“Hiệp hội Ladarô” ở Rôma: “Đêm nay tôi sẽ khóc khi nghĩ về những gì tôi đã sống”

73

Hiệp hội Ladarô” ở Rôma: “Đêm nay tôi sẽ khóc khi nghĩ về những gì tôi đã sống”

Trang Zenit gặp Freddy, Barbara, Thierry, Joseph, Nicolas, Kader, Alexandre, Alix, Antony và Vianney

fr.zenit.org, Helen Ginabat, 2021-08-28

Freddy, Barbara, Thierry, Joseph, Nicolas, Kader, Alexandre, Alix, Antony và Vianney: Trang Zenit đã gặp các thành viên của Hiệp hội Ladarô trong chuyến hành hương của họ đến Rôma ngày thứ bảy 28 tháng 8 năm 2021. Những người “bạn cùng phòng” đã sống trải nghiệm khó khăn ngoài hè phố, bây giờ họ sống chung phòng với các bạn trẻ đã tốt nghiệp, “tình nguyện” sống với họ: thách thức mà Hiệp hội Ladarô đã thực hiện trong mười năm.

Họ được Đức Phanxicô tiếp ở Hội trường Phaolô VI. Sau khi lắng đọng cảm xúc trong không gian tươi mát của Trinity of the Mountains. Nhà báo Hélène Ginabat đã gặp họ, bà ghi lại cảm xúc nóng bỏng của họ về buổi tiếp kiến sáng nay với Đức Phanxicô. Một số người đã gặp ngài trong nhiều dịp khác, ngày 25 tháng 5 vừa qua ở Vatican. Ngày 29 tháng 5 năm 2020 trong những Ngày Thế giới Người nghèo.

Bà Freddy ở Hiệp hội Ladarô Nantes, La Trinité-des-Monts © Hélène Ginabat

Freddy, 53 tuổi, ở Nantes, cùng với Alix chia sẻ trước Đức Phanxicô

Tôi đến từ Nantes, Pháp. Đó là ngày cuối tuần của Hiệp hội Ladarô Pháp, Âu châu, Quốc tế gặp Đức Phanxicô trưa thứ bảy 28 tháng 8, chúng tôi có 200 người. Tôi làm chứng với Alix, một cô bạn cùng phòng trước đây. Tôi đã gặp Đức Phanxicô, tôi có thể về lại Nantes. Khi bà kể chuyện, đôi mắt trong xanh, lời nói tuôn ra dễ dàng. Đúng, tôi rất xúc động. Tất cả mọi người đều làm chứng. Ngài đã có bài diễn văn soạn sẵn và ngài đưa cho anh Loic, người quản lý Hiệp hội Ladarô. Và ngài đã ứng khẩu, ngài nói về cánh cửa. Cánh cửa là trái tim, nếu bạn để trái tim đóng lại, bạn sẽ không thực hiện được bất cứ chuyện  gì Chúa Giêsu đã nói. Hoặc nếu chúng ta gõ, cửa mở ra nhưng đóng lại ngay lập tức… Ngài nói: Hiệp hội Ladarô là cánh cửa nhưng nó không đóng lại. Đây là những gì tôi nhớ từ bài phát biểu của ngài. Tôi nghĩ, đêm nay khi ngủ, tôi sẽ khóc khi nhớ lại những gì tôi đã sống.

Vì Hiệp hội Ladarô là một gia đình lớn. Điều khó khăn lúc đầu đối với tôi là sự ra đi của các cô gái, bởi vì ở Hiệp hội Ladarô là quay vòng. Tôi sống ở đó 11 tháng, tôi là người đến cuối cùng của 8 và 11 tháng sau, có 3 lần đi và 3 lần đến trong cùng một ngày. Thật là đau lòng. Nhưng hôm nay, tôi nói: mình phải lớn lên. Có các bạn cùng phòng trước đây với tôi, họ luôn ở trong lòng tôi và có những bạn cùng phòng hiện nay, cũng như sẽ có các bạn cùng phòng trong tương lai. Nhưng không phải chỉ có các bạn cùng phòng, mà còn có các bạn ở bên ngoài. Và có những người láng giềng. Như ở Nantes, tôi nói chuyện với tất cả láng giềng. Vì thế, đúng, đây là một gia đình lớn, rất lớn.

Ở Ladarô, tôi muốn nói chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ, trừ chiếc giường! (cười) Chúng tôi không được phép đón ai vào phòng mình. Nhưng chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ, nỗi buồn, niềm vui… Tôi khuyên người khác, người khác khuyên tôi… tất cả được làm với tấm lòng tốt và sự tôn trọng. Chúng tôi thực sự chia sẻ mọi thứ, thậm chí chúng tôi còn biết bố mẹ của những người bạn cùng phòng, các anh chị em, thật là “vui!”

Mong ước của tôi là Hiệp hội Ladarô lớn lên, và chính chúng tôi cũng phải giúp Hội. Chúng tôi là những giọt nước nhỏ, những giọt nước tạo thành dòng sông nhỏ     và sau đó là đại dương. Đúng, tôi mong Hiệp hội Ladarô lớn lên. Và tôi cũng mong mọi người được sống kinh nghiệm Ladarô, vì đó thực sự là một trải nghiệm bổ ích và nhân văn. Tôi muốn mọi người được hưởng, vì con người không được tạo ra để sống một mình.

Hôm nay tôi rất căng thẳng và xúc động vì không những tôi làm chứng trước Đức Giáo hoàng mà còn làm chứng trước đại gia đình Ladarô. Có 200 người. Tôi muốn gặp giáo hoàng cũ của tôi mà tôi đã gặp năm 2018. Năm 2018, đó là Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 2, tôi vinh hạnh được đến Rôma và đến Đền thờ Thánh Phêrô và tôi hỏi người bạn cùng phòng xem cô đã thấy giáo hoàng chưa. Cô nói “có, ngài là người mang thánh giá”. Tôi chưa thấy ngài và khi tôi thấy ngài đi ra, tôi nhìn kỹ và tôi thấy ngài mệt. Sau đó chúng tôi ăn trưa ở Hội trường Phaolô VI và chúng tôi ngồi bên cạnh cửa ra vào. Và cánh cửa mở ra, và đúng là mặt trời, nhưng ngàn lần hơn mặt trời…: mặt trời Argentina bước vào phòng, rạng rỡ, trong suốt với hy vọng, với niềm vui khi gặp chúng tôi: chúng tôi ở trong số nhiều hiệp hội giúp người nghèo.

Và hôm nay tôi nhìn thấy mặt trời, nhưng đó là ba năm trước; bây giờ ngài già đi, ngài đi khập khiễng nhưng ngài thực sự đang ngồi rất gần chúng tôi và ngài đứng dậy sau mỗi lần chúng tôi làm chứng để bắt tay chúng tôi, và tôi nghĩ chúng tôi cũng phải là người đem sức mạnh đến cho ngài, chúng tôi phải cầu nguyện cho ngài. Tôi không bao giờ nghĩ có ngày tôi bắt tay giáo hoàng. Giáo hoàng là hiện thân của sự đơn sơ, tôi nghĩ nếu có ai đi chân không, mặc quần đùi đến, ngài cũng tiếp.

Cách đây hơn một năm, chúng tôi đã có cuộc họp trực tuyến với ngài, và cuối cuộc họp, chúng tôi hỏi liệu có thể “Ladarô đến được Vatican hay không” và cuối cùng ngài nói “phải cầu nguyện cho giáo hoàng”,  ngài không nói “cầu nguyện cho tôi”, ngài nói “cầu nguyện cho giáo hoàng, để giáo hoàng can đảm, để đưa Ladarô về Vatican”. Thực sự ngài cần đến chúng tôi, chúng tôi cầu nguyện cho ngài là chúng tôi giúp ngài. Đức Phanxicô ngài thực sự nhân bản, ngài gần…

Alix (cựu thành viên chung phòng, cùng làm chứng với bà Freddy)

Khi giáo hoàng đến, chúng tôi đang hát, có một bầu không khí rất mạnh chung quanh ngài, tôi rất xúc động và khi cùng với Freddy, chúng tôi làm chứng và tôi cảm thấy như đang nói chuyện với một người bình thường, tôi thật hạnh phúc khi được nói chuyện đơn sơ với ngài. Điều làm tôi cảm động nhất là cái nhìn của ngài, ngài không theo bản dịch những gì chúng tôi nói, nhưng ngài nhìn chúng tôi, và cách ngài chào Freddy làm cho tôi rất cảm động. Một giáo hoàng thật sự gần với chúng tôi. Ngài trông rất mệt nhưng có  nụ cười rất tươi và cái nhìn chăm chú. Với tôi, đây là dấu chỉ rất mạnh để có thể ở đây với Hiệp hội Ladarô, vì đức tin không nhất thiết phải là điều dễ dàng với mọi người, để có thể tập hợp tất cả xung quanh một người, một người đầy khôn ngoan và lời nói của ngài thực sự thích ứng với mỗi người. Ngài nói về hình ảnh cánh cửa và như thế là ngài nói từng người, là thích ứng với mỗi người.  Ngài cũng nói với chúng tôi, nguy cơ lớn nhất của Hiệp hội Ladarô là quên đi mình là người nhỏ bé. Điều này đánh động tôi, tôi tự nhủ mình phải nhớ điều này. Để lan tỏa, để chia sẻ niềm vui của chúng tôi, đúng, nhưng phải nhớ mình nhỏ bé, biết mình nhỏ bé, biết những gì mình có, biết mình đã nhận những gì.

Tôi biết Hiệp hội Ladarô từ năm năm nay, khi tôi đi gặp những người vô gia cư, tôi tự nhủ,  sau khi học xong, tôi sẽ đến đó để có trải nghiệm. Trong thời gian chờ đợi, tôi đến ở một năm tại Rocher ở Toulon và một trong những trụ cột của Rocher là ‘sống với’, sống ở thành phố với những người thành phố làm cho tôi càng muốn sống gần hơn với những người gặp khó khăn. Trong cùng một căn hộ. Tôi muốn gặp nhiều hơn nữa. Dự án đã chín muồi, và mong muốn được sống ở Ladarô bùng cháy trong tôi. Khi tôi có được công việc là kỹ sư, tôi không muốn đời sống của tôi chỉ thu gọn métro-boulot-dodo, đi tàu điện ngầm-làm việc-ngủ và tôi dấn thân. Tôi muốn hiến mình cho Chúa và cho người khác.

Barbara (ở Nantes)

Như bà Freddy, bà Barbara ở Ladarô từ năm 2014 và đã có dịp gặp Đức Phanxicô, đó là năm 2016. Bà cũng được đánh động bởi tính “đơn sơ” của Đức Phanxicô, ngài kéo ghế xuống dưới bậc thang để gần chúng tôi. Ngài nhìn mỗi người chúng tôi, ngài thư thả, chúng tôi có cảm tưởng như ở bên cạnh một người trong gia đình.

Thierry (Hiệp hội Ladarô ở Brussels)

Vatican, hình ảnh tôn giáo này thật ấn tượng nhưng trên hết đó là món quà đẹp nhất mà Ladarô nhận được nhân dịp sinh nhật năm thứ 10 ngày thành lập. Vatican chấp nhận để cả cộng đồng quốc tế Ladarô có thể gặp nhau ở Rôma, để được Đức Phanxicô tiếp ở Vatican. Điều này làm chúng tôi ngạc nhiên vì chúng tôi không mong chờ được như vậy. Chúng tôi không chỉ được tiếp xúc trực tiếp với ngài mà có một số người còn được nói chuyện với ngài về những câu hỏi ngài đặt ra: dưới mắt chúng tôi, bây giờ Giáo hội đã làm đủ hay chưa. Tôi đến và tôi nói với ngài: “Con rất vui được gặp Cha” (tôi gọi ngài là cha) và tôi nói ngắn gọn về hành trình, về cuộc đời tôi, về những khốn khổ mà tôi đã gặp, tôi may mắn được gặp gia đình Ladarô và Ladarô đã cho tôi một làn gió thứ hai để bắt đầu lại, vì tôi đã khốn khổ trong 24 năm nghiện ngập, tôi đã cai nghiện được 9 năm. Cai nghiện tất cả mọi thuốc không phải là chuyện dễ dàng… Tôi hỏi ngài: làm thế nào mà Giáo hội ở thế kỷ 20 lại không quan tâm nhiều hơn đến tất cả những đau khổ ở khắp các thủ đô châu Âu? Thật là vô lý. Tôi không hiểu. Có một cái gì đó không ổn trong hệ thống. Các chính phủ nhắm mắt lại, họ phải mở mắt ra, khách quan hơn và quan tâm đến những gì thực sự đang diễn ra trong cuộc sống… (…) Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều người phải sống ngoài hè phố, chúng ta có nghĩ đến họ không? Tôi, tôi nói cho giáo hoàng biết, tôi cầu nguyện cho họ.

Giáo hoàng đã rất ngạc nhiên, vì ngài thấy trong lời chứng của tôi là cả một sự xúc động.

Cảm ơn gia đình Ladarô, những người đã làm những điều đúng đắn để mang lại cuộc sống mới cho những người bạn cùng phòng. Tôi, tại Ladarô, cánh cửa đã được mở cho tôi và cuối cùng tôi được nhẹ lòng.

Thông điệp của ngài: chúng ta là những con người, để luôn đi đúng đường và luôn có hy vọng, chúng ta phải xem cuộc sống như một cánh cửa và đừng sợ bước vào, để rồi phải vào  bằng cửa sổ, chúng ta phải vào bằng cửa chính. Ngài nói đừng ngần ngại bước qua, khám phá nhiều điều mới mẻ, mang đến cho cuộc sống mới một chút hy vọng. Đó là thông điệp của ngài, và đó là một thông điệp làm cho tất cả chúng tôi cảm động. Ngài thẳng thắn. Ngài nói với chúng tôi: “Anh chị em phải luôn giữ hy vọng vào cuộc sống. Mặc dù Ladarô chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương, nhưng không gì khác ngoài những gì Ladarô đã thực hiện, bây giờ Ladarô đã phát triển như một gia đình rất lớn. Có ngôi nhà ở Mexicô mới khai trương, ở Madrid, Tây Ban Nha, ở Bỉ…

Joseph (thiện nguyện viên, ở Nantes)

Tôi rất vui khi gặp giáo hoàng, vì thành thật mà nói, tôi có định kiến về giáo hoàng; tôi thú nhận chuyện này, tôi rất vui thấy ngài đã làm đúng như những gì Ladarô đã làm với sức mạnh to lớn của mình, để tái thực hiện thông điệp người nghèo, toàn bộ thông điệp chung quanh nạn đói nghèo. Ngài dùng ẩn dụ cánh cửa, ngài ngẫu hứng nói chuyện với chúng tôi trong 10 phút về cánh cửa mở ra cho người anh em. Nó có thể có nhiều khía cạnh, nhưng đó là khái niệm mở cửa và chào đón người anh em đến và sẵn sàng với họ. Điều tôi rất thích là ngài nói với chúng tôi về những gì ngài nắm vững nhất và thông điệp Phúc âm này ngài cập nhật, đó là “hãy đơn giản”, khái niệm không phán xét, đơn giản chào đón, tình người ấm áp, tất cả những gì chúng ta có thể cho và những phương tiện để chúng ta đến gần Chúa hơn.

Nicolas (thiện nguyện viên, ở Lyon)

Điều làm tôi cảm động nhất là sự lắng nghe chăm chú và nhân từ của ngài. Tôi cảm thấy mọi người thoải mái nói lên khi có ngài ở bên cạnh. Chúng tôi thấy những người bạn cùng phòng tự động đứng lên để nói lời chứng ngẫu hứng của họ, thật vui khi thấy một giáo hoàng dễ đến gần, ngài luôn sẵn sàng lắng nghe. Thay vì đọc bài phát biểu của ngài, ngài nói: “Tôi sẽ trả lời những gì anh chị em hỏi”. Điều đó cho thấy  ngài lắng nghe những người ngài gặp và ngài phản ứng riêng với người đối thoại của mình.

Kader, 36 tuổi, (một cựu thành viên Ladarô ở Lyon), giáo hoàng đến an ủi tôi

Hôm nay tôi đã gặp giáo hoàng và tôi đã nói “cám ơn” ngài vì Giáo hội đã đón nhận tôi , tôi là người hồi giáo. Tôi đã gõ mọi cánh cửa, không ai đón nhận tôi. Và bây giờ tôi khóc vì Giáo hội đã mở cánh cửa ra cho một người hồi giáo, tôi thật ấm lòng và giáo hoàng đã nói: “Chính tôi là người cám ơn các bạn đã đến với chúng tôi”. Tôi đã khóc như bà Mađalêna. Thường thường tôi chẳng bao giờ khóc, nhưng bây giờ, thêm nữa hai năm nay, Hội cứ nói với chúng tôi, chúng ta sẽ đi gặp giáo hoàng và cứ bị hoãn lại vì coronavirus. Tôi rất tự hào đã gặp ngài bằng xương bằng thịt.

Tôi đã ở 15 năm trong tù, khi ra tù, không ai chờ tôi. Sau hai năm sống ngoài đường ở thành phố Lyon, tôi gặp được Hội Ladarô. Ông xúc động nói: “Khi tôi là người vô gia cư, tôi đi ăn xin, một người mang thánh giá đến khạc vào mặt tôi. Tôi nghĩ người tín hữu kitô tất cả đều vậy. Hiệp hội Ladarô làm cho tôi biết Giáo hội là ai và tôi đã nói cho giáo hoàng. Tôi đã quá xúc động nên đã khóc và tôi nghĩ ai cũng khóc. Cuối cùng giáo hoàng đến an ủi tôi và cám ơn tôi… Tôi, một người hồi giáo.

Tôi thấy ngài cởi mở thẳng thắn với mọi người. Tôi đã xem phim “Giáo hoàng, người của lời” ba lần trong một ngày. Người ta nói với tôi, Đức Gioan-Phaolô II đã bắt đầu hợp nhất tất cả các tôn giáo và tôi thấy thật tuyệt vời khi Đức Phanxicô tiếp tục đi con đường này.

Alexandre (thành viên của “Hiệp hội Ladarô” ở Rôma: “Đêm nay tôi sẽ khóc khi nghĩ về những gì tôi đã sống” ở Lyon)

Đây là lần thứ hai tôi gặp giáo hoàng nhưng là lần đầu tiên tôi bắt tay ngài. Với tôi, tôi cảm nhận tôi nhận được ân phước vì ngài là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu-Kitô ở trên trái đất, một dấu hiệu của tình yêu và hòa bình cho tất cả các nền văn minh, vì thế gặp giáo hoàng là điều quan trọng. Tôi nói với ngài: “Chúa ở cùng Cha” (El Seđor es con tigo). Đó là biểu hiệu đầy tình thương và hy vọng. Ngài vỗ nhẹ vào tay tôi. Tôi cảm thấy một niềm vui và một hy vọng sâu xa vì Chúa Giêsu Kitô đang sống. Tôi được rửa tội khi tôi 37 tuổi: trong gia đình tôi, không ai nói với tôi về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Sau đó cùng với giáo xứ, tôi được đi Lộ Đức, và tôi đã được chữa lành thể xác. Tôi nhập viện 23 hoặc 24 lần. Nhưng khoa tâm thần chưa bao giờ chỉ đường cho tôi. Tôi luôn tiếp tục lặp lại những sai lầm giống nhau. Một ngày nọ, tôi gặp một phụ nữ, bà đưa tôi đến nhà thờ, tôi phải bỏ thói quen sống không có Chúa của tôi.

Antony (thiện nguyện viên Hiệp hội Ladarô ở Nantes từ hai năm nay, người Ai Cập, chính thống giáo Coptic)

Giáo hoàng rất đơn sơ, tôi trả lời một trong những câu hỏi của ngài về những trải nghiệm ở Hiệp hội Ladarô đã mang lại gì cho tôi, tôi nói, trước khi ở Ladarô, tôi ở nhà thờ rất lâu, tôi đọc Kinh thánh, tôi học thuộc lòng các Thánh vịnh, nhưng từ khi ở Ladarô, tôi học cách áp dụng Kinh Thánh vào đời sống hàng ngày, hy sinh cho người khác, phục vụ họ… Tất cả tín hữu kitô, dù họ thuộc hệ phái nào, chúng ta đều có cùng một Kinh thánh, cùng hành động để phục vụ người khác, áp dụng những gì Kinh thánh nói. Tôi ấn tượng bởi cái nhìn của ngài, nụ cười của ngài, lời nói của ngài, hình ảnh cánh cửa là Chúa, rộng lớn và chào đón mọi người, điều này tất cả mọi người đều có thể hiểu. Ngài chào một nửa nhóm, luôn mỉm cười, đơn sơ…

Tôi đến với Ladarô vì tôi gặp khó khăn khi kiếm chỗ ở, tôi nghe đến chương trình này, tôi gặp người quản lý, những người bạn cùng phòng khác, và quyết định đi tới. Lúc đầu, không phải là dễ dàng. Tôi đã từng đi thăm những người vô gia cư, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn cùng, nhưng sống với họ, trong đầu tôi lúc đầu không dễ dàng chút nào, nhưng sau đó, tôi thấy rất dễ dàng và ở sâu thẳm mỗi người, có là một cái gì tốt trong đó và đáng công để khám phá, đó là một trải nghiệm rất phong phú.

Vianney, quản lý ở Brussels

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp giáo hoàng. Tôi luôn xúc động trước sự gần gũi, nụ cười, kỹ năng lắng nghe và khả năng ứng biến của ngài. Bài nói chuyện rất đơn giản của ngài về Thiên Chúa, Đấng là cánh cửa trong cuộc sống chúng ta, mở cánh cửa đến với Ngài, cho chúng ta cũng như cho người khác. Đức Phanxicô chào và bắt tay tất cả các bạn cùng phòng. Có một bà trong nhóm đã gặp ngài khá lâu vào tháng năm, lần này bà ở phía sau để dành chỗ cho người khác và Đức Phanxicô thấy bà, ngài nhận ra bà gọi bà bằng tên, ngài nói “chúng tôi biết nhau”. Ngài gọi tên bà, bà người Colombia, hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha… Ngài nhận ra bà!

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Từ khóc đến cười, chuyến hành hương “lạ lùng” của Hiệp hội Ladarô

Hình ảnh buổi Đức Phanxicô tiếp những người trong Hiệp hội Ladarô ngày thứ bảy 28 tháng 8-2021