Lạm dụng tình dục, một Giáo hội không có tiếng nói

152

Lạm dụng tình dục, một Giáo hội không có tiếng nói

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2021-10-07

Sau khi công bố báo cáo của Ủy ban Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase,) chúng ta không nên ở trong tình trạng quá cảm xúc, cũng như ăn năn hối tiếc, không mang lại một hiệu quả to lớn nào. Nếu bản báo cáo nói đến một hiện tượng “hệ thống” thì đó là do toàn bộ cơ cấu của Giáo hội can dự vào. Bài xã luận của bà Isabelle de Gaulmyn, tổng biên tập báo La Croix.

Đây là bản báo cáo quá đau khổ. Đau khổ của 153 nạn nhân làm chứng trước Ủy ban. Đau khổ của 6.475 lời chứng, đau khổ của tất cả những người mà cuối cùng đã bị một linh mục hay một nam tu sĩ lạm dụng mà không nói được gì. Ủy ban ước tính, kể từ năm 1950 có 216.000 nạn nhân. Và vì sự đau khổ này được đặt ở trọng tâm nên đây là bản báo cáo có một chất lượng hiếm có. Các nạn nhân tham gia vào việc soạn thảo, họ được lắng nghe, được hiểu, được tham vấn. Trong tiến trình của một tiến trình mang tinh thần phúc âm, những người yếu đuối nhất, bị hủy hoại nhất, bị thiếu thốn nhất đều ở trọng tâm suy tư của Ủy ban.

Công trình khổng lồ này cho thấy một sự thật lạnh lùng, đó là một tổ chức đã không biết bảo vệ trẻ con, thậm chí còn ít bảo vệ hơn các thể chế khác của nước Pháp,

Bản báo cáo nói lên, một thể chế mà nạn ấu dâm không chỉ là hành động của một vài “con chiên ghẻ cá biệt” như các giám mục thường khẳng định (như thể tội phạm có thể là một con cừu!), nhưng đã trở thành một hiện tượng lớn, làm nảy sinh một hệ thống cấm nói và bảo vệ, cho đến vài năm gần đây, hệ thống thứ trật đối với nạn nhân là “thờ ơ hoàn toàn, thậm chí là tàn nhẫn.”

Nhưng chúng ta phải kiềm lại cảm xúc mà bản báo cáo này đã tạo ra rất nhiều. Chúng ta cũng không nên có thái độ ăn năn hối tiếc không đem lại một hệ quả lớn lao nào. Chắc chắn, Giáo hội công giáo đã làm rất nhiều để hiểu rõ các nạn nhân hơn, để xác định những kẻ săn mồi, để báo cáo sự việc. Bảo đảm rằng kể từ nay mọi tấn công sẽ bị đưa ra tòa.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Nếu báo cáo nói về một hiện tượng “hệ thống”, thì đó là vì toàn bộ cấu trúc của Giáo hội liên hệ vào: vai trò của giám mục và sự nhầm lẫn quyền hạn của họ; địa vị của linh mục và thẩm quyền không tương ứng của họ; luân lý tình dục, những ngõ cụt và những cấm kỵ của nó, giáo luật và thiếu sự xét xử công bằng, rộng hơn là địa vị của các giáo dân, đặc biệt là phụ nữ trong các cơ quan đưa ra quyết định.

Giáo hội không có lựa chọn. Bởi vì không phải chỉ có các tín hữu, chán ghét hay tức giận, mới có nguy cơ ra đi. Tại Đức, sau các vụ lạm dụng tình dục, niềm tin của dân chúng vào Giáo hội công giáo trước đó rất cao, đã giảm sút nghiêm trọng.

Và trong cuộc vận động bầu cử vừa qua, chúng ta không nghe thấy một lời nào, không đọc một văn bản nào của Giáo hội để làm sáng tỏ các vấn đề chính trị và xã hội, hoàn toàn im lặng , một im lặng bất thường của một thể chế cực mạnh ở Đức.

Đơn giản, ở Đức, Giáo hội không còn có thể nói được điều gì, hoàn toàn mất uy tín do tầm mức quy mô của các vụ lạm dụng tình dục được phát hiện bên trong Giáo hội. Ở Đức, người công giáo đã bắt đầu quá trình cải cách lâu dài và can đảm. Đầu tháng 6, hồng y Marx đệ đơn từ chức lên giáo hoàng, trong lá thư ngài nói đến sự “thất bại” của Giáo hội khi đứng trước “thảm họa của các vụ lạm dụng tình dục”. Đơn từ chức bị từ chối, chúng ta có thể hiểu tất cả đều mang tính biểu tượng. Biểu tượng, nhưng một biểu tượng có một ý nghĩa mạnh. Giờ đây, Giáo hội Pháp phải tìm cách để chứng tỏ rằng họ nhận thức được tầm mức lớn lao của việc hoán cải, một công việc còn phải làm.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Bạo lực tình dục trong Giáo hội: Vấn đề thực sự có ở trong bậc sống độc thân của linh mục không?