Ông Biden: Giáo hoàng nói ông nên rước lễ dù có sự chia rẽ của các giám mục Hoa Kỳ về quyền phá thai
Ngày thứ sáu 29 tháng 10, Đức Phanxicô tiếp tổng thống Biden tại Rôma.
nytimes.com, Katie Rogers và Jason Horowitz, 2021-10-29
Rôma. Ngày thứ sáu 29 tháng 10, Tổng thống Biden nói với các phóng viên, Đức Phanxicô nói ông là “người công giáo tốt” và nói ông nên tiếp tục rước lễ, một diễn biến bất ngờ dường như đặt ngón tay của ngài lên bàn cân trong một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Mỹ, liệu các chính trị gia công giáo và tổng thống ủng hộ quyền phá thai có nên bị từ chối rước lễ hay không.
Khi trả lời các ký giả hỏi liệu Đức Phanxicô có nói với ông trong buổi tiếp kiến riêng kéo dài 75 phút tại Vatican liệu ông có nên tiếp tục rước lễ hay không, ông Biden trả lời: “Có”.
Khi được yêu cầu xác nhận lời phát biểu này của ông Biden, ông Matteo Bruni, phát ngôn viên của Vatican cho biết Tòa Thánh giới hạn bình luận về các chủ đề được thảo luận trong cuộc họp và nói thêm, “đó là buổi nói chuyện riêng tư.”
Với các cuộc họp thượng đỉnh của các cường quốc kinh tế trên thế giới hứa hẹn ít có điều gì cụ thể đem về, sự khuyến khích rõ ràng của giáo hoàng để ông Biden tiếp tục rước lễ là một trong những thành tựu rõ ràng nhất mà tổng thống mang về nhà.
Ông Alberto Melloni, nhà sử học của Giáo hội ở Rôma cho biết: “Một lựa chọn rất mạnh mẽ, giáo hoàng muốn mọi người biết và ngài muốn các giám mục Mỹ không đi theo con đường này để từ chối không cho các chính trị gia công giáo rước lễ.”
Nhưng giám mục bảo thủ Mỹ, Michael F. Olson của giáo phận Fort Worth, Texas, đặt câu hỏi liệu lời nói của ông Biden trong cuộc tiếp kiến có chính xác hay không. Giám mục nói: “Tổng thống kể các sự kiện theo cách của ông, những sự kiện nhằm phục vụ cho chương trình nghị sự đảng của ông và có vẻ hơi tôn mình lên.”
Vatican – không cho phép các phóng viên đến gần cuộc tiếp kiến, lấy lý do lo ngại về virus coronavirus – đã phát hành đoạn phim được chỉnh sửa nhiều và sau đó trong một tuyên bố cho biết, trong phần riêng của cuộc gặp, Đức Phanxicô và ông Biden đã tập trung “vào cam kết chung trong việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh, tình hình chăm sóc sức khỏe và cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, cũng như chủ đề về người tị nạn và hỗ trợ người di cư.” Vatican cũng nói thêm hai bên cũng đã nói về nhân quyền và tự do tôn giáo.
Trước cuộc gặp của ông Biden với Đức Phanxicô, một số giám mục Mỹ trong nỗ lực nhằm từ chối không cho tổng thống rước lễ đã tăng cường chiến dịch tạo áp lực để giáo hoàng đứng về phía họ.
Giám mục bảo thủ Thomas Tobin của Providence, R.I., viết trên Twitter: “Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã mạnh dạn tuyên bố phá thai là‘giết người ’. Xin ngài thách thức tổng thống Biden về vấn đề quan trọng này. Sự ủng hộ phá thai dai dẳng của ông là một điều xấu hổ cho Giáo hội và là điều tai tiếng cho thế giới.”
Giáo hoàng có thể không có khuynh hướng chấp nhận đề nghị của giám mục Tobin, người thường được Vatican xem là thù địch với chương trình nghị sự của Đức Phanxicô.
Giám mục Olson, thành viên của Ủy ban Giáo điều của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết, các phản hồi của tổng thống tạo thêm bất đồng quan điểm công khai cho Giáo hội về việc phá thai, điều mà giám mục cho rằng sẽ tạo sự mơ hồ đạo đức cho những người công giáo khác.
Giám mục Olson nói: “Giờ đây, tổng thống không còn đơn thuần rước lễ theo nghĩa mơ hồ này nữa, ông đang nói giáo hoàng ủng hộ cho sự mơ hồ này. chính bản thân điều đó đã là một vụ bê bối.”
Một số giám mục hy vọng Đức Phanxicô có thể khiển trách ông Biden cũng đã từng dành nhiều năm để cố gắng hạ thẩm quyền của giáo hoàng.
Hồng y Raymond Burke, người mà nhiều đồng minh của Đức Phanxicô xem là nhà lãnh đạo trên thực tế của phe đối lập giáo hoàng ở Vatican và Hoa Kỳ, đã đăng một bức thư dài gần 3.000 từ trên trang web của hồng y trước cuộc họp. Trong đó, hồng y nói rằng các giám mục Mỹ sẽ sớm giải quyết “tình trạng tai tiếng lâu dài và nghiêm trọng của các chính trị gia công giáo, những người ủng hộ quyền phá thai và rước lễ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô và ông Joe Biden có cuộc gặp dài bất thường tại Vatican