Những im lặng của Đức Phanxicô trước cuộc xâm lược của Nga

172

Những im lặng của Đức Phanxicô trước cuộc xâm lược của Nga

lemonde.fr, Cécile Chambrand, 2022-03-10

Mong muốn xích lại gần Thượng phụ Mátxcơva, Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt “chiến tranh” nhưng không chính thức lên án cuộc xâm lược Nga.

Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt “chiến tranh” ở Ukraine, nhưng một giáo dân chỉ biết nghe lời ngài, họ sẽ khó biết được ai khơi mào cuộc chiến. Kể từ ngày bắt đầu cuộc xâm lược, thứ năm 24 tháng 2, ngài không bất động. Ngài cử hồng y Konrad Krajewski, Ban Từ thiện Vatican và hồng y Michel Czerny, bộ trưởng lâm thời Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đến Ukraine. Ngài lấy làm tiếc cho “đất nước tử đạo” và yêu cầu “chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang”. Một ngày sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng, ngài đích thân đến sứ quán Nga tại Vatican, một việc chưa từng có. Nhưng chính thức lên án cuộc tấn công của Nga thì không thấy dấu vết nào trong lời nói của ngài.

Sự bế tắc đáng chú ý này tạo lý do cho các câu hỏi được đặt ra ngay cả ở Rôma. Chắc chắn, Tòa Thánh luôn kín đáo trong các việc này, họ không lên án công khai. Thêm nữa, ngày chúa nhật 6 tháng 3, ngài kêu gọi “thương thuyết” và cho biết Vatican “sẵn sàng làm tất cả để phục vụ hòa bình”. Một ngày sau chuyến đi bất ngờ đến sứ quán Nga, ngài gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Về phần hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, ngài điện thoại cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov, và ngày thứ tư 9 tháng 3 ngài xác nhận sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Nhưng bây giờ việc thiếu sót nêu lên vai trò của Nga trong việc  khơi mào đối đầu quân sự đã làm cho giới quan sát đặt câu hỏi về chính sách hợp tác rất chủ động, muốn xích lại gần với Giáo hội chính thống Nga mà Đức Phanxicô theo đuổi lâu nay, cái giá mà một số người cho là quá cắt cổ. Thượng phụ Kyrill lãnh đạo Giáo hội này luôn cho thấy ngài gần gũi với Vladimir Putin. Ngày 27 tháng 2, trong một bài giảng, ngài gọi những người “chống sự thống nhất” giữa Nga và Ukraine là “thế lực của sự dữ.” Nhà sử học Antoine Arjakovsky, đồng giám đốc Khoa Chính trị và Tôn giáo của Viện Bernardins, cho biết: “Vatican chỉ muốn nhắm đến Mátxcơva. Như thế không còn cân bằng chút nào, thậm chí là vô cùng nguy hiểm.”

Tư thế giữ khoảng cách ngang nhau

Khuynh hướng nhắm đến Mátxcơva này có từ lâu. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và sự tan rã của Liên bang Xô viết, chính sách Ostpolitik (bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1970) của Tòa thánh thời hậu chiến đã nhường chỗ cho giấc mơ của Đức Gioan Phaolô II, “đến Nga để nghiêng mình trước các ngôi mộ các vị tử đạo của chủ nghĩa cộng sản” như nhà sử học phân tích. Nhưng cả giáo hoàng Ba Lan và Đức Bênêđíctô XVI đều không thực hiện được. Đức Phancxicô tiếp tục con đường hòa giải theo cách riêng của ngài. Được hiện thực hóa trong cuộc gặp lịch sử giữa một giáo hoàng và người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga – thượng phụ Kirill ngày 12 tháng 2 năm 2016, tại sân bay Havana, Cuba.

Được chuẩn bị tối mật nhất, cuộc họp này không phải là không có sự nhượng bộ của Tòa thánh. Nhượng bộ đầu tiên liên quan đến Ukraine. Hai năm trước, Vatican đã không phản ứng khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc chiến ở Donbass. Trong tuyên bố chung được ký kết tại Havana, một đoạn văn chính thức hóa cương vị quan điểm giữ khoảng cách ngang nhau này về “cuộc đối đầu ở Ukraine”: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột thận trọng, đoàn kết xã hội và hành động vì hòa bình.” Nhượng bộ thứ nhì là của Giáo hội công giáo hy-lạp, trung thành với Rôma, giáo hội kitô giáo thứ ba ở Ukraine sau hai Giáo hội chính thống, nhượng bộ này không phải là không đáng kể. Được tổng giám mục trưởng Kiev Sviatoslav Chevtchouk điều hành, ngài có cảm giác trong vài năm qua đã phải chịu gánh nặng của mối quan hệ hợp tác với chính thống giáo Nga, xem sự ủng hộ của Vatican không phải là điều miễn cưỡng khi đối diện với các cuộc tấn công câu hỏi lại họ của tòa thượng phụ Mátxcơva chống lại họ, mà họ đã tách ra từ thế kỷ 16.

Tuy nhiên, cho đến khi có cuộc xâm lược Ukraine, Rôma có ý định kiên trì theo cách này. Tháng 12 năm 2021, Đức Phanxicô xác nhận việc chuẩn bị một cuộc gặp mới với thượng phụ Kirill ở một “thời gian không quá xa”. Ngài nói thêm: “Và tôi luôn sẵn sàng đến Mátxcơva.” Trưởng giáo chủ Hilarion, phụ trách quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mátxcơva đã có mặt ở Paris ngay trước khi bùng nổ cuộc tấn công của Nga ở Ukraine để chuẩn bị cho cuộc họp này. Ngày 12 tháng 2, ở Paris ông đã gặp hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Hiệp nhất kitô giáo.

“Không được trang bị để hiểu chủ nghĩa putin”

Nhà sử học Antoine Arjakovsky nhận xét: “Trong ba mươi năm qua, trưởng giáo chủ Hilarion là người đối xử không tốt với người công giáo hy-lạp, thật kỳ lạ khi Đức Phanxicô chấp nhận điều này.” Ông Yves Hamant, nhà nghiên cứu về các vấn đề Nga và Liên Xô, sành sỏi về ngoại giao Tòa Thánh cũng chỉ trích chiến lược Nga của giáo hoàng: “Về hồ sơ này, Đức Phanxicô không tham khảo ai. Ngài không biết rõ về thế giới này, ngài không được trang bị để hiểu chủ nghĩa putin. Còn về việc xích lại gần Nga, ngài nghĩ ngài sẽ thành công khi các vị tiền nhiệm của ngài đã thất bại. Để thành công, Ukraine gần như là chướng ngại vật. Ngài có thể bị cám dỗ để hy sinh Ukraine.” Tuy nhiên ngày thứ tư hồng y Parolin cho biết, triển vọng một cuộc gặp mới giữa hai nhà lãnh đạo không còn phù hợp với tình hình thời sự hiện nay.

Lựa chọn của Nga cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà Đức Phanxicô duy trì với các gia đình chính thống giáo khác, họ có khoảng 15 Giáo hội tự lập (họ bầu ra các nhà lãnh đạo của họ). Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, vì các lý do lịch sử, Đức Phanxicô rất thân với thượng phụ Bartholomew, giáo chủ của Constantinople, tòa thượng phụ này có ưu thế hơn các tòa thượng phụ khác. Tuy nhiên, sự hợp ý giữa thượng phụ Kirill và Bartholomew bị rạn nứt kể từ khi thượng phụ Bartholomew công nhận quyền tự trị (độc lập) của Giáo hội chính thống Ukraine năm 2018, trước đây giáo hội này phụ thuộc vào tòa thượng phụ Mátxcơva. Thượng phụ Bartholomew cực lực lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Nhà sử học Antoine Arjakovsky đặt câu hỏi: “Cần bao nhiêu thời gian để Rôma duy trì đối thoại này với hai bên trong khi Mátxcơva đang tàn phá cả một đất nước và một số tách ra khỏi Giáo hội chính thống Ukraine, phụ thuộc vào tòa thượng phụ Mátxcơva? Việc Tòa thánh gần gũi với hệ tư tưởng chính của thế giới Nga sẽ trở nên cấn cái.”

Trên thực tế, cuộc chiến ở Ukraine hiện nay dường như đang tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng trong Giáo hội Ukraine vốn vẫn trung thành với Mátxcơva. Đứng đầu là trưởng giáo chủ Onuphre, ngài yêu cầu người Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga. Nhà sử học Antoine Arjakovsky nhận xét: “Hàng chục giám mục không còn cầu nguyện cho Kirill vào ngày chúa nhật nữa” như luật định, theo ông, nếu tình hình chính trị-quân sự ở Ukraine cho phép, “thì có nhiều khả năng Giáo hội này gắn bó với Giáo hội tự lập ở Ukraina”.

Chính thống giáo của truyền thống Nga ở Tây Âu cũng qua giai đoạn phẫn nộ, vì thế trưởng giáo chủ Jean de Doubna, trong một thư ngỏ đã thẳng thừng tố cáo “cuộc chiến quái dị và vô nghĩa này“ khởi đầu do “sự can thiệp quân sự của Liên bang Nga ở Ukraine” và ngài yêu cầu thượng phụ Kirill “can thiệp với nhà cầm quyền Nga” để “dừng lại cuộc tắm máu, cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và giết người này.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Lời kêu gọi của Đức Phanxicô cho Ukraine, nơi “máu và nước mắt đã chảy”