Nói thẳng về Đức Phanxicô

216

Nói thẳng về Đức Phanxicô

 international.la-croix.com, Robert Mickens, 2021-11-20

Hai nhà báo mừng sinh nhật của họ trong khi đưa tin về chuyến tông du của giáo hoàng, trên máy bay từ Rabat về Rôma ngày 31 tháng 3 năm 2019, sau chuyến thăm hai ngày của ngài tại Ma-rốc. (Ảnh của ALBERTO PIZZOLI / POOL / EPA / Newscom / MaxPPP)

Ai có thể nghĩ vào đầu thế kỷ 21 rằng, chỉ vài chục năm sau, giáo hoàng sẽ là nhà lãnh đạo đi trước thời và tiến bộ nhất trái đất không?

Dù thực tế Giáo hội công giáo “đi sau thời đại 200 năm” như cồ hồng y Dòng Tên Carlo Maria Martini đã nói trước khi ngài qua đời năm 2012, người đồng hữu Phanxicô của hồng y Martini đã là một trong những người ủng hộ một số chính nghĩa tiến bộ nhất thế giới.

Các chính nghĩa này là biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, chăm sóc sức khỏe miễn phí, mức lương cơ bản phổ quát, cải cách triệt để chủ nghĩa tư bản, mang khẩu trang để ngăn chặn đại dịch hiện nay, danh sách này còn rất dài.

Ồ, ngài cũng kiên quyết phản đối việc phá thai, trợ tử, án tử hình, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, hôn nhân đồng tính, cái gọi là “lý thuyết giới tính”, cái ngài đặt tên là “thực dân hóa ý thức hệ” và còn cả phong chức cho phụ nữ… còn nhiều nữa.

Một hình ảnh chống-thể chế

Nhưng các phương tiện truyền thông thế tục đại chúng – và một vài nhà báo công giáo tiến bộ – không quan tâm nhiều đến quan điểm bảo thủ của giáo hoàng.

Có thể một phần là do giáo hoàng sẽ 85 tuổi vào tháng 12 không hành động như người bảo thủ điển hình, chỉ tăng thêm hàng ngũ người bảo thủ trong hàng phẩm trật Giáo hội công giáo.

Ngài là một người ngoài la mã được xem như một hình ảnh chống-thể chế.

Người đứng đầu cao nhất Giáo hội cũng tự cho mình như người chống giáo quyền, người tỏ ra tiến bộ hơn và ít sợ thay đổi hơn so với nhiều đồng hữu của mình.

Ngài cởi mở hơn rất nhiều người trong số họ, nhất là với đa số các linh mục đủ trẻ để là cháu nội-ngoại của ngài!

Phanxicô không phải là Bênêđictô

Chung chung các phương tiện truyền thông lớn ủng hộ những gì họ cho là tiến bộ trong chương trình của ngài. Và có lẽ đó là một trong những lý do vì sao họ đưa tin thuận lợi cho ngài như vậy, chắc chắn nhiều hơn những gì họ đã làm với Đức Bênêđictô XVI khi ngài còn là giáo hoàng.

Giọng điệu và cách giao tiếp của giáo hoàng Argentina rõ ràng khác với người tiền nhiệm Bavaria bảo thủ của ngài. Đó là sự khác biệt giữa đêm và ngày.

Mỗi lần Đức Phanxicô đưa ra một nhận xét gì đáng nghi ngờ hay làm điều gì đáng ngờ, giới truyền thông thường dung túng hoặc thậm chí bỏ qua. Đức Bênêđictô XVI sẽ không bao giờ được bỏ qua dù một phần nhỏ so với những gì mà nhiều phóng viên đã bỏ qua cho Đức Phanxicô.

Nhưng việc đưa tin thuận lợi và đôi khi không phê phán với giáo hoàng hiện nay cũng liên quan đến thực tế, Đức Phanxicô đã có một số nhà phê bình cực kỳ gan lỳ và am hiểu phương tiện truyền thông (không phải là không đúng khi gọi nhiều người trong số họ là đối thủ hoặc thậm chí là kẻ thù) trong chính Giáo hội của ngài.

Và các nhà báo quần chúng sẽ không muốn chêm thêm dầu vào lửa nội bộ cho những người công giáo bảo thủ “chống Đức Phanxicô” châm ngòi. Ai mà làm? Vì vậy, họ có xu hướng kiềm chế những lời chỉ trích của chính mình.

Hồng y chống-truyền thông trở thành giáo hoàng ủng hộ-truyền thông

Có một lý do khác, có lẽ là mạnh nhất và hợp lý nhất, giải thích cho chuyện tình của giới truyền thông thế tục với Đức Phanxicô.

Đó là trên thực tế, ngài là hồng y không bao giờ thích hoặc tin tưởng các nhà báo lại trở thành giáo hoàng tin tưởng họ.

Đức Gioan-Phaolô II cực kỳ thành công trong việc nói chuyện với các nhà báo, nhất là trong mười năm đầu triều giáo hoàng của ngài. Nhưng Đức Phanxicô còn khéo léo hơn trong việc bắt cầu với các nhà báo.

Đức Gioan-Phaolô II (và cả Đức Bênêđictô XVI, dù được quản lý cẩn thận hơn) luôn tổ chức các cuộc họp báo trên máy bay với các phóng viên đã đi cùng ngài trong 104 chuyến tông du ra nước ngoài.

Nhưng thường các cuộc họp báo này được tổ chức khi đã về Rôma. Hiếm khi các ‘kinh sư’ này có dịp  chào riêng Đức Gioan-Phaolô II trên máy bay.

 “Những người bạn đồng hành”

Nhưng bây giờ họ nhìn thấy Đức Phanxicô rất gần và rất riêng tư trên cả chuyến đi lẫn chuyến về.

Ra khỏi ghế ngồi, giáo hoàng Dòng Tên đến khoang báo chí, dừng lại từng hàng một để chào hỏi và trò chuyện riêng với từng nhà báo, ký các kỷ niệm, nhận quà và chụp selfie. Rồi, trên chuyến về, ngài có cuộc họp báo không e dè với họ.

Đây là chiến lược khôn ngoan. Nhóm các nhà báo thế tục cốt lõi (và nước ngoài) có trụ sở tại Vatican chuyên đưa tin về ngài và Vatican có đặc ân độc nhất vô nhị là làm “bạn” với giáo hoàng.

Trong một buổi họp gần đây với các nhà báo ở phòng Công nghị của Dinh Tông Tòa, ngài tuyên bố: “Chúng tôi là những người bạn đồng hành.”

Đó là ngày Đức Phanxicô trao huân chương Hiệp sĩ Đại Thánh giá dòng Piô IX cho hai đồng nghiệp cao niên của chúng tôi – cả hai đưa tin Vatican trong giới báo chí thế tục trong hơn 40 năm, một tước hiệu hiệp sĩ giáo hoàng.

Có điều gì không thích ở giáo hoàng này?

Giáo hoàng này – không giống giáo hoàng nào trước ngài – ngài thường xuyên trả lời phỏng vấn cho các nhật báo, các chương trình truyền hình thế tục. Ngài cũng trả lời cho một báo thể thao Ý!

Rõ ràng ngài muốn chọn các phương tiện truyền thông thế tục hơn là cơ quan truyền thông Vatican hoặc các mạng lưới truyền thông chính thức khác của Giáo hội.

Có lẽ nên xem đây là một ví dụ khác về việc ngài di chuyển Giáo hội – hay ít nhất chức giáo hoàng – ra ngoài Đền thánh và vượt ra ngoài giới hạn nghiêm ngặt của hàng giáo sĩ.

Có một lý do cực kỳ thuyết phục khác làm cho các nhà báo thế tục rất tử tế với Đức Phanxicô – họ thực sự thích ngài như một con người và ủng hộ chương trình nghị sự toàn cầu của ngài.

Vì tất cả lý do này, ít có khả năng họ thách thức ngài khi ngài nói hoặc làm những điều họ thường chỉ trích ở các nhà lãnh đạo khác và ở các giáo hoàng khác.

Những nhận xét lạc điệu

Không thiếu những lúc Đức Phanxicô vướng chân vào đây, chúng ta có thể nói như vậy. Theo một nghĩa nào đó, điều này cũng tốt vì không ai có thể mong chờ giáo hoàng là người hoàn hảo hoặc giáo hoàng không bao giờ mắc sai lầm.

Và các lỗi lầm đôi khi cũng nên bỏ qua, đặc biệt là khi chúng ở trong bối cảnh và ý nghĩa lớn rộng hơn. Nhưng đôi khi, cả giáo hoàng cũng bị chất vấn khi ngài đưa ra những nhận xét thiếu nhạy cảm, sai lầm hoặc lạc điệu

Một trong những trường hợp gần đây nhất là trong chuyến đi Assisi ngày 12 tháng 11 trong một sự kiện liên hệ đến “Ngày thế giới Người nghèo”.

Trong một buổi họp tại Assisi, thành phố quê hương Thánh Phanxicô, Đức Phanxicô đã đi ra khỏi bài diễn văn soạn sẵn và có những lời ca ngợi hồng y người Pháp Philippe Barbari: “Tôi muốn cám ơn sự hiện diện của hồng y: ngài là người nghèo giữa các người nghèo, ngài cũng đã sống kinh nghiệm khó nghèo, bị bỏ rơi, bị mất uy tín”.

Hồng y và đội ngũ luật sư của ngài

Hồng y Barbarin, tổng giám mục bảo thủ giáo phận Lyon từ năm 2002 đến năm 2020, năm ngài buộc phải từ nhiệm 6 năm trước năm hưu bình thường của các giám mục ở tuổi 75.

Năm 2019, ngài bị kết án vì đã không tố cáo với chính quyền dân sự một trong những linh mục ấu dâm khét tiếng của nước Pháp và đã hoàn toàn mất uy tín trước giáo dân và hàng giáo sĩ giáo sĩ của ngài.

Đức Phanxicô nói tiếp: “Hồng y đã bảo vệ mình trong im lặng và cầu nguyện.” Thực tế hồng y đã tự bào chữa với một đội ngũ luật sư hàng đầu, những người giúp ngài lật ngược bản án.

Sau đó, Đức Phanxicô công khai cám ơn hồng y  Barbarin một lần nữa, lần này là “chứng từ xây dựng Giáo hội của hồng y”.

Khá đúng, hồng y hiện đang làm việc với một hiệp hội Pháp hỗ trợ người nghèo, là hiệp hội giúp tổ chức sự kiện ở Assisi. Nhưng sau khi báo cáo lạm dụng kinh hoàng được công bố gần đây ở Pháp, lời của giáo hoàng dường như thiếu tế nhị đối với các nạn nhân bị lạm dụng.

Hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống đều phớt lờ hoặc giảm thiểu các bình luận của họ

Cùng một dạ

Một việc đáng bàn cãi khác gần như không được nói đến, liên quan đến hồng y Angelo Bagnasco, tổng giám mục đã nghỉ hưu của giáo phận Genoa và là cựu chủ tịch Hội đồng giám mục Ý.

Tháng 3 năm 2019, chỉ một tháng sau khi giáo hoàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Vatican về nạn ấu dâm với các chủ tịch Hội đồng Giám mục trên thế giới, hồng y đã viết thư cho Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) để cố gắng ngăn chặn một phiên tòa giáo luật (dưới quyền tài phán của ngài) vụ một linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong tòa giải tội.

Hồng y Bagnasco đề nghị lặng lẽ chuyển linh mục này đi mà không thông báo công khai cho giáo dân trong giáo xứ hoặc cho bất cứ ai khác. Bộ Giáo lý Đức tin ngay lập tức rút ngài ra khỏi vụ này và gởi vụ này cho một tòa án do một giám mục khác giám sát.

Vậy, làm thế nào mà Đức Phanxicô lại cho phép chính hồng y Bagnasco này đi điều tra tội che đậy lạm dụng chống lại một hồng y khác?

Trên thực tế, đó chính xác là những gì đã xảy ra. Tháng 6 vừa qua, hồng y Bagnasco đi Krakow 10 ngày để điều tra các việc làm của hồng y Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng của Đức Gioan-Phaolô II trong nhiều năm.

Hồng y Bagnasco kết luận không có cơ sở cho những cáo buộc chống lại hồng y Dziwisz. Các phương tiện truyền thông chính thống thậm chí còn không bao giờ đặt câu hỏi về tính đúng đắn trong việc giao cuộc điều tra cho một người mà trước đó đã cố gắng che đậy một vụ lạm dụng.

Đằng sau khẩu trang

Đức Phanxicô cũng có những điều đáng nghi vấn khác mà giới truyền thông miễn cưỡng đưa tin.

Mọi người còn nhớ việc ngài từ chối mang khẩu trang hoặc không tôn trọng giãn cách dù đó là luật của Thành phố Vatican và trước khi có vắc xin không?

Hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng – vốn thực sự có tiếng nói lớn trong việc thúc đẩy các biện pháp chống Covid – ban đầu chỉ phớt lờ những hành động thiếu trách nhiệm của ngài, cho đến khi họ quá bối rối vì đã để lâu không lên tiếng.

Như thuê người giết mướn

Các nhà báo thế tục – một lần nữa, cũng như nhiều nhà báo công giáo tiến bộ – có xu hướng gạt bỏ hoặc phớt lờ những lời lẽ gay gắt Đức Phanxicô thường dùng khi nói về phá thai.

Nhiều lần Đức Phanxicô nói phá thai là “thuê người giết mướn để giải quyết một vấn đề” hoặc “thuê sát thủ”.

Tháng 9 vừa qua, trên chuyến bay từ Budapest và Slovakia về, ngài lặp lại với các nhà báo: “Phá thai không còn là một vấn đề, đó là giết người.”

Sẽ lùm xùm nếu Đức Bênêđictô XVI lặp đi lặp lại với một ngôn ngữ nghiệt ngã như vậy, đặc biệt với những người tự cho mình là người tiến bộ trong Giáo hội.

Còn hồng y Timothy Dolan của giáo phận New York thì sao? Chắc chắn ngài bị phản xung dữ dội vào tháng 9 khi ngài so sánh một phụ nữ phá thai với chủ nhà đuổi người thuê nhà ra khỏi nhà mình.

Chúng ta chỉ là những con người

Ngôn ngữ thiếu nhạy cảm như vậy có thể bị xem là tai tiếng và không chấp nhận được khi các giám mục bảo thủ hoặc theo chủ nghĩa truyền thống dùng, nhưng có vẻ như nhiều người công giáo tiến bộ sẽ vào cùng nhóm với các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ nhìn trời và nhún vai khi Đức Phanxicô làm như vậy.

Có một cái gì đó hoàn toàn không đúng hoặc không trung thực về điều này.

Các giáo hoàng, kể cả giáo hoàng đương nhiệm cũng chỉ là con người. Cũng như tất cả chúng ta, đôi khi họ cũng mắc lỗi hoặc nói những điều theo cách mà họ không nên nói.

Và đôi khi các giáo hoàng cũng có thể mắc phải những sai lầm khủng khiếp.

Việc thừa nhận hoặc thậm chí đưa ra điều này không phải là phản bội hoặc có ý xấu. Nhưng rốt cuộc thì ngay cả các giáo hoàng cũng phải chịu trách nhiệm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch