi bật sự dũng cảm của ngài.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta thường có hình ảnh sai lầm ngài là ‘người đã tạo vụ từ nhiệm lớn lao’ như triết gia Dante viết trong Thần Khúc, Divine Comedy. Nhưng chính ra ngài không phải là người nói ‘không’, ngài là người nói ‘vâng’”. Đức Phanxicô giải thích: “Trên thực tế, không có cách nào khác để thực hiện ý Chúa hơn là thực hiện với sức mạnh của những người khiêm tốn. Chính xác vì họ là như vậy nên dưới mắt mọi người, họ là kẻ yếu đuối và thua cuộc, nhưng thực tế họ mới là người chiến thắng thực sự, bởi vì họ là những người duy nhất hoàn toàn tin cậy vào Chúa và biết ý Chúa.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sức mạnh của người khiêm tốn là nơi Chúa, chứ không phải nơi chiến lược, phương tiện, tính toán của con người, lô-gích của thế gian này. Theo nghĩa này, Thánh Celestin V là nhân chứng dũng cảm cho Tin Mừng vì không có lô-gích nào của quyền lực có thể giam hãm và quản lý ngài. Nơi ngài, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo hội thoát khỏi lô-gích thế gian và thấy một nhân chứng cho danh Thiên Chúa là lòng thương xót. Đây là trọng tâm Tin Mừng vì lòng thương xót làm cho chúng ta biết chúng ta được yêu thương trong sự khốn cùng của mình.”

Như ngài đã làm từ đầu triều giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô đã hơn một lần nói, sẽ không có vấn đề gì nếu ngài cảm thấy mình không thể tiếp tục, như Đức Bênêđíctô XVI đã làm, ngài giải thích thế nào là lòng thương xót: “Lòng thương xót là trải nghiệm mình được đón nhận, được đứng trên đôi chân của mình, được nâng đỡ, được hồi phục. Ngài nêu rõ: “Được tha thứ là trải nghiệm ở đây và bây giờ, đó là điều đến gần nhất để phục sinh. Tha thứ là đi từ cái chết qua sự sống, từ trải nghiệm đau khổ và tội lỗi đến cảm giác tự do và vui vẻ. Và Thiên Chúa là Thiên Chúa của những khả thể.”

Sau đó, ngài đã có lời an ủi và khuyến khích người dân Aquila, nơi 13 năm sau trận vụ động đất vẫn đang còn đấu tranh để đứng dậy và xây dựng lại. Ngài nói với họ: “Anh chị em giữ được ơn của lòng thương xót vì anh chị em biết mất tất cả có ý nghĩa như thế nào, thấy những gì xây dựng đã bị đổ nát, để cảm thấy đau lòng khi người mình yêu thương vắng bóng. Anh chị em bảo vệ lòng thương xót vì anh chị em đã trải qua đau khổ.”

Những người đến nghe ngài hôm nay là các gia đình, các người trẻ, người lớn tuổi, người bệnh, nhân viên bảo vệ dân sự, tình nguyện viên – ban giám đốc lúc động đất  -, các nhà chức trách, các giáo chức, họ lắng nghe ngài trong im lặng vào một ngày nắng đẹp.

 

Thông điệp của bài giảng là cho mọi người: “Mỗi người trong đời không nhất thiết phải trải qua một trận động đất, ai cũng có thể trải qua một trận động đất tâm hồn để có thể nhìn thấy sự yếu đuối, những giới hạn, những đau khổ của chính mình. Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể mất tất cả, nhưng chúng ta cũng có thể học được thế nào là khiêm tốn thực sự.”

Trước khi về lại Rôma để nghỉ ngơi vì ngày mai và ngày kia ngài sẽ chủ trì một công nghị chưa được tổ chức kể từ năm 2014 với gần 200 hồng y từ khắp các châu lục, Đức Phanxicô đã cầu nguyện ở mộ Thánh Celestin trong thinh lặng. Thánh Celestin là giáo hoàng của từ nhiệm, năm 2009 Đức Bênêđíctô XVI cũng đã cầu nguyện ở đây, không ai biết trong tương lai ngài có bắt chước người tiền nhiệm của mình không.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô từ nhiệm vào năm 2024?