Đau khổ mà chúng ta tự làm cho mình…

314

Đau khổ mà chúng ta tự làm cho mình…

lavie.fr, Jacques Arènes, 2021-01-22

Chuyên mục của nhà tâm lý và phân tâm Jacques Arènes trả lời độc giả trên tuần báo La Vie về các câu hỏi thuộc lãnh vực thiêng liêng hay hiện sinh.

Tuần trước, tôi đã nói về những đau khổ có thể tránh được và không thể tránh được. (Đau khổ có tránh được không?)

Tôi đã phân loại “đau khổ có thể tránh được” là những đau khổ liên quan đến tổn thương phải chịu đựng, như hành vi lạm dụng mà một số người phải chịu có thể tránh vì theo một cách nào đó, tổn hại mà chính chúng ta gây ra cho người khác cũng sẽ là những đau khổ “có thể tránh được”. Điều này không hoàn toàn đúng, vì những người có trách nhiệm không phải lúc nào họ cũng nhận thức đầy đủ về những đau khổ họ gây cho người khác. Ở đây tôi không nói đến những tội ác lớn, hoặc những tội quả tang, mà là những hành hung nhỏ, bạo lực bằng lời nói mà đương sự nghĩ là chính đáng, v.v.

Trong số những điều xấu chúng ta gây ra, điều khó hiểu và bí ẩn nhất là chúng ta tự gây cho chính mình. Nếu chúng ta tin vào một số học thuyết đạo đức nào đó – được gọi là thực dụng – thì chủ thể con người luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích cho mình. Nếu chúng ta nghiêm túc căn cứ vào lý thuyết này, thì thật vô lý vì chúng ta không tìm lợi ích cho mình, mà lại tự mình hại mình. Chưa hết, tôi muốn trích dẫn câu nói bí ẩn này trong tác phẩm Nhật ký tầng hầm của văn hào Dostoïevski: “Điều gì sẽ xảy ra nếu con người chỉ yêu hạnh phúc cho mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu chính xác họ cũng thích đau khổ như vậy? Đau khổ có làm họ lưu tâm nhiều như họ lưu tâm đến hạnh phúc không?” Vì sao đôi khi chúng ta đi tìm đau khổ mà không ghi tên mình vào sổ những người thích chứng khổ dâm, có nghĩa là tìm lạc thú khi mình tự làm khổ mình? Rõ ràng chúng ta có thể tự hại bản thân mà mình không muốn, không cần cân nhắc đến hậu quả hành động của mình. Nhưng, cũng có khả năng muốn là được. Trong một số giai đoạn nào đó của cuộc đời, như ở tuổi vị thành niên, đôi khi con người đi tìm đau khổ. Những người trẻ đi tìm giới hạn của mình và muốn nếm cảm giác mình tồn tại. Nhiều người cảm thấy mình trống rỗng và không mục đích, dù họ không bị trầm cảm về mặt lâm sàng. Khi đó, tổn thương là để tồn tại, và sẽ ít đau khổ hơn là ở trong trạng thái nhạt nhẽo khi cuộc đời không nhắm vào một viễn cảnh hay một dự án nào.

Cuộc tìm kiếm đau khổ theo chủ nghĩa hư vô này không phải là duy nhất. Nó cũng xảy ra khi chúng ta tìm kiếm một nỗi đau khổ “nên được” tồn tại. Tôi đang mất một người thân yêu, nhưng tôi không cảm thấy gì cả. Điều này xảy ra khi sự mất mát rất lớn, nếu người đó không có phương tiện tâm lý để đương đầu  với hoàn cảnh. Đau khổ khi đó được ghi dấu ở nội tâm, một nơi không thể tiếp cận được. Đi tìm nỗi đau của chính mình, cố gắng làm cho nó trở nên sống động hơn, đó là đi tìm chính mình, và để cuối cùng là có thể đối diện với sự mất mát. Sau khi tránh được đau khổ trong một thời gian dài, khi đó chúng ta đi tìm sự thật của nó, điều này giúp chúng ta biết thêm về chính mình, và giúp chúng ta đi tới đằng trước. Một vài sự kiện có hoặc nên đi kèm với đau khổ không thể tránh, nếu chúng ta có thể vượt qua, điều này dạy cho chúng ta những điều cần thiết về con người của mình, về những gì gắn bó mình với cuộc sống và với người khác. Khi đó, chúng ta không tìm kiếm đau khổ vì đau khổ, mà tìm kiếm sự thật có thể ẩn giấu, điều, vừa đánh dấu chúng ta, vừa cho thấy con người thật của chúng ta. Khi đó, đi tìm bản thân không phải là để thỏa mãn ảo tưởng, nhưng để băng qua khe vực bị tan nát vì ánh sáng.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Dấu ấn của số phận