Đức Phanxicô sẽ chích ngừa mũi tăng cường? Quyết định là của ngài
americamagazine.org, Claire Giangravé, AP, 2021-09-28
Đức Phanxicô cầu nguyện trong Thánh lễ khai mạc Đại hội đồng toàn thể Hội đồng Giám mục Châu Âu tại Bàn thờ trong Đền thờ Thánh Phêrô ngày 23 tháng 9-2021 (Ảnh CNS / Cristian Gennari)
Tổng thống Joe Biden đã nhận mũi chích thứ ba, các chuyên gia ở Vatican xem xét việc chích “mũi tăng cường” của các nước giàu như thế có hợp với luân lý khi có nhiều nước khác trên thế giới vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên không.
Ngày thứ ba 28 tháng 9, Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, người đứng đầu Giáo hoàng Học viện về Sự sống nói với các nhà báo, sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc-xin là “một bất công kép” vì nó không chỉ nói lên việc thiếu chủng ngừa Covid ở các nước nghèo mà còn cho thấy nhà nước chỉ tập trung vào đại dịch, bỏ qua nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội khác ở các nước đang phát triển.
Khi được hỏi về việc Đức Phanxicô có chích ngừa mũi tăng cường hay không, giám mục Paglia cho biết việc này sẽ do chính Đức Phanxicô quyết định. Giám mục nói thêm: “Tôi hy vọng Vatican sẽ sớm có mũi thứ ba vì tôi cũng đã 76 tuổi rồi!”
Gần như tất cả mọi công dân Vatican đã được tiêm hai liều vắc-xin. Trả lời câu hỏi của các phòng viên trên chuyến bay từ Slovakia về Rôma ngày thứ tư 15 tháng 9, Đức Phanxicô cho biết chỉ có “ một nhóm nhỏ” ở Vatican chưa chích và “đang xem có cách nào để giúp họ.”
Khi được hỏi về việc Đức Phanxicô có chích ngừa mũi tăng cường hay không, giám mục Paglia cho biết việc này sẽ do chính Đức Phanxicô quyết định.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Vatican đòi hỏi “thẻ xanh” xác nhận họ đã được chích ngừa, xét nghiệm âm tính với Covid hoặc đã khỏi bệnh mới được vào Vatican. Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI đã nhận hai liều vắc-xin, Vatican có nhiều chương trình giúp người nghèo được chích ngừa.
Có mặt trong cuộc họp báo của Vatican ngày thứ ba, bác sĩ David Barbe, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới tuyên bố: “Ở Hoa Kỳ và chung chung các cơ quan khoa học trên toàn thế giới cho biết, hiệu quả của vắc-xin có thể bắt đầu giảm sau sáu hoặc tám tháng, và để tăng khả năng miễn dịch thì cần phải chích lại”.
Dù không ám chỉ Đức Phanxicô có nên chích mũi tăng cường hay không, nhưng bác sĩ Barbe ghi nhận, những người trên 60 và 65 tuổi, những người mắc bệnh kinh niên như tiểu đường, bệnh phổi thì nên chích lại.
Đức Phanxicô đã 84 tuổi và đã bị cắt bỏ một phần mô phổi do bị nhiễm trùng khi còn trẻ. Vào giữa tháng 7, ngài đã phải nhập viện để phẫu thuật ruột kết và đã ở bệnh viện 11 ngày.
Đạo đức của việc phân phối mũi chích tăng cường ở một số nơi trên thế giới trong khi nhiều quốc gia nghèo vẫn chưa có mũi chích đầu tiên là trọng tâm các cuộc tranh luận hiện nay xung quanh đại dịch.
Bác sĩ Barbe nói: “Đạo đức của việc phân phối mũi chích tăng cường ở một số nơi trên thế giới trong khi nhiều quốc gia nghèo vẫn chưa có mũi chích đầu tiên là trọng tâm các cuộc tranh luận hiện nay xung quanh đại dịch. Nhiều nỗ lực và nhiều nguồn lực đã được thực hiện cho việc này, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thành công. Cũng dễ hiểu là nước nào cũng tập trung vào việc lo cho dân nước mình.” Nhiều nước giàu có dư vắc-xin mà theo ông, những vắc-xin này có thể phân phối cho những nước nghèo hơn.
Vatican đã tham dự tích cực vào các nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới để yêu cầu bỏ quyền sáng chế vắc-xin, giúp cho các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu sản xuất vắc-xin cho thành viên của họ. Các thành viên của các tổ chức công giáo cũng đã liên hệ với chính quyền Biden để thúc đẩy việc từ bỏ các bằng sáng chế vắc-xin.
Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh các chuyên gia tôn giáo và khoa học tổ chức ngày 27-29 tháng 9 ở Vatican về “Đại dịch, Đạo đức Sinh học, Tương lai: Sức khỏe Cộng đồng trong Quan điểm Toàn cầu” do Giáo hoàng Học viện về Sự sống tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị ở Vatican ngày thứ hai, Đức Phanxicô nhấn mạnh niềm hy vọng của ngài “sẽ luôn có một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí” và ca ngợi nước Ý và các quốc gia khác có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng giúp khắc phục tình trạng bất bình đẳng.”
Trong bài phát biểu của mình, Đức Phanxicô mời mọi người đừng quên, ở một số quốc gia, đại dịch là một vấn đề thứ yếu so với việc thiếu nước sạch và thực phẩm.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Phanxicô mời mọi người đừng quên rằng ở một số quốc gia, đại dịch là một vấn đề thứ yếu so với việc thiếu nước sạch và thực phẩm. Ngài nói tiếp: “Tôi hoan nghênh một cam kết để phân phối đồng đều và phổ quát các vắc-xin nhưng cũng phải quan tâm đến bối cảnh rộng lớn hơn đòi hỏi các tiêu chuẩn công bằng giống nhau, từ nhu cầu sức khỏe đến nâng cao sự sống.”
Đức Giám mục Paglia nhắc lại lời của Đức Phanxicô tại cuộc họp báo: “Cần phải khắc phục không những việc phân phối vắc-xin mà còn cả việc tiếp cận không bình đẳng đối với sức khỏe cộng đồng, loại bỏ các rào cản như thiếu cơ sở vật chất và quản lý khôn ngoan hơn các nguồn lực để điều trị.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch