Và bây giờ làm gì với các giáo sĩ cao cấp đã che đậy các vụ lạm dụng?

76

Và bây giờ làm gì với các giáo sĩ cao cấp đã che đậy các vụ lạm dụng?

 

Mang lại công lý và cổ động cho một tinh thần lãnh đạo có trách nhiệm

international.la-croix.com, Miles Pattenden, 2022-01-29

Nhiều người công giáo đã đau lòng khi đọc tin giáo hội Đức trong tuần vừa qua. Văn phòng luật sư Westpfahl Spilker Wastl đã công bố báo cáo cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục lịch sử ở tổng giáo phận Munich.

Dài hơn 1.000 trang, báo cáo gây sốc: có ít nhất 497 nạn nhân trong giai đoạn 1945-2019 và nhận diện ra 235 người phạm tội, trong đó có 173 linh mục và 9 phó tế.

Dĩ nhiên sự chú ý tập trung vào các sự kiện diễn ra trong nhiệm kỳ giám mục của Đức Joseph Ratzinger từ năm 1977 đến năm 1982.

Việc Đức Ratzinger xử lý các cáo buộc lạm dụng trong thời gian điều hành tổng giáo phận và vai trò của ngài trong quyết định cho linh mục phạm tội được nhập giáo phận là những vấn đề quan trọng cần được xem xét  kỹ lưỡng.

Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI phủ nhận ngài có mặt trong cuộc họp quan trọng vào ngày 15 tháng 1 năm 1980, nhưng các biên bản nói ngược lại.

Vì thế các luật sư không công nhận lời khai của ngài đáng tin cậy. Và hồng y Reinhard Marx, người kế nhiệm của ngài ở giáo phận Munich cũng bị chỉ trích trong báo cáo, ngài nói ngài “bị sốc và xấu hổ” về những chuyện đã xảy ra.

Đức Bênêđíctô XVI bị cáo buộc đã lừa dối Giáo hội khi năm 2013 ngài viết: “Như anh chị em biết, tôi chỉ có thể thừa nhận điều này với sự sửng sốt rụng rời. Nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng che đậy những điều này.”

Bây giờ ngài nhận đã sai lầm trong lời khai và đổ lỗi những mâu thuẫn trong những chuyện này là do ”lỗi lúc biên tập”.

Nhắc lại, đây chỉ là một cuộc điều tra “tìm sự thật” của một văn phòng luật sư, một văn phòng không có thẩm quyền làm cho những phát hiện của mình có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, các quy trình pháp lý tiếp theo có thể sẽ dựa trên những gì các luật sư đã kết luận.

Và nhiều người sẽ cảm thấy tức giận dữ dội trước trước chứng cứ về hành vi bị tổn hại về mặt đạo đức của các nhà chức trách giáo hội.

Dù có bác ái cách nào khi xem xét các hành động của các bên trong trường hợp này cũng cho thấy rằng họ đã cố tình mù quáng. Đức Giáo hoàng danh dự thấy sự chính trực của ngài bị suy giảm nghiêm trọng: việc kê khai những điều không chính xác cho các luật sư của ngài sẽ không được rửa sạch.

Đức Bênêđíctô XVI đã thiếu cẩn trọng khi đổ lỗi các vụ lạm dụng tình dục là do cách mạng tình dục của những năm 1960 và cũng được ghi nhận như lời cảnh báo về tệ nạn của chủ nghĩa đạo đức tương đối.

Đồng nghiệp đáng kính David Kirchhoffer của tôi ở Đại học Công giáo Úc ACU, người nghiên cứu thần học của Đức Bênêđíctô XVI đã có những lập luận tinh tế chứng minh rằng ngài không thực sự có ý định những lời của mình gây tiếng vang trong những thuật ngữ hoàn toàn chuyên chế mà đôi khi người khác nghe thấy ở đây.

Nhưng những lời nói của ngài hiện tại không có một thuận lợi nào cho ngài, dù các người ủng hộ ngài tranh nhau bảo vệ ngài. Có vẻ như có thể có một vài lời giải oan cho cách đối xử của ngài có thể có: ngài bận rộn, ngài đã quá lớn tuổi, rất ít giám mục vào thời điểm đó hiểu được tầm quan trọng của sự đồng lõa của chính họ trong các vụ che đậy thể chế.

“Tha thứ không phải là quên. Nhưng không tha thứ cũng không phải là một giải pháp.”

Đức Bênêđíctô XVI đã không may mắn khi bị nhắm đến lúc đã ở tuổi già sức yếu.

Những người trong Giáo hội sẽ lên án ngài nên tự hỏi, liệu họ có chắc những cuộc điều tra tương tự, sẽ không tiết lộ những sai sót tương đương trong cách giám sát hoặc phán xét liên quan đến các cấp lãnh đạo của mỗi giáo phận, vào một thời điểm nào đó trong năm thập kỷ qua không?

Dù vậy, những lập luận như vậy có nguy cơ bị xem là đạo đức giả khi họ tham dự vào để ủng hộ cho một người đã rất kiên định về sự sai lầm của việc tương đối hóa đạo đức. Và, theo một cách nào đó, vấn đề cũng đã vượt ra ngoài những câu hỏi như Đức Bênêđíctô XVI đáng trách ở mức độ nào hay về một điều gì.

Điều cấp thiết bây giờ chắc chắn là hành động: không phải làm gì nhưng làm sao để đối diện?

Có thể có một xu hướng phạt cho người có tội nhưng cách hành động như vậy sẽ đạt được điều gì ở đây? Đức Bênêđíctô XVI đã 94 tuổi.

Hồng y Reinhard Marx mới 69 tuổi nhưng đã xin từ chức ở hội đồng quản trị và từ bỏ Huân chương Thập tự Liên bang (một trong những danh hiệu cao quý nhất của Đức) để xoa dịu các chống đối của những người sống sót sau vụ lạm dụng, ngài đã phải trả một giá nào đo.

Chúng ta có muốn bắt ngài như John Profumo, cống hiến phần đời còn lại của mình để làm những việc tốt không? Ngài đã không làm điều tốt trong cương vị hồng y sao? Chúng ta nhất quyết đòi ngài phải rút khỏi đời sống công cộng để lui về sống trong cô độc và tối tăm sao?

Việc đòi hỏi giám sát chặt chẽ hơn của những người có trách nhiệm trong Giáo hội và trách nhiệm của họ đáng được thuyết phục.

Các quy tắc và quy định chặt chẽ hơn hiện đã được áp dụng trên hầu hết các nước phương Tây. Tại Úc, Ủy ban Hoàng gia Ứng phó của Thể chế đối với Lạm dụng Tình dục Trẻ em đã ban hành báo cáo cuối cùng và các khuyến nghị, các bên khác nhau đã nỗ lực nghiêm túc để thực hiện.

Thêm nữa, sự đối xử bất công khét tiếng với hồng y Pell ở Victoria cũng nhắc chúng ta, quyền hạn của các cơ quan nhà nước không phải là thuốc chữa bách bệnh. Các chính phủ thế tục cũng không phải là không sai lầm trong cương vị công lý hơn ai khác.

Thực tế phũ phàng là đôi khi không có hành động nào đủ, từ phía những người có liên quan để có thể chuộc lỗi hoàn toàn, cũng như không có các bước cụ thể hơn nữa, mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể thực hiện để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.

Nhưng thực tế cũng là những người đã phạm tội, cũng như những người chống người phạm tội, phải tiếp tục: chúng ta không thể dừng cuộc sống của mình và chúng ta không thể quay đầu lại.

Chúng ta có thể – thực sự là chúng ta phải – thừa nhận sự tức giận, nỗi buồn, sự phản bội. Và chúng ta phải tiếp tục theo đuổi tất cả các con đường dẫn đến việc nói sự thật, mang lại công lý và thúc đẩy việc lãnh đạo có trách nhiệm.

Bản báo cáo Westpfahl Spilker Wastl và các báo cáo khác ghi lại những gì đã xảy ra và hậu quả tàn khốc của những thất bại về thể chế hoặc cá nhân, có thể là những dấu mốc quan trọng trong hành trình này.

Nhưng chúng ta cũng phải tìm kiếm lòng thương xót và sự tha thứ, vốn là những nguồn lực tốt nhất để chúng ta chống lại sự khiếp sợ tê cóng.

Tha thứ không phải là quên. Nhưng không tha thứ cũng không phải là một giải pháp. Là sinh viên về lịch sử châu Âu, tôi biết các giám mục công giáo không phải lúc nào cũng nêu gương tốt nhất về những vấn đề như vậy. Đôi khi đàn chiên của họ phải hướng dẫn họ.

Tiến sĩ Miles Pattenden là Nghiên cứu viên cao cấp về Nghiên cứu thời Trung cổ và thời cận Hiện đại tại Đại học Công giáo Úc. Các quyển sách của ông xuất bản gồm Bầu chọn Giáo hoàng ở Ý thời cận hiện đại, 1450-1700 (Electing the Pope in Early Modern Italy, Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2017), Ông là đồng biên tập của Tạp chí Lịch sử Tôn giáo (2022-).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:  Linh mục Hans Zollner về báo cáo lạm dụng ở Đức, Đức Bênêđíctô XVI và tương lai Giáo hội