Sự gia tăng khó hiểu của việc trẻ em tự tử

117

Sự gia tăng khó hiểu của việc trẻ em tự tử

newyorker.com, Andrew Solomon, 2022-04-04

Một bi kịch gia đình làm sáng tỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tâm thần đang phát triển.

Ảnh ghép gia đình có cả Trevor Matthews. Ảnh của Sarah Palmer cho The New Yorker; nguồn ảnh bà Angela Matthews cung cấp.

Một năm trước, khi Trevor Matthews tự tử, cha mẹ của em cố gắng tìm hiểu vì sao có rất ít can thiệp trị liệu cho trẻ em bị trầm cảm.

Chồng tôi và tôi gặp Trevor Matthews lần đầu khi em và George, con trai chúng tôi cùng học mẫu giáo ở trường tư thục St. Bernard dành cho nam học sinh ở Upper East Side. Trevor có lẽ là đứa trẻ xuất sắc nhất lớp. Ở lớp một, em đã đọc truyện giả tưởng dành cho người lớn. Em quyến rũ, rộng lượng và nhân đạo. Nhưng em có thể đột ngột hung bạo. Trong  tiệc sinh nhật bảy tuổi con trai tôi, Trevor cắn vào tai một bạn khác đến mức ngày mai đi học vết cắn này vẫn còn thấy. Trong lớp, Trevor ăn hiếp các bạn nhỏ hơn, và nếu chúng cự lại, thì Trevor sẽ cố tạo rắc rối cho chúng. Trevor rất khôn ngoan trong công việc của mình. Năm lớp hai, Trevor đã tống tiền các em bé khác, bằng cách dọa tung ra tin đồn xấu. Một bạn cùng lớp nhớ lại: “Trevor gây rắc rối nhiều hơn tất cả mọi người cộng lại.” Các bậc phụ huynh phàn nàn và Trevor thường xuyên bị kỷ luật. Một phụ huynh cho biết: “Năm lớp một, Trevor luôn xung đột. Tôi nhớ đã thấy mẹ của Trevor rất đau khổ và chỉ muốn đường đi của con trai mình bớt vất vả hơn một chút. Nhưng điều đó thật khó.”

Bà Angela Matthews, mẹ Trevor ngoài bốn mươi là một luật sư giỏi, đã học múa ba lê và đi đứng nhẹ nhàng như một vũ công. Thông minh và tính cách mạnh mẽ của bà làm cho bà có thể đáng sợ, nhưng bà cũng có những hành động vô cùng tử tế. Ông Billy Matthews, cha của Trevor làm việc trong lĩnh vực tài chính, người dễ mến và khỏe mạnh. Họ có cô con gái Agnes, nhỏ hơn Trevor ba tuổi rưỡi; Billy có hai con trai riêng là Trey và Tristen của một hôn nhân trước.

Bà Angela lớn lên ở New York trong một gia đình Tin Lành da trắng tóc vàng, Trevor học trường St. Bernard là do có hai người chú đã học ở đó và cả hai đều chết trẻ. Năm 1992, người em trai tám tuổi của bà Angela là Tristan Colt bị ngã xuống đất chết từ tòa nhà chung cư của gia đình. Tristian leo qua cửa sổ căn hộ ở tầng mười hai để từ đó cẩn thận nhảy xuống sân thượng tầng bên dưới, vào nhà lân cận, đi xuống cầu thang và đi ra ngoài mà không bị phát hiện. Người ta nhìn thấy Tristian lần cuối khi ngồi trên bờ sân thượng, trước khi lật nhào về phía sau. Anh nổi nóng và bị la, nhưng kết luận chung là cái chết của anh có lẽ không phải là tự tử. Mười một năm sau, anh trai cùng cha khác mẹ của Angela, Trevor Nelson – người mà bà đặt tên cho con trai mình – qua đời ở tuổi ba mươi tư, bị bệnh viêm màng não vì vi rút, và bệnh viện đã chích cho anh một hỗn hợp thuốc gây tử vong mà không giải thích được. Hơn Angela mười một tuổi và là con trong cuộc hôn nhân đầu tiên của mẹ, anh là vận động viên và học xuất sắc ở trường St. Bernard nhưng cũng là người hung bạo. Giờ ra chơi, anh tập hợp các bạn để chơi trò chơi có tên là Kill, các bạn sẽ hô vang và sau đó Trevor sẽ thông báo tên của người sẽ bị tấn công. Trevor Nelson liên tiếp bị đuổi ở nhiều trường khác nhau. Nhưng cuối cùng thì anh cũng dịu đi. Anh học ở trường đại học Berkeley, là một trong các nhà sản xuất giỏi nhất của chương trình “60 Minutes”, là người chồng, người cha tận tụy có nhiều bạn bè trung thành. Hàng trăm người tham dự đám tang của anh.

Khi Trevor Matthews vào học trường St. Bernard, em mặc áo khoác của chú Tristan Colt và những cựu học sinh của trường thường so sánh em với chú Trevor Nelson của anh. Nếu em cư xử không tốt, các giáo viên sẽ nói: “Chà, Trevor giống người có cùng tên”. Trí thông minh sắc sảo của Trevor làm nhiều người lớn thích thú. Trên nhiều lãnh vực khác, Trevor cũng sớm trước tuổi: em thích các bạn gái, năm lớp 4, em đã hẹn hò ở trường. Bà Angela nói với tôi: “Nó khiến con bé gặp phải một chuyện lớn. Tôi đã bảo: ‘Nếu nó muốn hẹn hò, thì cứ hẹn hò’. Chúng không nắm tay nhau, không sao cả”. Trevor được bầu làm trưởng lớp năm đó, hứa sẽ sửa sân ra chơi và kêu gọi các nam sinh dấn thân giúp người vô gia cư trong khu phố.

Tuy nhiên, sự hung hăng của Trevor ngày càng mạnh. Trevor đã đẩy một bạn xuống cầu thang; mẹ của bạn ấy xin nhà trường đảm bảo khoảng cách thể lý giữa các nam sinh trong cầu thang. Chơi bắn súng sơn, Trevor lẻn phía sau một cậu bé và bắn thẳng vào mũ kết của bạn; đứa trẻ bị hội chứng mờ thị lực. Một cậu bé khác đi học về với vết đỏ trên cổ; nhà trường nói với mẹ là Trevor đã làm nó nghẹt thở. Năm 2019, cuối năm lớp 4, nhà trường và cha mẹ của Trevor đã đi đến thống nhất, Trevor sẽ tốt hơn khi ở chỗ khác. Nhiều bạn học của Trevor thở phào nhẹ nhõm. Một người mẹ nói với tôi: “Tôi có thể nói, con trai tôi không muốn Trevor ra đi, vì chúng cảm thấy như một gia đình”. Nhưng căng thẳng không còn nữa. Con trai của bà nói: “Thật buồn khi Trevor ra đi, nhưng bây giờ chúng con có thể làm nhiều việc hơn.”

Năm ngoái, vào cuối tuần trong ngày lễ Tổng thống, chồng tôi và tôi đã đưa George và một trong các bạn lớp sáu của con đi trượt tuyết ở Catamount, một nơi phổ thông của nhiều gia đình trong trường. Khi chúng tôi đến, chúng tôi thấy Trevor. George và bạn chán nản. Chúng tôi nói, các con không trượt tuyết chung với Trevor nhưng các con cố gắng cư xử lịch sự. Nhưng các cháu đã trượt tuyết với Trevor và một số cậu bé khác của trường St. Bernard. Trevor trượt tuyết rất giỏi, đã cùng với các bạn khác vượt qua những ụ tuyết khó khăn nhất. Cuối ngày, khi George và bạn lên xe về, George nói: “Trevor đã thay đổi. Bạn tử tế hơn. Chúng con có thể là bạn bè.” Chúng tôi rất vui khi nghe các con nói thế.  Có lẽ, như những người khác đã nghĩ, Trevor Matthews cũng đang đi trên con đường thay đổi giống như Trevor Nelson.

Bảy tuần sau, vào chiều ngày 6 tháng 4, Trevor tự tử, em nhảy từ nóc tòa nhà chung cư trên Đường 86 và Đại lộ Park xuống. Trevor vừa qua sinh nhật lần thứ mười hai vài tháng.

Khi đang đi mua đồ ở một cửa hàng tạp hóa, tôi nghe một phụ huynh của trường St. Bernard cho biết tin, tôi vội về nhà để nói cho chồng tôi biết. Chúng tôi không biết sẽ báo tin này với con trai tôi như thế nào? George khóc suốt buổi tối. Con trai tôi liên tục nói: “Nhưng vì sao Trevor lại làm như vậy?” Sau đó con tôi nói: “Không phải lúc nào con cũng đối xử tốt với Trevor. Có lẽ con đã làm cho đời sống của bạn con tệ hơn”. Tôi trấn an con, con không làm gì để gây ra thảm kịch như vậy và con cũng không làm gì để ngăn chặn được. Mẹ của một trong những bạn học của George nói: “Thời thơ ấu của các con đã chấm dứt ở ngày thứ ba này.”

Tôi hỏi bà Angela liệu chúng tôi có thể đến chia buồn được không. Bà nói vì trẻ em chưa tiêm vắc-xin nên đừng đem George đi. Bà dừng lại và giải thích: “Đó là vì Agnes. Agnes cũng chưa chích ngừa. Và Agnes là tất cả những gì chúng tôi còn lại.” Trong những tuần tiếp theo, Angela kể đi kể lại câu chuyện của con mình cho bất cứ người bạn nào hỏi, như thể bà có thể kiềm lại được nếu lặp đi lặp lại. Còn với Billy, một trò chuyện bình thường cũng là cả một đấu tranh.

