Đức Phanxicô: “Sẽ có ích gì khi đến Kyiv nếu ngày mai chiến tranh vẫn tiếp tục”

170

Đức Phanxicô: “Sẽ có ích gì khi đến Kyiv nếu ngày mai chiến tranh vẫn tiếp tục”

Đức Phanxicô giải thích trên báo La Nacion vì sao ngài không đi Ukraine và vì sao ngài không nêu tên Putin hoặc Nga khi nói về cuộc xâm lược; ngài nói ‘sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn chiến tranh’; và ngài cũng nói lúc nào ngài sẽ về thăm Argentina.

lanacion.com.ar, Joaquin Morales Solá, 2022-04-21

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. (Ảnh của Alberto PIZZOLI / AFP) ALBERTO PIZZOLI – AFP

Chỉ cần nhắc đến Ukraine là Đức Phanxicô nói ngay: “Tôi sẵn sàng làm tất cả để chấm dứt chiến tranh. Tất cả.” Lời nói và cử chỉ của ngài cho thấy, ngài không có vấn đề nào khác, bên ngoài cũng như bên trong Giáo hội làm cho ngài lo bây giờ hơn là việc Nga xâm lược Ukraine.

Ngài dứt khoát: “Các cuộc chiến tranh là lỗi thời trong thế giới và trong thời buổi văn minh này.” Ngài có khuôn mặt tươi tắn giống như chín năm trước, khi ngài được bầu làm giáo hoàng, nhưng bây giờ dây chằng đầu gối bị nứt nên ngài đi lại khó khăn, buộc ngài phải đi khập khễnh. “Nó sẽ qua”, ngài chịu đựng dù không muốn bị như vậy. Ngài chườm đá lên đầu gối và uống thuốc giảm đau. Các bác sĩ đảm bảo cơn đau sẽ biến mất theo thời gian. Ngài giải thích: “Ở tuổi tôi, phục hồi sức khỏe là chậm.” Tôi nói với ngài: “Nhưng trông cha thật khỏe.” Ngài trả lời với nét châm biếm quen thuộc của ngài: “Ở tuổi này, phải bằng lòng giữ gìn được như vậy là tốt.”

“Nhưng làm sao ngài lại đứng vững như vậy được?”

Trong cuộc gặp với báo La Nacion, ngài nhắc đến thư ngài gởi cho một nhà báo Argentina, ngài nói báo chí chỉ muốn “coprofilia” có nghĩa là chỉ thích ngửi phân.

Giáo hoàng tố cáo chiến dịch vu khống mà ngài là nạn nhân

Đức Phanxicô khi đến Quảng trường Thánh Phêrô (VATICAN MEDIA / AFP) HANDOUT – VATICAN MEDIA

Vì sao cha không bao giờ nêu tên Putin hay nước Nga?

Đức Phanxicô: Một giáo hoàng không bao giờ nhắc đến tên một nguyên thủ Quốc gia, ít hơn nhiều với một quốc gia, đó là cấp cao hơn nguyên thủ quốc gia.

Chúng ta có thể nói rằng sau đó có những nỗ lực hòa giải không?

Luôn luôn có. Vatican không bao giờ ngơi nghỉ. Tôi không thể nói chi tiết vì chúng sẽ không còn là nỗ lực ngoại giao. Nhưng những cố gắng sẽ không bao giờ dừng lại.

Gần đây hai hồng y cho biết, họ hy vọng đầu tháng 5 sẽ kết thúc phần lớn cuộc chiến ở Ukraine, nếu không phải chính cuộc chiến. Đó là thông tin họ có được, dù không ai chắc chắn cuối cùng điều này sẽ xảy ra.

Hồng y Czerny về lại Rôma, hồng y Krajewski còn ở lại Ukraine

Đức ông Leonardo Sapienza, chủ tịch Phủ Giáo hoàng, và linh mục Argentina, Đức ông Luis María Rodrigo Ewart bên cạnh Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung. (Ảnh của Alberto PIZZOLI / AFP) ALBERTO PIZZOLI – AFP

Chuyến đi của cha đến sứ quán Nga tại Vatican có ý nghĩa gì?

Tôi đi một mình, tôi không muốn ai đi cùng tôi. Đó là trách nhiệm cá nhân tôi. Đó là quyết định của tôi sau một đêm thức trắng nghĩ về Ukraine. Rõ ràng là để cho những ai thấy, đó là dấu hiệu nói với chính phủ rằng họ có thể kết thúc chiến tranh ở thời điểm tiếp theo. Chân thành mà nói, tôi muốn làm điều gì đó để không còn  một người nào khác chết ở Ukraine. Không còn một ai phải chết nữa. Và tôi sẵn sàng làm tất cả.

Nga nói quốc gia láng giềng Ukraine sẽ gia nhập NATO và điều này gây nguy hiểm cho an ninh của Nga. Cha có nghĩ một cuộc chiến tranh là hợp lý dù ở trường hợp nào không?

Tất cả chiến tranh đều là lạc hậu, trên thế giới và ở thời buổi văn minh này. Đó là lý do tại sao tôi công khai hôn quốc kỳ Ukraine. Đó là cử chỉ của tình liên đới với những người đã khuất, với gia đình họ và với những người phải di cư.

Vì sao cha không đến Kyiv, nơi chắc chắn người dân đang chờ cha?

Tôi không thể làm bất cứ điều gì làm cho các mục tiêu cao hơn bị rủi ro, đó là kết thúc chiến tranh, đình chiến hoặc ít nhất là một hành lang nhân đạo. Sẽ tốt gì cho việc giáo hoàng đến Kyiv nếu ngày hôm sau chiến tranh vẫn tiếp tục?

Đức Phanxicô chào các thanh thiếu niên Ý hành hương ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 18 tháng 4-2022 / Alberto Pizzoli – AFP

Ghi chú về quan hệ của Đức Phanxicô với thượng phụ Kyrill của Giáo hội chính thống Nga, nhánh tôn giáo duy trì mối quan hệ căng thẳng lịch sử với Giáo hội công giáo Rôma. Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên thượng phụ Kyrill đồng ý gặp. Trước đây thượng phụ Kyrill đã không muốn gặp Đức Gioan-Phaolô II hoặc Đức Bênêđíctô XVI, các giáo hoàng đã cho thượng phụ biết họ muốn gặp ngài. Cuộc gặp duy nhất giữa Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill được tổ chức tại thành phố trung lập Havana, theo yêu cầu của thượng phụ. Đức Phanxicô trong chuyến đi Mexico (ngài dừng chân ở Cuba chỉ để gặp thượng phụ Kirill) khi thượng phụ đang đi thăm đảo này.

 

Quan hệ của cha với thượng phụ Kirill như thế nào?

Rất tốt. Tôi rất tiếc vì Vatican đã tổ chức cuộc gặp thứ hai với thượng phụ Kirill, chúng tôi đã lên lịch vào tháng 6 tại Giêrusalem. Nhưng giới ngoại giao chúng tôi hiểu một cuộc gặp như thế vào thời điểm này có thể dẫn đến nhiều hoang mang. Tôi luôn thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo. Khi là tổng giám mục giáo phận Buenos Aires, tôi đã tập hợp những người theo đạo thiên chúa giáo, do thái giáo và hồi giáo trong các cuộc đối thoại phong phú. Đó là một trong những sáng kiến mà tôi tự hào nhất. Và đó cũng là chính sách tương tự mà tôi thúc đẩy ở Vatican. Như ông cũng đã nghe tôi nói nhiều lần, với tôi, thỏa thuận thì cao hơn xung đột.

Cha có viết cho một nhà truyền thông rằng các nhà báo chúng tôi thích “coprofilia”, đó như lời buộc tội với tất cả nhà báo. Một lời buộc tội bao giờ cũng là một lời buộc tội không công bằng. Cha có đồng ý không?

Tất nhiên, nhưng tôi không đưa ra lời buộc tội đó. Điều tôi muốn làm là đánh dấu những cám dỗ mà một nhà báo có thể có. Theo cách tương tự, tôi đánh dấu những cám dỗ mà các linh mục, giám mục và thậm chí giáo hoàng có thể làm!. Tôi luôn nói về nghề báo là “nghề cao quý”, tôi đã nói như vậy với nhà báo này (Gustavo Sylvestre). Nếu ông nghĩ tất cả các nhà báo đều thích “ngửi phân” thì ông sẽ không ngồi với tôi hôm nay.

Vì chúng ta đã biết nhau 30 năm, tôi rất ngạc nhiên về lời cha nói về báo chí như vậy.

Tôi xin nhắc lại: Tôi chưa bao giờ cáo buộc như vậy với tất cả nhà báo. Tôi chỉ đưa ra các cám dỗ. Thật ra tôi đã nói về chứng “ngửi phân” trong nghề báo là cách đây 20 năm trong một bữa ăn tối ở Adepa. Dù sao với tôi, trong số bốn cám dỗ tôi nêu ra với nghề báo (thông tin sai lệch, vu khống, phỉ báng và ngửi phân), nghiêm trọng nhất không phải là ngửi phân mà là thông tin sai lệch. Nghề báo là nghề cao quý khi hoàn thành tốt sứ mệnh đưa tin. Thông tin biến dạng là mặt đối lập của thông tin.

Cha có cho phép công bố bức thứ đó không?

Không đời nào. Nhà báo hỏi liệu anh có thể công khai nó không và tôi trả lời rằng tốt hơn hết là không, “để không đổ dầu vào lửa”. Tôi không muốn có bất kỳ nghi ngờ nào. Tôi chỉ nêu ra một số cám dỗ mà một số nhà báo có thể gặp. Nó không bao giờ là bản cáo trạng của tất cả nhà báo.

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 20 tháng 4 vừa qua. (Evandro Inetti/ZUMA Press Wire/dpa)Evandro Inetti – ZUMA Press Wire

“Tôi muốn về thăm Argentina”

Đức Phanxicô không nói về Argentina. Ngài mệt mỏi vì những lời nói của ngài bị vặn vẹo ở quê hương. Chắc chắn ngài quá  mệt vì liên tục bị đẩy vào con đường mòn mà ngài chưa từng trải qua. Khi ngài được bầu giáo hoàng năm 2013, khái niệm rạn nứt vẫn chưa tồn tại, mặc dù có một chia rẽ nào đó đã thấy rõ trong xã hội Argentina. Cho đến thời điểm ngài được bầu, tổng giám mục Buenos Aires lúc đó là nạn nhân của sự sách nhiễu của hai chính phủ Kirchner. Những ai am tường về chính trị ở Argentina đều nhớ ở Buenos Aires, bà Cristina Kirchner đã phản ứng rất dữ dội khi hồng y Bergoglio bị ghét bỏ lúc đó được bầu làm giáo hoàng. Cho đến khi bà hiểu, tốt hơn cứ cho là không thể thay đổi và đến gần ngài hơn.

Khi nào cha về Argentina?

Tôi không biết. Một số hoàn cảnh phải phối hợp. Nhưng tôi muốn về thăm đất nước tôi vì tôi không bao giờ quên, ngài nói gần như thì thầm với một nỗi nhớ nhung nào đó, trước khi chúng tôi chào tạm biệt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch