Bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên máy bay từ Canada về Rôma
Theo Đức Phanxicô, người bản địa là nạn nhân của một cuộc diệt chủng
vaticannews.va, 2022-07-30
Từ ngày chúa nhật 24 đến ngày thứ bảy 30 tháng 7, Đức Phanxicô có chuyến đi hành hương sám hối ở Canada, để xin lỗi các dân tộc bản địa tại vùng đất của họ về các việc làm không đúng của một số thành viên Giáo hội ở các thế kỷ qua. Trước hết ngài đến thành phố Edmonton phía tây Canada, sau đó là Québec, thành phố phía đông Canada và cuối cùng là Iqaluit, thành phố cực bắc Canada. Trên chuyến bay từ Iqaluit về Rôma, ngài có buổi họp báo, ngài nói đến vấn đề chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Ngài cho biết ngài chưa nghĩ đến việc từ nhiệm nhưng sẽ giảm công việc: “Chúng ta có thể thay đổi Giáo hoàng”. Ngài trả lời các câu hỏi về thượng hội đồng Đức, sự phát triển của giáo lý và tầm quan trọng của phụ nữ trong việc truyền dạy đức tin.
Trên máy bay từ Iqaluit về Rôma, trả lời câu hỏi của một nhà báo Canada, Đức Phanxicô nói về các chủ đề của chuyến đi vừa qua về chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Ngài cũng nói về vấn đề từ nhiệm, câu hỏi luôn bị các nhà báo hỏi, ngài giải thích hiện tại ngài chưa nghĩ đến việc từ chức dù không loại trừ khả năng.
Khi bắt đầu cuộc họp báo, ngài cám ơn các nhà báo đã đồng hành cùng: “Xin chào buổi tối và tôi xin cám ơn các bạn đã đồng hành cùng tôi, tôi biết các bạn đã tận tụy làm việc trong những ngày qua. Tôi xin cám ơn.”
Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh giới thiệu buổi họp báo.
Jessica Ka’Nhehsíio Deer (CBC Radio – Canada Indigenous): Là con của cha mẹ sống sót trong trường nội trú, tôi hiểu những người sống sót và gia đình của họ muốn thấy hành động thực sự trong lời xin lỗi của cha, kể cả việc kết thúc “Học thuyết Khám phá”. Nhận thấy điều này vẫn còn ghi trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Canada và Hoa Kỳ, nơi người dân bản địa tiếp tục bị tước đoạt đất đai của họ và không có quyền, đây không phải là một cơ hội bị bỏ lỡ để tuyên bố về điều đó trong chuyến đi của cha đến Canada không?
Đức Phanxicô: Tôi không hiểu phần thứ hai của câu hỏi. Cô có thể giải thích những gì cô nghe về học thuyết khám phá được không?
Jessica Ka’Nhehsiio Deer: Khi tôi nói chuyện với người bản địa, họ cho tôi biết khi người thực dân đến châu Mỹ, họ đề cập đến học thuyết khám phá này, củng cố ý tưởng cho rằng người bản xứ ở các quốc gia này kém hơn người công giáo. Đây là cách Canada và Hoa Kỳ trở thành những quốc gia…
Đức Phanxicô: Xin cám ơn vì câu hỏi. Tôi nghĩ đây là vấn đề của tất cả chủ nghĩa thực dân. Các cuộc đô hộ về mặt ý thức hệ ngày nay cũng theo cùng một khuôn mẫu. Người nào không đi theo con đường thì bị cho là thấp kém. Nhưng tôi muốn đi xa hơn về chủ đề này. Họ không những bị cho là thấp kém. Một nhà thần học hơi điên đã tự hỏi liệu không biết người bản địa có linh hồn hay không. Khi Đức Gioan-Phaolô II đến Châu Phi, ngài đến bến cảng mà ở đó các nô lệ bị bắt, ngài ra dấu hiệu để chúng ta hiểu được thảm kịch, thảm kịch tội phạm: những người này bị ném xuống thuyền, họ ở trong tình trạng thảm khốc, và sau đó họ làm nô lệ ở Mỹ.
Đúng là có những tiếng nói đã lên tiếng như tiếng nói của các ông Bartolomeo de las Casas, Pedro Claver, nhưng họ là thiểu số. Nhận thức về bình đẳng của con người đến chậm. Và tôi nói “ý thức”, bởi vì trong vô thức vẫn có một cái gì đó… Chúng ta luôn có, xin cho phép tôi nói điều này, giống như thái độ thực dân muốn đưa văn hóa của họ trở lại với chúng ta. Đó là điều đã đến với chúng ta qua lối sống phát triển đôi khi làm chúng ta đánh mất giá trị của người khác. Ví dụ, người dân bản địa có một giá trị tuyệt vời đó là sự hòa hợp với Sáng tạo, và một số người tôi biết, họ thể hiện điều này bằng cách nói về “sống tốt”. Điều này không có nghĩa là, theo nghĩa mà người phương Tây chúng ta hiểu, là sống tốt hay sống đời sống nhẹ nhàng – la dolce vita. Sống tốt là trân trọng sự hòa hợp, và theo tôi, đây là giá trị tuyệt vời của các dân tộc nguyên thủy. Hòa hợp. Chúng ta đã quen đem mọi chuyện vào đầu. Trong khi tính cách của các dân tộc nguyên thủy, tôi nói chung, biết cách thể hiện bản thân bằng ba ngôn ngữ: cái đầu, trái tim và đôi tay; cả ba cùng kết hiệp và họ biết cách sử dụng ngôn ngữ này với Sáng tạo. Sau đó, sự phát triển có phần phóng đại, có phần loạn thần kinh này mà chúng ta đang có… Tôi không nói chống lại phát triển. Phát triển là điều tốt. Nhưng điều không tốt là lo lắng phát triển-phát triển-phát triển…
Một trong những điều mà nền văn minh thương mại quá phát triển của chúng ta đánh mất là khả năng nên thơ: người bản xứ có khả năng nên thơ này. Tôi không lý tưởng hóa. Sau đó là học thuyết thực dân hóa: đúng, đây không phải là điều tốt, nó không công bằng. Bây giờ ngày nay người ta vẫn còn áp dụng, có lẽ với găng tay nhung, nhưng vẫn còn sử dụng cho đến ngày nay. Ví dụ, các giám mục của một số quốc gia đã nói với tôi: “Nhưng ở đất nước của chúng tôi, khi người dân xin tín dụng của một tổ chức quốc tế, thì các tổ chức này đặt điều kiện, đôi khi là các điều kiện về lập pháp, thuộc địa. Để cho tín dụng, họ bắt bạn thay đổi cách sống của bạn một chút. Trở lại với thời kỳ thuộc địa của chúng ta trên đất Mỹ, người Anh, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, bốn nước này luôn đại diện cho mối nguy hiểm, cho não trạng này: “Chúng tôi hơn hẳn và những người bản xứ này không đáng kể”, thật là nghiêm trọng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải làm theo những gì cô nói: quay trở lại và dọn dẹp, hãy nói xem, những gì đã làm sai, trong khi biết rằng chủ nghĩa thực dân tương tự đang tồn tại ngày nay. Cho phép tôi trích dẫn: người Rohingyas, ở Miến Điện: họ không có quyền công dân, họ ở cấp độ thấp hơn.
Brittany Hobson (Báo Canada): Cha thường nói chúng ta phải nói rõ ràng, trung thực, trực tiếp. Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã mô tả hệ thống trường học dân cư là tội ác diệt chủng văn hóa, và cách diễn tả này đã được sửa chữa để chỉ đơn giản nói là tội diệt chủng. Những người đã nghe những lời xin lỗi của cha trong những ngày gần đây đã tiếc vì cha không dùng chữ diệt chủng. Cha có dùng chữ này và thừa nhận rằng các thành viên của Giáo hội đã tham gia vào cuộc diệt chủng không?
Đức Phanxicô: Đó là sự thật, tôi không sử dụng từ này vì nó không đến trong đầu tôi lúc đó, nhưng tôi đã mô tả cuộc diệt chủng và xin được tha thứ. Chẳng hạn bắt con cái xa gia đình, thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy, thay đổi truyền thống, thay đổi chủng tộc, thay đổi cả một văn hóa. Có, có một từ kỹ thuật – diệt chủng – nhưng nó không đến trong đầu tôi lúc đó. Đúng, đó là tội ác diệt chủng.
Valentina Alazraki (Televisa): Chuyến đi này là thử nghiệm sức khỏe của cha, cho những gì cha đã nói sáng nay “những giới hạn về thể chất”. Chúng tôi muốn biết, sau tuần này, cha sẽ có chuyến đi nào? Cha có muốn tiếp tục đi như thế này không? Sẽ có những chuyến đi cha không thể thực hiện vì những hạn chế này, hoặc sau một tuần cha nghĩ nếu mổ đầu gối có thể cho phép cha đi như trước đây không?
Đức Phanxicô: Tôi không biết nữa… Tôi không nghĩ tôi theo kịp tốc độ như trước. Ở tuổi tôi, với những giới hạn này, tôi nghĩ tôi phải tiết kiệm sức khỏe để có thể phục vụ Giáo hội, hoặc ngược lại, tôi nghĩ đến khả năng thu mình qua một bên. Thành thật mà nói thì đây không phải là một thảm họa, chúng ta có thể thay đổi giáo hoàng, đó không phải là một vấn đề. Nhưng tôi nghĩ tôi phải giảm hoạt động một chút. Trong trường hợp của tôi, tôi sẽ không mổ đầu gối. Toàn bộ vấn đề là gây mê: Cách đây 10 tháng, tôi đã trải qua hơn sáu giờ gây mê, bây giờ vẫn còn di chứng. Chúng ta không thể làm bất cứ gì với thuốc gây mê. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ tốt hơn là không mổ. Nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp tục đi và gần gũi với mọi người, vì tôi tin rằng gần gũi là một cách phục vụ. Nhưng tôi không thể nói nhiều hơn. Hãy hy vọng… Không còn chuyến đi Mexico như dự trù phải không?
Valentina Alazraki: Không, không, còn Kazakhstan? Nhưng nếu cha đi Kazakhstan thì cha cũng đi Ukraine phải không?
Đức Phanxicô: Tôi nói tôi muốn đi Ukraine. Chúng tôi sẽ xem tình hình khi về nhà. Còn Kazakhstan thì tôi muốn đến đó: đó là một đại hội các tôn giáo, chuyến đi sẽ yên tĩnh và không có nhiều di chuyển. Nhưng cho đến lúc này, mọi chuyện vẫn còn tại chỗ. Ngoài ra, tôi còn phải đi Nam Sudan trước Congo, vì đó là chuyến đi với tổng giám mục Canterbury và Giám mục Giáo hội Scotland, cả ba chúng tôi cùng đi, giống như cuộc tĩnh tâm cả ba chúng tôi cùng làm cách đây hai năm. Năm sau sẽ là Congo vì bây giờ là mùa mưa. Chúng ta sẽ xem. Tôi thiện chí, nhưng bây giờ cái đầu gối của tôi bị đau.
Caroline Pigozzi (Paris Match): Sáng nay, cha gặp các tu sĩ Dòng Tên địa phương tại Tổng giáo phận, đó là gia đình của cha như cha vẫn thường gặp trong các chuyến tông du của cha. Chín năm trước, từ Brazil về, tôi có hỏi cha có luôn cảm thấy mình là Dòng Tên không. Cha trả lời có. Ngày 4 tháng 12, sau khi gặp các tu sĩ Dòng Tên ở Hy Lạp, cha nói khi bắt đầu một tiến trình, cha để nó phát triển, lớn lên, sau đó phải rút lui. Cha nói mọi tu sĩ Dòng Tên phải làm điều này, vì không có công việc nào thuộc về mình, nó thuộc về Chúa. câu này bây giờ có còn giá trị với một giáo hoàng Dòng Tên không?
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ còn.
Caroline Pigozzi: Ý cha là cha có thể nghỉ hưu như các tu sĩ Dòng Tên?
Đức Phanxicô: Đúng. Đúng. Đó là một ơn gọi.
Caroline Pigozzi: Là giáo hoàng hay Dòng Tên?
Đức Phanxicô: Dòng Tên. Những gì Chúa nói, người tu sĩ Dòng Tên đều cố gắng. Họ cố gắng nhưng không phải lúc nào cũng thành công, họ cố gắng làm theo ý Chúa. Giáo hoàng Dòng Tên cũng phải làm như vậy. Nếu Chúa nói hãy đi tới trước, mình đi tới trước, nếu Chúa nói đi vào góc, mình đi vào góc. Chính Chúa là…
Caroline Pigozzi: Những gì Ngài nói có nghĩa là chúng ta đang chờ cái chết một lúc nào đó…
Đức Phanxicô: Nhưng tất cả chúng ta đang chờ chết….
Caroline Pigozzi: Ý tôi là: cha không nghỉ hưu trước?
Đức Phanxicô: Những gì Chúa nói. Chúa có thể nói nghỉ hưu. Chính Chúa là người ra lệnh. Một điều quan trọng về Thánh I-Nhã, khi có ai mệt mỏi, đau bệnh, ngài miễn cho người đó cầu nguyện, nhưng ngài không bao giờ miễn cho người đó làm phút hồi tâm. Hai lần một ngày, để nhìn lại những gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi hôm nay. Không phải để nhìn tội lỗi hoặc không có tội, nhưng nhìn vào tinh thần thúc đẩy tôi làm gì hôm nay. Ơn gọi của chúng ta là tìm những gì xảy ra hôm nay. Nếu đó là một giả thuyết, tôi thấy Chúa đang muốn nói với tôi điều gì, cái gì đó xảy ra với tôi, cái gì đó cho tôi động lực, tôi phải phân định để xem Chúa đòi hỏi tôi điều gì. Cũng có thể Chúa muốn sai tôi đến một góc, chính Ngài ra lệnh. Đó là lối sống tu trì của một tu sĩ Dòng Tên, ở trong phân định thiêng liêng để đưa ra quyết định, lựa chọn con đường làm việc, và cũng là dấn thân… Phân định là chìa khóa cho ơn gọi của Dòng Tên. Nó quan trọng. Thánh Thánh I-Nhã đã rất tinh tế trong việc này vì chính kinh nghiệm phân định thiêng liêng đã dẫn ngài đến con đường trở lại. Và các bài tập linh thao thực sự là trường học phân định. Do đó, tu sĩ Dòng Tên phải trở thành con người phân định: phân định các tình huống, phân định lương tâm, phân định các quyết định sẽ thực hiện. Đây là lý do vì sao người tu sĩ Dòng Tên phải cởi mở với bất cứ điều gì Chúa đòi hỏi ở họ. Đó là đời sống thiêng liêng của chúng tôi.
Caroline Pigozzi: Cha cảm thấy cha là giáo hoàng hơn hay Dòng Tên hơn?
Đức Phanxicô: Chà, tôi chưa bao giờ đo lường điều này. Tôi cảm thấy mình như là phục vụ Chúa với thói quen của một tu sĩ Dòng Tên. Không có linh đạo của giáo hoàng. Không một linh đạo nào. Mỗi giáo hoàng phát triển một linh đạo riêng cho mình. Thánh Gioan Phaolô II với linh đạo Đức Mẹ cao đẹp mà ngài đã có từ trước và khi là giáo hoàng, ngài tiếp tục. Nhiều giáo hoàng đã đi đến cùng linh đạo của họ.
Chức vụ giáo hoàng không phải là một linh đạo, nó là một công việc, một chức năng, một phục vụ. Mỗi người làm với linh đạo riêng của mình, lòng trung thành riêng và cả tội lỗi của chính mình. Nhưng không có linh đạo của giáo hoàng. Đó là lý do vì sao không có so sánh giữa linh đạo Dòng Tên và linh đạo giáo hoàng, vì không có linh đạo này. Bà hiểu điều này chứ, tôi xin cám ơn.
Severina lisabeth Bartonitschek (CIC, hãng tin công giáo Đức): Hôm qua, cha nói về tình huynh đệ của Giáo hội: một cộng đồng biết lắng nghe và đối thoại, thúc đẩy điều tốt trong quan hệ. Nhưng cách đây vài ngày, đã có tuyên bố của Tòa Thánh về hành trình thượng hội đồng của Đức, một văn bản không có chữ ký. Cha nghĩ cách giao tiếp này giúp ích hay cản trở cho cuộc đối thoại?
Đức Phanxicô: Trước hết, tuyên bố này được Phủ Quốc vụ khanh đưa ra. Thật có lỗi khi không nói ra. Tôi nghĩ đây là một tuyên bố của Phủ Quốc vụ khanh, nhưng tôi không chắc. Bản thông báo của Phủ Quốc vụ khanh không ký là một sai lầm. Nhưng đây là sai lầm của văn phòng, không phải có ý xấu.
Trên con đường thượng hội đồng, tôi viết một lá thư, tôi làm một mình: một tháng cầu nguyện, suy tư, tham vấn. Và tôi đã nói tất cả những gì tôi phải nói trên con đường thượng hội đồng, tôi sẽ không nói nữa, tôi viết bức thư này cách đây hai năm liên quan đến Huấn Quyền giáo Hoàng về con đường thượng hội đồng. Tôi không thông qua Giáo triều vì tôi không làm bất cứ tham vấn nào với Giáo triều, không có. Tôi đã làm hành trình riêng với tư cách là mục tử cho một Giáo hội đang tìm kiếm một con đường, với tư cách là người anh em, người cha và người tín hữu. Và đó là thông điệp của tôi. Tôi biết nó không dễ dàng, nhưng tất cả đều có trong lá thư này. Xin cám ơn.
Claire Giangrave (RNS, Dịch vụ Tin tức Tôn giáo): Nhiều người công giáo, nhưng cũng có nhiều nhà thần học, tin rằng cần phải có sự phát triển giáo lý Giáo hội liên quan đến các phương pháp ngừa thai. Có vẻ như ngay ngay cả Đức Gioan-Phaolô I tiền nhiệm của cha cũng nghĩ rằng có lẽ nên xem xét lại lệnh cấm hoàn toàn. Cha nghĩ gì về điều này, nói cách khác: cha có cởi mở để đánh giá lại những dòng đó, hay có khả năng một cặp vợ chồng có các biện pháp ngừa thai không?
Đức Phanxicô: Nó rất đúng lúc. Nhưng bà biết, giáo điều, đạo đức, luôn trên con đường phát triển, nhưng là phát triển trong cùng một hướng. Rõ ràng hơn, tôi nghĩ điều này đã nói ở đây: đối với sự phát triển thần học của một câu hỏi luân lý hoặc giáo điều, có một quy tắc rất rõ ràng và soi sáng. Nhiều ít, đó là những gì Thánh Vincent de Lérins, thần học gia người Pháp đã làm vào thế kỷ thứ V. Ngài nói học thuyết chân chính để tiến lên, để phát triển, không được bình lặng, nó phát triển ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate. Có nghĩa là, củng cố theo năm tháng, mở rộng theo thời gian, nâng cao theo tuổi tác, nhưng luôn tiến triển. Đó là lý do vì sao nhiệm vụ của các nhà thần học là nghiên cứu, suy nghĩ thần học. Chúng ta không thể làm thần học với chữ “không” trước mặt. Sau đó sẽ tùy Huấn quyền để nói chữ không, hoặc đi xa hơn, hoặc quay lại, nhưng sự phát triển thần học phải được cởi mở. Các nhà thần học ở đó là vì thế. Và ø Huấn Quyền phải giúp để hiểu các giới hạn. Đối với câu hỏi về các biện pháp ngừa thai, tôi biết có một công bố đã xuất bản về chủ đề này và về các câu hỏi hôn nhân khác. Đây là những hoạt động của một đại hội và trong một đại hội có các bài trình bày, sau đó các đại biểu thảo luận và đưa ra các đề xuất. Chúng ta phải rõ ràng: những người tham gia đại hội này đã thực hiện nhiệm vụ của mình, vì họ đã cố gắng thăng tiến trong giáo lý, nhưng trong tinh thần giáo hội, chứ không phải bên ngoài, như tôi đã giải thích quy tắc này của Thánh Vincent de Lérins. Sau đó, Huấn quyền sẽ nói, nó tốt hay không tốt. Nhưng nhiều thứ đang bị đe dọa. Chúng ta nghĩ đến ví dụ về vũ khí nguyên tử: hôm nay tôi chính thức tuyên bố việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là trái đạo đức. Chúng ta nghĩ đến án tử hình: hôm nay tôi có thể nói chúng ta gần với vô luân vì lương tâm đạo đức đã phát triển tốt. Nói rõ hơn: khi giáo điều hoặc đạo đức phát triển, điều đó là tốt, nhưng theo hướng của ba quy tắc Thánh Vincent de Lerins. Tôi nghĩ điều này rất rõ ràng: một Giáo hội không phát triển tư tưởng của mình theo tinh thần giáo hội là một Giáo hội rút lui, và đây là vấn đề ngày nay của rất nhiều người tự cho mình là truyền thống. Không, họ không phải là truyền thống, họ là “những người đi lui”, họ đi lui, họ không gốc rễ: trong thế kỷ trước, chúng ta đã luôn làm như vậy, luôn như thế. Và “chuyển động lùi lại” là một tội vì nó không tiến lên cùng với Giáo hội. Bây giờ có người nói là truyền thống – tôi nghĩ tôi đã nói điều này ở một trong những bài phát biểu – truyền thống là đức tin sống của người chết, trong khi những người “đi lại sau” tự cho mình là người theo chủ nghĩa truyền thống, đó là đức tin chết của người sống. Truyền thống chính xác là gốc rễ, là nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội, và nó luôn đi theo chiều dọc. Và “đi lại sau” là đi lui, nó luôn đóng cửa. Điều quan trọng là phải hiểu vai trò của truyền thống, truyền thống luôn rộng mở, như cây có rễ, cây lớn lên. Nhạc sĩ Gustav Mahler có một câu rất hay, theo nghĩa này ông nói truyền thống là đảm bảo cho tương lai, không phải là một tác phẩm của bảo tàng viện. Nếu chúng ta quan niệm truyền thống là khép kín, thì đó không phải là truyền thống kitô giáo. Gốc rễ luôn giúp chúng ta tiến lên, tiến lên. Vì vậy liên quan đến những gì bà nói, suy nghĩ và phát triển đức tin, đạo đức, chừng nào nó đi theo hướng của gốc rễ, của nhựa cây thì đó là tốt. Với ba quy tắc của Thánh Vincent de Lérins mà tôi đã đề cập.
Eva Fernandez (Cadena Cope): Một công nghị sẽ được tổ chức vào cuối tháng tám. Gần đây, nhiều người hỏi cha đã nghĩ đến việc từ nhiệm chưa. Xin cha đừng lo, chúng tôi sẽ không hỏi cha lần này, nhưng chúng tôi rất tò mò: cha có bao giờ nghĩ về những đặc điểm mà cha muốn người kế nhiệm cha có không?
Đức Phanxicô: Bà biết rồi, đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Tôi không bao giờ dám nghĩ về điều này. Chúa Thánh Thần biết cách làm hơn tôi, hơn tất cả chúng ta. Vì Ngài truyền cảm hứng cho những quyết định của giáo hoàng, Ngài luôn truyền cảm hứng. Vì Ngài sống trong Giáo hội, chúng ta không thể quan niệm một Giáo hội không có Chúa Thánh Thần, Ngài là người tạo ra sự khác biệt, Ngài cũng tạo náo động, chúng ta nghĩ đến buổi sáng ngày Hiện xuống – và rồi Ngài mang đến hòa hợp. Điều quan trọng là nói về “hòa hợp” hơn là “thống nhất”. Thống nhất có, nhưng hòa hợp không phải là điều cố định. Thần Khí ban hòa hợp dần dần và tiến lên phía trước. Tôi thích những gì Thánh Basil nói về Chúa Thánh Thần: Ipse armonia est, Ngài là sự hòa hợp. Ngài là hòa hợp vì trước hết Ngài gây náo động với sự khác biệt của những đặc sủng. Vì thế chúng ta để công việc này cho Chúa Thánh Thần.
Về việc từ nhiệm của tôi, tôi muốn cám ơn bài báo tuyệt vời mà một trong các bạn đã viết, đưa vào đó tất cả các dấu hiệu có thể dẫn đến từ nhiệm và tất cả những gì xuất hiện. Đó là công việc tốt của một nhà báo, đưa ra ý kiến của mình, trong thời gian chờ đợi sẽ nhìn thấy tất cả các dấu hiệu, không chỉ qua các tuyên bố, nhưng ngôn ngữ ngầm này cũng đưa ra các tín hiệu. Biết cách đọc các tín hiệu hoặc ít nhất là nỗ lực để diễn giải chúng, có thể là tín hiệu này hay cách khác, là công việc tuyệt vời mà tôi cám ơn các bạn rất nhiều.
Phoebe Nathanson (ABC News): Xin lỗi cha, tôi biết cha nhận nhiều câu hỏi như thế này, nhưng tôi muốn hỏi lúc này, với những khó khăn về sức khoẻ và tất cả những gì kèm theo, cha có nghĩ đã đến lúc nghỉ hưu chưa? Cha có bất kỳ vấn đề nào làm cha suy nghĩ về việc này không? Có thời điểm khó khăn nào làm cha nghĩ đến nó không?
Đức Phanxicô: Cánh cửa mở, đó là một lựa chọn bình thường, nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa gõ cánh cửa đó, tôi không nói rằng tôi sẽ không gõ, nhưng tôi không muốn nghĩ đến khả năng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngày mốt tôi sẽ không bắt đầu suy nghĩ, phải không? Nhưng ngay bây giờ, thành thật mà nói, không. Chuyến đi này cũng có một chút thử thách… đúng là tôi không thể có những chuyến đi trong tình trạng này, có lẽ tôi phải thay đổi lối sống của tôi một chút, giảm bớt, đi các chuyến đi tôi còn mắc nợ, tôi phải sắp xếp lại… Nhưng Chúa sẽ nói. Cánh cửa mở, đó là sự thật.
Và trước khi kết thúc, tôi muốn nói về một điều rất quan trọng đối với tôi: chuyến đi Canada gắn liền rất nhiều với hình ảnh Thánh Anà. Tôi đã nói một vài điều về phụ nữ, nhưng chủ yếu là các phụ nữ lớn tuổi, những người mẹ, người bà. Và tôi nhấn mạnh một điểm rõ ràng: đức tin phải được truyền bằng phương ngữ, tôi xin nói rõ, bằng tiếng địa phương mẹ đẻ, tiếng mẹ đẻ của bà nội bà ngoại. Chúng ta nhận được đức tin qua hình thức phương ngữ nữ tính này, và điều này rất quan trọng: vai trò của phụ nữ trong việc truyền tải đức tin và phát triển đức tin. Chính người mẹ, người bà là người dạy cầu nguyện, chính mẹ hoặc bà là người giải thích những điều đầu tiên mà đứa bé chưa hiểu về đức tin. Và tôi có thể nói việc truyền tải đức tin qua phương ngữ này là nữ tính. Có thể có người sẽ hỏi tôi: nhưng làm thế nào để cha giải thích điều này về mặt thần học? Tôi sẽ nói (rằng) người truyền đức tin là Giáo hội và Giáo hội là nữ tính, Giáo hội là vợ, Giáo hội không phải đàn ông, Giáo hội là phụ nữ. Và chúng ta phải đi vào tư tưởng này về Giáo hội với tư cách là phụ nữ, về Giáo hội là mẹ, điều này quan trọng hơn bất kỳ hoang tưởng sứ vụ nam tính hoặc bất kỳ quyền nam tính ma-sô nào. Giáo hội mẹ, tình mẫu tử của Giáo hội. Đó là hình ảnh Mẹ Thiên Chúa.
Theo nghĩa này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc lưu truyền đức tin của phương ngữ mẹ đẻ này. Tôi đã khám phá ra điều này khi đọc câu chuyện tử đạo của những người Macabê: trong hai hoặc ba lần sách nói rằng người mẹ đã cho họ linh hồn trong phương ngữ mẹ đẻ. Đức tin phải được truyền bằng phương ngữ. Và phương ngữ này được các phụ nữ nói. Đây là niềm vui lớn của Giáo hội, vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là phu thê. Tôi muốn nói rõ điều này khi nghĩ đến Thánh Anà. Tôi xin cám ơn, xin cám ơn các bạn đã kiên nhẫn. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe, xin chúc các bạn nghỉ ngơi và có một chuyến bay tốt đẹp.
Cuối cùng ngài cầm micro chào ông Paolo Rodari, nhà vatican học của nhật báo quốc gia Ý La Repubblica, chuyến đi theo giáo hoàng này là chuyến đi cuối cùng của ông.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Giáo hội sẽ phải tiếp tục đối diện với lịch sử của mình