Truyền giáo ở Haiti từ năm 1985, linh mục Michel Briand, 67 tuổi, ngày 11 tháng 4, cha bị bắt cóc cùng với 9 người khác, và được thả vào đêm thứ năm 29 rạng thứ sáu ngày 30 tháng 4. Cha kể trên báo La Croix thời gian bị giam cầm và lòng gắn bó chặt chẽ của cha với người dân Haiti.
la-croix.com, Arnaud Bevilacqua, 2021-05-05
Linh mục Michel Briand bị một băng đảng Haiti địa phương bắt làm con tin trong gần 20 ngày. Ngài nói về điều kiện giam giữ và tương lai của ngài trên đảo. Didier Déniel / THE TELEGRAMME / MAXPPP
Báo La Croix: Cha đã được tự do đêm thứ năm 29 rạng ngày 30 tháng 4, sau gần 20 ngày bị một băng nhóm địa phương ở Haiti giam giữ, cha có khỏe không?
Cha Michel Briand: Xin cho phép tôi thay mặt cho tất cả các con tin để nói: tất cả chúng tôi đều khỏe mạnh. Chúng tôi bị sút vài cân nhưng ai cũng lấy lại sức và tiếp tục sinh hoạt. Điều làm tôi ngạc nhiên là niềm vui của những người chúng tôi gặp khi họ thấy chúng tôi khỏe mạnh.
Cha đã chịu đựng việc giam cầm này như thế nào?
Trước hết, điều giúp chúng tôi là chúng tôi không bao giờ xa nhau. Chúng tôi nâng đỡ lẫn nhau, cầu nguyện với nhau. Phần khó nhất là chúng tôi không biết ngày mai như thế nào. Chúng tôi bị cô lập, bị cắt đứt với bên ngoài. Nhưng, chúng tôi không nghĩ đến chuyện xấu nhất sẽ xảy ra, và những kẻ bắt giữ không trực tiếp đe dọa chúng tôi. Tôi không sợ cho sinh mạng của mình.
Điều kiện sống chung rất khắc nghiệt: bốn đêm đầu tiên chúng tôi ngủ dưới các vì sao, trên hộp các-tông và nệm mỏng. Sau đó, họ chuyển chúng tôi qua những ngôi nhà bỏ hoang, không có tiện nghi. Đặc biệt chúng tôi lo lắng về thời gian giam giữ.
Khi đến ngày thứ tư hoặc thứ năm, họ mang áo quần đến cho chúng tôi, chúng tôi biết thời gian giam sẽ lâu. Những ngày cuối cùng là khó khăn nhất vì những kẻ bắt giữ muốn làm chúng tôi khổ, họ cho chúng tôi ăn ngày càng ít hơn. Nhưng, chúng tôi đã chia sẻ thức ăn và sự đoàn kết này cho phép chúng tôi giữ hy vọng.
Những người canh tù đàng hoàng với chúng tôi. Có một ngày chúng tôi đã nói chuyện được với lãnh đạo của họ. Tôi đã dám nói được với ông, nếu ông dùng vũ khí thì không giải quyết được gì: chỉ sẽ dẫn đến bạo lực và không đi đến đâu cả. Tôi cố gắng làm cho ông ấy hiểu quá trình này, tôi lấy ví dụ của Gandhi và cuộc đấu tranh bất bạo động của ngài. Ông cắt ngay câu chuyện vì tôi có thể đụng đến chuyện tế nhị.
Cha có nói về Chúa với những kẻ bắt giữ cha không?
Khi nói chuyện với họ, ma quỷ đến nhiều hơn là Chúa Giêsu. Họ không có kiến thức chính xác gì về các tu sĩ và linh mục. Chúng tôi có một quyển Kinh Thánh để cầu nguyện, chúng tôi đọc Thánh vịnh và Phúc âm, nhưng một ngày nọ, một trong số họ đã lấy quyển Kinh Thánh của tôi. Đối với họ, đây là vũ khí chống họ. Tôi nói với họ, chúng tôi cũng cầu nguyện cho họ. Và, khi chúng tôi được thả, một trong những kẻ bắt cóc đã ôm chúng tôi và xin chúng tôi cầu nguyện cho họ.
Đức tin đã nâng đỡ cha như thế nào trong thời gian bị giam cầm?
Chúng tôi đã cầu nguyện để bình tâm sống với nhau và luôn vững tin. Chúng tôi hiệp nhau trong bình an. Một sức mạnh mà chúng ta cậy vào lời cầu nguyện. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn đã mang lại cho chúng tôi bình an này.
Nhiều người có thể không hiểu, họ xem tôi như người đã thức tỉnh, nhưng tôi có thể nói, tôi trải qua thời gian giam giữ này như thời gian tĩnh tâm: thời gian thiêng liêng để khám phá Chúa tốt hơn.
Từ những thử thách này, cha giữ lại điều gì?
Chuyện đáng buồn là hàng tuần vẫn có hàng chục vụ bắt cóc trong nước. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhiều. Nhưng làm thế nào để chống lại hiện tượng này? Quyền lực chính trị có đủ phương tiện để đối phó với băng cướp đang gieo rắc sợ hãi và tang tóc trong xã hội không? Sau khi tôi được tự do, tôi biết đã có những cuộc vận động, đặc biệt là ở Pháp xung quanh vụ bắt cóc của chúng tôi, thật tốt, nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là tìm ra phương pháp để ngăn chặn hiện tượng bắt cóc này. Xã hội Haiti phải vận động và biến nỗi sợ hãi thành cuộc nổi dậy.
Bất chấp bạo lực lan tràn trong nước, vì sao cha vẫn trung thành với Haiti?
Haiti đã là cuộc sống của tôi trong 36 năm, nếu tôi đi, tôi đầu hàng. Ở đây, tôi biết rất nhiều khó khăn dồn dập: động đất, tôi bị bắn vào năm 2015. Nhưng tôi phó thác cho Chúa. Người Haiti được đánh động khi thấy có người ở lại với họ, đoàn kết với họ dù bị gặp rất nhiều khó khăn. Lời chứng này có giá trị hơn tất cả các bài giảng.
Trước khi chịu chức năm 1985, tôi đã sống ở Haiti với tư cách hợp tác từ năm 1976 đến năm 1979. Đó là lúc tôi quyết định sống với dân tộc này. Tôi vào cộng đồng các linh mục Thánh Giacôbê để cống hiến đời mình cho Giáo hội Haiti. Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này, ngược lại là khác. Tôi mong muốn được cống hiến nhiều hơn.
Vài ngày sau khi được phóng thích, tôi về giáo xứ và tôi rất xúc động trước sự chào đón. Tôi cảm động trước đức tin và niềm vui của mọi người khi họ gặp lại chúng tôi. Người dân Haiti không làm gì để phải bị những chuyện đau khổ như vậy trong nhiều năm qua. Đôi khi tôi tự hỏi vì sao Chúa lại để cho dân tộc này bị chìm trong cảnh khốn cùng này.
Với tất cả lòng khiêm nhường, tôi cố gắng cho những gì tôi nhận được từ Chúa Kitô. Sứ mệnh của tôi là làm việc với những người thấp bé. Tôi được giao chăm sóc một giáo xứ ở trên đỉnh cao của thủ đô Port-au-Prince. Nơi đây có ba trường học với khoảng 200 học sinh mỗi trường và một trạm y tế. Tôi cũng đồng hành với những người trẻ muốn thành nhà truyền giáo và các chủng sinh Haiti của cộng đồng các linh mục Dòng Thánh Giacôbê.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nữ tu Agnès Bordeau, cựu con tin ở Haiti: “Chúa Kitô ở giữa chúng tôi, Ngài không bao giờ bỏ chúng tôi!”