Bénédicte Drouin-Jollès: “Thời gian càng trôi qua, tôi càng khao khát thiên đàng”
Bị khối u trên não đã hai năm, bà Bénédicte Drouin-Jollès, tổng biên tập báo Gia đình Kitô giáo (Famille Chrétienne) qua đời ngày 25 tháng 1 – 2022. Khi hành trình hành hương trên trần thế sắp kết thúc, tháng 11 năm ngoái, bà đồng ý kể cho chúng tôi làm thế nào bà sống thử thách này trong đức tin.
famillechretienne.fr, Marie de Varax, 2022-01-28
Vài tuần trước khi qua đời, bà Bénédicte đồng ý làm chứng trong một podcast cho báo Gia đình Kitô giáo. Bà cho biết Lời Chúa đã nâng đỡ bà như thế nào. “Không có gì mạnh hơn lời này! Còn sống, đó là trọng tâm con người ngày nay. Con người được tạo ra là cho Chúa!”.
Bà biết căn bệnh của bà như thế nào?
Bà Bénédicte Drouin-Jollès: Tôi đang sống với tốc độ hai trăm dặm một giờ giữa Lausanne (Thụy sĩ) và Paris, sau ba mươi năm phục vụ tận tụy cho báo Gia đình Kitô giáo. Sau đó vào tháng 7 năm 2019, chỉ đầu hôm sớm mai, tôi bị mất thị lực. Các bác sĩ chẩn đoán tôi có một khối u lớn trong não. Họ cho tôi nhiều nhất là mười tháng. Tôi đã sống được 27 tháng đến nay. Sau bốn kỳ hóa trị, tôi cùng chồng là Charles, chúng tôi quyết định ngừng chữa trị bám riết. Vì sao tôi phải bám riết? Thời gian càng trôi qua, tôi càng khao khát về trời, nhưng, làm sao để diễn tả đây, tôi bị cuốn hút. Tôi đã sẵn sàng đi gặp Chúa.
Bà cảm nghiệm đoạn đường từ cuộc sống ở tốc độ hai trăm dặm một giờ đến cuộc sống bất động này như thế nào?
Nó xảy ra từng chút một, từng giai đoạn. Cách đây vài tháng, tôi đã có thể trở lại làm việc ở báo Gia đình Kitô giáo, tôi làm vườn – hai giờ một ngày! – tôi còn có thể nấu ăn. Hôm nay là thời gian của ơn. Không phải tự nhiên để có thể ngừng hẳn, để buông mọi sự. Tôi đón nhận từng bước, cố gắng xem mỗi ngày là một ơn Chúa. Không phải lúc nào cũng dễ. Có những ngày tôi buồn chán, có những ngày tôi khóc. Có những ngày tôi xuống tận đáy vực, có những ngày quá mệt. Đi bộ làm tôi kiệt sức, tôi có cảm giác như cơ thể tôi nặng 300 ký. Rồi cũng có những ngày tươi sáng khi tôi cảm thấy bài thánh vịnh này hay hơn bài thánh vịnh kia. Tôi may mắn được xức dầu hai lần. Một lần ở trong vườn nhà tôi, có bạn bè, có các con đỡ đầu, có gia đình bao quanh cầu nguyện cho tôi. Chúng tôi ca tụng, chúng tôi rước Đức Mẹ… Đó là một ngày tuyệt vời.
Làm thế nào để bà sống trong đức tin với căn bệnh này?
Tôi cảm thấy không còn gì, hoàn toàn tùy thuộc vào người khác. Kinh thánh giúp tôi cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt là tên cực thánh Chúa Giêsu. Chúng ta không nhận ra quyền năng của Lời Chúa. Trong những lúc thử thách, khi chúng ta mệt mỏi, khi chúng ta không còn đọc được nữa, chính Lời Chúa nhào nặn, cưu mang và nuôi dưỡng chúng ta.
Chúa dẫn dắt tôi vượt qua căn bệnh ung thư não này. Khi biết mình bị bệnh, tôi đã cầu xin Chúa ơn được sống bình tâm, trong buông bỏ và trong đức tin. Tôi đã có dịp để trải nghiệm thử thách này với gia đình tôi. Một gia đình trải qua tang tóc kể từ khi Charles, chồng tôi, mất người vợ đầu tiên của anh cũng vì căn bệnh tương tự.
Lời Chúa đã nuôi dưỡng bà như thế nào?
Lời Chúa đã biến đổi chúng ta từ bên trong. Không có gì mạnh hơn Lời này! Còn sống, Lời Chúa là trọng tâm của con người ngày nay. Con người được tạo ra cho Chúa! Chúng ta không chú ý đủ điều này… Lời Chúa, tôi xin mời chúng ta học thuộc lòng vì mình không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra: bệnh tật, tai nạn xe hơi, lệ thuộc? Điều gì sẽ giúp chúng ta đi qua những giai đoạn này nếu không phải là Lời Chúa? Và không sao nếu chúng ta không thuộc lòng. Chúa nhân lành không quan tâm. Ngài chỉ nhìn thấy đức tin, sự tin tưởng và hy vọng của chúng ta.
Và khi chúng ta không còn có thể cầu nguyện vì quá đau đớn?
Ngày hôm qua tôi đã hỏi câu này với người anh em Xitô của Tu viện Hauterive mà tôi rất yêu quý. Thầy chỉ nói với tôi: “Hãy lặp lại tên Chúa Giêsu cực thánh”. Tôi thấy thật kinh khủng nhưng nó đã giúp tôi suốt đêm. Tôi cũng đọc lại lời cầu nguyện của Người hành hương Nga: “Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội”. Đó là khi chúng ta bị dồn vào chân tường, chúng ta khám phá lại những lời cầu nguyện lâu đời này của kitô giáo.
Trong thời gian bị bệnh, bà thường gởi tin tức cho người thân và bạn bè. Điều làm cho tôi rất cảm động là cách bà nhìn sự việc trong cái nhìn thiêng liêng. Ngay từ đầu, bà đã viết: “Sáu tháng sau khi phát bệnh, tôi nhận ra tháng 6 vừa qua tôi đã muốn đi một khóa tĩnh tâm. Tôi nghĩ cuộc sống của tôi quá dễ dàng, quá ổn định. Tôi muốn quay lại với điều thiết yếu. Vậy là tôi quyết định. Vậy là tôi đi.”
Thiên Chúa nhân lành đã lo lắng và đã làm nhanh chóng cho tôi.
Dù sao thì cũng quyết liệt!
Đúng, nhưng nó là như vậy. Tôi không thể làm gì. Khi biết tôi bị bệnh, Charles đưa tôi đến Lộ Đức. Anh giới thiệu tôi với cha xứ Cabes của Lộ Đức. Và chúng tôi gặp cha xứ mà tôi cũng đã quen biết. Cha buông ra một câu mà tôi thấy rất táo tợn lúc đó. Cha nói: “Ồ căn bệnh ung thư, con đường dẫn đến thiên đàng!” Tôi muốn nói với cha: “Cha im đi. Cha có biết người vợ đầu tiên của chồng tôi chết vì căn bệnh này không?” Và cùng lúc, với lòng nhân từ vô hạn, cha đã ban phép lành cho tôi.
Đó là những gì tôi đọc qua các thư của bà: lòng nhân từ của Chúa hiện diện với bà mỗi ngày.
Tôi luôn ghi nhớ câu này trong lòng, cho sự kiện này cũng như cho tất cả những sự kiện khác trong đời tôi: “Niềm vui của Chúa là thành lũy của tôi”. Bệnh tật đã rất đau đớn rồi, mà nếu mình nổi loạn khi sống thử thách này, nếu không có ơn Chúa, thì đó là hình phạt gấp đôi! Chúng ta phải nhìn vào những gì chúng ta nhận được hơn là những gì chúng ta mất. Nhưng lựa chọn này là trận chiến tâm linh hàng ngày.
Bà chưa bao giờ giận Chúa? Bị bệnh khi 50 tuổi thì cũng phải tức giận!
Sự tức giận sẽ mang lại điều gì cho mình? Tùy thuộc vào cách bạn chấp nhận các sự kiện, mọi thứ trở nên khắc nghiệt hơn hoặc ngược lại, yên bình hơn. Chúng ta có tin vào ơn Chúa, vào lời của Ngài không? Nếu có thì “ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”. Đúng, thật là điên rồ. Trên thực tế, điều khó không phải là lên thiên đàng – chúng ta được tạo ra để hướng tới hạnh phúc vĩnh cửu. Điều khó là bỏ những người mình yêu thương lại, làm cho họ đau khổ.
Bà có sợ chết không?
Không, tôi mong. Nhưng tôi không biết nói như vậy có ổn không.
Tại sao?
Ai làm thiên thần thì làm quỷ! Cần rất khiêm tốn khi bạn gần đến cái chết. Không phải lúc nào chúng ta cũng làm được, nhất là khi mọi người nói với bạn: “Bạn thật phi thường!”. Không, tôi không phi thường, đó là ơn tôi nhận được.
Làm thế nào bệnh tật đã biến đổi bà?
Tôi không biết. Không phải tôi là người nói lên điều này. Tôi sống một loại tự do nội tâm. Khi bác sĩ nói, căn bệnh đang tăng lên một chút, với tất cả sự đơn giản, tôi xin nhiều người đến thăm tôi. Tôi muốn nói với mọi người những gì tôi phải nói. Nói chung, đó là “cám ơn, xin lỗi, tôi yêu bạn”. Và bạn không thể hình dung những lời đó đã mở ra điều gì trong trái tim của mọi người. Bệnh tật đôi khi đơn giản hóa nhiều thứ.
Ngoài Kinh thánh, có quyển sách nào giúp bà vượt qua thử thách này không?
Tôi không phải là người duy nhất xúc động với quyển sách của Cha Amar mà tôi đã đọc trước khi bị bệnh. Hors Service (Ngoài phục vụ) là quyển sách dịu dàng đã giúp tôi đối diện với căn bệnh. Cùng với chồng tôi, chúng tôi cũng khá thân thiết với một vị thánh Marguerite Bays người Thụy Sĩ ít được biết đến. Bà đã dành cả cuộc đời để an ủi và đồng hành với người nghèo và người bất hạnh vào thời của bà. Người phụ nữ này, sống trong tuyết vào thời điểm khó khăn, không thể đi lễ vào mùa đông, nhưng từ căn bếp, bà nhìn thấy nhà thờ và bà chầu trong phòng khách của bà. Bà rất hiện đại. Tôi cũng rất cảm động về lời chứng của vợ chồng Pétard, họ đã mất hai con gái trong vụ khủng bố ở Bataclan, nước Pháp. Họ không phải là nhà thần nghiệm, và họ đượïc Thiên Chúa và Đức Mẹ vớt lên. Họ bắt đầu đọc Kinh thánh và cuộc sống của họ đã thay đổi. Ngay cả trong những gì tệ nhất, Chúa vẫn có thể làm điều tốt nếu chúng ta để cho Chúa làm.
Bà có lời khuyên nào cho những người bị bệnh nặng hay bị thử thách không?
Tôi không có lời khuyên để đưa ra. Chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta và lắng nghe tâm hồn mình. Tôi có thể nói, tôi đã thực sự khám phá sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và sức sống của Ngài trong căn bệnh này. Chính Ngài nắn những gì sai lệch, sưởi ấm những gì nguội lạnh. Bây giờ tôi rất tin vào điều này. Chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài biết rõ hơn chúng ta, ngài làm tốt hơn chúng ta. Kinh Lạy Đức Chúa Thánh Thần xin ngự xuống đã giúp cho tôi rất nhiều, nhất là câu an ủi. Chúng ta quên Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Chúa không muốn nhìn chúng ta đau khổ, Ngài đã tạo dựng chúng ta cho sự sống. Chúng ta được tạo ra cho sự sống.
Bà có thấy hành động của Chúa Thánh Thần trong những ngày của bà không?
Có, nhất là những lúc tôi nhận được những tia sáng nhỏ. Tôi có thể nói tôi nhận được chúng hàng ngày, khi có một người bạn đề nghị giúp tôi dọn dẹp nhà cửa hoặc đi chợ vài ngày. Tôi có một người bạn gởi súp và mứt từ Normandie đến cho tôi. Làm thế nào mà không nhìn thấy lòng thương xót của Chúa trong những hành vi này? Mỗi ngày tôi có một lời. Mỗi ngày tôi đều có một dấu chỉ của lòng tốt. Chúng ta cần ghi nhớ điều này trong lòng để tâm hồn không thành chai sạn, để không rơi vào nổi loạn vì nổi loạn tức giận chẳng giải quyết được gì, chỉ thêm đau, thêm cảm thấy mình bất hạnh.
Có rất nhiều người đã và đang cầu nguyện cho bà.
Tôi biết tôi nợ lời cầu nguyện của mọi người. Lời cầu nguyện của những bà mẹ ở Châu Phi hay của những đứa trẻ ở Manila. Tôi đã làm một phóng sự ở Phi Luật Tân ngay trước khi tôi bị bệnh, và lời cầu nguyện của các em bé này ở đầu bên kia thế giới đã làm cho tôi rất xúc động. Tôi không xứng đáng được hưởng như vậy. Các em có rất nhiều ý chỉ khác để cầu nguyện. Các em chỉ ăn một ngày một bữa, các em sống trong thùng giấy. Chính tôi phải cầu nguyện cho các em! Có một bí ẩn thực sự về tội ác trong cuộc sống của nhân loại. Nhưng chính thánh giá của Chúa Kitô đã cứu tất cả. Thánh giá vinh quang.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch