Giáo hoàng xin các nhà văn giữ tự do khi đối diện với quy luật thị trường

102

Giáo hoàng xin các nhà văn giữ tự do khi đối diện với quy luật thị trường

Cách đây vài ngày, nhà văn Maurizio Maggiani đã viết một thư ngỏ cho Đức Phanxicô, ông “xấu hổ” kể việc ông phát hiện ra phương pháp tội phạm đã được dùng để xuất bản các sách của ông. Hôm nay, báo “La Stampa” và các báo khác đã đăng thư trả lời của ngài cho nhà văn Ý.

vaticannews.va, Alessandro De Carolis, Vatican, 2021-08-17

Đây là một đối thoại độc đáo và căng thẳng đã xảy ra trong những ngày gần đây giữa nhà văn nhà báo Maurizio Maggiani, vùng Genoa, và Đức Phanxicô, ngày 9 tháng 8, ngày Giáo hội kính Thánh Têrêxa Bênêđictô Thánh giá, Edith Stein, Thánh đồng bảo trợ Âu châu, đã trả lời cho nhà báo câu hỏi được ông công khai đưa ra trong bức thư ngỏ đăng trên các cột báo Secolo XIX ngày 1 tháng 8, và hôm nay báo La Stampa cùng các tờ báo khác đăng thư trả lời của ngài.

Nhà văn, nhà báo Maurizio Maggiani

Nhà báo Maurizio Maggiani muốn chia sẻ trực tiếp với Đức Phanxicô về “sự xấu hổ” ông cảm nhận khi biết được, bên lề một vụ án hình sự, việc các sách của ông và của các nhà văn khác qua một công ty ở Veneto và nhà thầu ở Trentino, cả hai bị tòa án buộc tội đã bóc lột các công nhân Pakistan, những người đã bị đối xử tàn bạo theo đúng nghĩa đen.

Nhà báo Maggiani tự cho mình là người không tin Chúa (ông viết: “Tôi biết quyền năng ngôn sứ cao cả của Chúa Kitô nhưng tôi chưa bao giờ nhận được ân sủng, kiên nhẫn ba ngày bên cạnh mộ Ngài, cùng chờ đợi với Maria Magdala và chứng kiến sự sống lại của con Thiên Chúa”), ông nói ông hướng về Đức Phanxicô vì nhiều lý do, đặc biệt là lòng mẫn cảm trong việc bảo vệ những người nghèo nhất của ngài.

Các lệch lạc theo cách nô lệ trong chuỗi sản xuất sách

Tiểu thuyết gia nói: “Đó là những câu chuyện tôi mong kể và tôi cảm thấy có bổn phận phải làm. Câu chuyện của những người thầm lặng, những người rốt cùng và những người khiêm hèn”, nhưng ông gặp phải sự thờ ơ của các đồng nghiệp trước các chất vấn của ông về điều kiện sản xuất sách, “như thể đó là một vấn đề vô ích”, đã thúc đẩy ông phải nói trực tiếp với giáo hoàng. Ông giải thích: “Dù tôi đã tìm tòi đủ mọi cách, nhưng tôi không thấy một thẩm quyền đạo đức nào, thêm nữa, một tiếng nói mạnh nào sẵn sàng để lắng nghe, để hỏi trước khi phán xét.”

Nhà văn tự hỏi những hệ lụy kinh hoàng nào đã xảy ra trong trại tập trung hiện đại này, được xây dựng trên da thịt của những người di dân với đồng lương khốn khổ, không lịch trình làm việc, không quyền lợi, họ bị đấm, bị đá nếu họ dám yêu cầu được tôn trọng: “Tôi đã xấu hổ về bản thân tôi, và tôi, tôi đã rất cẩn thận để có bàn tay sạch, không dùng các sản phẩm bị nghi ngờ làm ra là do bóc lột nô lệ, tuy nhiên, tôi thừa nhận, tôi chưa bao giờ suy nghĩ rõ, rằng công việc của tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia, thật cao quý, lại là một phần trong chuỗi hệ thống sản xuất, được gọi một cách khiêm tốn là chuỗi cung ứng, không khác gì những chuỗi khác, và do đó dễ bị ảnh hưởng bởi những sai sót giống nhau”.

Nhìn thấy điều vô hình

Đức Phanxicô đã trả lời bằng cách quay về một trong những suy nghĩ chính trong giáo huấn của ngài. Ngài trả lời: “Anh không đặt câu hỏi khơi khơi vì vấn đề ở đây, đó là vấn đề phẩm giá con người, phẩm giá này, ngày nay, quá thường xuyên và dễ dàng bị chà đạp qua lao động nô lệ, trong im lặng đồng lõa và đinh tai nhức óc của nhiều người. Chúng ta đã thấy trong thời gian cách ly, khi nhiều người trong chúng ta phát hiện ra, đằng sau khối thức ăn tiếp tục đến trên bàn ăn chúng ta, đó là công sức của hàng trăm ngàn người lao động không quyền lợi: những người vô hình, những người rốt cùng – dù họ phải là những người đầu tiên! – họ là mắt xích của một chuỗi làm cho nhiều người lao động cực nhọc nhưng lại không đủ cơm ăn, để đảm bảo lương thực”.

Nhưng trên thực tế, Đức Phanxicô tiếp tục nói, liên kết kiểu ô nhục này với văn học “có lẽ còn gây sốc hơn” nếu điều mà Giáo hoàng gọi là “bánh linh hồn, một biểu hiện nâng cao tinh thần con người” lại bị “tổn thương vì bị lao động bóc lột trong bóng tối, xóa đi các  khuôn mặt và các tên”. Vì thế nếu chúng ta xuất bản một cái gì đó dựa trên một sự bất công, thì tự chính nó đã là một bất công, và “đối với tín hữu kitô, mọi hình thức bóc lột nào cũng là một tội”.

Do đó, giáo hoàng mời gọi các nhà văn tố cáo “các cơ chế của sự chết, các cấu trúc của tội lỗi”, đi xa hơn là viết “những điều không thoải mái để lay chuyển chúng ta khỏi sự thờ ơ, kích thích lương tâm và làm phiền để chúng ta khó chịu, đừng để bản thân bị tê cứng với những câu ‘đừng làm phiền tôi, chuyện đó không liên quan đến tôi, tôi có thể làm gì nếu thế giới xảy ra như vậy?’”

Từ bỏ thói quen và sự thoải mái

Giáo hoàng nhắc lại, ngoài can đảm tố cáo, chúng ta phải có can đảm từ bỏ. Chính xác ngài nêu lên, “không phải từ bỏ văn học và văn hóa” nhưng “những thói quen và những tiện lợi, mà ngày nay mọi thứ đều kết nối với nhau, chúng ta khám phá, vì các cơ chế bóc lột đồi bại, chúng đã xâm phạm đến phẩm giá anh chị em chúng ta.” Từ bỏ một số lợi thế nào đó để có thể nhường chỗ cho những người thấp bé nhất.

Giáo hoàng của Giáo hội những người nghèo nhắc lại ngài rất yêu thích văn hào Dostoevsky, “ông không chỉ soi thấu tâm hồn con người và ý thức tôn giáo trong các tác phẩm văn học, nhưng còn do ông đã chọn để kể những cuộc đời nghèo khổ, những cuộc đời bị sỉ nhục và bị xúc phạm”. Đối diện với rất nhiều người bị sỉ nhục và xúc phạm hiện nay, thực tế là không ai bênh vực cho họ, vì thế văn học và văn hóa không nên để mình bị “khuất phục trước thị trường”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Dostoevsky, không chỉ là một tác giả kitô giáo mà còn là nhà văn của Chúa Kitô