Phản ứng trái ngược của người bản địa sau lời xin lỗi của Đức Phanxicô

313

Phản ứng trái ngược của người bản địa sau lời xin lỗi của Đức Phanxicô

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên tại Canada, 2022-07-27

Sau lời xin lỗi của Đức Phanxicô tuyên bố ngày thứ hai 25 tháng 7, một số người bản địa nhẹ lòng, nhưng cũng có những người cho rằng ngài đã không đi xa đủ trong những chữ ngài dùng.

Mặc chiếc áo t-shirt màu hồng, tay chống gậy, người hơi thu mình, bà Betty nhìn các công việc chuẩn bị cho chuyến đi của Đức Phanxicô đến Hồ Thánh Anà. Bà Betty 83 tuổi, người gốc Cree, bà đã là bà ngoại, bà cố, bà biết rành vùng được nhiều người bản địa xem là linh thiêng này, nơi Đức Phanxicô đến chiều thứ ba 26 tháng 7. Bà đã đến đây từ nhỏ, mới đầu là với cha mẹ và bà tiếp tục đến trong nhiều năm.

Một ngày trước đó, bà đã đến Maskwacis để nghe Đức Phanxicô xin lỗi: “Tôi xúc động khi nghe ngài xin lỗi. Trong một thời gian dài, tôi đã mong chờ các lời này.” Trong những năm thơ ấu, bà đã ở hai trường nội trú Alberta. Giống như nhiều học sinh khác, bà bị bắt nạt và bị đánh bằng thắt lưng. Bà nói: “Ông bà và cha mẹ tôi đã học ở những trường này. Thật tàn bạo. Với những vụ lạm dụng tình dục. Thật khủng khiếp.”

“Tôi tin vào lòng chân thành của ngài”

“Tôi nghĩ lời xin lỗi của ngài xuất phát từ trái tim của ngài. Nhưng đây không phải là trường hợp của bất cứ ai. Một số người nghi ngờ ngài đạo đức giả. Nhưng tôi tin vào lòng chân thành của ngài.” Bà là người mà trong thời thơ ấu bị người thân cho ‘la chó, là heo, là quỷ’, bà thấy Đức Phanxicô chân thành, đặc biệt khi ngài nói ngài ‘thực sự lấy làm tiếc về sự hợp tác của tín hữu kitô giáo trong các trường nội trú’.

Có một số người đến dự các buổi lễ của giáo hoàng, họ chia sẻ cùng cảm nhận với bà Betty nhưng một số người nghĩ lời xin lỗi của ngài chưa đủ. Đây là trường hợp của một số quan chức như ông Murray Sinclair, cựu chủ tịch ủy ban Sự thật và Hòa giải, từ năm 2008 đến năm 2015, ông đã thực hiện nhiều công việc đáng kể để nói lên số phận của những người bản địa trong xã hội Canada.

Trong một bản thông báo, ông nói: “Dù ngài có những lời xin lỗi lịch sử, nhưng những lời nói của ngài chưa hoàn toàn công nhận vai trò đầy đủ của Giáo hội trong hệ thống trường học nội trú, ngài đổ lỗi cho cá nhân các thành viên của Giáo hội. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Giáo hội không chỉ đơn thuần là đại diện nhà nước, hay đơn thuần là người tham gia vào chính sách của chính phủ, mà còn là đồng tác giả của một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước.”

Nhiều cuộc gặp gỡ

Kể từ khi bắt đầu chuyến đi, Đức Phanxicô đã nhân rộng các cuộc trao đổi và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo bản địa, trong lãnh vực công khai cũng như riêng tư. Trong số này có ông George Arcand Jr, tộc trưởng liên minh các Quốc gia Thứ nhất. Ngày thứ hai 25 tháng 7, vài giờ sau khi nghe lời xin lỗi của Đức Phanxicô, ông nói: “Sau khi nghe những lời của Đức Phanxicô hôm nay, tôi nghĩ chúng ta đã cùng nhau tiến thêm một bước nữa.” Vẫn còn nhiều việc phải làm. Hệ thống tồn tại trong Giáo hội phải được mở ra, cũng như cách nghĩ mình cao hơn các dân tộc khác. Ông nói tiếp: “Chúng ta phải sửa chữa mối quan hệ bằng cách xem nhau là đối tác. Tôi muốn tin rằng nó có thể được thực hiện. Tôi biết nó có thể hoàn tựu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hoàng ở Canada: Giữa lời xin lỗi và công ích của Giáo hội

“Tôi đã đợi điều này từ 50 năm nay”: Các nhà lãnh đạo bản địa phản ứng trước lời xin lỗi của Đức Phanxicô