Giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống: “Giáo Hội không cảnh giác đủ”

123

Giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống: “Giáo Hội không cảnh giác đủ”

Phỏng vấn

Ngày 25 tháng 6 năm 2022, sau khi Giáo hội công giáo tuyên bố giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống, giám mục François Touvet, giáo phận Châlons-en-Champagne được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa. Ngài trả lời cho báo La Vie lý do của quyết định và hậu quả của nó.

lavie.fr, Aymeric Christensen và Marie-Lucile Kubacki, 2022-06-27

Giám mục François Touvet, giám mục giáo phận Châlons-en-Champagne, quản lý cộng đồng cho đến khi lệnh giải thể có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 2023 / EDICOM

Sau chuyến kinh lý giáo luật lần thứ hai được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022, chuyến đầu tiên là vào năm 2002, cộng đoàn Lời Sự Sống sẽ bị Giáo Hội công giáo giải thể.

Các thành viên của cộng đoàn được hồng y Jozef De Kesel, tổng giám mục Bruxelles, người bảo lãnh lịch sử của họ, thông báo trong một cuộc họp tại đan viện Notre-Dame de Vive Fontaine ở Andecy, Marne. Giám mục François Touvet chịu trách nhiệm quản lý cộng đồng cho đến khi lệnh giải thể có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 2023, ngài trả lời phỏng vấn độc quyền cho báo La Vie.

Quyết định giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống là triệt để: xin cha cho biết điều gì dẫn đến quyết định này?

Giám mục François Touvet: Quyết định này đúng là nghiêm trọng và triệt để. Điều giải thích cho quyết định là nhìn vào lịch sử của cộng đồng Lời Sự Sống. Ba năm sau khi được thành lập (1986), các báo cáo đã được gửi đến cho các cơ quan thẩm quyền của Giáo hội từ năm 1989. Sau những báo cáo đầu tiên này, giám mục Bernard Charrier, khi đó là giám mục của Tulle (cộng đồng lúc đó chủ yếu nằm ở Aubazine, thuộc Corrèze) đã bắt đầu chuyến thăm giáo luật năm 2002, ngài đã nêu lên một số vấn đề nhất định và đưa ra các khuyến nghị.

Giáo hội công giáo ra lệnh giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống

Hai mươi năm sau, một chuyến kinh lý mới, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022 cũng tìm thấy những sự kiện tương tự, cho cảm nghĩ mọi chuyện chưa phát triển đủ, và Giáo hội cũng đã không theo dõi đầy đủ cộng đồng này, mặc dù trong 30 năm qua đã có 240 thành viên ra đi.

Hồng y Jozef De Kesel nhận thấy sức lực nhân văn quá yếu để có thể vực dậy, do các thành viên bị đau khổ và kiệt quệ về mặt đạo đức và tâm lý. Ngoài ra, để khởi động lại bộ máy, lẽ ra phải tìm một đội ngũ quản trị viên giỏi và phải có một bầu khí thuận lợi, nhưng lại có quá nhiều chia rẽ, căng thẳng và đau khổ. Cuối cùng, đặc sủng của cộng đồng đáng lẽ phải được xác định, thì lại chưa bao giờ được thực hiện thực sự. Đối diện với ba ghi nhận này, hồng y De Kesel nhận thấy, giải pháp cuối cùng là giải thể.

Những rối loạn chức năng này là gì?

Chủ yếu là lạm dụng thiêng liêng, một loại thiêng liêng hóa quá mức, các sự việc bị chi phối, thiếu thực tế, lạm dụng quyền lực. Việc điều hành các cơ sở này luôn được nhìn dưới khía cạnh thiêng liêng, đến mức thực tế cuộc sống nhân văn, những đau khổ và những thắc mắc của các thành viên không được xem trọng một cách đầy đủ. Tư duy của cộng đồng thiêng liêng hóa quá mức nhằm mục đích che giấu thực tế sự việc.

Điều tra cho thấy có những lạm dụng quyền và nhầm lẫn giữa tòa trong và tòa ngoài. Các thành viên cũng giải thích cho tôi biết người hướng dẫn thiêng liêng của họ cũng là người điều hành cơ sở, như thế đó là bề trên của họ… Tôi cũng được biết có những phản bội bí mật tòa giải tội của những người nắm giữ quyền cộng đoàn.

Khi có một số người cố gắng bày tỏ thắc mắc của họ về hoạt động của cộng đồng, đôi khi họ bị loại ra ngoài. Nếu họ tuyên bố ý định muốn rời đi, họ sẽ bị áp lực của mặc cảm tội lỗi. Thêm vào đó là việc thiếu đào tạo đầy đủ và thiếu một quy tắc thực sự cho đời sống cộng đoàn. Đó là những sự kiện mà các thành viên chuyến kinh lý ghi nhận gần như nhất trí nơi các cựu thành viên và thành viên hiện nay của cộng đoàn.

Như thế đây là vấn đề thao túng lương tâm?

Đúng, qua những mặc cảm tội lỗi và sỉ nhục. Khi lời tâm sự riêng tư bạn thố lộ với một thành viên, lời này bị lặp lại với các người khác hay với những người điều hành cộng đoàn, thậm chí còn đưa ra công khai trước mặt các thành viên khác, thì chúng ta có thể nói đây là công cụ hóa các lời tâm sự riêng tư.

Thêm vào đó là sự tập trung quyền lực trong tay vợ chồng sáng lập Marie-Josette và Georges Bonneval. Họ cho họ là người sáng lập duy nhất và yêu cầu các thành viên công nhận họ như người cha, người mẹ. Cái nhìn về tình phụ tử thiêng liêng này đã làm cho thành viên mất quyền tự lập, tự do phát biểu và một cách nào đó làm cho họ bị hèn hạ. Tất cả những chuyện này làm mọi người ở trong tình trạng đau khổ.

Kể cả sau khi họ rời đi?

Các rối loạn chức năng vẫn tiếp tục. Năm 2003 thay đổi ban điều hành, nhưng ban quản trị mới làm lại mô hình tương tự. Vì thế đây là điều làm chúng tôi nghĩ đã có một cái gì sai về thứ trật ngay từ hệ thống đầu tiên. Một hệ thống dựa trên dối trá.

Trong chuyến kinh lý giáo luật năm nay, ban điều tra cũng phát hiện văn bản thành lập hiệp hội có chữ ký của những người sáng lập khác nhau đã bị làm giả. Tên đã bị xóa và tài liệu giả này được dùng trong cộng đồng làm thành viên nghĩ chỉ có cặp vợ chồng này mới là người sáng lập.

Làm thế nào mà những vấn đề được biết từ năm 2002 lại có thể tồn tại trong 20 năm?

Trong sứ mạng tôi nhận lãnh, tôi phải nhìn nhận Giáo Hội đã không cảnh giác đủ. Đó là sự thất bại của thể chế giáo hội và sự thất bại của ban lãnh đạo cộng đồng, họ không đếm xỉa gì đến những lời kêu than đau khổ, cũng không giải thích các vụ ra đi, dù đã có rất nhiều vụ ra đi. Sự kết hợp hai khiếm khuyết này đã làm cho hệ thống tồn tại lâu dài.

Khiếm khuyết này là của thể chế vì chuyến thăm theo giáo luật duy nhất được thực hiện là năm 2002. Năm 2011, giám mục André-Joseph Léonard, giáo phận của Mechelen-Bruxelles đã muốn thực hiện một chuyến thăm theo giáo luật, nhưng cuối cùng lại là chuyến thăm mục vụ đơn thuần, thân thiện và rất ngắn gọn. Tôi đã tìm thấy một biểu hiện rất mạnh, một cựu thành viên trong biên bản cuộc họp của ban lãnh đạo cơ sở cho biết: có một hệ thống để chúng tôi học cách nịnh bợ các giám mục, để các giám mục thấy mọi thứ đều ổn, tặng những món quà đẹp đẽ cho họ để nhận được những khích lệ. Đó là một phần của hệ thống.

Bản thân tôi, ở giáo phận Châlons, tôi chỉ nhìn thấy bề ngoài, phụng vụ đẹp, những người trẻ có tấm lòng nhiệt thành truyền giáo, và những trại hè vui vẻ, lễ hội sinh động của các em tuổi vị thành niên. Nhưng thực tế đằng sau mặt tiền này là ngôi nhà không ở được và không thể đón nhận khách mời.

Không có một nỗ lực cải cách nào sao?

Có, nhưng các nỗ lực phải đi đôi với một ban lãnh đạo lành mạnh hơn, tôn trọng thành viên hơn, thành viên có được lời nói và tự do lương tâm cho mọi người, họ bị áp lực từ một số thành viên, những người, theo tính cách của họ hoặc do sự sắp xếp cuối cùng đã làm cho những người muốn cải cách phải nhượng bộ.

Đó là trường hợp của ông Jean-Paul Pérez, người điều phối viên cuối cùng. Tôi muốn nói lên lòng biết ơn với ông vì ông đã nhìn thấy những gì phải làm: nhu cầu đào tạo, hỗ trợ từ bên ngoài cho mọi người, làm việc với các nhà tâm lý học, v.v. Nhưng dù tầm vóc, nhân cách và kinh nghiệm chuyên môn của ông trong việc lãnh đạo các thực tế quan trọng, ông cũng đã từ chức, vì ông kết luận, không thể quản lý cơ sở này được.

Sau khi ông ra đi, tháng 8 năm 2021, ba thành viên của cộng đồng (một sư huynh, một nữ tu và một giáo dân) được bổ nhiệm cai quản tạm thời, và chính họ, cùng với ủy ban cộng đồng đã yêu cầu có một chuyến thăm theo giáo luật.

Xin cha cho biết cảm nghĩ của cha khi công bố giải thể cộng đoàn Lời Sự Sống tại đan viện Andecy, trụ sở chính của cộng đoàn trong giao phận của cha, ngày 25 tháng 6.

Tôi đã nói chuyện riêng với các thành viên cộng đoàn trong bảy giờ liên tục. Ngoài hai hoặc ba thành viên trong trạng thái phủ nhận hoặc tự cho là nạn nhân, tất cả đều kinh ngạc, tê điếng như bị một trận động đất giáng xuống. Họ đã khóc rất nhiều. Do cảm xúc, chính tôi vài lần cũng đã khóc khi nghe những lời thố lộ như vậy.

Nhưng tôi nhận thấy có một xoa dịu, một cảm giác nhẹ nhõm khi Giáo hội đưa ra quyết định này, dù quá trễ, qua việc bổ nhiệm một giám mục đã mang lại cho họ một trọng lượng thẩm quyền để họ được yên tâm. Họ bị xáo động: một số đã sống hơn 30 năm trong cộng đồng và mặc tu phục. Nhiều điều không tốt, nhưng cũng có những chuyện tốt đẹp, những cam kết tuyệt đối cao cả… Đó là những tâm hồn cao đẹp được Thiên Chúa ban cho để loan báo Tin Mừng, và cũng vì tình yêu cho Giáo hội, với lòng quảng đại trong việc tận hiến cuộc sống của họ.

Cha hình dung sứ mệnh của cha như thế nào?

Tôi đã cho họ bốn trụ. Trụ thứ nhất: hãy thực tế, chấp nhận câu chuyện của cộng đồng và cùng nhau thực hiện bài tập này để đi ra khỏi sự phủ nhận. Trụ thứ hai: nhìn nhận những nạn nhân, sự thất bại của Giáo hội và ban lãnh đạo cộng đồng.

Trụ thứ ba: tôi cam kết đảm bảo tự do lên tiếng, tự do lương tâm và chọn lựa liên quan đến tương lai của họ. Tôi nói với họ: tôi không được quyền biết những gì trong lương tâm của họ, tôi ở đây để hướng dẫn từ bên ngoài. Trục thứ tư là tôi xin họ có được sự tháp tùng tâm lý và thiêng liêng trong suốt mùa hè.

Chúng ta biết gì về chuyến kinh lý tông tòa ở giáo phận Strasbourg

Xin cha cho biết những gì đã được lên kế hoạch cho các nạn nhân?

Các nạn nhân và những đau khổ của họ là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi mời gọi các thành viên công nhận sự thật này trong đời của họ, vì chỉ có từ đó chúng ta mới thực sự đi tới. Nhiều người  trong số họ đã được nghe trong chuyến thăm giáo luật, và bây giờ chúng ta phải tiếp tục công việc giải phóng này.

Tôi lắng nghe, sẵn sàng tham gia vào quan hệ này với những người mong muốn nói lên những nỗi khổ, con đường chữa lành, nhu cầu được công nhận và sửa chữa của họ. Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống để tất cả các thành viên hiện tại, khoảng bốn mươi người, được tâm lý gia tháp tùng trong suốt mùa hè, mỗi tuần một lần.

Một đường dây điện thoại lắng nghe sẽ được mở cho các thành viên cộng đoàn, những người không cư trú trong cơ sở và cho các cựu thành viên. Tôi cũng sẽ tham dự cuộc họp video truyền hình với các tâm lý gia, chúng tôi sẽ đón nhận các cựu thành viên để họ có thể lên tiếng lại.

Những con đường nào dự kiến cho tương lai của các người thánh hiến?

Mối quan tâm chính của tôi là tương lai của 27 phụ nữ thánh hiến, một số phụ nữ đã ở lâu trong cộng đoàn, nhiều người khác gần đây hơn. Tôi giữ các mối quan hệ với các cộng đồng nữ tu, các mẹ bề trên tu viện, các bề trên dòng… Tôi cảm động vì tất cả những người tôi tiếp xúc đều sẵn sàng giúp đỡ. Tôi xin tất cả thành viên nên đi chơi và nghỉ ngơi trong mùa hè một chút, cùng với việc đồng hành về tâm lý và thiêng liêng hàng tuần.

Sau đó, tôi cũng khuyên những ai muốn có một thời gian đồng hành, tĩnh tâm, phân định trong một cộng đồng nào đó thì nên làm. Một số đã có ý tưởng. Đối với bảy linh mục thì khác, vì họ đã nhập vào một giáo phận (Toulon, Bruxelles, Bamako và Fribourg). Tôi bảo đảm quyền tự do cho họ và hứa sẽ không có giám mục nào đặt tay lên để thu dụng họ. Tôi cũng đã xin các giám mục anh em của tôi tôn trọng thời gian nhận thức sâu sắc cần thiết mà các linh mục này cần. Sau đó, họ có thể tham gia vào giáo phận nơi họ nhập giáo phận hoặc giáo phận nào mà họ thi hành chức vụ của mình, hoặc ở nơi khác, hoặc gia nhập một cộng đồng tu sĩ.

Còn những thành viên giáo dân thì sao?

Có những cơ sở được gọi là “nhà giao ước”: những nhóm nhỏ những người đã rửa tội gặp nhau hai tuần một lần trong một gia đình để ca ngợi Chúa, trao đổi ý chỉ cầu nguyện và quây quần bên nhau ăn uống trong tình huynh đệ. Khi cộng đồng Lời Sự Sống không còn thì các nhóm này cũng sẽ không còn.

Nhưng trực giác này được kết hợp với những đề xuất trong nhiều giáo phận dưới hình thức các huynh đoàn truyền giáo địa phương. Tôi khuyến khích họ tham dự vào những tổ chức này… và hơn nữa tôi khuyên họ chia sẻ niềm vui khi gặp gỡ người này người kia, để không quay lưng lại với giáo xứ, nhưng để giúp đỡ lẫn nhau sống đời sống người tín hữu kitô!

Còn những khóa hè được cộng đồng Lời Sự Sống tổ chức thì sao?

Tôi đã quyết định hủy bỏ tất cả các lễ hội và các khóa hè. Người đăng ký đã được thông báo và lệ phí sẽ đưc trả lại. Công việc này đang được tiến hành.

Cha có thể nói gì với những người đã nhận được những điều đẹp đẽ, cho dù họ đang bị sốc hay sống trong phủ nhận hôm nay?

Dĩ nhiên có những người quay về với Tin Mừng, họ đã gặp Chúa Giêsu, đã thấy ý nghĩa của ngợi khen, thờ phụng và truyền giáo. Tất cả những điều này thật tuyệt vời và chúng ta thực sự phải cám ơn sự cam kết của các thành viên Lời Sự Sống về chứng từ, lòng nhiệt thành và khả năng tỏa sáng của họ.

Nhưng cũng có những thành quả không tốt đẹp: có những thành viên tôi gặp, họ bị giằng xé vì đau khổ, vì bị tổn thương do mất tin tưởng hay tự do. Chính tôi đã bị lừa, tôi muốn là một giám mục thân thiện… và tôi nhận gáo nước lạnh khi khám phá hậu trường. Chúng ta hãy cùng nhau nhận ra những hoa trái tốt, nhưng cũng phải học cách để thấy những hoa trái chưa tốt, sự thật sẽ giúp chúng ta tiến về phía trước. Nhận biết những loại trái cây không tốt này là bước cần thiết để bước vào quá trình chữa bệnh.

Những biện pháp bảo vệ nào nên được thực hiện để ngăn chặn những tình huống như vậy tái diễn?

Cộng đồng Lời Sự Sống đã thiếu một quy tắc sống dựa trên mô hình những gì phải sống trong truyền thống đan tu, cũng như thiếu một cái nhìn từ bên ngoài, theo khoảng thời gian đều đặn để đi kèm với phân định. Việc thực hiện các cuộc thăm viếng theo giáo luật là khôn ngoan, với những người từ bên ngoài cộng đồng đến để lắng nghe tất cả các thành viên cách kín đáo, giúp xác lập sự thật bằng cách đưa ra các khuyến nghị về tiến bộ hoặc cải cách, vì lợi ích của mọi người.

Trong các tu hội đời sống thánh hiến, đó là nguyên tắc phải được thiết lập. Phải đặc biệt coi sóc các nguyên tắc cơ bản như phải phân biệt giữa tòa trong và tòa ngoài.

Trong trường hợp này, đây không phải là tu hội nhưng là một hiệp hội riêng của các tín hữu…

Thật ra. Một sắc lệnh gần đây của Tòa Thánh kêu gọi tăng gấp đôi sự thận trọng trong việc phân định liên quan đến các hiệp hội công khai của các tín hữu, một quy chế giúp phát triển theo hướng của một tu hội đời sống thánh hiến. Còn về các hiệp hội riêng của các tín hữu, như hiệp hội Lời Sự Sống, thẩm quyền giáo hội có bổn phận cảnh giác, để bảo đảm sự trung thành với Tin Mừng và sự tôn trọng đối với mỗi người.

Đây là lý do làm cho hồng y De Kesel đưa ra quyết định này: giáo luật (Điều 326) quy định cơ quan thẩm quyền được phép giải thể một hiệp hội của các tín hữu “nếu hoạt động của hội gây ra thiệt hại nghiêm trọng (…) cho kỷ luật giáo hội hoặc gây tai tiếng giữa các tín hữu”. Hai tiêu chuẩn này đã có ở đây.

Có phải Giáo Hội đã ngây thơ trước sự năng động của các cộng đồng Canh Tân Đặc sủng không?

Chúng ta đang ở trong một thời kỳ tràn đầy hy vọng sau Công đồng Vatican II… Tuy nhiên, có một hình thức đi xuống trong nhiều thực tại của đời sống Giáo hội. Và đó là các phong trào nổi lên với các hình thức khác thường. Chúng tôi tự nhủ: đó là canh tân!

Đúng vậy, lòng nhiệt thành này xuất hiện có vẻ như để đổi mới cách thực hành và đời sống Giáo hội, với tuổi trẻ và sự rạng rỡ thực sự, một niềm vui hiển hiện, có thể đã thiếu sự sáng suốt và cảnh giác. Điểm cần xem xét khi nhìn lại 50 năm qua là sự ăn khớp giữa chiều kích đặc sủng của Giáo hội, khi chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người sức mạnh của Chúa để phúc âm hóa, và chiều kích thứ trật để mang lại một khung cho việc quản trị, và từ đó mới phân định được.

Không thể vứt bỏ mọi thứ, nhưng với độ lùi, chúng ta ghi nhận một số các cộng đồng này phải đi qua một điểm dừng, một tái tạo, với một cái nhìn phân cấp. Tóm lại, phải cân nhắc theo thánh Phêrô và Phaolô: phải đảm bảo những gì chúng ta làm thực sự là công việc của Chúa, không phải ý tưởng bất chợt của chúng ta hoặc bệnh lý của người này người kia…

Chúng ta đã thấy nhân cách của những người sáng lập đã có thể có vấn đề ngay từ đầu… Chẳng lẽ không có một cảnh giác đặc biệt nào với những người sáng lập cộng đồng sao?

Chắc chắn không phải ai cũng là Thánh Phanxicô, Thánh Đa Minh hay Thánh I-Nhã. Các bối cảnh hiện tại nhắc chúng ta nhớ hết sức thận trọng là cần thiết, khôn ngoan, nhận thức sâu sắc và phải có thì giờ kiểm tra khi đón nhận các hiệp hội mới. Nhiều người có những ý tưởng hay, họ có thể nói năng hoạt bát, hát hay, có khí chất lãnh đạo… nhưng chúng ta phải đặt các dự án này cho thời gian thử thách, kiểm tra người thực hiện và vòng thân cận đầu tiên chung quanh người đó có cho thấy tinh thần hiệp thông với Giáo hội và có đón nhận sự cảnh giác của các giám mục hay không. Cũng như phải có khả năng nhìn vào thực tế, chứ không chỉ có về mặt thiêng liêng.

Từ lâu, chúng ta đã nghe câu Phúc âm “Nhìn quả biết cây” (Mt 7: 16) để biện minh cho năng lực của một số cộng đồng hoặc những nhạy cảm nào đó. Chúng ta còn có thể áp dụng câu này không?

Tất cả tùy thuộc vào cái gọi là quả, và ai có thể nhận biết đó là quả tốt hay quả xấu… Ai có các tiêu chuẩn phân định để kiểm đó là quả tốt hay quả xấu? Nếu chỉ nhìn vào cái nhìn đầu tiên, rất tự phát thì chúng ta có thể nhầm. Tôi xem câu Phúc âm này như lời kêu gọi cùng đồng hành với cây cối để chúng sinh hoa kết trái đẹp đẽ: Tôi không phải là người làm vườn, nhưng nếu tôi đặt một chồi non xuống đất và không đi cùng với nó, tôi sẽ không gặt hái được những thành quả như mong đợi.

 Các thành quả thường được cho là qua số ơn gọi, người trẻ, các vụ trở lại…

Phải nói rằng: con số không phải là tiêu chuẩn. Dĩ nhiên cũng có thể thấy con số và các trái cây tốt! Nhưng đôi khi tôi thấy như chuyện so sánh số lượng trẻ em trong lớp giáo lý hoặc nơi các tân tòng, số lượng các dự án, và không phải với điều này mà chúng ta có thể nói rằng một cộng đoàn hay một giáo xứ đang hoạt động tốt hay không.

Toàn bộ vấn đề là, trong thực tại con người mà chúng ta đồng hành, công việc là của Chúa, không phải trong dự tính riêng của chúng ta, theo mong muốn hoặc những gì chúng ta mơ ước trên quy mô xã hội, dùng tôn giáo để đạt được điều này. Câu hỏi đặt ra là: công việc của Chúa ở đâu?

Tin thời sự của Giáo hội Pháp, việc tạm ngừng phong chức ở Toulon và chuyến kinh lý tông tòa đến Strasbourg, đã làm một số giáo dân mất phương hướng…

Tôi hiểu nỗi khổ này; tôi cũng mang nỗi khổ này. Đúng vậy, Giáo hội đang bị tổn thương, đôi khi chúng ta tự hỏi vụ bê bối tiếp theo sẽ là gì. Với tư cách là giám mục trẻ, tôi có thể nói với các bạn, tôi thi hành chức vụ này với niềm vui và nhiệt tình, nhưng nó rất nặng nề. Khi tôi chịu chức cách đây 30 năm, tôi chưa bao giờ hình dung tôi sẽ phải đối diện với một thực tế như vậy.

Vụ ngưng phong chức ở giáo phận Fréjus-Toulon: Giám mục Rey thừa nhận có “những sai sót”

Đồng thời, Giáo hội đã bị cuộc khủng hoảng này chiếm lĩnh. Có thể quá muộn, có thể là một cách không đầy đủ. Chúng ta có thể cầu nguyện cho tất cả các cộng đồng hoặc giáo phận đang trải qua thời kỳ khó khăn. Nhưng tôi cũng xin mọi người tin tưởng. Gần đây, các lập trường đưa ra cho rằng chúng ta đang ở trong một loại chiến tranh người này chống người kia, thanh toán giữa các giám mục với nhau, giữa giới giáo sĩ, giữa giáo dân, với giáo hoàng… theo hình ảnh của thế giới, nơi chúng ta đang chứng kiến những sụp đổ và sự gia tăng bạo lực. Tuy nhiên, chính trong thế giới này, chúng ta phải làm rạng rỡ lòng bác ái của mình. Giáo hội đã chia sẻ “Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người thời nay” (hiến chế về mục vụ và Hội Thánh Gaudium et Spes, 1965).

Từ tất cả những chuyện này có thể đi ra một cách tốt đẹp không?

Tôi chắc chắn. Vì tôi tin vào mầu nhiệm Thập giá và sự sinh hoa kết trái của nó. Chúng ta cùng nhau vác thập giá, và Chúa Giêsu cũng cùng vác thập giá với chúng ta. Có một nỗi đau thực sự và một cái chết thực sự trong những gì các thành viên của Lời Sự Sống và bạn bè của họ đang trải qua, trong những gì tôi đang trải qua với họ. Nhưng Thập giá đã là cây sự sống.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giải thể cộng đồng Lời Sự Sống: Một quyết định khó khăn nhưng cần thiết