Giám mục Leborgne: “Chúng tôi không thể đi lui được nữa”
vaticannews.va, Manuella Affejee , Vatican, 2021-11-08
Phỏng vấn giám mục Olivier Leborgne, giáo phận Arras, phó chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp, ngài trả lời về các biện pháp cụ thể được Hội đồng giám mục công bố vào cuối họp toàn thể ở Lộ Đức sau báo cáo Ciase về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp.
Nhiều người ca ngợi một cuộc họp khoáng đại “mang tính bước ngoặt”, một cột mốc quan trọng đã được thông qua, một bước nhảy vọt khổng lồ. Đây có phải là cảm nhận của cá nhân cha không?
Giám mục Olivier Leborgne: Tôi cũng cảm nhận như vậy cho các nạn nhân và quyết tâm của các giám mục Pháp, để đón nhận tầm quan trọng của thảm kịch được báo cáo Sauvé đưa ra. Vì vậy, đúng, tôi tin đã có một bước tiến lớn trong việc nhận ra trách nhiệm và cam kết của chúng tôi cho công lý được phục hồi.
Tôi cũng cảm nhận được điều này trong chất lượng công việc của cuộc họp, suốt tuần nay, tính đồng đội được sống trong tình huynh đệ chân chính và đích thực, đưa đến sự hiệp thông thực sự khi đi đến quyết định. Điều này rất quan trọng.
Các giám mục đã loan báo vừa các biện pháp cụ thể vừa các biện pháp toàn diện. Nhất là các cha xin giáo hoàng gởi các người đến Pháp. Đâu là nhiệm vụ chính xác của họ?
Trên thực tế, chính giáo hoàng đã giao phó sứ mệnh này cho chúng tôi, chính từ ngài mà chúng tôi nhận sứ mệnh này. Vì vậy, chúng tôi xin ngài cử người đến thăm để đánh giá cách chúng tôi xử lý các trường hợp lạm dụng và có thể yêu cầu chúng tôi hành động nếu chúng tôi làm sai.
Các cha sẽ sẵn sàng làm gì?
Chúng tôi đã thấy điều này ở một số quốc gia: trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã được chứng minh, các giám mục đã rời chức vụ của họ. Chúng tôi sẵn sàng cho những gì giáo hoàng sẽ nói với chúng tôi.
Cha đã xin giáo hoàng; cha thông báo về việc thành lập một cơ quan quốc gia độc lập chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Như thế các cha đang nhìn ra bên ngoài: vì muốn có một minh bạch tuyệt đối?
Mong muốn về minh bạch không hẳn là quá nhiều so với mong muốn về một công lý thực sự và một hòa giải thực sự. Và không phải người trong cuộc có thể xử lý được công việc. Do đó, chúng tôi xin bà Marie Derain de Vaucresson, người từng là giám đốc điều hành cấp cao của Bộ Tư pháp và là người bảo vệ quyền trẻ em, lãnh đạo cơ quan này. Bởi vì điều quan trọng với chúng tôi là chúng tôi phải dựa vào một kỹ năng mà chúng tôi không có và một kỹ năng độc lập.
Các cha đồng ý bồi thường cho nạn nhân bị lạm dụng; Ủy ban Ciase xác định có hơn 300.000 nạn nhân và chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa. Liệu các giáo phận có thể đối phó với làn sóng yêu cầu, dù một số giáo phận đã gặp các vấn đề tài chánh?
Có những giáo phận đang gặp khó khăn, đúng, nhưng cũng có những giáo phận có dự trữ an toàn rất nhiều. Giữa giám mục chúng tôi, chúng tôi quyết định mỗi giáo phận sẽ điều hành công việc của mình, nhưng chúng tôi sẽ cùng đoàn kết mang gánh nặng của nhau.
Giữa việc công bố báo cáo Ciase và cuộc họp khoáng đại, nhiều tiếng nói đã được đưa ra để yêu cầu cải cách sâu đậm trong việc điều hành Giáo hội. Ở đây một lần nữa, một số biện pháp đã được công bố. Cha nghĩ biện pháp nào là quan trọng nhất?
Nhiều vấn đề liên quan đến quản trị và đặc biệt là phương pháp. Ví dụ, chúng tôi có chín nhóm làm việc và chúng tôi quyết định sẽ giao cho giáo dân, chính họ sẽ tạo thành nhóm của họ. Chúng tôi hy vọng có thể phối hợp với các nạn nhân, và đây là cách làm việc mới. Đối với những người chưa quen biết, điều này có thể không có ý nghĩa lắm, nhưng trong tất cả các ủy ban mà ngày xưa chỉ có các giám mục, thì từ nay sẽ có thành viên là Dân Chúa.
Chúng tôi có một kinh nghiệm rất tích cực của 36 giờ làm việc với 120 khách! Một số người trong số họ nói “các giám mục tiếp chúng ta sao?”, những người khác tức giận. Nhưng trong 36 giờ, chúng tôi đã là anh chị em cùng nhau tìm kiếm ý Chúa và tìm cách giải quyết một vấn đề nghiêm trọng như vậy. Sau buổi họp, tất cả chúng tôi được củng cố trong ý muốn cùng làm việc theo tinh thần đồng nghị như giáo hoàng đã mời gọi chúng ta làm.
Các nạn nhân và giáo dân đang chờ đợi cha về hiệu quả của các biện pháp này. Cha có ấn định một thời hạn nhất định nào không?
Cơ quan công nhận và chỉnh sửa quốc gia hiện đang hoạt động. Sẽ mất một khoảng thời gian để họ xây dựng một nhóm, nhưng họ đã thành lập.
Tòa án hình sự giáo luật sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 4 năm 2022.
Về phần chúng tôi, khi kết thúc cuộc họp toàn thể này, chúng tôi sẽ kêu gọi chín giáo dân để đứng đầu các ủy ban; chúng tôi sẽ làm việc với họ tháng 3, tháng 6, tháng 11 – cứ ba tháng một lần, cho đến mùa xuân năm 2023, khi đó chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp lớn để đánh giá những việc đã làm được và những gì còn phải làm.
Đằng sau những lá phiếu nhất trí, nhận thức này đã ăn sâu chưa? Cha đã sẵn sàng đi đến cùng quy trình của cha chưa?
Cá nhân tôi, tôi không ngần ngại. Có một lúc tất cả như đảo ngược. Đã có lúc tôi muốn nghe các nạn nhân, nhưng trong vô thức, tôi nhận ra tôi sợ bị mất. Vì thế tôi lắng nghe, nhưng tôi tự nhủ: “Mình sẽ mất cái gì?” Và như thế là không công bằng. Đột nhiên, khi nghe các nạn nhân, tôi tự nhủ: “Không, tôi muốn đến với các nạn nhân, với các nhu cầu của họ, với tiếng khóc của họ” và chúng tôi không còn sợ về những gì chúng tôi sẽ mất hoặc về những gì chúng tôi có nguy cơ. Tôi tin rằng có một điều gì đó mang tinh thần phúc âm rất sâu đậm ở đây.
Tôi cảm nhận chúng tôi tất cả sẽ đi đến cùng. Một số có thể đã nói với chúng tôi: “Các phương tiện truyền thông không thúc đẩy quý vị sao?” Tất nhiên các phương tiện truyền thông đã đóng vai trò của họ. Nhưng chúng tôi xác tín sâu sắc rằng chính Chúa gọi chúng tôi hôm nay, Đấng đã đẩy chúng tôi đi trên con đường này và chúng tôi không thể quay đầu lại được nữa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nước mắt của đá, Giáo hội của xương thịt
Quyết tâm được các giám mục Pháp biểu quyết ở cuộc Họp khoáng đại ngày 8 tháng 11-2021