“Cha cố gắng là chính mình, không giả tạo”, Đức Phanxicô nói chuyện với trẻ em
Ngày 4 tháng 6 năm 2022, Đức Phanxicô gặp 160 trẻ em đến thăm Vatican trong chương trình “Xe lửa trẻ em”
doc-catho.la-croix.com, Osservatore Romano, 2022-06-16
Ngày 4 tháng 6 năm 2022, Đức Phanxicô tiếp 160 trẻ em có thể chất yếu đuối cả về sức khỏe và về mặt xã hội, các em đến trong chương trình “Xe lửa trẻ em”, một sáng kiến của hiệp hội “Parvis des Gentils” tổ chức hàng năm cho các em. Trong cuộc gặp này, nhiều trẻ em đã đặt câu hỏi cho Đức Phanxicô, như thường lệ các em đặt những câu hỏi rất thẳng: “Quốc gia nào cha đi thăm được cải thiện nhất nhờ cha?” “Cha có cảm giác nào khi cha thành giáo hoàng?”, “Cha có mệt không?” “Cha có cảm giác gì khi tiếp xúc nhiều với… Chúa?”, “Cha có giúp các em bé khuyết tật không?”, “Cha có thể đến Ukraine để cứu tất cả trẻ em không…”, “Cuộc sống của cha trong gia đình như thế nào? Cha đã sống như thế nào, cha có hạnh phúc không?”
Và trong câu trả lời của ngài, Đức Phanxicô cho biết ngài rất ấn tượng “khi thấy các dân tộc khác nhau lại có một nét phong phú đặc biệt như vậy, nếu chúng ta học cách nhìn mọi người bằng trái tim thì chúng ta sẽ thấy sự phong phú này… luôn đẹp và khác biệt”. Ngài nhấn mạnh, “điều quan trọng, trong bất kỳ công việc nào… thì mình phải luôn là chính mình, với cá tính riêng của mình”, và với tư cách giáo hoàng, ngài tâm sự, “cha cố gắng luôn là chính mình, không có những chuyện giả tạo”, ngài công nhận ”đôi khi đó là một trách nhiệm khá nặng vì nó làm cha sợ. Nhưng… nếu Chúa xin cha làm như vậy, đó là vì Chúa ban cho cha sức mạnh để không phạm sai lầm”. Đức Phanxicô nói thêm: “Cha cảm thấy trách nhiệm của cha như một phục vụ, như các con cảm thấy khi các con phục vụ cho người khác, cho gia đình của các con”, ngài nêu rõ “phục vụ: trách nhiệm phục vụ người khác, giúp đỡ người khác; không được ở trên người khác”. Còn về gánh nặng của nhiệm vụ, ngài nhắc lại, “Chúa ban cho mỗi chúng ta sức mạnh để làm công việc của mình”. Ngài nhắc, “Chúa ở với chúng ta, Chúa đồng hành với chúng ta. Cảm giác được Chúa bảo vệ là điều quan trọng để tiếp tục làm công việc của mình với lòng chân thành và sức mạnh”.
Một em bé Ukraine xin ngài đến thăm đất nước của em, Đức Phanxicô cho biết ngài mong muốn được đến đó: “Cha đợi khi nào thời cơ thuận tiện cha sẽ đi… vì mình không thể quyết định một chuyện có thể có hại nhiều hơn là có lợi cho toàn thế giới. Cha chờ đến lúc thuận tiện.”. Còn về cầu nguyện, ngài giải thích “cầu nguyện cho nhau… giống như kéo cái nhìn của Chúa về với chúng ta, mối quan hệ của việc cầu xin là mối quan hệ của tình huynh đệ, tình bạn, của hai hoặc ba người cầu xin Chúa nhìn họ”. Ngài kết luận: “Cầu nguyện là kéo cái nhìn của Chúa về với chúng ta và điều đó thật đẹp. Các con hãy đi tới đàng trước!”
Ngày 4 tháng 6 – 2022, tại sân Damasô, Vatican – Các em gặp Đức Phanxicô. www.cortiledeigentili.com
Một bé trai: Thưa Đức Phanxicô, con tên là Mattia Mordente, con muốn hỏi cha một câu. Con biết cha đã đến thăm nhiều quốc gia ở nước ngoài, đặc biệt là các nước nghèo, cha nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia, cha cầu nguyện cho những quốc gia này, cải thiện họ. Nhưng theo cha, quốc gia nào cha đã đến thăm đã được cải thiện nhiều nhất nhờ cha?
Đức Phanxicô: Cha nói với con một chuyện: mỗi quốc gia có đặc điểm riêng của mình, và cha tự hỏi đâu là đặc thù phong phú nhất của một quốc gia. Và con có biết đặc thù giàu có nhất của một quốc gia là gì không? Là người dân. Con người luôn là con người, họ giống nhau ở một điểm nào đó, nhưng mỗi người đều khác nhau, họ khác biệt, họ có sự phong phú riêng của họ, và điều làm cho cha ấn tượng là thấy các dân tộc khác nhau phong phú theo một phong phú đặc biệt của quốc gia đó. Ở đây cũng vậy, với các con: mỗi người trong số các con có sự phong phú riêng của các con, phong phú của tâm hồn các con. Vì trái tim của mỗi chúng ta, tâm hồn của mỗi chúng ta không ai giống ai, không! Không có trái tim bằng nhau, tâm hồn bằng nhau, mỗi chúng ta đều có phần phong phú riêng của mình. Và điều này cũng áp dụng cho các quốc gia. Ở những quốc gia cha đến thăm, cha luôn thấy nét phong phú đặc biệt: quốc gia này có theo cách này, quốc gia kia có theo cách kia… Đó là vẻ đẹp của tạo hóa. Và chúng ta phải nhìn thấy điều này trong mỗi chúng ta. Nếu chúng ta học cách để nhìn, để thấy người khác bằng quả tim, để cảm nhận, để suy nghĩ bằng quả tim thì chúng ta sẽ thấy sự phong phú này nơi mỗi người, mỗi người đều khác nhau, luôn đẹp và luôn khác nhau. Các con hiểu chứ?
Một bé trai: Con tên là Edgar Murario, anh sinh đôi của một em bé khác cũng có mặt tại đây. Con không có nhiều điều để nói với cha nhưng con chỉ có một câu hỏi: làm giáo hoàng là như thế nào?
Đức Phanxicô: Điều quan trọng, trong bất kỳ công việc nào cuộc sống đã đặt để cho cha, cha không bao giờ ngừng là chính mình, với cá tính của riêng cha. Nếu một người, vào một nơi, hoặc nếu cuộc sống đặt mình vào nơi đó, mình thay đổi nhân cách thì mình là người giả tạo, và mình sẽ đánh mất mình ở đó. Phải luôn cảm nhận mọi chuyện khi chúng đến, với tinh thần chân thực: không bao giờ nên ngụy tạo cảm xúc của mình. Vậy cha cảm thấy thế nào trong tư cách là giáo hoàng? Là một con người, như mỗi người trong các con, trong công việc của mình. Bởi vì cha cũng là người giống các con, và nếu cha có công việc này thì cha phải cố gắng hoàn thành công việc của cha cách khiêm tốn nhất, theo đúng cá tính của cha, không cố gắng làm những gì xa lạ với chính con người của cha. Chẳng hạn cha hỏi con: “Con cảm thấy như thế nào, con và em sinh đôi của con, con cảm thấy thế nào?” – “Con cảm thấy như vậy”. Quan trọng là đừng đánh mất mình. Ngay cả khi mình lớn lên và mình có một trách vụ với việc này việc kia, các con đừng quên mình là người này, và các con đừng đánh mất cảm nhận này.
Để trả lời câu hỏi của con, “cha cảm thấy thế nào trong công việc này, trong trách vụ là giáo hoàng?”, cha cố gắng là chính mình, cha không giả tạo. Cha không biết cha trả lời như vậy có giúp con không.
Bé trai: Dạ, con xin cám ơn cha.
Một cô gái trẻ: Con xin chào cha. Con tên là Nicole Malizia và con có một câu hỏi. Con muốn biết: cha cảm thấy phải có những trách nhiệm gì khi cha là giáo hoàng, dù sao thì cha cũng là người quan trọng nhất trên thế giới?
Đức Phanxicô: Tinh thần trách nhiệm là điều mà tất cả chúng ta, mỗi người chúng ta cần phải cảm nhận. Mỗi chúng ta đều có cá tính riêng và cũng có trách nhiệm riêng. Trách nhiệm của các con bây giờ là học, trách nhiệm học tập, với tư cách là học sinh; các con cũng có trách nhiệm mang lại một số chuyện nào đó cho gia đình. Nếu chúng ta nghĩ, mỗi chúng ta có trách nhiệm của riêng mình, nếu chúng ta nghĩ cuộc sống chúng ta không phải cho chúng ta mà cho người khác và còn để phục vụ người khác, gần gũi với người khác. Đúng là đôi khi đó là một trách nhiệm khá nặng, vì nó làm cha sợ. Nhưng cha cố gắng cảm nhận điều đó một cách tự nhiên nhất, vì nếu Chúa xin cha làm như vậy, chính là vì Ngài ban cho cha sức mạnh để không phạm sai lầm, cẩn thận để không mắc sai lầm. Cha cảm thấy trách nhiệm của cha như một phục vụ, cũng như các con khi các con phục vụ cho người khác, cho gia đình các con, và khi các con lập gia đình, con phục vụ cho gia đình, cho tất cả mọi người. Phục vụ: trách nhiệm phục vụ người khác, giúp đỡ người khác; không được ở trên người khác, giống như người ra lệnh, không, không. Là một người như người khác, nếu mình có trách nhiệm chỉ huy, thì mình phải làm như mỗi người trong chúng ta. Con hiểu chứ?
Cô gái: Dạ, con hiểu. Con xin cám ơn cha nhiều.
Một cô gái trẻ khác: Con xin chào cha. Con tên là Caterina Lastorza. Con muốn hỏi cha: “Cha làm giáo hoàng có mệt không.?
Đức Phanxicô: Trong cuộc sống, luôn có những lúc mệt mỏi. Mọi công việc chúng ta làm luôn có yếu tố cố gắng. Chẳng hạn, học cũng khó, làm công việc này, công việc kia đều có cái khó của nó… Và giáo hoàng cũng có những cố gắng riêng của mình, đúng không? Con đường phải gánh những khó khăn cũng phải là con đường bình thường, như bao nhiêu người khác: mỗi chúng ta đều phải gánh những khó khăn của mình; và giải quyết các công việc theo cách của con người, theo cách bình thường. Nhưng nếu con hỏi cha: công việc này có mệt hơn công việc của một người cha, một người mẹ không thì cha trả lời không, không. Chúa ban cho mỗi chúng ta sức mạnh để gánh các công việc của mình, và đó không phải là một cái gì thêm. Nhưng nó phải được thực hiện trong trung thực, chân thành và nghiêm túc, bởi vì cha và mẹ cũng sẽ đi đến đàng trước với công việc của họ. Con hiểu không ?
Cô gái: Dạ, con cám ơn cha rất nhiều.
Một bé trai: Con xin chào cha, con tên là David Murario và con chỉ có một điều muốn hỏi cha: Cha có cảm giác gì khi tiếp xúc nhiều với Đấng Tạo Hóa của Trái Đất, có nghĩa là Chúa?
Đức Phanxicô: Con biết không, đó là điều tuyệt vời mà con đang hỏi, vì trong cuộc sống chúng ta có nguy cơ quên Chúa, không liên lạc với Chúa. “Không, một mình tôi quản lý mọi sự, tôi làm mọi chuyện…”. Và con đường này thật nguy hiểm! Luôn luôn, một hoặc hai lần mỗi ngày, chúng ta phải nhớ Chúa ở với chúng ta, Chúa cùng động hành với chúng ta, Chúa theo dõi chúng ta. Cảm thấy được Chúa che chở là điều quan trọng để tiếp tục làm công việc của mình trong chân thành và mạnh mẽ. Chúa cũng nhìn con và nhìn em trai của con. Chúa gần mỗi chúng ta và nhìn chúng ta, và với cảm giác Chúa ở gần này, chúng ta có thể tiến về phía trước một cách tốt đẹp. Nhưng điều sai lầm là khi chúng ta không muốn cảm thấy Chúa ở gần, Chúng ta cảm thấy thích gần cái này, cái kia nhưng lại để Chúa ở xa. Không. Bí quyết là cảm thấy Chúa ở gần. Và điều này đi theo cha suốt đời.
Em bé trai: Dạ, con cám ơn cha. Và con cũng muốn hỏi cha một câu khác. Khi nhìn các em bé có vấn đề, khuyết tật về các giác quan, cha cảm thấy thế nào? Cha giúp các em và cho lời khuyên, hay cha đi con đường riêng của cha?
Đức Phanxicô: Khi chúng ta nhìn một người, chúng ta đừng bao giờ cảm thấy mình cao hơn người đó. Chẳng hạn, nếu cha nhìn con và cha nghĩ tới những lời khuyên cha sẽ cho con, như thế thì không tốt. Trước tiên cha phải lắng nghe con, sau đó nói với con những gì từ quả tim cha. Cha nhìn con ngồi bên cạnh em sinh đôi của con; cha nhìn và cha thấy con di chuyển như thế nào và cha nghĩ trong đầu: “Đứa trẻ này thật ngoan. Mình có lời khuyên nào cho một đứa bé ngoan không? Hãy khiêm tốn và cám ơn Chúa đã ban cho mình sức mạnh và kỹ năng này”. Và khi cha nhìn những đứa trẻ, như con nói, những đứa trẻ có những hạn chế, khuyết tật, cha nghĩ Chúa đã ban cho các em này những điều khác, những điều đẹp đẽ khác. Một trong những điều mà mà cha thú nhận đã làm cha xúc động tận trái tim là khi cha ở bên cạnh người mù, họ thường nói với cha: “Con có thể nhìn cha được không?” Mới đầu cha không hiểu, nhưng sau đó cha nói: “Được” và họ lấy tay chạm vào mặt cha và nhìn cha. Cha thấy gì ở đây? Sáng tạo: một người có những hạn chế, họ luôn tìm ra sức mạnh để vượt qua hạn chế này và chính sự sáng tạo, khả năng sáng tạo là một thách thức với em bé này. Và đó là điều đáng khen ngợi. Còn con, con không có giới hạn, con cũng cố gắng sáng tạo: con đừng quen với những việc cũ, con cố gắng sáng tạo, vì sáng tạo là điều làm cho chúng ta giống Chúa.
Em bé trai: Dạ, con xin cám ơn cha.
Một em bé trai Ukraine: Con tên là Sachar, con đến từ Ukraine. Con không có câu chuyện, nhưng con có một chuyện con xin: cha có thể đến Ukraine để cứu tất cả những em bé hiện đang đau khổ ở đó không?
Đức Phanxicô: (Chào bằng tiếng Ukraine) Cha rất vui vì con ở đây. Cha nghĩ rất nhiều đến các em bé ở Ukraine, và cha đã cử các hồng y đến Ukraine để giúp đỡ và gần gũi với người dân, với các em bé. Cha muốn đi Ukraine. Con biết không, cha chờ lúc thuận tiện mới đi được vì không dễ để đưa ra một quyết định có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho toàn thế giới. Cha phải tìm khi nào thích hợp để đi. Tuần tới, cha sẽ tiếp các đại diện của chính phủ Ukraine, họ sẽ đến nói chuyện, cũng là để nói về một chuyến đi có thể có. Chúng ta sẽ xem mọi thứ sẽ được diễn ra như thế nào.
Em bé Ukraine: Con xin cám ơn cha.
Một em bé trai: Thưa cha, con xin hỏi cha hai câu: cha rất thích bóng đá, cha có bốn em trai; cha của cha là công nhân đường sắt và mẹ của cha là nội trợ. Con muốn hỏi cha: cuộc sống của cha thế nào? Cha đã sống như thế nào? Cha có hạnh phúc không?
Đức Phanxicô: Cha hạnh phúc. Con nói về bố mẹ cha: bố làm việc, mẹ nội trợ, bố mẹ cha có 5 người con. Khi còn nhỏ, khi đi đâu cả gia đình cùng đi với nhau, ngày chúa nhật cả nhà đến sân vận động để xem bóng đá vì cả nhà rất thích bộ môn này. Cha cũng chơi bóng đá, nhưng con biết không, cha chơi không giỏi và các bạn gọi cha là patadura, nghĩa là người bị cứng chân vì cha không đá được. Nên các bạn để cha thủ thành, vì như thế thì cha không phải chạy nhiều, vậy mà cha làm thủ môn nhiều ít cũng thành công. Đó là tương giao của cha với thể thao trong gia đình. Các em trai của cha đã qua đời, trừ người em gái út của cha còn sống; cha là anh cả và cô em út còn sống. Đó là những kỷ niệm đẹp của gia đình.
Một cô gái trẻ: Thưa cha, xin cha cầu nguyện cho con, cho những em bé bị bệnh.
Đức Phanxicô: Con nói điều thật đẹp… Con tên gì?
Cô gái: Con tên Ludovica.
Đức Phanxicô: Những gì Ludovica nói thật hay: “Xin cha cầu nguyện cho con”. Đó là điều mà chúng ta phải xin nhau, cầu nguyện cho nhau. Cầu nguyện. Vì cầu nguyện cho một người trong chúng ta thì cũng như kéo cái nhìn của Chúa về với chúng ta. Khi các con cầu nguyện, Chúa nhìn các con. Và những gì con xin là một chuyện tốt đẹp. Con cũng vậy, con cũng cầu nguyện cho người khác, con biết không? Con cầu nguyện cho cha và cha cầu nguyện cho con và mối quan hệ của việc xin cầu nguyện là tương quan của tình anh em, tình bằng hữu, của hai hoặc ba người xin Chúa nhìn họ. Cầu nguyện là kéo cái nhìn của Chúa về với chúng ta. chúng ta cùng đi tới đàng trước!
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Tất cả những gì các bạn luôn muốn hỏi giáo hoàng