Phòng thí nghiệm dược phẩm, vũ khí, sản phẩm khiêu dâm… Tòa thánh tăng cường cảnh giác với các khoản đầu tư của mình

114

Phòng thí nghiệm dược phẩm, vũ khí, sản phẩm khiêu dâm… Tòa thánh tăng cường cảnh giác với các khoản đầu tư của mình

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-07-19

Ngày thứ ba, 19 tháng 7 Vatican công bố hướng dẫn mới cho các khoản đầu tư tài chính. Kể từ nay sẽ có một Ủy ban đánh giá cách mà Giáo triều đầu tư tiền. Cấm đầu tư vào các sản phẩm khiêu dâm, cờ bạc, các trung tâm y tế phá thai, ngành công nghiệp vũ khí và một số phòng thí nghiệm dược phẩm.

Từ nay các khoản đầu tư của Vatican sẽ phải đáp ứng các quy tắc cụ thể. Ngày thứ ba 19 tháng 7, linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha, Juan Antonio Guerrero, bộ trưởng bộ Kinh tế, người chịu trách nhiệm giám sát tài chính của Tòa thánh kể từ tháng 1 năm 2020, đã viết thư thông báo cho tất cả các nhà lãnh đạo của Giáo triều la-mã về việc thiết lập các hướng dẫn mới liên quan đến các khoản đầu tư tài chính.

Các khoản đầu tư được tập trung hóa

Linh mục đính kèm tài liệu dài 20 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, trong đó nêu chi tiết “chính sách đầu tư của Tòa thánh và của Nhà nước Thành phố Vatican”. Mục tiêu là để tập trung hóa, kể từ ngày 1 tháng 9, trong một quỹ duy nhất tất cả các khoản đầu tư tài chính của Giáo triều.

Hiện nay Viện Nghiên cứu Công trình Tôn giáo (IOR), hay còn được gọi là “Ngân hàng Vatican” chịu trách nhiệm đầu tư số tiền của các bộ, sau khi được ủy ban mới có tên “Ủy ban Đầu tư Tòa Thánh” do hồng y người Mỹ gốc Ailen Kevin Farrell đứng đầu, gồm các chuyên gia tài chính từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Bản thông báo tóm tắt, “Ngân hàng là một công cụ theo ý chúng tôi”.

Phòng thí nghiệm dược phẩm và kỹ nghệ sản xuất vũ khí

Trong số các quy tắc được ban hành và các thành viên của ủy ban sẽ dựa trên đó để làm việc có lệnh cấm đầu tư ngân quỹ của Tòa thánh vào một số lĩnh vực như các sản phẩm khiêu dâm, mại dâm, cờ bạc, các trung tâm y tế phá thai,  ngành công nghiệp vũ khí hoặc các phòng thí nghiệm dược phẩm sử dụng phôi hoặc tế bào gốc cho mục đích nghiên cứu.

Bản hướng dẫn còn nêu lên, nếu không chính thức bị “loại bỏ” nhưng các lĩnh vực khác nói chung cũng nên tránh như “đầu tư vào ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, năng lượng hạt nhân, “nguyên liệu thô” hoặc sản xuất rượu.

Các khoản đầu tư “phù hợp với các nguyên tắc của học thuyết xã hội Giáo hội”

Ngược lại, từ nay các khoản đầu tư của Tòa Thánh phải “phù hợp với các nguyên tắc của học thuyết xã hội Giáo Hội như “phẩm giá con người, lợi ích chung và hỗ trợ”. Ban thư ký của bộ Kinh tế ấn định: “Quyết định đầu tư vào nơi này thay vì nơi khác, vào lãnh vực sản xuất này thay vì lãnh vực sản xuất khác luôn là một lựa chọn về đạo đức và văn hóa”. Các nhà đầu tư lớn của Vatican muốn ưu tiên ổn định các khoản đầu tư, bằng cách ủng hộ các quỹ hơn là cổ phiếu.

Vừa tôn trọng các tiêu chuẩn này, 62 thực thể cấu thành Giáo triều la-mã và 24 cơ sở của Vatican sẽ có thể yêu cầu khoản tiền đầu tư tiền của họ với một chiến lược ít hoặc nhiều rủi ro hơn, và sẽ phải biện minh cho yêu cầu thanh khoản của họ, họ muốn đầu tư vào dự án nào và thời gian dự trù như thế nào theo kế hoạch. Vì thế Tòa Thánh đã xác định ba cấu hình, tùy thuộc vào lợi nhuận có thể thấy trước và rủi ro phải nhận: “bảo thủ”, “ôn hòa” và “hiếu động”.

Quy mô nền kinh tế

Ngoài việc hài hòa hóa các khoản đầu tư, khi tập trung hóa Vatican cũng muốn tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô. Một quan chức Vatican cho biết: “Thương lượng 100.000 âu kim khác với thương lượng 10 triệu âu kim. Trên thực tế, mong muốn tập trung hóa này có từ năm 2018, khi giáo hoàng viết thư cho hồng y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Kinh tế xin ngài đảm bảo tất cả các khoản đầu tư đều tập trung vào Ngân hàng IOR.

Một nguồn tin của Vatican cho biết, tổng cộng tài sản tài chánh của Tòa thánh và Vatican vào  khoảng 2 tỷ âu kim. Không có một số liệu nào về lợi nhuận của khoảng tiền này được biết.

Tuy nhiên, số tiền đầu tư tương đối hạn chế khi so sánh với các trường đại học Mỹ, kể cả các trường công giáo. Chỉ riêng Đại học Công giáo Notre-Dame ở Indiana đã có số tiền đầu tư là 14 tỷ âu kim, Đại học Dòng Tên ở Boston có 4 tỷ âu kim.

——

Ai quản lý tiền của Vatican

Theo Hiến pháp mới của Giáo triều, ban Thư ký Kinh tế “thực hiện quyền kiểm soát và cảnh giác trong các vấn đề hành chính, kinh tế và tài chính đối với các cơ quan giáo triều, dịch vụ và thể chế liên kết với Tòa thánh”.

Theo quy định của Tòa Thánh, động sản và bất động sản của Tòa thánh được Cơ quan quản lý di sản của Tòa thánh (Apsa) quản lý. Cơ quan này phải tôn trọng “mục đích cụ thể mà di sản được tạo thành”.

Viện Nghiên cứu Tôn giáo (IOR) được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Ngân hàng Vatican” IOR được thành lập vào năm 1929, khi Hiệp ước Lateran được ký kết, nhằm quản lý nguồn tài chính do Ý cấp cho Tòa thánh để bù đắp cho sự mất mát của các Quốc gia Giáo hoàng. Ngày nay, Ngân hàng quản lý hàng ngàn tài khoản.

Cơ quan Giám sát và Tình báo Kinh tế (Asif) được Đức Bênêđíctô XVI thành lập năm 2010. Quyền hạn đã được Đức Phanxicô mở rộng năm 2013 và đóng vai cảnh sát tài chính.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch