Joël Pralong: “Tại chủng viện, tôi là mục tử, người chuyền bóng cho các chứng nhân”
Cha Joël Pralong sẽ giữ hình ảnh của những người trẻ “trở thành tác phẩm của lòng thương xót trong bàn tay Chúa” | © Bernard Hallet
cath.ch, Bernard Hallet, 2021-04-30
Mùa hè này, linh mục Joël Pralong sẽ rời chủng viện, sau bảy năm ở chủng viện Givisiez, Thụy Sĩ. Ngài xác định mình là một mục tử, chia sẻ với trang Công giáo Thụy Sĩ kỷ niệm và cách ngài đồng hành với các bạn trẻ trong những năm vừa qua.
Trách nhiệm chủng viện giáo phận Sion và năm phân định, cha Joël Pralong làm chứng cho sự dấn thân của mình với các bạn trẻ. Ngài nói về công việc cụ thể trong tư cách là người thực hành, giúp ngài quan sát được sự tiến hóa của các thế hệ nối tiếp nhau trong chủng viện.
Xin cha cho biết cái nhìn của cha trong bảy năm ở chủng viện?
Cha Joël Pralong: Tôi đã sống thời kỳ này như một ơn sứ vụ. Sống với các bạn trẻ và đào tạo họ là cả một đam mê. Tôi luôn yêu các bạn trẻ, và đó là một thế giới tôi biết rõ. Dù đã lớn tuổi, nhưng tôi còn giữ tính bốc đồng, luôn tìm kiếm những điều mới mẻ. Tôi thích đổi mới. Tôi hoàn toàn thấy mình trong đó.
Cha đã phản ứng như thế nào khi được đề nghị giữ chức vụ này?
Tôi đã nghe nhiều chức danh về thể chế như: “giám đốc chủng viện”, “người bảo vệ chủng viện”, “bề trên chủng viện”. Nhiều tên chúng ta thích gọi trong Giáo hội và thường làm tôi mỉm cười. Khi Đức Giám mục Lovey (giám mục giáo phận Sion) đề nghị, tôi hơi sợ, nhưng ngài nói với tôi: “Tôi cần một mục tử cho chủng viện”. ‘Mục tử’ là từ đã làm cho tôi hứng khởi nhận.
Tôi thấy tôi trong chức danh mục tử. Tôi đã sống như một mục tử, nhưng tôi cũng sống như người chuyền banh cho các chứng nhân. Không phải khi nào chúng ta cũng dễ dàng truyền ngọn lửa chúng ta có trong lòng đến các giáo xứ. Trong khi tôi có thể truyền cho các bạn trẻ, những người dễ tiếp thu, tất cả ngọn lửa sống trong tôi, ngọn lửa đam mê truyền giáo, đam mê Chúa Kitô.
“Chúa làm đẹp cho những ai bé nhỏ và làm phong phú cho những ai nghèo nàn.”
Cha đã nhận chức vụ của mình như thế nào?
Mới đầu tôi tự hỏi tôi sẽ làm gì ở đó, tôi hối hận vì đã không ở lại giáo xứ. Có người nói với tôi: “Chúa đến gọi cha vì cha là người nhỏ nhất trong giáo phận.” Đúng vậy, với mét sáu mươi hai, tôi là người nhỏ nhất giáo phận (cười).
Đó là điều tôi muốn truyền cho các bạn trẻ này. Chúa làm đẹp cho những ai bé nhỏ và làm phong phú cho những ai nghèo nàn. Tôi là người hiếu động, chuyện này đòi hỏi tôi phải hoán cải thực sự ngay từ đầu, để được ổn định. Sau đó tôi thấy điều quan trọng là phải sống trong tinh thần hiệp thông và hiểu biết lẫn nhau.
Là linh mục, trước hết là học cách trung thực với chính mình, sống với những tình huống nội tâm trái khoáy, với tính khí mà tôi không thích, với tính cách mà tôi không phải lúc nào cũng chấp nhận để biến nó thành nơi Chúa có thể đến thăm. Sau đó là phải tìm thấy một sự hiệp nhất trong chính mình.
Đã quá lâu linh mục được đặt trên bệ, bây giờ thì ngược lại: đằng sau mỗi linh mục, người ta thấy tiềm tàng một kẻ ấu dâm. Chúng ta đã đi từ thái cực này sang thái cực khác. Do đó, tôi càng khâm phục hơn khi thấy các bạn trẻ đến chủng viện với tất cả những gì chúng ta đã thấy trong Giáo hội.
“Là linh mục, trước hết là học cách trung thực với chính mình”
Khi cha hướng dẫn các bạn trẻ bước vào chức tư tế, điều gì là quan trọng nhất đối với cha trong việc đào tạo này?
Theo tôi là giúp họ trung thực với chính họ. Trong bảy năm, tôi luôn lải nhải với họ, Chúa đến tìm họ chính xác là vì họ nghèo. “Hãy là chính mình, là con người với những tổn thương của mình, với những gì mình không thích ở bản thân, với những thất bại và làm tất cả những chuyện này thành đồng minh của mình.”
Khi còn là chủng sinh trẻ, tôi khó chấp nhận bản thân mình. Trong những năm này, hình ảnh linh mục là hình ảnh của một người thông minh, hiểu biết mọi chuyện, hiểu giáo điều và cũng là người đa tài trong phòng tập thể dục: người hoạt náo điều hành giỏi các buổi sinh hoạt, biết cách nói chuyện với trẻ em, với thanh thiếu niên, với người lớn. Và có khả năng tổ chức, điều hành giáo xứ. Tất cả những chuyện này làm cho tôi hoảng sợ và tôi tự nhủ: “Tôi phải thành công”. Cho đến ngày người cha thiêng liêng của tôi nói với tôi: “Con bị lên đoạn đầu đài phải thành công, con bị lên đoạn đầu đài phải yêu”. Có nghĩa là: con phải học, con phải là chính con, dưới cái nhìn yêu thương của Chúa. Trước khi làm thánh, con hãy làm người.
Tâm trạng của cha như thế nào khi sống những năm này?
Tôi rất thích thần học, nhưng tôi nghĩ, đúng hơn tôi là người thực hành. Tôi đam mê triết học, thần học, đặc biệt là tâm lý học, nhưng khi người khác nói về một chủ đề, một khái niệm, tôi thấy ngay ứng dụng cụ thể của nó. Trong nghĩa này, tôi là mục tử. Ở chủng viện, tôi như ở trong giáo xứ với 100% thực hành… và các học viên hầu như không bao giờ buồn ngủ! Tôi cũng đã sống như những nhân chứng khi kể cho họ nghe về kinh nghiệm của tôi trong tư cách linh mục.
Tôi tâm đắc với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: “Mình phải được nhặt bên vệ đường, trước khi đi nhặt người khác”.
“Khi người khác nói về một chủ đề, một khái niệm, tôi thấy ngay ứng dụng cụ thể của nó. Trong nghĩa này, tôi là một mục tử.”
Đâu là chân dung những người trẻ khi họ bước vào chủng viện?
Họ đến từ mọi tầng lớp xã hộ, vì Chúa Kitô, được Chúa Kitô gọi để “phục vụ” Giáo hội. Những người trẻ này đang đi tìm một chiều sâu và sự thật. Chiều kích này rất nổi bật. Và từ Đấng Kitô, chúng ta có thể xây dựng nên con người.
Họ không đến bằng cách cho mình là người biết hết mọi chuyện với ý định thay đổi Giáo hội. Họ khiêm tốn, khát khao tìm hiểu và khát khao biết Chúa. Đó là những trang giấy trắng, khác với các thế hệ trước, dấn thân “phụng sự” Giáo hội khi bước qua cổng chủng viện, họ đã nói: “Tôi biết điều gì đúng và tôi biết cách nào để thay đổi Giáo hội”.
Đặc điểm của các chủng sinh trẻ là gì?
Những người trẻ bước vào chủng viện với ít các cột mốc về con người và đạo đức hơn tôi ở tuổi họ, một số còn chưa nhận ra các cột mốc này. Và đó là điều làm họ mong manh. Một số có cha mẹ ly hôn, một số có cha mẹ không tin. Và một cách nghịch lý, những điều này ngày nay trở thành phức tạp hơn. Họ đến từ một thế giới của chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa cá nhân, nơi mọi người không còn dành thì giờ để gặp nhau.
Đâu là hệ quả của các vụ lạm dụng trong Giáo hội ảnh hưởng đến việc đào tạo chủng sinh?
Đào tạo về khía cạnh tình cảm-tình dục đã được đẩy mạnh. Tôi mở một khóa học về tâm lý-tâm linh, mối liên hệ giữa con người và tâm linh. Chúng tôi có các nhà tâm lý học giảng dạy. Chẳng hạn năm nay, chúng tôi mời một nhà tình dục học từ Pháp, một người rất đáng kể.
“Những người trẻ bước vào chủng viện với ít các cột mốc về con người và đạo đức hơn tôi ở tuổi họ.”
Chúng tôi cũng củng cố sự gắn kết của cộng đồng bằng cách củng cố tinh thần gia đình. Linh mục Nicolas Glasson (đồng giám đốc chủng viện) và tôi làm việc cùng với một nhóm, đó là trọng tâm trong cách làm việc của chúng tôi.
Nếu làm việc một mình, tôi sẽ thất bại. Chúng tôi có một hội đồng hỗ trợ gồm có Cha Tổng Đại diện giáo phận Sion, Richard Lehner, các cha linh hướng của chủng viện và một cặp vợ chồng đã sống cùng với chúng tôi trong bốn năm. Điều này giúp chúng tôi có những nhận thức đa dạng về chủng viện, đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Cha quan sát gì ở những người trẻ này?
Theo tôi, dường như chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại các nguyên tắc cơ bản, như đời sống thần nghiệm, đời sống thiêng liêng và các kiến thức. Các người trẻ bị thu hút bởi vẻ đẹp của phụng vụ. Một số thích thánh ca Gregorian, một số khác nhạy cảm với các nghi thức phụng vụ, hoặc quan tâm đến nghi thức phi thường của phụng vụ. Rõ ràng họ quan tâm đến thiêng liêng tính, những người lớn tuổi chúng ta có lẽ đã hơi lơ là.
Điều này làm cho các người lớn tuổi nghĩ có một sự đi lui. Tôi không nghĩ vậy. Tôi nhìn thấy, thực chất đây là cuộc đi tìm những điểm quy chiếu và đi tìm một thiêng liêng tính mà họ không còn nữa.
Cha nhắc đến các chủng sinh rất trẻ, những người trong quá trình trở nên, đặc biệt liên quan đến tình trạng tình cảm. Cha không nghĩ nên nhận những người đã chín chắn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn sao?
Chúa luôn tự do khi Ngài gọi ai vào lúc nào và ai là người Ngài gọi. Sau đó, việc của chúng tôi là xem ứng viên có các kỹ năng con người và liệu đương sự có thể nhận một ơn gọi như thế hay không. Đó là vấn đề cần phân định trong nhiều năm. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh ở tuổi 24 và thiếu niên Carlo Acutis, qua đời năm 2006 khi mới 15 tuổi, anh vừa được phong chân phước. Không có giới hạn nào trong cái nhìn của Chúa.
“Giáo hội luôn là một phần nhỏ của những người được thuyết phục, ‘những người nghèo hèn nhỏ bé của Đức Giavê’ như chúng ta thấy họ trong Cựu Ước.”
Cha có lạc quan cho tương lai không?
Hơn cả lạc quan, trên hết, tôi vẫn hy vọng vào công việc của Chúa. Giáo hội đã tồn tại được hai ngàn năm, Giáo hội sẽ tiếp tục, nhưng dưới một hình thức khác. Những khó khăn mà chúng ta trải qua sẽ làm suy yếu Giáo hội một cách không thương tiếc. Tôi xin trích dẫn lời của hồng y Journet: “Các biên giới của Giáo hội đi qua bằng trái tim của mọi người”, vì vậy chúng ta không bao giờ thực sự biết Giáo hội ở đâu. Giáo hội luôn là một phần nhỏ của những người được thuyết phục, ‘những người nghèo hèn nhỏ bé của Đức Giavê’ như chúng ta thấy họ trong Cựu Ước đã mang lời hứa của Chúa. Tôi mơ các linh mục sẽ trở thành những mục tử thực sự, ít bận rộn với công việc quản lý và gần gũi với giáo dân hơn.
Cha còn giữ một kỷ niệm nào đặc biệt?
Tôi sẽ giữ hình ảnh nét đẹp nội tâm của một người mở lòng ra với Chúa. Tôi cảm động vì lòng tin tưởng của một người trẻ khi họ cảm thấy mình được đón nhận. Tôi kinh ngạc khi thấy họ trở thành tác phẩm của lòng thương xót trong bàn tay Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch