Các dân tộc bản địa: giám mục Canada ở chân tường

35

Các dân tộc bản địa: giám mục Canada ở chân tường

cath.ch, Bernard Hallet, 2022-07-31

Đức Phanxicô và các giám mục Canada trong giờ Kinh chiều ngày 28 tháng 7 tại Vương cung thánh đường Đức Bà Québec | © Vatican Media

Theo ông Ghislain Picard, người đứng đầu Hội đồng các Quốc gia Thứ nhất của Québec-Labrador, chuyến đi Canada của Đức Phanxicô đánh dấu “một bước quan trọng trên con đường hòa giải”, nhưng “chắc chắn chưa đạt kết quả”. Ông tuyên bố với báo chí sau khi giáo hoàng rời sân bay Québec để đi Iqaluit, chặng cuối chuyến tông du: “Chúng tôi hy vọng trong những tháng tới, Giáo hội công giáo sẽ có hành động cụ thể theo hướng này.”

Ông nói: “Bây giờ Hội đồng Giám mục công giáo Canada (CCCB) phải “thể hiện tinh thần lãnh đạo, cởi mở và minh bạch trong việc tiếp tục tiếp nối chuyến đi này của giáo hoàng.”

Ông đề cập đến “một số yêu cầu lâu nay vẫn chờ giải quyết” bao gồm việc trả lại các tài liệu lưu trữ để làm “sáng tỏ” lịch sử các trường nội trú Canada.

Học thuyết khám phá

Ông cũng mong muốn Hội đồng Giám mục làm việc để Vatican rút lại học thuyết khám phá, một yêu cầu được nhắc đến trong tuần này trước giáo hoàng. Tại Maskwacis, Alberta, trước mặt giáo hoàng, một người đã lớn tiếng hét đòi “rút lại học thuyết”, còn tại Québec, trong thánh lễ ở nhà thờ Sainte-Anne-de-Beaupré, một biểu ngữ có hàng chữ “Hủy bỏ học thuyết” đã được giăng lên.

Người bản địa mong Đức Phanxicô lên án “học thuyết” nền tảng của việc khai thác thuộc địa

Tháng 3 năm 2016, chưa đầy ba tháng sau khi phát hành báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải, Hội đồng Giám mục cùng với các tổ chức công giáo quốc gia khác khẳng định “không lưu gì trong Các Sách, truyền thống hoặc thần học của Giáo hội biện minh cho việc người châu Âu cưỡng đoạt vùng đất người bản địa đã sinh sống”.

“Chúng tôi bác bỏ ý tưởng cho rằng áp dụng cho những vùng đất đã có người bản địa sinh sống nguyên tắc về người hưởng lợi hoặc khám phá đầu tiên, ngày nay thường được nói đến trong các thành ngữ “học thuyết khám phá” và “terra nullius” (đất không có người). Học thuyết khám phá được đề cập đến trong ba sắc chỉ được các giáo hoàng Nicholas V và Alexander VI ban hành vào thế kỷ 15.

Mong chờ cao

Bà Mandy Gull-Masty, nhà lãnh đạo chính quyền Nation Cree tuyên bố: “Chúng tôi biết ơn các cố gắng của giáo hoàng, nhưng có một mong chờ rất cao với những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, bà cùng đi theo phái đoàn của Đức Phanxicô trong suốt thời gian ngài đến Canada và là người đã có mặt tại Rôma mùa xuân vừa qua khi Đức Phanxicô đưa ra lời xin lỗi đến các phái đoàn Quốc gia Thứ nhất, Inuit và Métis.

Bà nói thêm: “Những lời xin lỗi phải đi theo các hành động cụ thể để mở hồ sơ của Giáo hội và rút lại học thuyết khám phá, vì sự thật  sẽ hướng dẫn hành trình chữa lành của chúng tôi.”

Các kế hoạch hành động cho người bản địa

Ngày thứ bảy 30 tháng 7, trang Vatican News cho biết, các giám mục Canada cam kết nghiên cứu “một kế hoạch hành động cập nhật trong cuộc họp toàn quốc gia của Hội đồng Giám mục vào mùa thu này”. Họ hy vọng “các mối quan hệ sẽ được hình thành trong quá trình lập kế hoạch, đặc biệt là với các đối tác Bản địa ở cấp quốc gia và địa phương và sẽ được phát triển tốt đẹp sau  chuyến đi này”, đó là nền tảng cho công việc sắp tới.

Ngoài các yêu cầu của người dân bản địa về học thuyết khám phá, việc cung cấp tài liệu lưu trữ, tính minh bạch, kế hoạch hành động, bao gồm yêu cầu hỗ trợ để giải quyết vấn đề các hiện vật bản địa được ký gởi ở Bảo tàng Vatican. Theo trang News Canada, Bảo tàng Dân tộc học Anima Mundi của Vatican là nơi trưng bày hàng chục ngàn hiện vật và tác phẩm nghệ thuật do người bản địa trên khắp thế giới thực hiện, phần lớn trong số đó được các nhà truyền giáo công giáo gởi đến Rôma triển lãm năm 1925, sự kiện được làm tại các khu vườn Vatican.

Nhưng các nhóm bản địa Canada, những người đã được xem bộ sưu tập khi họ đến Vatican mùa xuân vừa qua để gặp Đức Phanxicô, họ tự hỏi không hiểu làm sao một số tác phẩm này lại có được ở đây. Bà Cassidy Caron, chủ tịch Hội đồng Quốc gia Métis, người dẫn đầu phái đoàn Métis đã xin Đức Phanxicô trả lại các tác phẩm này, bà nói: “Những tác phẩm này của chúng tôi và nên về lại nhà chúng tôi.”

Vatican News cho biết: “Trong cuộc họp toàn thể của Hội đồng năm 2021, các giám mục Canada cam kết thúc đẩy việc truy cập vào các tài liệu lưu trữ, để các giáo sĩ lưu ý đến các nền văn hóa và thiêng liêng của người bản địa. Ngoài ra phải tiếp tục đối thoại với các cộng đồng bản địa và cam kết với Vatican về các hành động cho người bản địa, dành 30 triệu đô la cho Quỹ Hòa giải Bản địa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Học thuyết khám phá: Một tuyên bố mới đang tiến hành