Hồng y Nzapalainga kể lại cuộc chiến đấu vì hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi
Đức Tổng Giám mục giáo phận Bangui, người đã đón Đức Phanxicô năm 2015 trong chuyến tông du đánh dấu “phần mở đầu” Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong quyển sách ngài kể lại về hành trình và cam kết hòa giải dân tộc của ngài được đánh dấu qua cuộc nội chiến.
vaticannews.va.fr, Cyprien Việt, Vatican, 2021-05-04
Hồng y Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám mục Bangui, Cộng hòa Trung Phi, vừa cùng nhà báo Laurence Desjoyaux xuất bản quyển sách có tựa đề Ta đến mang hòa bình cho các con (Je suis venu vous apporter la paix, nhà xuất bản Médiaspaul).
Ngài kể lại quá trình đi tu Dòng Chúa Thánh Thần của mình, năm 2009 khi ngài 42 tuổi, ngài được bổ nhiệm đứng đầu giáo phận Bangui, nơi ngài đã triển khai một hoạt động không mỏi mệt để mang hòa bình và hòa giải đến cho người dân Trung Phi, một dân tộc bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến dai dẳng. Bằng cách tạo “Nền tảng hòa bình liên tôn giáo Cộng hòa Trung Phi” cùng với giáo sĩ hồi giáo Omar Kobine Layama và mục sư Nicolas Guérékoyaméné-Gbangou, hồng y Nzapalainga đã triển khai phương pháp dùng lời hóa giải các dân quân, tránh không để các cuộc đụng độ biến thành nội chiến tôn giáo, thậm chí dẫn đến diệt chủng. Những nỗ lực này được Đức Phanxicô khuyến khích trong chuyến tông du của ngài đến giáo phận Bangui tháng 11 năm 2015.
Dù bạo lực vẫn còn xảy ra ở một số vùng, năm 2016, giám mục Bangui, được nâng lên hàng hồng y, là hồng y trẻ nhất của Hồng y đoàn, ngài tiếp tục triển khai hành động của mình gắn liền với Tin Mừng và đi xa hơn, làm chứng cho Tin Mừng ngoài biên giới Châu Phi và thế giới.
Trong một chuyến đi của ngài đến Rôma, chúng tôi đã tiếp ngài ngày thứ sáu 30 tháng 4 tại phòng thu của Đài phát thanh Vatican.
Phỏng vấn Đức Hồng y Nzapalainga
Trước khi trở lại quá trình cá nhân của cha, chúng tôi xin trở lại với hình ảnh đã ghi dấu ấn trên toàn thế giới: chuyến đi gần như “phép lạ” của Đức Phanxicô đến thủ đô Bangui, Trung Phi tháng 11 năm 2015, với việc mở Cửa Thánh tại nhà thờ chính tòa Bangui, khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chuyến đi này của Đức Phanxicô đã để lại dấu ấn gì trong tâm hồn người dân của cha?
Đức Hồng y Nzapalainga: Chuyến đi của giáo hoàng giống như tia sáng chiếu trong bóng tối, vì chúng tôi là tù nhân của bạo lực, tù nhân của tuyệt vọng, của đau khổ, và chúng tôi không thấy một lối thoát nào để đi ra khỏi đường hầm này. Ngài đến từ một đất nước khác, đã tập hợp chúng tôi lại, mang đến cho chúng tôi hòa bình và hy vọng. Ngày nay, với tất cả giáo dân hồi giáo, tin lành, công giáo khi bạn nói đến chuyến đi này, tất cả đều mang một ý nghĩa.
Đúng, người ta nhớ đến ngài vì ngài là người của hòa bình, người dám đến với người hồi giáo, dám cởi giày để cùng cầu nguyện với họ… Đối với người hồi giáo, đó là dấu ấn của lòng tôn trọng! Ngài đã dám, khi đến với người tin lành, họ đã chuẩn bị cho ngài một ghế để ngồi, nhưng ngài đứng lên và phát biểu. Thật là đơn giản, thật là khiêm tốn! Người đã dám làm điều mà trong lịch sử, chúng ta đã không thể làm: mở Cửa Thánh bên ngoài Rôma. Đối với người công giáo, điều này thật khó tin! Và chúng tôi gặp lại nhau, và chúng tôi nhớ, và với chúng tôi, chuyến đi của ngài là ơn Chúa.
Đức Phanxicô mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Bangui, ngày 29 tháng 11 năm 2015.
Cha sinh năm 1967 trong một gia đình hỗn hợp, thân phụ theo công giáo, thân mẫu theo tin lành, và cha được rửa tội ở nhà thờ tin lành. Bầu khí đại kết cha đã sống trong gia đình từ thời thơ ấu, có phải đó là gốc rễ của khả năng giao tiếp với người khác vượt lên các rào cản tôn giáo của cha không?
Tôi ở trong tinh thần đại kết qua cha mẹ, qua việc tôi sinh ra trong gia đình cha mẹ tôi. Tinh thần đại kết được cha mẹ truyền cho tôi vì tôi đã nhìn thấy họ sống! Rất nhiều lần, cha tôi tiếp các bạn công giáo của ông, mẹ tôi luôn tiếp đón niềm nở, khi nào bà cũng ở bên cạnh cha tôi. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thù nghịch nào, chúng tôi cảm nhận được sự tôn trọng, quý trọng, được tiếp nhận qua về với nhau. Đây là nơi tôi sinh ra, và là nơi tôi được ghi dấu.
Đây không chỉ là lời nói, nhưng là thực tế: khi tôi thấy một người cha công giáo, một người mẹ tin lành cùng với những người đồng đạo của mình đến cầu nguyện, người kia cảm thấy gần gũi, tiếp tay để người nọ bày tỏ lòng kính trọng của mình, điều đó làm cho bạn được ghi dấu. Chúng tôi tự nhủ: “Đúng, có thể đi tới được. Dù các con đường có thể khác nhau, nhưng những con đường này có thể giao nhau”. Và theo tôi, những con đường này giao nhau qua tinh thần đại kết.
Nhà thờ chính tòa Bangui được trang hoàng cho chuyến tông du của giáo hoàng ngày 29 tháng 11 năm 2015.
Trong quyển sách của cha, cha kể một tuổi thơ hạnh phúc, dù phải sống trong cảnh nghèo. Cha không có nhiều sách vở hoặc có một đời sống văn hóa, nhưng cha thấy mình hạnh phúc. Kinh nghiệm sâu sắc về sự nghèo khó này, rốt cuộc có phải là điều kiện để được Chúa lắng nghe, để sẵn sàng cho một cuộc gặp gỡ với Chúa không?
Thánh vịnh 33 nói: “Khi người nghèo khóc, Đức Chúa lắng nghe”… Người nghèo chẳng có gì nhiều, của cải của họ là Chúa. Cuối cùng, nếu chúng ta đi đến tận cùng của mọi thứ, chúng ta tất cả đều nghèo! Đó không chỉ là nghèo đói về vật chất, có rất nhiều dạng nghèo. Chúng ta phải đi xuống ngai của mình để thấy mình đã tiêu tùng, mình có nhiều hạn chế và có nhiều nơi còn nghèo đói.
Chỉ có Chúa mới lấp đầy những đói nghèo này và Ngài làm điều này qua nhiều kênh, nhiều trung gian, đàn ông cũng như đàn bà, qua các sự kiện để chúng ta thấy Ngài hiện hữu. Còn tôi, tôi có thể nói, khó nghèo này đã đã sâu trong lòng tôi một khát khao Chúa, Đấng đã ở đó với cha mẹ tôi, cha mẹ tôi cầu nguyện và Chúa là tảng đá của họ. Còn tôi, điều quan trọng, hành trình của tôi xuất phát từ thực tế, đối với bản thân là người nghèo như tôi, Thiên Chúa đã đến với đất nước chúng tôi, thế giới chúng tôi là một Thiên Chúa đến với người nghèo.
Đúng, Ngài đến để làm cho người nghèo phong phú. Nếu người nghèo mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim và đón nhận Ngài, trái tim họ sẽ tràn ngập sự hiện diện của Ngài và họ sẽ có thể làm lan tỏa sự hiện diện này.
Hồng y Nzapalainga với các trẻ em Trung Phi.
Về việc khát khao Chúa, lời kêu gọi ơn gọi cá nhân của cha được tôi rèn như thế nào?
Ước muốn được biết Chúa đến từ bản thân tôi, khi nhỏ tôi thường đi theo mẹ đến nhà thờ tin lành, tôi được rửa tội ở nhà thờ tin lành, tôi thấy cha tôi không đi ngày chúa nhật với chúng tôi, tôi hỏi: “Con có thể đến chỗ cha cầu nguyện được không?” Và tôi được phép đến đó, tôi đến và không bao giờ rời đó. Tôi đến đó và thấy một cách phụng vụ khác, một cách cầu nguyện khác.
Chúa gọi tôi đến đó, và tôi nói với mẹ: “Con không muốn đi với mẹ nữa. Con đi với bố đây.” Tôi xin giáo phận lễ, tôi học giáo lý và tôi được rước lễ lần đầu. Mọi thứ bắt đầu rất nhanh, khi linh mục ở đó đến nhà cầu nguyện với cha tôi và các tín hữu kitô khác, tôi đã được một chứng nhân của Tin Mừng thuyết phục. Linh mục Lêô người Hà Lan, Dòng Chúa Thánh Thần, chính ngài đã làm cho tôi khao khát Chúa. Tôi tự nhủ: “Tôi muốn làm như ngài!”
Như giấc mơ của một em bé muốn đi theo một cầu thủ vĩ đại, nói rằng “tôi cũng vậy, sau này, tôi muốn được như cầu thủ Zidane, Ronaldo hay thậm chí là Benzema”, họ là những tên tuổi mà khi nhìn họ đá bóng, mình muốn bắt chước họ. Tôi cũng muốn noi gương ngài để truyền giáo, nhưng sau đó, phải tiến xa hơn nữa: ngài là bàn đạp để mở cánh cửa cho tôi, khám phá ra nhân chứng đích thực, Đấng mà tôi đi tìm: chính là Đấng Kitô, chính Ngài.
Hồng y Nzapalainga
Sau đó, cha vào Dòng Chúa Thánh Thần, khi là tu sĩ trẻ, cha sống mười năm ở Pháp từ năm 1994 đến năm 2004, đầu tiên là ở vùng Paris và sau đó ở Marseille trong trường dạy nghề ở Auteuli với những người trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Kinh nghiệm này đôi khi rất bạo lực và đau đớn. Ngày nay, cha có cái nhìn nào về Âu châu và nước Pháp? Đằng sau sự thờ ơ tôn giáo rõ rệt, cha có thấy những dấu hiệu nào cho một khao khát Chúa bất chấp mọi thứ không?
Cái nhìn mà tôi có về Âu châu, với tư cách là người của Chúa, là một cái nhìn của hy vọng, một cái nhìn của lòng thương xót. Một cái nhìn đầy hy vọng vì Chúa tiếp tục dang tay cho mọi người để họ quay về với Ngài. Những sự kiện của thế giới, của mọi người có thể làm chúng ta rời xa Chúa trong một thời gian, nhưng Ngài vẫn luôn ở đó, Ngài nháy mắt với chúng ta. Ngài đang chờ. Sự dịu dàng này không biến mất.
Tôi nghĩ Chúa đang chuẩn bị một cái gì đó cho châu Âu này và Ngài, Ngài cũng có bí mật, nhưng Ngài xin tôi đóng góp để sự hiện diện của Ngài không biến mất trong quả tim, trong đầu óc, trong các gia đình, trong bối cảnh, trong văn hóa. Miễn là Ngài ở đó, vì chính Ngài là ánh sáng, sẽ soi sáng những gì chúng ta phải xây dựng để thực hiện, để chúng ta quyết định. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ ở hàng ngang, vì thế tôi có một cái nhìn hy vọng, nghĩ rằng Chúa vẫn tiếp tục canh sóc.
Còn chúng ta, về mặt con người, chúng ta có thể nghĩ, mọi thứ sẽ xuống dốc, mọi thứ sẽ kết thúc… Không, đó là cái nhìn của con người. Nhưng Chúa có một bí mật, Chúa đang chuẩn bị một cái gì đó, và chúng ta luôn thấy, trong những lúc thử thách, luôn có một cái gì đó. Ngay cả người phụ nữ khi sinh nở cũng có một cái gì đó. Chúng ta thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”, chúng ta chờ bình minh mới này, và tôi cũng thấy nó ló dạng ở chân trời.
Có những người trẻ năng động, dấn thân nói lên đức tin của mình, và trong thời buổi Covid, tôi thấy có những người trẻ muốn đi nhà thờ, muốn cầu nguyện, muốn gần gũi với Chúa. Tôi tự nhủ: đây là cái nháy mắt của Chúa dành cho chúng ta. Có lẽ một số người không biết rằng ở tuổi 15, 20, chúng ta có thể tìm thấy những người trẻ năng động, dấn thân muốn làm chứng cho đức tin của mình. Ngày Thế Giới Trẻ luôn ở đó để nói lên cho chúng ta biết điều này. Chúng tôi muốn những người trẻ này ghi lại cam kết, đức tin của họ về lâu về dài, không phải chỉ ở trong một thời điểm ngắn hạn, nhưng trong một thời điểm bình thường. Vì vậy, tôi có cái nhìn hy vọng cho Âu châu và tôi hy vọng Chúa đang làm điều đó.
Bản thân tôi, tôi đã ở Pháp 10 năm, với những lúc rất khó khăn, đau khổ. Chúng ta đứng nghĩ thời xưa là đẹp và bây giờ là khó khăn. Không! Mỗi lịch sử, mỗi văn hóa, mỗi thời điểm đều có những khó khăn riêng, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào chúng ta và tôi cầu xin Chúa để tìm được giải pháp, để có thể có những lựa chọn xen kẽ cho những khó khăn đang đến với tôi. Khi những người trẻ gặp khó khăn muốn đến dự các lớp của tôi, muốn giải quyết các khó khăn với tôi, tôi phó cho Chúa và tôi cầu nguyện.
Và đó là trường hợp, có một ngày nọ, một người trẻ đến gặp tôi và hỏi tôi: “Điều gì đã làm cha không bỏ cuộc? Bởi vì chúng con, chúng con chỉ muốn cha để chúng con yên, cha đừng dạy những chuyện mà chúng con không muốn nghe.” Và tôi nói với anh: “Con có thấy Chúa không?” Anh ấy nói “không!”, khi đó tôi nói với anh: “Nếu con muốn cha bỏ cuộc, thì trước hết con phải làm cho Chúa, là Đấng con không thấy, bỏ cuộc, sau đó con đến đây làm cho cha bỏ cuộc.
Anh nhìn tôi rất lâu, rồi đập nhẹ tay vào tay tôi, từ đó chúng tôi rất thân nhau, vì khi các em muốn thử tôi, nhưng còn tôi, tôi dựa trên tảng đá vững chắc.
Và trong thế giới này, tôi ước mơ và tôi cầu nguyện để có nhiều người lớn dựa vào tảng đá vững chắc, để cho người trẻ đến dựa trên họ. Đôi khi chúng ta không chắc về mình thì làm sao chúng ta có thể trấn an người khác được! Con cái mong người cha của mình vững vàng, mạnh mẽ. Dĩ nhiên, người cha có những yếu đuối, những giới hạn của ông, nhưng người con có thể nắm lấy tay cha. Nếu vào buổi sáng đầu đời, người con đã té, nó sẽ dựa vào ai? Đó là câu hỏi lớn của tôi, chúng ta sẽ dựa vào ai. Tôi dựa vào Chúa và tôi cầu nguyện, và tôi cầu cho có nhiều người lớn nhìn vào Chúa này. Khi dựa trên tảng đá vững chắc, những người khác sẽ tiến về phía chúng ta.
Đức Hồng Y Nzapalainga, tại Vatican trong Thượng Hội Đồng Giới Trẻ, 2018.
Sau thời gian ở Pháp, năm 2004-2005 cha được gọi về Cộng hòa Trung Phi và làm bề trên Dòng Chúa Thánh Thần, sau đó cha được Đức Bênêđictô XVI đổi về giáo phận Bangui, trước tiên là giám quản tông tòa, sau đó là tổng giám mục. Cha đã đương đầu với những cuộc khủng hoảng nội bộ rất nghiêm trọng trong Giáo hội, và cả những cuộc khủng hoảng rất nặng ở cấp độ chính trị, cụ thể là với cuộc tấn công của Seleka năm 2013. Cha đã xoay sở như thế nào để chống lại nỗi sợ hãi, những mối đe dọa đối với chuỗi sự kiện xé tan đất nước Trung Phi?
Sứ mệnh, không phải của tôi. Đó là sứ mệnh của Chúa Kitô, sứ mệnh của Giáo hội. Tôi chỉ nhận nhiệm vụ này. Tôi là một phần tử mà Chúa đặt ở đó vì nhu cầu hòa bình, nhu cầu hiệp nhất, nhu cầu hòa giải. Và tôi đã sẵn sàng đặt mình trong thời khắc tế nhị này. Tôi không phải là ảo thuật gia có tất cả giải pháp, không… Trong những thời điểm khó khăn nhất chúng tôi trải qua, tôi đã nói với các anh chị em: chúng ta hãy ngồi xuống. Chúa nói với bạn, Chúa nói với tôi. Làm thế nào để tìm ra giải pháp vào lúc này? Trong cuộc khủng hoảng của Giáo hội, chúng tôi cũng làm như vậy.
Khi cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu, người hồi giáo, tin lành, công giáo, chúng tôi gặp nhau. Truyền thống của chúng tôi là hiếu khách, là luôn có một chỗ đứng quan trọng trong việc đón nhận người khác, chúng tôi chưa bao giờ có chiến tranh tôn giáo. Đối diện với cuộc chiến đang xảy ra, trong đó có tôn giáo, chúng ta vẫn thụ động không? Chúng ta có sẽ nhìn bạo lực, hận thù, chia rẽ tràn ngập dân số của chúng ta không? Không!
Như chỉ là người duy nhất, chúng ta sẽ đứng lên nói cùng một tiếng nói: “Không, tôn giáo của chúng tôi không xúi giục tôi chiến tranh, cũng không bạo lực, cũng không hủy diệt.” Đối với tôi, tôi khởi đi từ Chúa, để bây giờ thông phần với người khác, đó là rõ ràng. Không có Chúa, tôi không là gì.
Đức Hồng Y Nzapalainga.
Cha đang dẫn đưa một trải nghiệm đối thoại liên tôn rất căng thẳng ở Cộng hòa Trung Phi, liệu phương pháp của cha, kinh nghiệm của cha có là nguồn cảm hứng cho các quốc gia châu Phi khác cũng đang trải qua nước mắt và cho cả phần còn lại của thế giới không?
Mỗi phương pháp là duy nhất. Khi chúng ta đến với nhau, trên thực tế, trước đó đã có tinh thần đại kết, nhưng vẫn chỉ là lý thuyết. Trước đây, đã có đối thoại giữa các tôn giáo, nhưng vẫn chỉ là lý thuyết. Nhưng với thử thách, chúng tôi trở nên thân thiết, vì đó là những kinh nghiệm.
Ba tôn giáo chúng tôi thảo luận, chúng tôi phản ánh, chúng tôi đề nghị, chúng tôi chọn từ ngữ, để khi chúng tôi giới thiệu về mình thì có một người đứng lên nói, nhưng họ nói nhân danh chúng tôi. Và tôi nghĩ đó là một thông điệp đẹp. Điều quan trọng là chúng tôi có thể tìm kiếm sự bình an này với những người khác, và trải nghiệm đối thoại liên tôn giáo này là duy nhất. Chúng tôi đã cùng nhau làm việc. Nền tảng Liên tôn giáo tồn tại và trong đó chúng tôi có người hồi giáo, tin lành, cùng tồn tại với một thực tế, sống chung là một thực tế. Chúng tôi đụng chạm nhau, chúng tôi thảo luận, chúng tôi tranh luận, chúng tôi đề xuất, để thử nghiệm một cách làm việc khác.
Khi có điều gì đó xảy ra, mục sư nói với tôi: “Xin cho tôi một thời gian để tôi kiểm trong nội bộ chúng tôi.” Với chúng tôi, thường thường khi đưa ra một quyết định, đó là thứ bậc, nhưng với họ, trước tiên cần phải thảo luận rất lâu! Bạn có thể cảm thấy mất thì giờ, nhưng không, đó là quá trình của họ. Chúng ta phải tích hợp điều đó ngay bây giờ: khi chúng ta muốn đi về phía trước, thì phải cùng đi với người kia. Bước chân của tôi đi rất nhanh, nhưng bây giờ tôi phải chấp nhận đi chậm lại để chờ đợi, và cũng để hiểu vì sao người kia không đi nhanh. Trong sự va chạm này, chúng tôi gặp nhau, và tôi hy vọng một số người cũng sẽ có thể đưa ra đề xuất.
Khi chúng tôi nhìn lại đàng sau, khi đất nước chúng tôi phải đối diện với cuộc khủng hoảng, cộng đồng bị chia rẽ, bởi vì hồi đó đã có hỗn loạn, không còn quyền lực nữa. Đó là những kẻ phản loạn, những lãnh chúa chiến tranh có quyền sinh sát. Và chúng tôi ở trong tình trạng hỗn loạn này. Chúng tôi đã làm gì như một phương pháp? Điều đầu tiên là xoa dịu, khôi phục lòng tự tin, lắng nghe và tham gia vào cuộc đối thoại. Người tin lành đi với người tin lành, người hồi giáo đi với người hồi giáo, người công giáo đi với người công giáo. Và chúng tôi đặt những câu hỏi đơn giản: “Chuyện gì đã xảy ra? Nó diễn ra như thế nào? Bạn nhìn thấy tương lai của ngôi làng này, của thành phố này như thế nào?”. Trong căng thẳng, người kia bị cho là ma quỷ, thì trong cộng đồng, chúng tôi ngồi xuống, tham gia đối thoại, lắng nghe và trên hết là tạo ra một câu chuyện chung cho mọi người.
Nói lên, là trị liệu. Nhiều lần tôi thấy các nhóm nói chuyện rất lâu, chúng tôi cảm nhận thấy họ được giải thoát bằng cách lắng nghe. Và cuối buổi nói chuyện, họ được triển nở. Nhóm này học để tạo ra một câu chuyện chung. Có 100 người với nhiều câu chuyện kể: làm việc để xây dựng một câu chuyện chung cho cộng đồng. Điều này không hiển nhiên, nhưng cuối cùng họ đã làm được. Người thư ký ghi chép và nói: “Đây là câu chuyện của người công giáo mà chúng tôi sẽ trình bày”, “đây là câu chuyện của người hồi giáo…”, nhưng câu chuyện này phải được một nhóm lớn hơn chứng thực. Và khi họ đến, họ có một người phát ngôn, họ đã tranh luận, họ đã thảo luận rồi. Họ đã loại bỏ rất nhiều thứ, và họ đến với câu chuyện của họ.
Và chúng tôi với tư cách là người quản lý, chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi nghe các câu chuyện. Có các yếu tố hội tụ và cũng có các yếu tố phân tán, có yếu tố để sự thật xảy ra. Phần vai trò của chúng tôi là làm cho câu chuyện gắn kết và chúng tôi tự vấn.
Quanh bàn họp, đã sáu tháng, có khi đến một năm, mọi người không nhìn nhau, có thể người kia bị cho là ma quỷ, nhưng bây giờ họ ở chung quanh một bàn. “Đây là câu chuyện của chúng tôi.” Người kia có thể tranh cãi: “Những gì bạn nói với nhau, không phải là những gì đang xảy ra trong cộng đồng của chúng tôi.” Tôi có những ví dụ về loại này: trong một cộng đồng hồi giáo, có một doanh gia lớn, bị người tin lành và công giáo xem là đồng phạm với quân phiến loạn vì, trong cửa hàng của ông, ông để cho một đại tướng nổi loạn bán những hộp đường.
Và những người theo đạo tin lành và công giáo nói: “Chúng ta không còn có thể chào đón ông này nữa, chúng ta không mua hàng ở đây nữa. Ngày họ rời đi, chúng ta sẽ phá hủy căn nhà của ông, chúng ta có thể giết ông vì họ đã giết người của chúng ta”. Nhưng đến ngày họp thì thật ngạc nhiên, quá bất ngờ! Biểu hiện của sự thật: cộng đồng hồi giáo nói với chúng tôi: “Không, ông này là con tin. Đại tướng đến với vũ khí. Ông bước vào, ông nói, ‘Tôi muốn bán các hộp đường của tôi ở tiệm của ông.’ Bạn có thể nói gì được không?”
Những chiếc mặt nạ rơi xuống, chúng tôi đã khám phá ra sự thật. Ông này là một nạn nhân, phải cần nơi chốn, cây che bóng, không gian xung quanh bàn để sự thật được biểu lộ ra lúc đó. Với tư cách là những nhà lãnh đạo, vai trò của chúng ta là làm sao giúp mọi người thấy được sự thật, để sự thật xoa dịu và khôi phục lòng dũng cảm và tự tin. Hơn nữa, nó tập hợp mọi người lại với nhau, sau đó mọi người bắt đầu có cái nhìn khác về người khác.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ khác. Trong một cộng đồng hồi giáo, con trai của giáo sĩ ăn cắp một chiếc xe. Chuyện này bên tin lành đã biết. Người hồi giáo biết chuyện này nhưng không ai dám nói, kể cả với giáo sĩ cũng như với người thanh niên. Sợ khủng bố, sợ mọi chuyện kéo theo nên làm cho mọi người không ai nói ra. Hận thù ở đó, muốn trả thù ở đó. Chúng tôi là những nhà lãnh đạo, chúng tôi đến, chúng tôi nghe những chuyện này và chúng tôi đến hỏi giáo sĩ. Và ông nói: “Con trai của tôi, bây giờ nó đã trưởng thành, nó tự hành động.” Và chúng tôi nói, “với cương vị là người cha, ít nhất ông cũng nói, ông không đồng ý thay vì tiếp tục im lặng đồng tình”. Và ông đã nói. Dù không trả lại chiếc xe, nhưng ít nhất ông đã nói, người khác thấy ông nói, họ hiểu ông không đồng ý với việc người con làm. Quyết định giữ khoảng cách với sai lầm. Khi bạn là nhà lãnh đạo, bạn phải vạch ra nhiều luống, nhiều con đường để đặt mọi người trên con đường đi đến hòa bình.
Hồng y Nzapalainga trong một trường học ở Bangui.
Còn hơn cả thần học gia hay nhà quản trị, trên hết một giám mục phải là một ngôn sứ chăng?
Tất cả trong một! Bởi vì bạn có một quản trị viên ở đó: bạn có những người bạn phải tháp tùng, giúp đỡ, bạn có của cải để quản lý và bạn phải chăm sóc để những người này luôn ở trong đường ngay nẻo thẳng, để họ không bị cuốn theo chiều gió, gió chiều nào theo chiều đó. Và mọi người nhìn bạn, vì bạn là người quản trị ở đó, và bạn cũng có nhiệm vụ làm chứng nhân.
Khi bạn là giám mục, bạn là mục tử, chủ chăn của một dân tộc, bạn là người được mọi người xem là đại diện Chúa Kitô. Bạn là người mang đến cho họ Lời Chúa, người ban bí tích cho họ, người an ủi họ và mọi người đang chờ ở bạn. Ngôn sứ, đúng, vì bạn được gửi đến cho mọi người, không phải chỉ với người công giáo, cho tất cả mọi người, vì Chúa Kitô đã ban sự sống cho mọi người, và bạn làm công việc này để có “một lối đi đến các vùng ngoại vi”, như giáo hoàng muốn nói, để nói, cũng như ngôn sứ, thông điệp của tôi không chỉ dành cho cộng đồng riêng của tôi, nhưng là thông điệp phổ quát.
Đó là một công việc to lớn phải làm để thoát ra khỏi chính mình. Đôi khi, chúng ta thoải mái trong ý tưởng của mình, trong môi trường của mình. Đi ra ngoài để đối diện với những cách nhìn, cách nghĩ, cách cầu nguyện khác, không phải là điều dễ làm. Bạn bị đặt vấn đề, bị lay động nhưng phải vững trên đôi chân của mình, bám rễ trên nền tảng vững chắc, nếu không gió sẽ cuốn bạn đi và bạn sẽ mất hút. Ngôn sứ, đúng, thế giới cần ngôn sứ, giám mục cũng vậy, nhà quản trị cũng vậy, đúng, thế giới cần tất cả.
Hồng y Nzapalainga trong một thánh lễ ở Bangui.
Và theo nghĩa này, chức hồng y của cha năm 2016 đã tạo dấu hiệu cho toàn người dân Trung Phi, và không chỉ cho riêng người công giáo?
Đúng, tôi có thể nói như vậy vì ngày tôi được phong hồng y, giống như chúng tôi đã thắng một trận đá banh: trên khắp nước, đâu đâu cũng ăn mừng, mọi người đổ ra đường, ca hát, ôm nhau. Giống như chúng tôi ghi được một bàn thắng!
Còn tôi, trên đường trở về sau chuyến đi thăm nông thôn. Để đi 12 cây số, tôi mất bốn tiếng đồng hồ, đám đông quá dày đặc, họ ca hát, la hét khắp nơi. Vì thế, ở đâu đó người dân đã khẳng định với nhau: “Chúa nhìn đến người nghèo”. Cuối cùng, là Chúa, không phải tôi, dân tộc này khao khát một điều gì đó khác mà giờ đây đã được công nhận, lớn lên, và chính dân tộc này – ở đó, bây giờ, có một chỗ đứng trong số các chỗ đứng khác, và đó là cái nhìn của tôi về những chuyện đã xảy ra. Tôi nghĩ Chúa muốn nói, chúng tôi không phải là những kẻ bị lên án, và chúng tôi cũng là những đứa con yêu dấu của Chúa.
Giám mục Nzapalainga (khi chưa là hồng y) trong lễ nhận dây pallium ở Rôma ngày 29 tháng 6 năm 2013.
Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, Đức Phanxicô nói về tình huynh đệ, cha tìm thấy dấu vết nào trong các kinh nghiệm của cha? Cha có nghĩ cha đã truyền cảm hứng chút nào cho giáo hoàng trong văn bản này không?
Tôi không nói tôi đã truyền cảm hứng cho ngài! Nhưng khi ngài đến, ngài đã thấy, đã chứng nghiệm, và ngài tiếp tục làm. Về phần tôi, đó là quan trọng. Tôi xin đơn cử một ví dụ: khi ngài đến gặp chúng tôi, ba ngày sau, trước đó tôi vẫn đến khu phố của người hồi giáo, tôi bắt đầu khuyên các linh mục, các giáo dân của tôi, tôi nói với họ: “Nhưng vì sao các bạn ở đó và không làm gì, chỉ nhìn thôi sao? Bây giờ chúng ta phải đi ra ngoài để gặp nhau. các bạn nhìn giáo hoàng, ngài đã đi một chặng đường rất xa, từ Rôma đến đây. Ngài đến nhà chúng ta, ngài đến với người hồi giáo, người tin lành… Tại sao chúng ta lại sợ? Chúng ta chỉ ở cách đây vài mét!” Tuần sau, chúng tôi đến với một số lượng người ấn tượng. Các bạn thấy đó, ngài đã giải thoát năng lượng chúng tôi, ngài đã gởi cho chúng tôi một sứ mệnh.
Ngài nói với chúng tôi, bây giờ người kia không phải là thuốc độc hay mối nguy hiểm. Người kia có thể là bàn đạp, để mình ý thức về chính mình, để hướng đến việc xây dựng một thế giới mới. Chúng ta là anh em, và đối với tôi đó là điều quan trọng! Tất cả đều là anh em!
Tôi nghĩ chúng ta cùng chia sẻ tình nhân loại, chúng ta chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện. Khi có các sự kiện, giáo sĩ hồi giáo đến ở với tôi trong sáu tháng. Tôn trọng cách cầu nguyện, cách nhìn, cách suy nghĩ của ông. Vợ ông cũng ở đó, các con của ông cũng vậy, chúng tôi đón nhận tất cả vì tất cả chúng tôi đều là anh em.
Con cái của Abraham ở đó, con cái của ông A-dong cũng ở đó, sau đó thì chúng ta đi những hướng khác nhau, nhưng chúng ta tất cả đều là con của Chúa. Và từ đó… Chúng ta có thể tạo ra các lý thuyết, nhưng những trải nghiệm này, sẽ không ai có thể tước bỏ chúng khỏi chúng ta. Chúng sẽ mãi khắc ghi trong ký ức của chúng ta, trong trái tim của chúng ta.
Hồng y Dieudonné Nzapalainga với giáo sĩ hồi giáo Omar Kobine Layama, đã qua đời vào tháng 11 năm 2020.
Marta An Nguyễn dịch