“Một hoàn cảnh đã làm chúng tôi thành bạn tâm giao, nhưng nó không thể làm thành cuốn phim mà cả hai chúng tôi muốn xem”. Hình minh họa Tom Toro

Angela và Billy đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao có rất ít can thiệp trị liệu cho trẻ em bị trầm cảm. Trevor, đứa con của những cha mẹ khá giả, có học thức, được nâng đỡ tinh thần tốt hơn nhiều so với đa số trẻ em Mỹ, nhưng dù vậy cũng không cứu được chuyện này. Angela muốn vận động hành lang pháp lý để ủy nhiệm các dịch vụ mà con trai bà cần; bà cân nhắc việc thành lập một trung tâm để nghiên cứu và cung cấp điều trị lâm sàng. Vì tôi đã viết về chứng trầm cảm, bà và Billy khuyến khích chúng tôi xử lý vấn đề tự tử ở trẻ em, và đồng ý kể cho tôi nghe câu chuyện của họ. Tôi đã nói chuyện với những người đã biết Trevor và bắt đầu liên lạc với các gia đình tang quyến khác, cũng như với các nhà nghiên cứu và nhân viên sức khỏe tâm thần đang điều tra hiện tượng ngày càng gia tăng này.

Mọi vụ tự tử đều tạo ra một khoảng trống. Những người bị bỏ lại, họ muốn lấp đầy khoảng trống này, muốn hợp lý hóa hoàn cảnh mà cuối cùng không thể dò được của họ. Mọi người có thể đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác, bám vào những thoải mái nhỏ nhặt, hoặc tự làm mình đau đớn một cách đáng thương; nhiều người làm tất cả điều này và còn hơn thế nữa. Trong một năm phỏng vấn những người gần Trevor nhất, tôi đã thấy tất cả những phản ứng này và tôi cũng đã trải nghiệm một vài phản ứng này. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu Trevor, điều mà tôi chưa từng cảm nhận được khi em còn sống. Tôi càng hiểu sâu hơn về sự tổn thương của Trevor, tôi càng ước tôi nên khuyến khích con trai tôi kết thân với Trevor, mà quan hệ của con tôi với Trevor thường đối nghịch. Khi tôi phỏng vấn cha mẹ Trevor, mối quan hệ của tôi với họ đã thay đổi. Nhu cầu viết một cách khách quan mà không làm các cảm xúc đau khổ trở nên chai đá – nhưng nó cũng trở nên sâu sắc hơn và thân thương hơn. Khi ngày kỷ niệm ngày mất của Trevor 6 tháng 4 đến gần, tôi bắt đầu chia sẻ hy vọng của họ rằng bài viết này, đây là một hình thức để tưởng nhớ Trevor.

Angela đã đúng khi nhận thấy một vấn đề lớn hơn đang đe dọa. Độ tuổi trung bình của các vụ tự tử đã giảm trong một thời gian dài và tỷ lệ thanh niên tự tử đang tăng lên. Từ năm 1950 đến năm 1988, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15  đến 19 tuổi tự tử đã tăng gấp bốn lần. Từ năm 2007 đến năm 2017, tỷ lệ trẻ em từ 10 đến 14 tử tự tăng gấp đôi. Rất khó để khái quát hóa vấn đề tự tử ở thanh thiếu niên, vì dữ liệu hiện có rất thưa thớt và rời rạc so với bệnh tâm thần của người lớn, chưa nói đến lĩnh vực tâm lý học được phát triển rộng hơn. Những nghiên cứu đã có thường có các thông số rất đa dạng – về độ tuổi, tầm mức thử nghiệm và một loạt các yếu tố nhân khẩu học – nên việc tập hợp thông tin là không thể. Các con số thống kê mù mịt mâu thuẫn nhau cho thấy sự thiếu hiểu biết tập thể trong một lĩnh vực mà trong đó cần có nhiều nghiên cứu tốt hơn, khẩn cấp hơn. Tuy nhiên, năm 2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Mỹ (C.D.C), vấn nạn tự tử đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 trẻ em từ 10 đến 14 tuổi và của 6.000 thanh niên từ 15 đến 24 tuổi. Trong nhóm đầu, tự tử là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai (sau vô ý gây thương tích). Điều này làm cho nó trở thành một nguyên nhân phổ biến gây tử vong như tai nạn xe hơi.

Mặc dù còn quá sớm để lượng định đầy đủ tác động lâu dài của đại dịch, nhưng nó đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang bùng phát. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Mỹ nhận thấy năm 2020, số người ở độ tuổi từ 12 đến 27 có liên quan đến sức khỏe tâm thần đến phòng cấp cứu bệnh viện cao hơn một phần ba so với năm 2019. C.D.C. cũng báo cáo, trong bảy tháng đầu tiên cách ly, các bệnh viện Hoa Kỳ tăng 24% số lượt khám cấp cứu liên quan đến sức khỏe tâm thần cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và tăng 31% với các thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Trong dân số nói chung, các vụ tự tử đã giảm, nhưng sự thay đổi này che giấu sự gia tăng nhẹ ở những người trẻ hơn và gia tăng đột biến nơi người da đen, la-tinh và người bản địa. Tháng 10 năm ngoái, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ tuyên bố, đại dịch đã đẩy nhanh các xu hướng đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên, dẫn đến những gì họ cho đây là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Trẻ em trầm cảm hoặc tự tử được điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao, nhưng trẻ em vẫn chưa được điều trị triệt để. Có quá ít bác sĩ tâm lý và tâm thần cho trẻ em, và hầu hết bác sĩ nhi khoa không có thông tin đầy đủ về bệnh trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy chỉ 1/5 thanh thiếu niên Mỹ cuối cùng vào bệnh viện sau khi cố gắng tự tử, các em được chuyển đến cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, khả năng tiếp cận như mong đợi thì tệ hơn ở các cộng đồng da màu. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, trong số ba triệu thanh thiếu niên Mỹ từng bị trầm cảm nặng vào năm 2020, gần hai phần ba không được điều trị.

Ông Scott Rauch, chủ tịch Bệnh viện McLean, gần Boston, và là giáo sư tâm thần học tại Trường Y khoa Harvard, nói với tôi: “Sự hội tụ giữa nạn kỳ thị và truyền thống lâu đời không nâng đỡ loại chăm sóc này là nỗi xấu hổ của quốc gia chúng ta.” Các tác giả của một nghiên cứu về việc không có phương pháp điều trị nào dựa trên những dữ liệu có sức thuyết phục với các em dưới mười hai tuổi có khuynh hướng tự tử – “tự tử” theo cách nói của tâm thần học – đã viết: “Chủ đề này còn quá ít trong các tài liệu chuyên môn là điều khó hiểu. Nó có lẽ phản ánh một mức độ phủ nhận tập thể rằng trẻ em chỉ đơn giản là không có khả năng suy nghĩ như vậy?”

Ông Brad Hunstable, người mất đứa con trai 12 tuổi vì tự tử năm 2020, nói với tôi: “Các cha mẹ không thể hiểu và không muốn hiểu vì sao con cái họ tự tử, vì thế họ đánh giá thấp để nghĩ là chuyện này không xảy ra.” Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều biết cách xét nghiệm để phát hiện nhiễm độc chì. Họ biết cách cho chúng ta biết mình đúng chiều cao hay không. Nhưng họ không biết cách dò tìm các ý tưởng tự tử.”

Có lẽ khía cạnh đáng lo ngại nhất của việc trẻ em tự tử là không thể đoán trước được. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Rối loạn Cảm xúc cho thấy khoảng 1/3 vụ tự tử ở trẻ em xảy ra dường như không có dấu hiệu báo trước và không có bất kỳ dấu hiệu dự báo nào, chẳng hạn như chẩn đoán sức khỏe tâm thần, dù đôi khi phân tích hồi cứu chỉ cho thấy những dấu hiệu đơn thuần là bị bỏ sót. Ông Jimmy Potash, chủ nhiệm khoa tâm thần học tại bệnh viện Johns Hopkins nói với tôi, một cậu bé sống sót sau khi có ý định tự tử đã mô tả sự đột ngột của xung lực: nhìn thấy con dao trong bếp, em nghĩ mình có thể lấy dao đâm và đã làm trước khi có thời gian suy nghĩ. Khi tôi nói chuyện với bà Christine Yu Moutier, bác sĩ giám đốc Tổ chức Phòng chống Tự tử Hoa Kỳ, bà cho biết trẻ em có “giây phút thôi thúc tự tử cấp tính rất ngắn. Có vẻ như bộ não không thể duy trì trạng thái nhận thức bị hạn chế cứng nhắc đó lâu dài”. Điều này có thể giải thích vì sao việc gần với các phương tiện lại quan trọng như vậy; trẻ em sống trong những căn nhà có súng có tỷ lệ tự sát cao hơn gấp 4 lần so với những đứa trẻ khác.

Trẻ em suy nghĩ về việc tự tử thường xuyên hơn nhiều, không như cha mẹ nghĩ. Theo một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí The Lancet, trong số trẻ từ 9 đến 10 tuổi, cứ 12 trẻ thì có 1 trẻ từng có ý định tự tử, và một nghiên cứu khác gần đây cho thấy gần một nửa số cha mẹ, có con ở tuổi vị thành niên có ý định tự tử, họ đã không nhận thức được điều này. Kết quả, cha mẹ có thể sẽ mãi mãi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ đến sớm hơn mười phút hoặc không có một cuộc tranh cãi đó. Vì thế, nhiều gia đình nói với tôi họ không có một ám chỉ nào. Em Isaac Shelby, 16 tuổi ở Albuquerque, là một trong những đứa trẻ được bạn bè thích nhất lớp – đẹp trai, thông minh, ngôi sao bóng đá – và không có dấu hiệu trầm cảm. Vào một ngày tháng 9 năm ngoái, sau một tranh cãi nhỏ với cha mẹ về ống hút thuốc điện tử, em lấy súng để trên đầu giường của cha, ra sân sau và tự sát. Cha mẹ em nói với tôi, điều họ muốn biết nhất là tại sao: dù đó là do lỗi của họ, họ sẽ  nhẹ nhõm khi có câu trả lời.

Việc Trevor tự tử đã trở thành điểm quy chiếu trong cuộc sống của tất cả những ai biết em. Nhiều người xem em là người làm cho nhiều người đau khổ, nhưng họ không thấy chính em là người đau khổ dữ dội. Nhưng những người phản ứng với người khác một cách hung hăng và hành động nóng nảy có nguy cơ tự sát cấp tính, vì họ cũng phản ứng lại với chính mình cũng cùng một sự hung hăng bốc đồng. Bắt nạt có liên quan chặt chẽ đến việc tự tử không những nơi người bị bắt nạt mà cả nơi người đi bắt nạt. Các chuyên gia nói rằng trầm cảm ở trẻ em có các triệu chứng tâm thần (thu mình, buồn bã) thường bị bỏ qua và các triệu chứng biểu hiện bên ngoài (hung hăng, quậy phá) thường bị trừng phạt. Cả hai đều có thể là biểu hiện của cùng một căn bênh ngầm. Và Trevor, giống như nhiều kẻ bắt nạt, đôi khi cũng là nạn nhân của sự bắt nạt. Trong một lần, Trevor đã bị một nhóm nam sinh bắt và đá vào Trevor.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Tuổi vị thành niên, các em ở độ tuổi 13, hơn 1/3 số em đi bắt nạt đã nghĩ đến việc kết liễu đời mình. Trẻ em vừa là kẻ bắt nạt vừa là nạn nhân bị bắt nạt, đặc biệt có khuynh hướng tự tử, với gần một nửa cho biết đã cố gắng tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Hơn thế nữa, sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra những nơi mới để bắt nạt. Ông Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang San Diego phát hiện, những thanh thiếu niên dành từ 5 giờ trực tuyến trở lên mỗi ngày có xu hướng tự tử cao gần gấp đôi so với những em dành ít hơn một giờ. Cha mẹ có con tự tử gần đây đã bắt đầu đệ đơn kiện các công ty truyền thông xã hội duy trì các thuật toán giữ con họ trực tuyến; Matthew Bergman, một người đi kiện ở Seattle, ông làm việc với những trường hợp như vậy, ông so sánh sự thiệt hại này với các chiến dịch chống lại công nghiệp thuốc lá và amiăn.

Sau khi Trevor qua đời, Angela tìm thấy trên bàn học của Trevor một danh sách có tên “Mục tiêu cho đến thời điểm hiện tại”:

iPhone 12 mini

(sinh nhật 29 tháng 11)

airpod pro

(b-day)

PC / Máy tính xách tay

(Giáng sinh)

Tóc nhuộm, tốt nhất là màu vàng / xanh lá cây / hồng tôi muốn piiink !! (hy vọng là vào mùa hè)

Chuyến đi Alta (thứ bảy)

Nghe nhạc trên Fitbit (cuối tháng 4 * bắt chéo ngón tay)

Ghi chú là gần đây và không có dấu hiệu nào cho thấy có dấu vết đen tối.

Trevor có những cơn ác mộng. Bà Angela nói: “Trevor la hét nửa đêm. Sáng dậy Trevor không nhớ những cơn ác mộng, nhưng tôi và Billy nhớ.” Lần đầu tiên hai ông bà đưa Trevor đi gặp tâm lý gia khi Trevor lên 6 hoặc 7 tuổi, khi các giáo viên ở trường Bernard’s nghĩ Trevor có thể mắc chứng bốc đồng. Trevor đi gặp nhà tâm lý học trong nhiều năm, họ tập trung vào việc làm cho Trevor hiểu rằng hành động của em sẽ mang lại hậu quả. Sau đó, Trevor nói chuyện với nhà tâm lý học của trường, em đã nói: “Tôi sẽ không thể nói cho ông biết hết tất cả mọi thứ về tôi. Nó sẽ làm cho ông rất khó chịu.”

Billy nói: “Nếu Trevor cảm thấy sai thì Trevor khó nhận lỗi. Và Trevor ít khi thấy lý do vì sao mình sai.” Ông thấy con trai mình căng thẳng với đồng cảm khi còn nhỏ, thường nói thẳng cái gì mình làm hoặc không thích làm. Ông nói: “Sự hụt hẫng nơi Trevor là nổi trội. Trevor chưa bao giờ thấy gì trên quan điểm người khác.”

Năm 2017, sau khi học lớp hai, Trevor đi trại Brant Lake, ở Adirondacks. Trevor nhỏ so với trại này nhưng kiên quyết muốn đi và em tiếp tục đi hai năm sau. Trevor thích các môn thể thao – học trượt nước và tự hào khi tên của mình được vẽ trên bức tường đập banh ở nhà – nhưng, trong những bức ảnh của trại hè đăng trên mạng, đôi khi Trevor trông có vẻ ủ rũ.

Vào đầu mùa hè thứ hai mà Trevor đi trại, một em bé khác viết thư cho bố mẹ em. Như đã được báo cáo sau này bức thư viết: “Con nhớ bố mẹ rất nhiều. Dylan đã sờ  dương vật của con. Mọi thứ đều tốt ngoại trừ điều đó.” Dylan Stolz đã là cố vấn ở trại hè trong ba mươi ba năm, và đã có những vấn đề trước đó. Bây giờ các em bé khác đã báo cáo những vụ tương tự, và ông bị bắt. Khi được rời trại hè, Trevor bắt đầu khóc và Angela và Billy liên tục hỏi liệu Stolz có làm gì con mình không. Trevor nói, em chỉ buồn vì những gì các bạn đã phải chịu đựng. Khi văn phòng luật sư quận Warren đưa hồ sơ kiện tố cáo ông Stolz, một số các em chuẩn bị ra làm chứng, nhưng cuối cùng là một thỏa hiệp và ông bị kết án bốn năm rưỡi tù.

 

 “Tôi không thể quyết định tôi ở trong tình trạng nào.” Hình minh họa Joe Dator

Mùa thu năm đó, những thách thức của Trevor đối với uy quyền ngày càng dữ dội. Cô giáo thường bắt gặp Trevor đang đọc sách riêng trong giờ học và không chịu cất sách. Một lần, Trevor quậy phá đến mức cô giáo gọi cho bà Angela xin bà đến trường đem con về. Cuối cùng Trevor bị đưa ra trước Ủy ban Kỷ luật trường và bị khiển trách. Tháng 5 năm 2019, bà Angela đã phải nói với con, cuối năm học này Trevor phải rời trường. Trevor đau khổ vì xa bạn.

Mùa hè năm đó, Trevor trở lại trại Brant Lake nhưng nhiều bạn của Trevor không trở lại làm em vỡ mộng và thất vọng. Chỉ sau vài tuần, người trưởng trại cho cha mẹ Trevor biết, Trevor đã rất tàn nhẫn với các bạn khác và xin họ đem Trevor về nhà. Trevor rất khổ sở khi ở nhà. Nhà tâm lý học chữa trị Trevor xin cha mẹ đưa Trevor đi kiểm tra chứng rối loạn chống đối, khiêu khích. Bác sĩ tâm thần chẩn bệnh, nói Trevor là em bé cực kỳ xuất sắc, có vẻ không ổn định về mặt cảm xúc và mắc chứng Rối loạn Nhân cách Phân ly O.D.D. không đáng kể. Bà Angela tiếc là “không ai dùng thuật ngữ “trầm cảm” hoặc “lo lắng thái quá.”

Angela và Billy quyết định đưa Trevor vào trường P.S. 6 ở Upper East Side, một trong những trường tiểu học công lập tốt nhất thành phố. Billy cho biết đây là nơi thích hợp. Các giáo viên sẽ dành thì giờ để nói chuyện với Trevor vì sao em lại bực bội hoặc nói một cái gì đó quá khích – “những vấn đề đơn giản mà Trevor chưa bao giờ có cơ hội để xử lý”.

Tháng 1 năm 2020, sau khi bắt đầu một khóa trị liệu mới, Trevor bắt đầu kể cho mẹ nghe các chi tiết về những gì ông Dylan Stolz đã làm với các bé trai ở trại. Bà hỏi con, “Con của mẹ, vì sao con biết các chuyện này?” Trevor trả lời: “Vì chuyện này đã xảy ra với con.” Angela ôm con và cám ơn con đã nói với mình. Khi bà hỏi vì sao con không nói cho mẹ biết sớm hơn, em nói: “Con thực sự muốn gạt nó ra khỏi đầu con.” Ban đầu Trevor không muốn nói với cảnh sát về hành vi lạm dụng đã xảy ra khi anh đang ngủ, vì Trevor không tin vào trí nhớ của mình về các chi tiết. (Không thể liên hệ với các luật sư của Stolz để đưa ra bình luận.) Nhưng Trevor lo nếu không báo cáo thì sẽ giới hạn bản án tù của ông Stolz.

Tuy nhiên, dần dần, Trevor bắt đầu kể với bạn bè và còn để điều tra viên hỏi chuyện khi họ tiến hành điều tra vụ này. Sau đó Angela đưa con đi ăn sushi. Bà mỉa mai nói: “Thật thú vị mình có thể làm được những chuyện này.” Trevor thường bị ác mộng, em thấy Stolz theo đuổi đến đường 87. Có khi Trevor cảm nhận, nếu khi mở một cánh cửa, có ngày em sẽ thấy mình ở trước mặt ông Stolz. Angela nói: “Trevor bị ông này ám ảnh theo đúng nghĩa đen”.

Khi Trevor giải thích nỗi đau này, Angela cảm thấy cuối cùng Trevor cũng đang học cách để đối diện với cảm xúc của mình. Bà nói: “Và bây giờ, Trevor vừa cởi mở với bản thân vừa bị tổn thương vì Covid – thế giới như đóng cửa với Trevor.” Mùa thu năm 2020, Trevor học trường trung học Wagner Middle School. Trevor không quen ai ở đây và ngay cả cũng không gặp được giáo viên của mình.

Học kỳ đó, hành vi khó khăn của Trevor tăng một cách khó hiểu. Khi cả nhà đi đi về về giữa thành phố và miền quê ở Connecticut, Trevor không chịu lên xe, có khi cả vài giờ. Angela nói: “Không phải vì Trevor không muốn về vùng quê, cũng không phải Trevor không muốn lên xe. Trevor không thể giải thích vì sao. Trevor có những cảm xúc rất, rất mãnh liệt, bộc phát theo cách không có lý lắm.” Angela và Billy cố gắng tạo cơ hội để Trevor cảm thấy mình được theo dõi. Billy viết cho tôi: “Trevor cảm thấy bị mắc kẹt và cần một khoảng không gian. Có quá nhiều thứ diễn ra trong đầu Trevor và Trevor muốn được giải phóng chứ không muốn bị thắt chặt thêm”. Không đến trường vì đại dịch, Trevor học ở nhà. Trevor trút giận lên cha mẹ khi họ cố gắng hạn chế trò chơi Fortnite của Trevor. Angela cảm thấy tuyệt vọng khi phải thường xuyên xung đột với con – “Ờ, nếu con làm chuyện này, không biết cha mẹ có yêu con không?”

Tháng 12, Angela ở lại Boston ba tuần vì một vụ án. Trevor lo lắng khi gần đến ngày mẹ về. Trong một tranh cãi bùng lên khi Trevor buộc phải bỏ một trò chơi trên Nintendo Switch, Trevor lấy con dao trong bếp và nói: “Ba sắp làm gì vậy?” Billy bình tĩnh đến gần con và lấy con dao đi; không rõ Trevor định làm gì nhưng ông Billy xem đây là một khiêu khích. Khi Angela về, Trevor xung đột với mẹ và bắt đầu đập phá mọi thứ. Khi bà cố gắng ngăn lại, Trevor đã đấm bà.

Angela vô cùng sợ hãi. Bà nhớ lại: “Đúng, chúng tôi ở trong một thế giới khác nhau.” “Đây không còn là ‘tôi buồn nữa.’ Đây là ‘mẹ kiếp, nó sắp làm một cái gì đó.’” Cha của bà là bác sĩ đã đồng ý. “Con cần phải đưa Trevor đi cấp cứu, và con phải làm ngay bây giờ. Con đã đụng đến giới hạn những gì được phép.”

Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhiều nhà tâm lý học cho rằng trầm cảm ở trẻ em là một giai đoạn phát triển cần thiết, nhưng vào những năm bốn mươi, tâm lý gia René Spitz đã xác định, trong bệnh viện, các em sau khi xa mẹ đã không phát triển bình thường. Ông viết, trầm cảm là “căn bệnh đặc biệt nơi những trẻ sơ sinh xảy ra trong những điều kiện môi trường cụ thể.” Nghiên cứu của John Bowlby về các trẻ em khi còn rất nhỏ đã bị chấn thương tâm lý vì phải xa cha mẹ. Lúc đầu khóc lóc, phản đối, một số em sa vào tình trạng lêu lổng, sau đó thành thiếu nhi phạm pháp. Vào những năm 70, Leon Cytryn và Donald McKnew đề xuất chứng trầm cảm trẻ em nên xếp vào loại chẩn đoán riêng và đề nghị một cấu trúc hỏi chuyện để đi đến chẩn đoán.

Trẻ em thường kín đáo về những xung động muốn tự sát; cha mẹ thường ở trong tình trạng phủ nhận. Cách đây vài năm, đứa con trai 11 tuổi của một trong các bạn tôi phải nhập viện tâm thần vì không kiểm soát được cơn giận. Tôi cùng bạn và con trai anh trên xe cấp cứu từ nhà của anh đến bệnh viện. Lúc đầu em bé chỉ biểu lộ cơn giận, sau đó rơi vào tuyệt vọng vì thiếu tự chủ. Em nói: “Con nghĩ nhiều đến việc tự tử. Thực ra con đã nghĩ về tự tử sớm hơn hôm nay. Con không có kế hoạch làm, có lẽ.” Khi chúng tôi đến bệnh viện, một bác sĩ hỏi bạn tôi, con của anh đã từng tự tử chưa, và anh nói: “Tôi không nghĩ vậy.” Tôi để ý em bé đã bày tỏ ý định tự tử rất mạnh không đầy hai mươi phút trước đó trong xe cấp cứu. Nói chung, việc tự tử là điều không thể tưởng tượng với các cha mẹ, đến mức nghe con nói là đủ làm cho cha mẹ quá sức chịu đựng.

Ngay từ năm 1996, một đánh giá nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng dường như “xảy ra ở độ tuổi sớm hơn trong các nhóm kế nhau”. Hai nghiên cứu về các em mẫu giáo cho thấy khoảng 1% các em bị chứng trầm cảm. Chứng trầm cảm giai đoạn đầu thường dai dẳng. Một nghiên cứu về người trưởng thành bị trầm cảm cho thấy, tình trạng xuất hiện lần đầu thường thấy trong thời thơ ấu ở người có xu hướng tự tử thường xuyên và nghiêm trọng nhất và dễ hành động theo bốc đồng hơn. Thật vậy, một phần ba số người bị trầm cảm thời thơ ấu đã từng ít nhất một lần cố gắng tự tử.

Các vụ tự tử của thanh thiếu niên thường xảy ra trong năm học, khi căng thẳng xã hội và học tập lên cao nhất. Một phân tích tổng hợp gần đây về các nghiên cứu tự tử ở thanh niên cho thấy, tiền sử bị lạm dụng và bị bỏ rơi liên quan đáng kể đến một tỷ lệ cố gắng tự tử cao hơn. Tỷ lệ tự tử cũng đặc biệt cao với trẻ em trong trung tâm chăm sóc – cao gấp ba lần so với trẻ em sống với gia đình riêng không canh gác.

Một nhóm khác có tỷ lệ tự tử cao đáng báo động là nhóm người đồng tính các dạng khác nhau (L.G.B.T.Q.), phản ánh một xã hội không chấp nhận họ, và thường gia đình cũng không chấp nhận. Theo một khảo sát năm 2021 do chương trình Trevor Project thực hiện, một tổ chức đã hoạt động hơn hai thập kỷ về việc ngăn ngừa tự tử nơi những người trẻ L.G.B.T.Q., khoảng 42% dân số này nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử và hơn một nửa thanh niên chuyển giới và phi-nhị-nguyên-giới đã tự tử.

Các yếu tố môi trường gần như chắc chắn tương tác với các khuynh hướng di truyền vẫn chưa được hiểu rõ. Giáo sư J. John Mann, bộ môn khoa học thần kinh dịch chuyển ở đại học Columbia cho rằng di truyền và biểu sinh chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các vụ tự tử. Ông nói: “Chúng tôi chưa chắc chúng là gen gì, nhưng chúng tôi biết rằng có những gen ở đó. “Tự tử không phải là tự nhiên mà có.”

Rõ ràng là có nhiều trẻ em bị trầm cảm không tự tử. Điều này đôi khi khó hiểu là nhiều trẻ em không có dấu hiệu trầm cảm nhưng lại muốn tự tử. Như thế cho thấy không chỉ nói lên sự bốc đồng của các em trẻ hơn mà còn cho thấy sự thiếu thốn về quan điểm mà cuối cùng tuổi tác có thể mang lại. Hầu như không có người lớn nào mà không trải qua một đêm mất ngủ, ám ảnh về một điều gì đó không tốt đã xảy ra và hoảng sợ, rằng đời mình sẽ không có gì tốt nữa. Trẻ em cũng có những khoảnh khắc đó và thảm kịch này không có gì là ngớ ngẩn hoặc không đáng kể với các em bị cuốn vào đó. Thế giới của trẻ em có thể nhỏ hơn thế giới của người lớn, nhưng chân trời cảm xúc của các em cũng rộng như của người lớn. Vì chúng ta thấy nỗi đau của mình là vô lý khi nó thuyên giảm, nên hầu hết chúng ta không nói với mọi người rằng, chúng ta cũng đã trải qua một đêm cào xé nội tâm mình như thế nào. Nhưng một số người không thể (chịu đựng) được cho đến sáng; vướng vào tai ương, họ thắt thòng lọng, họ bắn súng, hoặc nhảy từ trên cao xuống. Và một số người làm chuyện này là trẻ em.

Billy và Angela đưa Trevor đến bệnh viện gần nhà ở bang Connecticut của họ. Một cô y tá trong khu sàng lọc bệnh viện hỏi Trevor đã từng nghĩ đến việc tự tử không và em trả lời: “Có, chắc chắn rồi.” Bệnh viện giữ Trevor ở phòng cấp cứu hai ngày, sau đó chuyển Trevor đến St. Vincent’s ở Westport. Cha mẹ Trevor bắt đầu nhận ra sự bất cập của các dịch vụ tâm thần trước bệnh tâm thần cấp tính ở trẻ em. Billy nói: “Không có gì cả, chúng tôi cảm thấy như mình mù với đời sống sống xung quanh, nhưng đó lại là đời sống của con chúng tôi.”

Vì Covidd, gia đình không được đến thăm, một tình huống mà Angela tin rằng làm trầm trọng thêm cảm giác bị bỏ rơi của Trevor. Một trong các đứa trẻ khác trong bệnh viện đã vô cớ đấm Trevor. Angela nói: “Tôi không ở đó, tôi không thể bảo vệ con tôi.” Bà mang những món Trevor xin – một ChapStick, một  áo phông. Bà được thông báo, ChapSticks không được phép dù bà đã kiểm tra trước nó không được xem là nguy hiểm và một người bảo vệ còn không nhận áo phông vì cho rằng quá nhỏ với Trevor. Một hôm, cô y tá gọi để phàn nàn về hành vi của Trevor: “Tôi xin lỗi, Trevor đang gặp khủng hoảng…” Angela nói: “Đó là lý do vì sao con tôi ở trong tổ chức của bà.” Angela đã phẫn nộ khi y tá nói Trevor nên được chích thuốc an thần.

Em Seven Bridge tự tử năm 2019, khi mới 10 tuổi. Mẹ của Seven, bà Tami Charles, kiên quyết cho rằng nạn phân biệt chủng tộc đóng một vai trò trong chứng trầm cảm của con trai bà. Bà nói: “Bắt nạt, da đen và da nâu – không một ai muốn nói đến chuyện này.” Hình Sarah Palmer,  The New Yorker; Tami Charles cung cấp

Bác sĩ tâm thần của Trevor tại St. Vincent’s không muốn cho Trevor xuất viện, cho đến khi họ tin chắc Trevor sẽ không tự làm tổn thương mình; Trevor ở lại chín ngày. Trevor hy vọng về nhà lễ Giáng sinh. Angela nói: “Khi Trevor không về được, em tuyệt vọng.” Bà và Billy điện thoại mỗi ngày và Trevor hét vào mặt họ: “Bố mẹ đã bỏ con.” Họ liên tục trấn an con, họ để con ở đó vì họ yêu con, đó là cách tốt nhất để giúp con. Sự tuyệt vọng của Trevor thể hiện qua những cơn thịnh nộ gần như vô cớ và em buông ra những lời buộc tội và đe dọa khủng khiếp. Chẳng hạn, Trevor nói với Angela, mẹ phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh trai Tristan của mẹ, dù khi đó bà Angela mới 13 tuổi và đang trên đường đi học về, thì anh mình tự tử, ngụ ý Trevor cũng có thể tự sát để trả thù việc bố mẹ bắt em vào bệnh viện.

Angela hoang mang: “Trevor không còn là đứa bé tôi từng biết. Tôi cảm thấy như tôi đang nói chuyện với người khác. Sự tuyệt vọng của Trevor gần như phi lý. Thật không thể tưởng tượng được, nỗi đau của tôi vô cùng đau đớn, trong lồng ngực và trong tim gan tôi. Nhưng đó cũng là câu hỏi ‘Rồi nó sẽ qua không?’ Tổn thương của Trevor là tất cả về những gì Trevor đã bị phản bội bởi một người mà mình tin tưởng, một người đáng lẽ phải chăm sóc mình”. Nỗi sợ hãi của Trevor là nhớ lại kinh nghiệm đã có với ông Stolz và em đang cố thoát ra.

Bác sĩ tâm thần tại St. Vincent biên toa thuốc Abilify chống loạn thần cho Trevor, loại thuốc này đủ giúp để Trevor được về nhà. Gia đình đón lễ Giáng sinh trễ một tuần. Bệnh viện hướng dẫn Billy và Angela cất dao nhọn và các thắt lưng vào hộp khóa lại. Họ không phải làm gì với các cửa sổ: cái chết của Tristan còn đè nặng trên Angela, đến mức bà khăng khăng nhờ người bảo vệ cửa sổ, kể cả chặn lối thoát hiểm.

Dù không còn hung bạo nữa, nhưng Angela thấy Trevor có ít cải thiện. Bà nói: “Những ngày nhập viện khi còn nhỏ vì có hành vi tự tử đã làm cho Trevor bị tổn thương nặng.” Điều đó thật đáng sợ với Trevor lúc này. Thật đáng sợ cho Trevor sau này. Trevor ở một tháng trong Chương trình nhập viện bán phần, gồm điều trị một ngày trọn, sau đó là sáu tuần trong một chương trình xen kẽ. Cả hai chương trình do Trung tâm High Focus điều hành, một chuỗi các cơ sở phục hồi chức năng và chủ yếu là liệu pháp nhóm.

Do đại dịch, các buổi điều trị diễn ra trực tuyến và gần như không có nhiều liên hệ giữa các nhà trị liệu High Focus và các bác sĩ tâm thần đang chữa trị cho Trevor. Trevor bắt đầu dùng Geodon, một loại thuốc chống loạn tâm thần khác, không có tác dụng gì nhiều và Trevor bắt đầu uống Prozac. Giữa tháng 2, sau một đợt rối loạn tim, tim đập nhanh nên khi đi cấp cứu, các bác sĩ ngưng cả hai loại thuốc. Một bác sĩ tâm thần mới còn nói, có thể do Trevor mất ngủ nên đã là căn nguyên các triệu chứng khác của em. Bác sĩ biên toa clonidine, được dùng như một loại thuốc an thần nhẹ và chữa cơn lo lắng, sau đó ông cho Trevor dùng lại Prozac.

Trong ba tháng đầu năm 2021, Trevor tiến bộ đều đặn. Trước đó Trevor đồng ý sẽ nói khi các cơn muốn tự tử tái xuất hiện trong đầu. Một ngày nọ, khi đang trượt tuyết tại Catamount, Trevor chận Angela lại khi đang chờ lên xe nâng và nói: “Lần trước khi con ngồi trên chiếc ghế này, con muốn nhảy ra khỏi nó”. Trevor thường nói em không thể gạt ông Dylan Stolz ra khỏi đầu và tự hỏi không biết mình có thể thoát ra khỏi những suy nghĩ như vậy không. Angela nói với con, vì con đã biết và đã đương đầu với các vụ lạm dụng khi con còn nhỏ, con sẽ chiến thắng kẻ hành hạ mình. Angela phấn khởi khi Trevor tình nguyện làm người bảo vệ cho các cuộc thi trượt tuyết và cũng muốn mình thi. Bà nói: “Đến tháng 3, Trevor thất vọng khi dự tất cả các cuộc thi. Tôi thực sự có cảm tưởng như chúng tôi đã vượt qua phần nguy hiểm nhất.”

Năm 2018, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi Khoa JAMA Pediatrics, tỷ lệ trẻ em da đen tự tử ở độ tuổi từ 5 đến 12 cao gấp đôi so với trẻ em da trắng. Các chiến lược ngăn ngừa tự tử, chẳng hạn tăng thêm dịp để gặp các cố vấn ở trường phần lớn thực hiện ở các khu học chánh có đa số người da trắng. Ông Michael Lindsey, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Nghèo đói và Tìm tòi của N.Y.U. nói với tôi: “Vấn đề là biết xem các can thiệp này có hữu ích cho thanh thiếu niên thuộc thành phần thiểu số chưa hay vẫn còn là một vấn đề”. Trẻ em trầm cảm thuộc mọi chủng tộc biểu hiện cả các triệu chứng bên trong và bên ngoài, nhưng trẻ em da đen buồn bã và thu mình thường bị bỏ qua, trong khi các đứa trẻ hung hăng hơn bị chẩn đoán nhầm là rối loạn hành vi và bị kỷ luật thay vì được điều trị. Ông Lindsey nói: “Các chính sách kỷ luật không khoan nhượng trong trường học có tác động không cân xứng đối với trẻ em da đen và da nâu, thường bị xem là kẻ gây rối. Thay vì nhận được hỗ trợ về hành vi-sức khỏe, các em bị đình chỉ hoặc bị đuổi.” Hầu hết các bác sĩ tâm thần trẻ em là người da trắng, và họ thường ngầm có thành kiến tiêu cực về chủng tộc trong cách đối xử với trẻ em da đen. Các hình thức trị liệu hiệu quả có thể rất đắt và trẻ em da đen thường được chữa trị bằng thuốc.

Ông Lindsey nói thêm, trong lịch sử, các cộng đồng da đen chống lại việc thừa nhận trầm cảm là một căn bệnh. Trẻ em da đen, thành phần dễ bị bạo lực hơn, ít có khả năng nhận được các dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn. Ông nói: “Có một ý thức hệ, là ‘cuộc sống sẽ khó khăn, nhưng hãy chịu đựng, đối phó với nó, nâng mình lên và vượt lên nó’”.

Bà Tennisha N. Riley, nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Indiana, trích dẫn một phát hiện, thanh thiếu niên da đen trung bình trải qua 5 trường hợp phân biệt chủng tộc mỗi ngày, khi họ ngày càng rõ hơn về nguồn gốc dân tộc. Bà Riley nói, sự phân biệt đối xử làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần ở thanh niên, vì thế có khả năng “làm trầm trọng hơn việc điều hòa cảm xúc của các em”. Bà quan sát, trong văn hóa Mỹ, các cha mẹ thường không cho phép trẻ vị thành niên bộc lộ những cảm xúc có vẻ thiếu tôn trọng. Các em bé da đen nhiều lần chứng kiến các cảnh bạo lực giữa cảnh sát và người da đen. Các em xem trường học là nơi cảnh sát dò tìm kim loại và khám xét cơ thể. Ngày càng có nhiều trẻ em nhỏ tuổi hơn đặt câu hỏi liệu cuộc sống có đáng sống hay không.

Mùa thu năm ngoái, tôi đến Louisville để thăm bà Tami Charles, bà mất người con trai Seven Bridges 10 tuổi, tự tử năm 2019. Chúng tôi đồng ý gặp nhau ở nhà bà lúc 11 giờ sáng, nhưng sau đó bà gởi tin nhắn nói bà cảm thấy rất lo âu và xin hoãn lại đến 12h30. Tôi nhắn tin lại và xin bà đừng lo, tôi sẽ tử tế và nhẹ nhàng nhất có thể. Khi tôi bước vào cửa, câu đầu tiên bà Tami nói là, “nếu bà muốn viết bài về vấn đề này, bà sẽ khó tử tế vì đây không phải là một chủ đề tốt đẹp. Không có từ ngữ lịch sự được.” Một nhân cách mạnh, ăn nói mạnh bạo, bà Tami trở thành tiếng nói hàng đầu về vấn đề tự tử của thanh thiếu niên da đen. Bất chấp nỗi đau của mình, bà giữ nét hài hước khi nói chuyện. Bà nói: “Rốt cùng, tôi cấm mọi người ái ngại cho tôi. Thậm chí có người còn chỉ trích tôi, bà chưa khóc đủ trên truyền hình.” Xin cho tôi nói. Chúng ta có 24 giờ, các bạn nhìn thấy tôi trên truyền hình 20 phút, vậy còn lại 23 giờ 40 phút, các bạn có biết tôi đang làm gì không?”

Bà Tami lớn lên ở Chicago và định cư ở Louisville sau khi làm nhân viên phụ tá bác sĩ trong hải quân. Khi bà sắp 35 tuổi, bà chuẩn bị cắt bỏ tử cung: ở tuổi mười tám, bác sĩ chẩn đoán bà không thể có thai vì bị hội chứng buồng trứng đa nang. Bà cũng bị chứng đau nội mạc tử cung, u nang buồng trứng và u xơ tử cung làm chu kỳ kinh nguyệt của bà khó khăn và đau nhiều. Gần đây bà gặp nhạc sĩ Donnie Bridges, hơn bà mười tám tuổi. Bà yêu ông ngay giây phút đầu tiên và trước sự ngạc nhiên to lớn của hai người, bà thụ thai ngay trước khi cuộc phẫu thuật đã lên lịch.

Năm 2008, Tami và Donnie có với nhau đứa con trai tên là Seven, đứa bé sinh ra bị mắc chứng dây chằng cột sống, có thể tạo chứng đi tiểu không không kiểm soát và hậu môn không hoàn thiện, tình trạng đường thông hậu môn bị tắc hoặc bị thiếu. Từ khi sinh ra Seven đã phải đeo túi thông đại tràng. Seven vui chơi hết mình như các em bé khác, đặc biệt Seven thích karatê. Nhưng, trong cuộc đời ngắn ngủi của em, em đã phải chịu 26 phẫu thuật. Cuối cùng, túi hậu môn được lấy ra, nhưng em vẫn bị trêu chọc vì mùi hôi từ những rò rỉ chảy ra.

Tháng 8 năm 2018, Seven bị chửi vì là người da đen trên xe buýt của trường, và một cậu bé đã bóp nghẹt cổ Seven đến mức Tami phải đưa con đi cấp cứu, bệnh viện chụp nội soi. Seven nói: “Mẹ ơi, con không hiểu. Con nghĩ bạn ấy là bạn của con mà.” Cảnh này được ghi lại trên video an ninh, bức ảnh cho thấy một học sinh khác quàng tay qua cổ Seven; khu học chánh sau này gọi sự cố này là “trò chơi ngựa.”

Donnie và Tami đã lên tiếng vụ việc với trường tiểu học Kerrick. Donnie đã nói chuyện với hiệu phó, người da trắng, nhưng không có gì xảy ra. Vì vậy bà Tami gặp hiệu trưởng là người da đen. Khi Tami yêu cầu hiệu trưởng báo cáo về vụ việc, khi đó bà biết ông hiệu phó đã không báo cáo vụ này. Tami đã đi ra bãi đậu xe của trường và quay một video đăng lên Facebook về những gì đã xảy ra. Đoạn video đã thu hút hàng ngàn lượt xem và mọi người bắt đầu viết phản hồi phẫn nộ. Các kênh tin tức địa phương loan tin ngay. Tami đến Louisville Urban League, đến 100 Black Men, đến nhà thờ của bà. Bà đến phòng đa năng của khu học chánh để khiếu nại với hội đồng nhà trường và tiếp xúc với cảnh sát.

Bà nói các cuộc phản đối của bà đã có hậu quả không lường trước được. Bây giờ Seven không những bị các đứa trẻ khác bắt nạt mà còn bị các giáo viên phẫn nộ với chiến dịch của Tami. Một ngày thứ hai của tháng 1 năm 2019, Seven về nhà và Tami biết có điều gì đó không ổn. Một cô gái đã tàn nhẫn với Seven trong nhiều năm, đã nói những câu ác ý về mùi của Seven. Tami gọi cho hiệu trưởng, ông nói chuyện với mẹ của cô gái. Seven không muốn đi học. Tami giữ con ở nhà ngày thư ba và thứ tư. Bà Tami cho biết, ngày thứ năm, cô gái tiếp tục hành hạ Seven, ngày thứ sáu, Seven nói với một giáo viên. Tami nhớ lại: “Và con quỷ này nói với con tôi, ‘Con muốn cô làm gì cho con trong chuyện này? Mẹ của con đã gọi cho hiệu trưởng rồi. Hiệu trưởng đã gọi cho mẹ cô ấy, và mẹ cô ấy đã nói với cô ấy. Và nếu hiệu trưởng không làm gì được, mẹ cô ấy cũng không làm gì được và mẹ con cũng không làm gì được, thì con nghĩ cô sẽ làm được gì? Và Seven ạ, không ai thích nhiều chuyện’. Làm cho con trai tôi cảm thấy – nó nói với tôi những lời này – rằng không ai có thể làm gì cho nó. Ngày thứ sáu Seven nói như vậy. Và sáng thứ bảy, con trai tôi chết.”

Seven đã treo cổ tự tử trong tủ quần áo trong phòng ngủ của em, khi mẹ đi chợ và khi cha đang tập hát với ca đoàn ở nhà thờ. Tami nói, khi Seven chết, bà mất ba thứ: “Thứ nhất, đứa con trai còn sống, còn thở của tôi. Thứ hai, bạn có con, bạn nhận ra, bạn không bao giờ bỏ đi được khả năng lo lắng, bây giờ tôi bị tước đi khả năng này. từ ngày đó đến bây giờ, tôi không còn lo lắng một cái gì. Tôi muốn nói bất cứ cái gì, chẳng hạn tôi có buộc dây giày hay không, hay có ai đó thương tôi hay không, tôi có thích món ăn tôi đang ăn hay không. Và thứ ba, điều ít được nói đến nhất trong tình huống này: Bạn luôn thấy mọi người đấu tranh để sống, làm tất cả các điều trị, uống tất cả các thuốc để chữa trị. Thấy một người nào đó chọn không đấu tranh để sống, điều này đã thay đổi tôi. Nó đã lấy đi sự cấp bách trong việc chiến đấu để sống của tôi.”

Nhờ Tami vận động công khai, có năm ngàn người đến dự đám tang, có cả thị trưởng, thành viên hội đồng và thống đốc thành phố tham dự. Câu chuyện của Seven được đăng trên People và các bệnh nhân phẫu thuật cắt ruột kết mở chiến dịch có tên #BagsOutforSeven, trong đó mọi người chụp hình họ với chiếc túi của họ được đăng lên. Với Tami, nói về phẫu thuật ruột kết và tình trạng tâm thần có thể làm mọi người không còn quan tâm đến vai trò của phân biệt chủng tộc. Bà nói: “Bắt nạt, người da đen, người da nâu, trong số các nhà hoạt động về vấn đề tự sát không ai muốn nói đến vấn đề này, nạn kỳ thị là “hạt nho khô duy nhất trong thúng gạo”.

Bà rất tự hào về sự ủng hộ của mình, nhưng cho rằng điều này đã trả một giá rất đắt: “Chúa hướng dẫn miệng tôi và cho mọi người tất cả những gì họ cần, nhưng khi họ có được những gì họ cần, tôi kiệt sức.” Thường thường bà cảm thấy mình như thần Prometheus. Bà nói: “Bạn truyền lửa cho họ, nhưng mỗi ngày bạn phải tiêu hao gan của mình, đúng không. Tôi không hối hận khi nói ra. Tôi không thể không trải qua cảm giác đau đớn khi gan bị ăn mòn mỗi ngày, nhưng tôi tập trung vào thực tế là nó cũng được đổi mới mỗi ngày.” Bà nói với tôi, nhiều khi bà thức trắng nhiều đêm. Có những ngày bà không  không thể ra khỏi giường. Bà buồn vì nhiều người da đen không được trị liệu, bà nói: “Chúa ơi, con quá cần liệu pháp. Trong cộng đồng da đen, sức khỏe tâm thần không phải là vấn đề. Những gì họ có với chúng tôi là cửa hàng rượu và một nhà thờ trong mỗi khu phố”.

 “Một ngày nào đó bạn thức dậy và chiếc áo len của ông nội mà bạn mặc không còn là điều cười nhạo nữa.” Hình minh họa Emily Flake

Khi chương trình ngoại trú của Trevor kết thúc, ngày 22 tháng 3 năm 2021, các nhân viên nói với Angela là Trevor không còn là nguy cơ cho chính em. Cha mẹ Trevor tìm cho em một nhà trị liệu khác và Trevor đi khám một bác sĩ tâm thần mới, ông nói Trevor uống Prozac 40mg là đúng.

Ngày 27 tháng 3, Angela đưa Trevor và Agnes đi trượt tuyết ở Alta, Utah. Bà nói: “Với chúng tôi, Trevor đã bước qua một phía. Những hoạt động mà Trevor tham gia, bây giờ Trevor rút lui – thể thao, trường học, bạn bè, và các cuộc hẹn.” Ở Alta, Trevor có vẻ thích thú và trượt tuyết mỗi ngày.

Ngày 4 tháng 4, khi về lại Connecticut, Trevor bị một cơn tim đập nhanh khác. Trevor nói với mẹ: “Có một cái gì đó khủng khiếp đang xảy ra. Trái tim con đập loạn nhịp và con cảm thấy như mình đang sống cuộc sống của người khác. Con cảm thấy mình sắp hết thời gian và con cần phải nói với mọi người, con yêu mọi người. con sợ một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra.” Khi bà hỏi, liệu con có tự tử không, Trevor trả lời không phải. Cuối ngày hôm đó, khi cố gắng gỡ băng dính trên đôi gậy trượt tuyết, Trevor lấy kéo cắt ngón tay cái bên trái. Trên đường đến bệnh viện cấp cứu, Trevor nói với mẹ: “Con thực sự xin lỗi. Nó chỉ trượt. Con không cố làm tổn thương con.” Angela cho biết bà không nghĩ như vậy. Trevor nói: “Mẹ thấy, con đã nói với mẹ có một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Bây giờ nó đã xảy ra.”

Ngày 6 tháng 4, Trevor có các lớp học Zoom. Ngày hôm sau, trường bắt đầu mở các lớp học trực tiếp, Trevor sốt ruột chờ. Trevor tham gia và khuyến khích các ban cùng lớp xem một phim tài liệu mà Trevor vừa xem. Trevor lên kế hoạch một dự án khoa học với người bạn thân nhất của em ở trường. Billy làm mì gói cho Trevor ăn trưa, món ăn em yêu thích.

Lớp học Zoom kết thúc lúc 2 giờ chiều. Trevor có liệu pháp trực tuyến một giờ sau đó, Angela và Billy nói chuyện với nhà trị liệu, ông cho rằng nguy cơ tự tử của Trevor là không có. Nhưng, như một người đã biết Trevor từ khi còn nhỏ, sau này đã nói: “Trevor có thể qua mặt bất kỳ nhà trị liệu nào nếu Trevor muốn kết liễu đời mình”.

Vào một lúc nào đó trong ngày, Trevor dắt chó đi dạo, sau đó để mấy con chó cho người gác cửa, em đi một vòng khu phố để mua một túi kẹo Jolly Ranchers. Angela nói với con, bà sẽ tịch thu: “Mẹ cần con xin phép trước khi mua. Mẹ cần biết con đang ở đâu. Đó là để an toàn.” Trevor bối rối. Một lúc sau, Trevor xin lại kẹo em đã mua và nói chuyện với bố mẹ trong khoảng mười phút. Angela nói: “Mẹ vẫn cần những lựa chọn tốt hơn, vì vậy mẹ sẽ không trả lại túi kẹo Jooly Ranchers cho con.” Trevor có vẻ cam chịu. Angela nói với tôi: “Không đấu tranh, không tuyệt vọng. Tôi biết Trevor không làm những chuyện này chỉ vì túi kẹo, nhưng tôi ước gì tôi đã đưa cho con túi kẹo Jolly Ranchers.”

Ngay sau đó, từ phòng ăn nơi Billy đặt bàn làm việc ở nhà, anh thấy Trevor hơi kỳ kỳ, em ở hành lang và xem thùng thư. Billy nói: “Tôi ước gì mình giữ được khoảng thời gian tạm dừng này lâu hơn một chút và hỏi con xem con thế nào, hoặc con có muốn đi dạo với tôi không.”

Trevor lặng lẽ lướt ra khỏi cửa căn hộ, và leo lên cầu thang cứu hỏa lên mái nhà. Angela sau đó nghe người gác cửa kể, một phụ nữ từ căn hộ bên kia đường nói với ông, bà thấy Trevor lên đó. Khi đó bà nghĩ cậu bé đang chơi, nhưng bà thấy cậu bé vẫn tiếp tục nhìn xuống. Đột nhiên, bà hiểu cậu bé muốn làm gì, cậu xem có người đi bộ bên dưới không để không làm họ bị thương. Trevor nhắm mắt và nhảy hai chân xuống trước.

Khi người gác cửa chạy lên lầu và nói Trevor đã nhảy qua cửa sổ, Angela biết điều này là không thể: cửa sổ của họ không mở đủ rộng.  Billy nói: “Con mới ở đây. Anh cũng không hiểu.” Angela hét lên và gọi 911. Billy xuống cầu thang với người gác cửa.

Billy nhớ lại: “Có chiếc xe cấp cứu đậu trên Đại lộ Park. Có người cảnh sát ở đây, tôi níu chặt ông, tôi cảm thấy như mình sắp ngất xỉu. Các nhân viên y tế chăm sóc Trevor, nhưng tôi có thể nhìn thấy phần trên cơ thể của con. Và tôi nghĩ, OK, rồi cũng sẽ ổn, vì nó cũng không rơi cao đến vậy. Sau đó tôi nhìn thấy phần dưới cơ thể của con và ngay lập tức tôi biết, con tôi sẽ không thể sống sót”.

Angela đi xuống, để lại Agnes trên lầu. Bà nói: “Có rất nhiều cảnh sát với nhiều vũ khí đứng chận, họ nói tôi không thể vượt qua ranh giới của họ. Tôi hét lên, tôi là mẹ của nó. Nó là con trai của tôi. Đó là những giây phút cuối cùng của con tôi. Các ông không thể ngăn tôi gặp con. Họ cho phép tôi lên xe cấp cứu với con. Họ đang ép ngực. Họ mở áo con tôi. Billy hỏi, ‘anh có đi với em không?’. Tôi nói, ‘không, anh phải ở lại với Agnes. anh nói với con, tình trạng của anh Trevor rất nghiêm trọng. Chúng ta sẽ nói chuyện với con sau’”.

Giám định y tế sau đó xác nhận Trevor bị gãy cổ khi rơi xuống. Angela nói: “Tôi biết thứ tôi đang nhìn không phải là một sinh vật sống nữa, không phải là con trai tôi.” Trên xe cấp cứu, bà thu lại hình ảnh của Trevor. Bà nói: “Tôi biết sau này tôi sẽ cần những hình ảnh này vì tôi không tin con tôi đã chết. Tôi cần chúng.” Khi xe cấp cứu đến bệnh viện Lenox Hill, Angela nhắn tin cho Billy: “Con đã chết.”

Angela là người theo anh giáo ở Mỹ, rất mộ đạo, bà gọi cho mục sư Matthew Heyd, quản nhiệm nhà thờ trên Đại lộ số Năm. Bà nói: “Tôi nói cho mục sư biết con tôi đã chết. Tôi linh cảm cái chết của các anh em tôi là để chuẩn bị cho tôi.” Mục sư Heyd lái xe đến bệnh viện. Angela nói: “Matt, tôi sợ, vì Trevor không chắc nó tin vào điều gì.” Mục sư Heyd nói: “Angela, Chúa đã tin vào Trevor. Đó mới là quan trọng.”

Ở bệnh viện Lenox Hill, nhân viên y tế tiếp tục ép ngực. Angela nói: “Khi chúng tôi vào phòng cấp cứu, Trevor nằm trên cáng, tôi đi bên cạnh, một lần nữa có cảnh sát với các vũ khí tự vệ – ‘Bà không muốn vào đây chứ’, ‘Bà không muốn đây là những hình ảnh của bà’. Tôi muốn, Tôi đã sẵn sàng với với những hình ảnh của tôi. Đó là con trai tôi.”

“Bác sĩ phòng cấp cứu nhìn tôi và nói: ‘Có vẻ như bà hiểu chuyện gì đang xảy ra.’ Tôi nói, ‘Tôi biết chuyện gì đã xảy ra.’ Ông nói: ‘Theo kinh nghiệm của tôi, tôi có thể làm vài biện pháp bổ sung, nhưng nó sẽ không làm thay đổi kết quả.’ Tôi nói: “Tôi biết”.

Angela nhoài lên cáng. Bà kể cho tôi: “Tôi chỉ gối đầu lên ngực Trevor và lắng nghe. Tôi làm như thế mỗi buổi sáng khi chúng tôi ôm nhau. Và lần này tim không đập. Chân Trevor bị gãy nặng và khuôn mặt còn khá nguyên vẹn, tôi ôm và vuốt ve con”.

Nhiều phương pháp điều trị được đề xuất để giảm tỷ lệ tự tử. Hầu hết đều có thành công lẻ tẻ nhưng không có cách nào làm giảm quy mô của vấn đề. Hiện nay, các phương pháp điều trị tốt nhất cho những người trẻ tuổi tự tử gần như là dùng thuốc và các liệu pháp, đặc biệt là liệu pháp Trị liệu Nhận thức và Biện chứng. D.B.T. kết hợp các kỹ thuật nhận thức, triết lý thiền, chánh niệm, đồng thời nhấn mạnh đến các phương thức hiệu quả để chịu đựng chứng tuyệt vọng. Ông Blaise Aguirre ở bệnh viện McLean, là một trong những chuyên gia hàng đầu của chữa trị D.B.T., đã giám sát việc điều trị cho 3500 thanh thiếu niên và thanh niên, nhiều người trong số này đã có tới mười lần nhập viện tâm thần trước đó. Nhiều cha mẹ của họ nói với ông không còn trường hợp nhập viện nào nữa, có ít hơn một phần trăm sau đó chết sớm.

Dù một người đã từng cố gắng tự tử có khả năng chết tự tử nhiều hơn so với người bình thường, nhưng 90% người sống sót sau lần tự tử hụt không tiếp tục tự tử. Hầu hết họ phản ứng trước một cơn khủng hoảng, như thế cho thấy, nếu chúng ta kip đưa họ đi điều trị, chúng ta có thể cứu mạng sống của họ. Với một số lớn người, có vẻ như thử một lần sẽ mang lại sự thay đổi vĩnh viễn trong quan điểm của họ.

Hình minh họa Drew Panckeri

Tôi đã gặp một thiếu niên như vậy, cô Hannah Lucas, cô lớn lên ở Cumming, Georgia. Năm nay hai mươi tuổi, cô là nạn nhân của lạm dụng khi còn nhỏ, và khi 15 tuổi, cô đã đi trị liệu, khi bắt đầu trị liệu, cô nói chuyện này ngay với chuyên gia tư vấn. Theo Hannah, nhân viên tư vấn – “không đủ khả năng văn hóa” – đã liên hệ với các cơ quan bảo vệ trẻ em. Hannah là người da đen; nhân viên tư vấn là người da trắng. Cơ quan Bảo vệ Trẻ em C.P.S. đã theo dõi gia đình trong ba năm, một giai đoạn đau thương với Hannah và gia đình cô. Cô và anh trai nói với nhân viên C.P.S. phải giữ bí mật những rắc rối mà họ tiết lộ. Hannah nói: “Nhưng Cơ quan C.P.S. đã vi phạm tin tưởng này”, hậu quả với cô ấy rất nặng nề. Cô khẳng định cơ quan đã làm mọi thứ “tồi tệ hơn theo cấp số nhân”. Cô chỉ cho các nhân viên phụ trách xem một vết bầm tím và họ nói đó là vết sướt. Hannah nói: “Nhưng đó không phải là vết sướt, nó có một màu hoàn toàn khác.”

Cô là người cầu toàn: xinh đẹp, ngôi sao thể dục thể thao, học sinh xuất sắc. Cô tham gia tất cả các lớp dự bị và là học sinh da đen duy nhất trong số này. Nhưng bây giờ cô ấy bắt đầu chóng mặt và ngất đi, mệt mỏi đến mức không thể làm gì được. (Sau đó, cô được chẩn đoán mắc hội chứng tim đập nhanh trong tư thế đứng, một rối loạn hệ thần kinh ảnh hưởng đến nhịp tim, đến giãn nở mạch máu, tiêu hóa và nhiệt độ cơ thể.) Hannah phải thường xuyên đối diện với tình trạng ngất xỉu, cô cũng phải đối phó với nạn quấy rối tình dục liên tục của các nam sinh viên. Cô nói: “Đến mức tôi không thể dùng phòng tắm một mình, vì chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ngất xỉu và một trong những người này tìm thấy tôi? Tôi không có ai để liên hệ. Tôi luôn phải khoác lên mình vẻ bên ngoài là một phụ nữ da đen mạnh mẽ – bình thường, không quá mạnh, bởi vì tôi không muốn làm ai phải sợ tôi, hoặc xem tôi là một phụ nữ da đen ồn ào. Tôi luôn phải trở nên hoàn hảo”.

Cô nói với tôi: “Khi tôi quyết định tự tử, nó giống như công tắc được bật lên.” Hannah uống thuốc quá liều khi mẹ cô phát hiện và bà lấy thuốc ra khỏi miệng cô. Hannah nói: “Tôi luôn xem cái chết như một lối thoát, một bình yên – và tôi muốn bình yên này. Mẹ tôi làm cho tôi nhận ra, có những cái neo đang giữ tôi và tôi sẽ làm hại cho nhiều người nếu tôi đi theo con đường này”.

