Chuyến đi Malta của Đức Phanxicô: đạo công giáo xuống dốc mạnh
Ngày thứ bảy và chúa nhật 2-3 tháng 4, Đức Phanxicô có chuyến tông du đến Malta. Nếu từ lâu Giáo hội đã có mặt khắp nơi trong quần đảo nhỏ bé Địa Trung Hải này, thì bây giờ nó bị ảnh hưởng nặng nề vì quá trình thế tục hóa.
la-croix.com, Mélinée Le Priol, Malta, 2022-04-02
Đức Phanxicô tại đền thánh Ta’ Pinu ngày thứ bảy 2 tháng 4-2022
Với ông Alfred Sant Fournier, việc bỏ cuộc gặp này là chuyện không thể được. Năm 1990, ông là hiệu trưởng một trường học ở Malta và ông đã gặp Đức Gioan Phaolô II, giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Malta trong niềm hân hoan chung mà không ai ở đây có thể quên được. Sau đó, ông đã dự chuyến tông du thứ nhì cũng của ngài năm 2001, cũng như chuyến đi của Đức Bênêđíctô XVI năm 2010. Vì thế sáng chúa nhật 3 tháng 4, ông sẽ có mặt ở Quảng trường các Vựa lúa Floriana với khoảng 10.000 người Malta đến dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành.
Ông mong chờ gì từ chuyến thăm này? người đàn ông 60 tuổi kể lại, ông sẽ đi cùng với hai đứa con trưởng thành, một trong hai không còn đi lễ trừ những dịp hiếm hoi, ông mong chờ: “Một sự hồi sinh tâm linh, đúng, nhưng không trong ý tưởng quay trở lại quá khứ. Người Malta chúng tôi cần hiểu thế nào là tín hữu kitô ngày nay.”
Sự cần thiết phải đặt vấn đề như vậy có thể làm nhiều người ngạc nhiên, vì quần đảo (tám hòn đảo, bốn trong số đó có người sống tại đây) vẫn gắn liền với đạo công giáo trong vô thức tập thể. Không phải các Hiệp sĩ Thánh Gioan Giêrusalem (hoặc Dòng Malta) đã ngự trị tối cao ở đây từ năm 1530 đến năm 1798 đó sao? Chẳng phải Malta có nhiều nhà thờ đây đó nhiều như số ngày trong năm đó sao? Và nơi đất nước nhỏ nhất Liên minh Châu Âu (316 cây số vuông và 480.000 người dân), cũng là nơi nghiêm cấm phá thai nhất đó sao?
“Là người công giáo không còn là một chuyện tự nhiên nữa”
Chắc chắn. Nhưng trong ba mươi năm nay, Malta bị thế tục hóa đập mạnh, Giáo hội Malta không thể lường trước được cả về quy mô và tốc độ. Tỷ lệ giữ đạo giảm, từ hơn 75% năm 1990 xuống còn 40% ngày nay. Và sự sụt giảm vẫn tiếp tục, hàng năm người giữ đạo giảm khoảng 1%, sau mười năm là 10%.
Linh mục Jimmy Bonnici, tổng thư ký tòa giám mục tóm tắt: “Là người công giáo không còn là một chuyện tự nhiên nữa. Bây giờ là lựa chọn cá nhân mà người trẻ phải làm theo lương tâm mình.” Linh mục Glen Attard, bề trên cộng đồng Cát Minh ở Mdina nói thêm: “Trụ cột của Malta không còn là Giáo hội, trong vòng vài năm tới, đạo công giáo sẽ rút khỏi Hiến pháp Malta.”
Làm thế nào để giải thích một biến động như vậy? Một số viện dẫn đến nền độc lập năm 1974 (sau một thế kỷ rưỡi thuộc địa của Anh), trong đó xem việc thay thế Giáo hội bằng Quốc gia như một “biểu tượng của bản sắc dân tộc”. Những người khác nói đến sự nồng nhiệt với toàn cầu hóa vào buổi bình minh của thế kỷ 21, dẫn đến Malta vào Liên minh Âu châu năm 2004.
Đặt vấn đề
Vẫn còn những người cho rằng cũng do các hành vi bạo lực tình dục của hàng giáo sĩ gây ra. Hoặc cuối cùng là tham nhũng, một tai họa của người dân Malta mà Giáo hội đôi khi bị buộc tội là đã không tố cáo đủ và rõ ràng… thậm chí còn khuyến khích khi họ nhận những số tiền lớn của công quỹ để tái thiết các nhà thờ hay để trả lương cho các giáo viên tư nhân.
Đó là năm 2011, Giáo hội đột nhiên nhận thức đã mất ảnh hưởng với xã hội Malta. Qua trưng cầu dân ý, 53% người dân nói “có” với việc hợp pháp hóa ly dị. Sau đó, Malta trở thành quốc gia tiên phong cho quyền của người đồng tính và thậm chí là quốc gia đầu tiên ở Liên minh Âu châu hợp pháp hóa cần sa tháng 12 năm 2021.
Đối với Giáo hội địa phương, đã đến lúc phải đặt vấn đề.
Ông Mark Cachia, thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể hiểu được, ngay khi có cơ hội, ngay khi quần đảo mở ra với thế giới, người Malta lại quay lưng với Giáo hội?” Ông nghĩ, đằng sau sự đồng nhất của người công giáo ngày xưa, đức tin hiếm khi được sống theo cách cá nhân và việc rao giảng phúc âm hóa đã giảm xuống mức tối thiểu.
Bà Nadia Delicata, đại biểu ban truyền giáo của tòa giám mục cười, nói như khiêu khích: “Mọi người đều theo đạo công giáo vậy chúng ta giảng đạo cho ai?” Giống như những người khác, những người đã “tập trung” quá lâu về diễn ngôn của Giáo hội Malta về vấn đề tình dục, dù phải bỏ các vấn đề xã hội, trong số các vấn đề khác.
Các bài giảng mạnh mẽ trên truyền hình
Chẳng phải việc duy trì tốt giáo dục tư nhân và sự thành công như đinh đóng cột của các lễ hội hàng năm trong các ngôi làng, chung quanh các thánh bổn mạng cho thấy không có gì mất với Giáo hội Malta đó sao? Một số người công giáo xem đó là dấu hiệu cho thấy người Malta đã trở thành “người tín hữu văn hóa”.
Trước câu hỏi nhức nhối “Làm gì đây?”, có rất nhiều câu trả lời. Một số gợi ý, Giáo hội địa phương phải học “nói ngôn ngữ” của người Malta ngày nay. Như tổng giám mục Charles Scicluna đã làm, qua các bài giảng trên truyền hình của ngài, trở nên thường xuyên kể từ đại dịch Covid-19 và ngài được đánh giá cao.
Đức Phanxicô và tổng giám mục Charles Scicluna trong buổi gặp tại đền thánh Ta’ Pinu ngày thứ bảy 2 tháng 4-2022
Một ý kiến khác: các đề xuất của Giáo hội nên đi theo hướng “nhu cầu cộng đồng” ngày càng tăng của các thế hệ trẻ, họ thích họp với các nhóm nhỏ và chung quanh một phụng vụ đẹp. Nói rộng hơn: khôi phục ý nghĩa cho nghi thức, thoát ra khỏi mối quan hệ hình thức với đạo công giáo, vẫn bị xem là một “thể chế” hay “một di sản”.
“Sống trong hai thế giới cùng một lúc”
Linh mục Joe Borg, giáo xứ Birkirkara thở dài: “Số lượng linh mục của chúng tôi ít hơn nhiều, nhưng chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì chúng tôi đã làm trước đây… và có khi còn nhiều hơn!” Làm thế nào để tìm thời gian, khi phải tiếp tục làm mục vụ “bình thường” cho người lớn tuổi, để đổi mới đề xuất hướng tới người trẻ? Cha Bonnici tóm tắt: “Trên thực tế, chúng tôi phải chuẩn bị cho các linh mục tương lai sống trong hai thế giới cùng một lúc”, cha là tổng thư ký của tòa giám mục và giám đốc chủng viện Malta. Chủng viện hiện chỉ có 13 chủng sinh, so với 34 chủng sinh cách đây mười lăm năm.
Hai “thế giới” cùng chung sống trên một vùng đất nhỏ bé ở Địa Trung Hải, đó là hình ảnh người dân Malta thường nói. Một số người dùng thành ngữ “Malta xưa, Old Malta” và “Malta nay, New Malta” trong tiếng Anh để nhấn mạnh sự khó khăn của Giáo hội đi từ thế giới này qua thế giới kia.
Trong chừng mực của ngài, liệu giáo hoàng có đồng hành trong tiến trình chuyển đổi này không? Ai cũng khó tin hai ngày là đủ. Đặc biệt chuyến tông du của ngài bị lu mờ do các cuộc bầu cử ngày thứ bảy 26 tháng 3 mang chiến thắng mới cho Đảng Lao động (55%), nhưng Đảng bị cáo buộc tham nhũng.
Ngoài các bài phát biểu của Giáo hoàng chống tham nhũng và chào đón người di cư, nhiều người công giáo mong chờ sống những giây phút thiêng liêng mạnh mẽ. Linh mục Glen Attard Dòng Cát Minh tóm tắt cảm nhận được chia sẻ này trong vài lời: “Giáo hội của chúng tôi ở Malta đã mệt mỏi, lịch sử của nó quá lâu dài… Hôm nay, Giáo hội cần phải yêu Chúa lại.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đảo Malta chịu đựng sự ơ hờ to lớn với đức tin