Hệ thống, chữ cần phải hạ để cứu Giáo hội

259

Hệ thống, chữ cần phải hạ để cứu Giáo hội

renepoujol.fr, René Poujol, 2021-12-15

Đàng sau những tranh cãi kỳ cục ẩn chứa nỗi sợ thấy thể chế buộc phải thực sự cải cách.

Ngày 5 tháng 11, tại Lộ Đức, trong một tuyên bố long trọng, các giám mục Pháp đã công nhận tính chất “hệ thống” của các vụ tấn công tình dục mà các nạn nhân trong Giáo hội công giáo phải chịu đựng. Một cách thừa nhận, như ủy ban Sauvé đã phân tích từ các lời khai thu thập, rằng các tấn công này không chỉ là hành động cá nhân của những kẻ đi tấn công, mà họ còn được tạo thuận lợi từ bối cảnh thể chế cho phép phát triển, lặp đi lặp lại, che giấu và không bị trừng phạt. Tuy nhiên, tranh cãi về tính chất hệ thống này đã trở thành mũi nhọn của tất cả những lời chỉ trích báo cáo Ciase. Với lý do, một “hệ thống” không thể qua kinh nghiệm mà tự cải cách, điều này sẽ biện minh cho thể chế để mình bị áp đặt các cải cách từ bên ngoài, điều mà đối với Giáo hội, dường như không thể tưởng tượng được. Vì thế nhiều người kiên quyết phản đối 45 khuyến nghị của báo cáo. Đó là để quên đa số người công giáo đã thích hợp và đồng ý áp dụng chúng, “từ bên trong”. Nếu tiến trình thượng hội đồng giữ lời hứa của mình. Điều chưa có được!

Một tính chất hệ thống đã được nhiều người nhận ra

Trong tranh cãi về tính chất “hệ thống” của các vụ tấn công tình dục trong thể chế công giáo, có một cái gì đó thấy đáng thương. Vì nhận định này không xuất phát từ một hệ tư tưởng thiết lập sẵn nhằm phá hủy Giáo hội – kiểu hướng dẫn từ xa của những người tam điểm – như người ta có thể đọc thấy ở đây, ở đó, nhưng là kết quả từ việc điều trần của hàng trăm nạn nhân làm chứng cho những rối loạn tương tự, các thành viên của ủy ban Ciase phân tích: “Sự phủ nhận và nói bóng gió về các vụ lạm dụng, văn hóa giữ bí mật và im lặng, sợ tai tiếng (…), tất cả những đặc tính này của một nền văn hóa nhất định trong Giáo hội công giáo đã làm trì hoãn nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tác hại và việc ban hành các biện pháp thích hợp để ngăn chặn những tội ác này, trừng phạt các thủ phạm và sửa chữa những tác hại đã gây ra.”

Báo La Croix trong một bài báo tháng 5 năm 2021 viết: “Hồng y người Đức Reinhard Marx, tổng giám mục giáo phận Munich đã giải thích trong đơn từ chức gởi giáo hoàng, ngài tố cáo một ‘sự thất bại về thể chế hoặc hệ thống’ của Giáo hội công giáo. Và hai năm trước đó, tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, cũng dùng thuật ngữ này trước các thượng nghị sĩ: “Chúng ta không thể xem đó là điều hoàn toàn bên lề, Đó là vấn đề hệ thống phải được xử lý như bản chất của nó. Và chúng tôi quyết tâm làm.”

Nỗi sợ khi thấy Giáo hội bị ép “từ bên ngoài”

Tuy nhiên, văn bản được soạn thảo theo sáng kiến của tám thành viên của Học viện Công giáo Pháp và gởi đến Đức Phanxicô chính xác xem đặc điểm hệ thống này là: “Làm nền cho các khuyến nghị (của ủy ban Ciase) nhằm hạ thấp thể chế Giáo hội. Việc lựa chọn tính từ này có hậu quả nghiêm trọng: các thành viên của Giáo hội bất lực để tự chữa lấy mình. Nếu lạm dụng mang tính hệ thống, thì không thể tìm thấy các biện pháp khắc phục trong chính Giáo hội, trong sự tuân theo được tìm thấy lại hoặc được làm mới lại với các nguyên tắc của chính mình trong một hoặc các cải cách nội bộ, nhưng trong một hoặc các cải cách được hướng dẫn từ bên ngoài và theo những nguyên tắc không thể nào là những nguyên tắc của Giáo hội, vì Giáo hội là tù nhân của một nạn ấu dâm “có hệ thống”.

Vì vậy, bản chất hệ thống không bị tranh cãi bởi những người ký văn bản trên cơ sở một công trình phê phán là “giải cấu trúc” các lập luận được báo cáo Sauvé phát triển, nhưng liên quan đến những hậu quả có thể có của thể chế. Người ta có thể mong đợi tốt hơn từ “những nhà trí thức lớn công giáo”. Tốt hơn nữa là một số cơ quan Giáo triều la-mã dường như cũng biết mình đã không khó khăn khi tự mình biện hộ cho mình – và đã lầm đường lạc lối. Đến mức cố gắng thuyết phục Đức Phanxicô. Dường như không thành công vì buổi tiếp kiến ngày 13 tháng 12 với giáo hoàng, tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã được củng cố.

Bảy khuyến nghị làm di chuyển các dòng

Trên thực tế, các học giả phê bình chỉ nhắm đến một vài khuyến nghị của ủy ban Ciase mà theo họ dường như thể hiện nhiều sự can thiệp từ bên ngoài và do đó không hợp pháp trong hoạt động của thể chế. Họ viết: “Trong số các khuyến nghị, chúng tôi tìm thấy bảy theo thứ trật giáo điều (trong đó nói chung chỉ có ba được Hội đồng Giám mục tiếp nhận): khuyến nghị số 3, 4, 7, 10, 11, 34 và 43. Chúng liên quan đến giáo hội học, chú giải và giáo lý và thần học luân lý.”

Chúng ta hãy nói rõ, những khuyến nghị này nhằm mục đích: “Xét kỹ lại các phương thức thực thi chức vụ linh mục và giám mục, và diễn từ ủng hộ họ, điều này có thể dẫn đến sai lệch; đánh giá, đối với Giáo hội Pháp, yêu cầu “thử, ad experimentum, […] cho các ông đã lập gia đình được chịu chức; dạy rằng các sách Phúc âm đưa ra gương mẫu của một lời có tính năng động, chứ không phải là quyền lực trên người khác, nhưng có ý muốn làm cho người đó phát triển và trở thành; sàng lọc các tuyên bố của Giáo lý Giáo hội công giáo để cho nạn nhận có được chỗ đứng và cho phẩm giá bất khả xâm phạm của họ; sàng lọc những gì mà các thái quá nghịch lý của đạo đức công giáo về vấn đề tình dục có thể phản tác dụng; sàng lọc thông qua hiến pháp thứ trật của Giáo hội công giáo (…) sự tập trung trong tay của cùng một người các quyền lực thứ trật và cai trị; cuối cùng: dạy rằng việc giữ bí mật tòa giải tội không thể làm mất đi nghĩa vụ báo cáo các trường hợp bạo lực tình dục xảy ra với trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương cho các cơ quan tư pháp và hành chính.”

Và chính ở đây, thêm một lần nữa, các nhà trí thức đã ký vào văn bản này lại ở trong thế chênh vênh nguy hiểm. Vì, thật sai lầm khi cho rằng chỉ vì ủy ban độc lập này tuyên bố họ hoàn toàn tự lập với thể chế đã thành lập họ, nên việc thực hiện một số khuyến nghị của họ đòi hỏi một sự can thiệp “từ bên ngoài” và vì thế là bất hợp pháp. Chỉ cần đọc những khuyến nghị này là chúng ta nhận thấy chúng đã được hỗ trợ, phần lớn và trong một thời gian dài, bởi chính các cộng đồng công giáo. Vì vậy, là tốt “trong nội bộ”.

Mưu sự do ủy ban Ciase, thành sự do Giáo hội

Ngay ngày hôm sau khi báo cáo Ciase công bố, trên diễn đàn báo La Croix, tổng giám mục Pascal Wintzer, giáo phận Poitiers lên tiếng và đã tạo tiếng vang, ngài được cho là giữ khoảng cách với các khuyến nghị của ủy ban Sauvé. Giám mục Wintzer viết: “Bản báo cáo Sauvé phải được nhận trong bản chất của nó và theo những gì ủy ban nói: ủy ban ‘đề xuất’ và đó là cách mà mọi người nên hiểu về nó. Và Giáo hội công giáo tiếp nhận và thực hiện, bằng những phương tiện của chính mình, với cách thực hành theo tinh thần đồng nghị, quyết định theo những gì họ thấy là phù hợp với mình, thì cũng cho thấy trong phương thức của những rối loạn chức năng hệ thống.” Trên thực tế, chưa có gì cho thấy xì-căng-đan ở điểm này!

Tính Đồng nghị, tất nhiên, ngoại trừ….

Mặt khác, chúng ta cũng thấy Vatican News ám chỉ tính đồng nghị này trong bài báo của nhà báo Cyprien Viet về cuộc họp báo của tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp sau khi ngài gặp Đức Phanxicô. Tổng giám mục giải thích: “Đức Phanxicô nhấn mạnh phẩm giá của thái độ và cách chúng tôi tiếp nhận báo cáo Ciase, ngài khuyến khích chúng tôi tiếp tục làm như vậy theo cách đồng nghị.” Về lại Paris sau chuyến đi Rôma, linh mục Hugues de Woillemont, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp trả lời trên đài truyền hình công giáo Pháp KTO rằng, công việc của chín nhóm công tác sẽ thực hiện trong khuôn khổ các Quyết tâm đã được các giám mục Pháp biểu quyết ngày 8 tháng 11 năm 2021, chính xác đó là chiều kích đồng nghị, bản thông cáo báo chí của Hội đồng Giám mục Pháp nêu rõ: “Một thời điểm tiếp nhận toàn thể cho công việc này sẽ bắt đầu thực hiện vào mùa xuân năm 2023 cùng với sự cộng tác của Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp (Corref) và tất cả các cơ quan năng động của Giáo hội Pháp.” Rất tốt! Ngoại trừ phải xem xét kỹ một trong bảy khuyến nghị được các thành viên của Học viện Công giáo đưa ra, vì gây tranh cãi thuộc lĩnh vực thẩm quyền của các nhóm công tác này, khuyến nghị 34 về chức vụ giám mục và cách thực hiện phối hợp với giáo dân.

Làm các khuyến nghị của ủy ban Ciase thành cơn sóng thần thượng hội đồng…

Do đó, không có khuyến nghị nào khác được Hội đồng Giám mục Pháp xem là thuộc phạm vi huấn quyền la mã. Nhưng liệu một cuộc tham vấn thượng hội đồng “tự do” có nên bị cản trở bởi những phân biệt như vậy không? Việc giả vờ hỏi ý kiến Dân Chúa sẽ có ích gì nếu ngay từ đầu là để củng cố các biên giới và lên danh sách những lãnh vực mà chúng ta sẽ không nghe thấy? Nếu không làm mất uy tín của các nhóm làm việc, cho đến giờ này chúng ta cũng chưa biết luật lệ thì kể cũng cũng mạo hiểm khi nói một phần cuộc đối thoại thượng hội đồng sẽ phải được thực hiện ở nơi khác. Nếu, như các cuộc thăm dò đã cho thấy, đa số người công giáo ở Pháp nhận ra mình trong các khuyến nghị của ủy ban Ciase, bao gồm cả những khuyến nghị gây tranh cãi của tám nhà trí thức Học viện đưa ra, thì họ hoàn toàn hợp pháp đưa ra công khai như phần đóng góp cho cuộc tham vấn mà họ được mời. Cá nhân tôi đã làm gì để giúp “ủy ban thượng hội đồng” của giáo phận tôi!

Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng càng nhiều tín hữu càng tốt xem lại 45 khuyến nghị này. Và chúng ta sẽ thấy, khi đến thời điểm, những đề nghị này sẽ xuất hiện trong các bản tổng kết của giáo phận và sau đó là phần đóng góp của quốc gia. Thượng hội đồng Giám mục vào mùa thu năm 2023 sẽ tranh luận về vấn đề này và giáo hoàng sẽ quyết định. Nhưng nếu ở mỗi giai đoạn của quy trình thượng hội đồng, thẩm quyền thứ bậc tuyên bố có quyền xóa “những câu hỏi tức giận” với lý do họ không đạt được sự đồng thuận hoặc không thuộc kỹ năng của họ, thì chúng ta sẽ không có gì ngạc nhiên khi giáo dân quay ra bên ngoài để tìm kiếm sự hỗ trợ họ có thể có ở đó, điểm này điểm kia, những gì mà họ không thể có trong nội bộ, và đó là điểm các nhà trí thức Học viện nghi ngại và công khai mong muốn điều này nơi một số người không tin vào khả năng cải cách của thể chế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Jean-Marc Sauvé: “Đường lối của Ủy ban Ciase là chặt chẽ, phẩm cách và khách quan”