Khi tôi gặp Hannah, cô đang nghỉ học một năm và hy vọng sẽ được vào trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Savannah, để theo học ngành thời trang cao cấp và quản lý kinh doanh. Hannah luôn vật lộn với chứng trầm cảm: “Đó là một cuộc chiến liên tục. Tôi có những ngày tốt, ngày xấu nhưng tôi đang điều trị và gặp bác sĩ tâm lý, vì thế tôi phải cố gắng tốt hơn”. Cách đây bốn năm, cô tung ra một ứng dụng, notOK, sử dụng như nút bấm hoảng dùng kỹ thuật số. Người dùng, chọn tối đa năm địa chỉ liên hệ đáng tin cậy, chỉ một lần nhấn nút, gởi tin nhắn cho mỗi người xin trợ giúp ngay lập tức và máy tự động cho biết nơi ở của người dùng. Ứng dụng được tải xuống hơn một trăm năm mươi ngàn lần.

Cô Saniya Soni, trong một gia đình Nam Á, năm 2015 khi cô 16 tuổi, cô quyết định kết liễu đời mình, Cô nói với tôi: “Trước khi tự tử, tôi luôn suy nghĩ ‘nếu tôi làm điều này, tôi sẽ làm cho nhiều người tổn thương, đó là một cảm giác rất khó chịu, ‘tôi phải chịu trách nhiệm cho tất cả cảm xúc của họ trong khi tôi quá khổ.’ Dưới mắt mọi người, tự tử là ích kỷ nhưng với người đang suy nghĩ về nó, họ đang chiến đấu với ý tưởng ‘Tôi không muốn ích kỷ, tôi muốn giúp đỡ những việc này cho mọi người, nhưng tôi không thể!”

Cô nhớ lại, trong lần định tự tử: “Tôi đã dừng lại giữa chừng. Đơn giản là phương pháp của tôi không chạy. Tôi bị choáng ngợp.” Cô gọi cho một người bạn, bạn cô đến ôm cô khóc nức nở và nói cô nên gọi cho mẹ. Mẹ của Saniya đưa cô đi cấp cứu, cô ở phòng cấp cứu 17 giờ cho đến khi bệnh viện có giường tâm thần dành cho trẻ em. Cô nói: “Khoa tâm thần không phải là khoa tôi cần, nhưng liệu pháp bắt buộc sau đó là trị liệu biến đổi, vì bao gồm liệu pháp nhóm với các đứa trẻ khác đã tự làm hại mình. Tôi không nhận ra những người khác cũng bị như vậy. Tôi không nhận ra chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi thử làm.”

Chia sẻ kinh nghiệm với những người khác cũng là bước ngoặt với cô Bridgette Robek, từ Columbus, bang Ohio, cô bắt đầu tự hại mình và nói về tự tử khi bắt đầu tuổi vị thành niên. Khi cô học lớp 9, vụ tự tử của người bạn cùng lớp đã làm cô rơi vào tình trạng nguy kịch và phải vào bệnh viện. Cô kể cho tôi: “Trong suốt thời gian ở lại bệnh viện, tôi thân với một cậu bé 8 tuổi. Tôi thích xem em bé này là thiên thần hộ mệnh của tôi. Em ở đây vì em bị bắt nạt quá nặng, và em muốn chết. Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm chuyện này với một đứa trẻ. Lần nhập viện này hóa ra là một bước ngoặt cho Bridgette. “Cuối cùng tôi nhận ra tôi muốn trở nên tốt hơn. Tôi không muốn bệnh nữa. Vì luật riêng tư, cô không được phép giữ liên lạc với em bé. Cô nói: “Tôi nghĩ về em bé đó rất nhiều… Tôi hy vọng em bé sẽ ổn. Tôi hy vọng… tôi sẽ nói điều này dễ dàng hơn – tôi hy vọng em vẫn còn sống.”

Tang lễ của Trevor tổ chức ngày 14 tháng 4 năm ngoái. Vì Covid, tang lễ tương đối nhỏ, nhưng 19 bạn học trường St. Bernard đến tham dự, có cả con trai tôi. Tôi nghĩ con tôi sẽ lo khi đến đây, nhưng nó nói nó rất vui khi được tham dự. Tang lễ tràn ngập âm nhạc, và những bài điếu văn, một bài của Billy, một của Angela rất đáng chú ý. Sam Fryer, giáo viên lớp 6 cho biết: “Vì Trevor rất thông minh, nên là giáo viên củaTrevor đôi khi cũng hơi căng thẳng. Nhưng cảm giác đau buồn này khi nào cũng ở trong lòng tôi.”

Các học sinh trường St. Bernard ngồi với nhau phía sau. Chúng tôi là những người đi cuối cùng trong đoàn. Angela đeo chiếc kính râm lớn, nhưng bây giờ bà tháo ra, đôi mắt đỏ hoe. Các học sinh lê bước, mắt cúi xuống, nói thì thầm điều gì đó tiếc nuối cho sự mất mát này. Angela đưa tay ra để giữ chúng lại với nhau trước mặt bà. Bà nói: “Đây cũng là mất mát của các con. Và các con ở đây vì Trevor yêu các con. Chúng tôi không thể mời tất cả mọi người tham gia tang lễ này và tôi muốn các con biết, các con ở đây vì Trevor có một ý nghĩa với các con, từng người trong số các con, dù khi các con không biết Trevor từ đầu.” Sau đó Angela nhấn mạnh: “Tôi muốn các con hứa với tôi, rằng các con sẽ nói lên cảm xúc của mình với nhau hoặc với cha mẹ hoặc với giáo viên hoặc với bác sĩ. Các con hứa với tôi điều này. Vì tôi không muốn đến dự một đám tang khác như thế này”.

Mùa hè năm ngoái, khoảng ba tháng sau con trai của họ chết, Billy và Angela chia tay nhau. Billy, mất đứa con trai đang gặp khó khăn, ông mang một trong những đứa con trai từ cuộc hôn nhân đầu tiên đến New York để có một hành trình mới. Nhưng không lâu sau đó, một vụ gây gỗ bùng ra trong xe và Angela cảm thấy như thể người đàn ông trẻ này đang đổ lỗi cho bà về cái chết của Trevor. Bà yêu cầu Billy dừng xe ở ga xe lửa tiếp và ông về nhà. Angela nói: “Tôi hiểu Billy yêu con trai mình. Nhưng đến một lúc, một con đường nào đó cần được vạch ra. Tôi nghĩ thật không nên khi để người gây chấn thương đến gần mình”.

Billy nói với tôi, dù anh rất yêu Angela, nhưng anh gặp khó khăn trong hôn nhân này. Anh nói: “Có vẻ như tôi đã làm tăng thêm bất hạnh cho Angela. Tiếp tục sống trong môi trường đầy căng thẳng này không tốt cho tôi, cho cho con cái chúng tôi.” Anh cho rằng trước đây anh đã bỏ dở mọi thứ vì anh sợ việc rời đi có thể làm cho Trevor bất ổn thêm. Billy nói, việc báo cho con gái về cuộc chia ly là “ngày khó khăn thứ hai trong đời của tôi”. Agnes “ngồi đó với đôi mắt đẫm lệ.”

Một lần, khi nói chuyện với Angela, tôi nghĩ không biết có mối liên hệ giữa cái chết của Trevor và của người em trai tám tuổi của bà, Tristan Colt, như nhiều người đã nghĩ. Angela nhận ra, so sánh là không thể tránh khỏi, nhưng so sánh làm Angela đau đớn. Không thể biết liệu cái chết của Tristan có làm cho Trevor nghĩ mình cũng có thể tự tử như vậy. Một lần khác, bà nói đến sự tức giận mà mọi người cho rằng vì đau buồn kéo theo. Angela nói: “Thật bất thường để tôi cảm thấy tức giận. Tôi trải qua phản bội, sỉ nhục, buồn bã, sợ hãi trước khi tôi hiểu những điều này là tức giận. Tôi không giận Trevor. Tôi chỉ hoang mang. Trevor được yêu thương sâu đậm, nhưng không phải ai cũng có thể được tình yêu cứu. Angela đã làm tất cả những gì một bà mẹ có thể làm, một người mẹ ở trường St. Bernard nói, nhưng bà bị con trai mình vượt quá: “Có một đứa trẻ trước mặt mình như thế thì thật bất ổn và đáng sợ.”

Angela cố gắng hướng Agnes vượt qua nỗi đau của con. Một lần, khi Angela đang đọc truyện cho con trước khi ngủ, Agnes chặn mẹ lại: “Những quyển sách mẹ đọc cho con đều có kết thúc có hậu. Nhưng câu chuyện của nhà mình không có kết thúc có hậu.” Angela vòng tay qua ôm con. Bà nói: “Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi?” Agnes nói: “Con 9 tuổi”. Angela nói: “Nếu con sống đến 90, con đã sống bao nhiêu năm rồi?” Agnes trả lời: “Được mười phần trăm”. Angela nói: “Có phải tất cả những quyển sách với kết thúc có hậu đều hạnh phúc suốt đường dài hay cũng có nhiều người trong số họ gặp khó khăn hoặc tệ hơn ở đâu đó giữa đời không?” Agnes gật đầu. “Con yêu của mẹ, con vẫn còn thì giờ để cuộc sống của con có kết thúc có hậu, dù với những chuyện này.”

Tang tóc bản chất nội tại là cô đơn, và con người có nhiều cách để để tang. Billy tìm sách và những người có quan điểm triết học để khuây khỏa, Angela thì có động lực nhắm làm một cái gì hướng về di sản của con trai. Bà nói: “Tôi có một trách nhiệm với tư cách là người mẹ, đó là giữ cho con tôi sống sót. Và tôi đã thất bại trong việc đó ”. Khi tôi hỏi bà, liệu bà bị xúc phạm hay chỉ là buồn, bà nói: “Tôi rất xấu hổ vì tôi đã thất bại với con tôi.”

Bà dành nhiều thời gian nhất có thể ở nhà quê “vì Trevor chỉ có thể sống ở đây.” Bà học cách giữ quần áo của con trong túi ziplock và mùi hương của chúng sẽ lưu lại nhiều năm sau đó; bà vào phòng của Trevor để ngửi quần áo của con vì như thế làm cho bà cảm thấy gần con. Bà nói: “Tôi thường cảm thấy không chỉ một mình mà hoàn toàn cô đơn.”

Andrew Solomon là giáo sư tâm lý học y tế lâm sàng tại Đại học Columbia. Sách của ông “Far and Away,” “Far from the Tree,” “The Noonday Demon.”

Marta An Nguyễn dịch