Đức Phanxicô, giáo hoàng của tôi
presence-info.ca, Louis Cornellier, 2022-06-16
Các quân nhân của quân đội Ý chụp selfie với Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 15 tháng 6-2022. (Ảnh CNS / Vatican Media)
Ở tuổi 85, Đức Phanxicô đã bắt đầu thấy già. Những hình ảnh gần đây cho thấy ngài đi đứng khó khăn nên liên tục có tin đồn ngài sẽ sớm từ nhiệm. Có đúng như vậy không? Dĩ nhiên tôi không biết, nhưng nếu xảy ra, tôi sẽ hiểu. Để là giáo hoàng, dù những đầu óc hẹp hòi có nghĩ như thế nào về chức vụ giáo hoàng, thì chức vụ này đòi hỏi một năng lực mà một người ngoài tám mươi mệt mỏi có quyền không còn năng lực này nữa.
Do đó, tôi sẽ hiểu, nhưng tôi sẽ không khỏi đau lòng vì ngài là giáo hoàng của tôi, tôi nói điều này tự đáy lòng, tôi không thể kiềm chế được. Trong tất cả các giáo hoàng tôi từng biết trong đời – tôi sinh năm 1969 – ngài là giáo hoàng làm cho tôi hòa hợp với thể chế Giáo hội nhiều nhất, một thể chế đôi khi rất khó yêu.
Nơi Đức Phanxicô và trong các văn bản của ngài, có một tâm hồn đơn sơ thực sự, linh hồn và đức tin đan chặt nhau, dĩ nhiên là do lòng trung thực hoàn hảo của một người, cũng như lòng khiêm nhường của người đó. Năm 2018, nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton đã xuất bản quyển sách phỏng vấn ngài, Chính trị và xã hội, (Politique et société), không giấu được sự ngưỡng mộ của mình, ông tự hỏi: “Làm cách nào mà ngài có được thiên tài giao tiếp, khả năng cho thấy bản thân mình một cách đơn giản đến như vậy, với một tình thương thực sự cho người dân, cho ‘những người bình thường’”?
Tôi có ý kiến của tôi về điều này: khi ngài diễn tả, ngài không đưa ra các bài giảng hoặc nói nôm na, ngài truyền bá trực tiếp thông điệp kitô trong sự thật của nó, không phải là không chính xác, như trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium năm 2013, rằng huấn quyền giáo hoàng không có “lời dứt khoát hoặc đầy đủ về mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội và thế giới”. Với Đức Phanxicô, công thức “tôi là ai để phán xét?” mang đúng nghĩa của nó.
Từ bỏ và niềm vui
Ngài nói trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium, một người rao giảng Tin Mừng “không nên có bộ mặt đám ma thường xuyên, một “bầu khí Mùa Chay không có Lễ Phục sinh”. Người tín hữu kitô phải có khả năng nói không với một “nền kinh tế giết người”, với “toàn cầu hóa của dửng dưng”, ngài phải nói to, nói rõ, rằng “phẩm giá của con người và lợi ích chung phải ở trên sự an nhàn của một số ít người không muốn từ bỏ các đặc quyền của mình” và nhận thức rằng “không ai cảm thấy mình bị loại trừ trong sự quan tâm đến người nghèo và công bằng xã hội”. Ngài viết trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si năm 2015, “nhưng sự từ chối này phải đi kèm với cảm giác hân hoan rằng, thế giới còn hơn cả một vấn đề cần giải quyết, đó là huyền nhiệm bí ẩn vui tươi mà chúng ta đang chiêm ngưỡng trong niềm hân hoan và ngợi khen”.
Với nhà xã hội học Dominique Wolton, Đức Phanxicô nói, óc hài hước “ở cấp độ con người, là điều giúp chúng ta đến gần với ơn Chúa nhất”. Khi các nhà bình luận cực hữu gọi ngài là cộng sản vì ngài nghiêm khắc công kích chủ nghĩa tư bản, Đức Phanxicô không cảm thấy mình bị xúc phạm vì lời chỉ trích này, ngài còn vui vẻ nói thêm, ngài biết “có nhiều người mác-xít là những người rất tốt.” Đúng, ngài là giáo hoàng của tôi.
Đối thoại với những người nhỏ bé
Năm 2017, trong một album tuyệt đẹp, Giáo hoàng Phanxicô thân mến (Cher pape François, nxb. Novalis) ngài trả lời một cách trong sáng và rất xúc động cho các bức thư của các em trên khắp thế giới gởi về. Một em bé người Canada hỏi Chúa đã làm gì trước khi tạo ra thế giới, Đức Phanxicô đơn giản trả lời, “Chúa yêu thương”. Một em bé Albania hỏi khi còn nhỏ ngài có thích nhảy không, ngài ca ngợi niềm vui và trả lời với các em bé, khi còn nhỏ phải nhảy chứ, “để không quá nghiêm túc khi lớn lên”.
Em Wing, 8 tuổi ở Trung Quốc muốn biết vì sao ngài thích môn bóng đá, Đức Phanxicô giải thích vì ngài thích tinh thần đồng đội. Ngài nói: “Để trở thành những cầu thủ bóng đá giỏi, chúng ta phải chơi cùng nhau. Trong Giáo hội cũng nên như vậy!” Với một em bé người Úc lo lắng về nạn đói trên thế giới và muốn Chúa nhân bánh thêm một lần nữa, nhân đó ngài tóm tắt học thuyết xã hội của Giáo hội, ngài giải thích: “Bánh mì thì có đó. Và có đủ cho tất cả mọi người! Nhưng vấn đề là có một số người có rất nhiều nhưng không muốn chia sẻ cho người khác. Vấn đề không phải là Chúa Giêsu, nhưng là ở những kẻ ích kỷ dữ dằn muốn giữ của cải cho riêng mình. Chúa Giêsu rất nghiêm khắc với những người này”. và Đức Phanxicô là như thế: bộc trực, vui tươi, công bằng, sáng suốt, lạc quan.
Bên cạnh người nghèo
Lại cũng ngài, trong quyển sách Từ người nghèo đến giáo hoàng, từ giáo hoàng đến thế giới (nxb. Seuil, 2022), đối thoại giữa Đức Phanxicô và người nghèo trên khắp thế giới do hiệp hội Ladarô Pháp tổ chức. Các người điều phối chương trình viết: “Nghe có vẻ kỳ lạ, giáo hoàng đã dành cho chúng tôi nhiều giờ nói chuyện. Không lúc nào ngài để các thư ký hoặc điện thoại quấy rầy. Cái nhìn và lời nói của ngài cho chúng tôi có cảm tưởng chúng tôi là duy nhất trên thế giới lúc này”.
Tất cả những gì các bạn luôn muốn hỏi giáo hoàng
Các câu hỏi gởi cho giáo hoàng trong quyển sách này tạo một mạng lưới rộng lớn và cho thấy ngài rất tự do trong giọng điệu. Các người nghèo hỏi ngài đủ chuyện, ngài thích đọc gì, ngài trả lời các thi sĩ Pháp Verlaine và Baudelaire để nuôi dưỡng “phần hoài niệm” của ngài, thích nghe nhạc Wagner để thư giãn. Khi được hỏi lương của ngài bao nhiêu, “Tôi không kiếm được gì, nhưng sự nghèo khó của tôi là giả tạo vì tôi không thiếu gì.” Lỗi của ngài là thiếu kiên nhẫn, và điều ngài ngưỡng mộ nơi người khác là tính đơn giản và minh bạch.
Ngài thú nhận ngài không thoải mái với sự tôn kính mà một số người dành cho ngài vì ngài cảm thấy mình không có gì là thần thánh, vì trước hết là ngài thích gần gũi với mọi người. Ngài nói: “Tôi thường tự hỏi phong cách của Chúa là gì. Đọc Kinh Thánh cho tôi biết phong cách này là: gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng. Chúa là như vậy.”
Trong hậu trường “bạn cùng phòng” của giáo hoàng với người nghèo
Không như Đức Gioan-Phaolô II năng động nhưng có chút gì đó của một người cao cả, Đức Bênêđíctô XVI xuất sắc nhưng khắc khổ, Đức Phanxicô là giáo hoàng bình thản, hay cười và khiêm tốn. Ngài không ngần ngại nói ngài chưa bao giờ thấy Chúa trong giấc mơ và không nghe thấy tiếng nói từ trên trời, rõ ràng ngài không trường phái thần nghiệm. Ngài nói, Chúa nói từ quả tim. Khi một phụ nữ Brazil hỏi ngài Chúa Giêsu có đẹp không, ngài trả lời rất dễ thương: “Chúa của chúng ta rất đẹp. Đẹp một cách độc đáo. Nếu bạn thấy Chúa, chắc chắn bạn sẽ yêu Chúa.” Chúa có đón nhận mọi người không, Chúa có kín đáo không? Với người không tin và đồng tính thì Chúa đón nhận như thế nào? Đức Phanxicô trả lời: “Bạn phải biết cách đọc và chú giải Kinh Thánh. “Chúa không từ chối ai vì cách của họ, vì hoàn cảnh xã hội của họ hoặc bản sắc giới tính của họ.” Với tôi, thật rõ ràng.
“Nóng giận, sốt ruột”, Đức Phanxicô tâm sự và nhìn lại tình yêu thời học trò của ngài.
Đấu tranh cho công lý
Trong đối thoại với người nghèo, dĩ nhiên phải nói đến vấn đề bất công xã hội, nguyên nhân của nó và giải quyết vấn đề. Đức Phanxicô không cần phải yêu cầu để được nói về chủ đề yêu thích của ngài. Ngài nhấn mạnh về sự cần thiết phải đấu tranh “để chấm dứt nghèo đói vật chất, vì công lý, để mọi người, đàn ông cũng như đàn bà phải có việc làm, cơm ăn, học hành”. Tất nhiên, chúng ta phải giúp đỡ người nghèo khi họ cần, nhưng sự giúp đỡ này “đến lượt chúng ta, chúng ta không thể tách rời sự đóng góp của chúng ta trong việc giải quyết bất công xã hội hoặc chống lại sự khiếm nhã mà sự giàu có thể hiện ra bên ngoài”.
Đạo công giáo không phải là con đường tâm linh không nhập thể. Đức Phanxicô giải thích: “Một số người cho rằng tôi là người cộng sản… Tôi, tôi chỉ khẳng định rằng nếu chúng ta loại bỏ người nghèo ra khỏi Phúc âm thì sẽ không còn Phúc âm. Tội lỗi lớn của xã hội là phân phối của cải không đều.”
Đức Phanxicô sắp từ nhiệm không? Tôi không biết. Nhưng tôi biết, trong gần mười năm, triều giáo hoàng mới mẻ của ngài là lời mời gọi cho tất cả người công giáo trên thế giới đừng bao giờ từ bỏ niềm vui đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn, xứng đáng hơn cho tất cả, cho một thế giới mà tôi chỉ muốn nói, huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, chân thật hơn.
Đức Phanxicô, giáo hoàng của tôi, sẽ khó để thay thế ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tại sao bàn đến việc Đức Phanxicô từ nhiệm?