Giáo hoàng ở Canada: Giữa lời xin lỗi và công ích của Giáo hội
lanuovabq.it, Nico Spuntoni, 2022-07-27
Trong bài phát biểu ở Edmonton, Đức Phanxicô nói về hệ thống trường nội trú mà ngài cho là “thảm họa” nhưng ngài cũng công nhận “đức ái kitô giáo” đã “hiện diện” và có nhiều tấm gương của các nhà truyền giáo tận tâm giúp trẻ em.
Từ Canada, trong thánh lễ tại Sân vận động Khối Thịnh vượng chung, Edmonton, Đức Phanxicô tấn công những người theo chủ nghĩa truyền thống, ngài tuyên bố “truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc: từ dưới lên trên” và không được nhầm với “văn hóa đi lui”, nơi ẩn náu ích kỷ, không làm gì khác hơn ngoài việc bao bọc hiện tại và bảo vệ nó theo lý luận “điều này luôn được làm theo cách này”.
Thánh lễ tại Sân vận động Khối Thịnh vượng chung, Edmonton
Ngày thứ ba 26-7, Đức Phanxicô đến Hồ Thánh Anà, một trong những nơi được mong chờ nhất. Hồ được các nhà truyền giáo công giáo đổi tên từ cuối thế kỷ 19, nơi này hàng năm thu hút hàng ngàn người công giáo bản địa và từ các nơi khác trên thế giới về hành hương.
Mục đích của chuyến tông du lần thứ 37 này của ngài là để hòa giải với các cộng đồng bản địa Canada sau vụ phát hiện thảm kịch các trường nội trú của các dòng tu công giáo điều hành. Một chuyến đi sám hối, ngày thứ hai ngài xác nhận điều này với các đại diện các cộng đồng Quốc gia Thứ nhất, Métis và Inuit. Ngài lên án chính sách đồng hóa và giải phóng “đặc trưng của lịch sử Canada trong đó các trường nội trú hoạt động vào cuối thế kỷ 19 và 20 đã dự phần. Ngài xin tha thứ vì “cách mà nhiều thành viên Giáo hội và các dòng tu đã hợp tác hoặc dửng dưng trước các chương trình phá hủy văn hóa và đồng hóa cưỡng bức của các chính quyền thời đó, mà cao điểm là hệ thống trường nội trú.”
Mặc dù ngày nay người ta cho rằng Giáo hội công giáo chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi chính thức về chính sách lạm dụng và tách trẻ em ra khỏi gia đình, nhưng cũng cần nhắc lại, trong bản trình bày ngắn gọn trước ủy ban về các dân tộc bản địa tháng 11 năm 1993, Hội đồng Giám mục Canada đã thừa nhận, “các loại lạm dụng nhiều kiểu khác nhau trong một số trường nội trú đã thúc đẩy chúng tôi xét mình sâu xa trong tư cách là Giáo hội”, hai năm trước đó, các giám mục cũng đã đưa ra lời tuyên bố, “vô cùng tiếc cho những đau đớn, khổ sở và bị tha hóa mà bao nhiêu người đã phải trải qua” trong những ngôi trường này.
Đức Phanxicô tại Maskwacis, Edmonton, ngày thứ hai 25 tháng 7
Trong bài phát biểu ngày thứ hai 25 tháng 7 tại Maskwacis, Edmonton, Đức Phanxicô nói về tác động khi người Âu châu đến Tân Thế giới, trong một chừng mực nào đó, sự phát triển của một “cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa các nền văn hóa, truyền thống và thiêng liêng” đáng lẽ là cơ hội phát triển phong phú, thì lại đã không phải là cơ hội. Tuy nhiên, trong lịch sử thuộc địa Canada, gương mặt tốt nhất thường là gương mặt của các nhà truyền giáo công giáo, họ là những người đầu tiên đứng lên bảo vệ nhân quyền cho các dân tộc bản địa. Khi nói về hệ thống trường nội trú, mà ngài mô tả là “thảm họa”, ngài đã công nhận “đức ái kitô giáo” đã “hiện diện” và có “không ít trường hợp các nhà truyền giáo là gương mẫu trong việc tận tâm phục vụ trẻ em”.
Việc phát hiện trang sử đen của các trường nội trú đã thổi một làn gió căm thù chống lại Giáo hội công giáo, theo một cách nào đó Giáo hội bị cho là thủ phạm chính dù trên thực tế chính sách đồng hóa này đã được các chính phủ liên tiếp áp dụng. Tình trạng này thể hiện qua việc phá hủy một số nhà thờ và bị thúc đẩy bởi lời tuyên bố của những người – không nói sự thật, như chúng ta đã thấy ở trên – mà cho rằng hệ thống phẩm trật Giáo hội chưa bao giờ xin lỗi về bạo lực và lạm dụng. Những lời xin lỗi được Đức Phanxicô nói lên nhiều lần trong những ngày đầu tiên “hành hương sám hối” này đã loại bỏ mọi chứng cứ ngoại phạm của những người muốn bắt người công giáo phải chịu trách nhiệm duy nhất về sự phân biệt đối xử với người bản địa.
Đức Phanxicô tuyên bố ở Edmonton: “Tôi thật đau lòng khi nghĩ rằng người công giáo đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và giải phóng, gieo cảm giác tự ti, làm cho các cộng đồng và con người mất bản sắc văn hóa và tinh thần, cắt đứt gốc rễ của họ, thúc đẩy các thái độ có hại và phân biệt đối xử, điều này lại bị làm nhân danh giáo dục kitô giáo.”
Những bóng đen được Đức Phanxicô nhắc đến bây giờ đang vang vọng trên các phương tiện truyền thông nhưng bên cạnh đó cũng cần nhớ đến những người đi truyền giáo, một số thậm chí còn bị bức hại, những người, qua nhiều thế kỷ đã chiến đấu trên toàn thế giới để bảo vệ quyền của người dân bản địa.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Tại Canada, Đức Phanxicô sẽ làm phép cho vùng nước thiêng liêng của người bản xứ