Covid đã làm phong phú cho sự hiểu biết của chúng ta về thế nào là tôn giáo
Đó là nơi tự do, được gắn kết với nhau bằng tình yêu không loại trừ, nó có những đặc tính văn hóa dễ nhận biết nhưng không loại trừ…
international.la-croix.com, Brendan MacCarthaigh, 2021-04-09
Brendan MacCarthaigh là sư huynh ở Dublin, làm việc tại Ấn Độ hơn 50 năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực Giáo dục Giá trị với các lớp cao đẳng và các nhà giáo.
Từ khi đại dịch bắt đầu, điều đã xảy ra và đang xảy ra, chúng ta có rất nhiều người đau nặng, nhiều người qua đời, rất nhiều người không đau, cũng không sắp chết nhưng rất hãi sợ.
Những người hiểu biết trong chúng ta, biết rằng chúng ta đã đối xử rất tệ với trái đất đến mức đã không thể tránh khỏi tình trạng này. Đặc biệt người trẻ nhận ra điều này, các em biết trái đất chúng thừa hưởng đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, các em đã khua động trời đất để chúng ta hành động, để mang lại sự sống.
Đúng là chưa bao giờ trong ký ức loài người ghi lại một thảm họa lan rộng như thế đến với chúng ta, nhưng cũng chưa bao giờ có các cá nhân, các cơ quan liên kết với nhau để làm giảm nỗi đau và khốn khổ do đại dịch gây ra như vậy.
Anh hùng tính gần như là huy hiệu cho bộ tộc chúng ta ngày nay. Đúng vậy, chúng ta phải đối diện với những nhà lãnh đạo xã hội rất giàu có, rất ích kỷ và rất có đầu óc chính trị, và chúng ta cũng nhận ra, ngay cả trong số họ cũng có những tia sáng của lòng trắc ẩn chân chính.
Và dù bạn có tin hay không (!). Đó là tôn giáo chân chính đang làm việc. Tôn giáo được lấp đầy với các việc giữ đạo sốt sắng, đủ các loại nghi thức phụng vụ, thánh ca, bài đọc, phẩm phục, hành hương… v.v. Tất cả đều rất tốt, đúng: nhưng mục đích là tạo sự gắn kết giữa các nhóm với nhau. Nói cách khác: đó là làm sâu đậm tình yêu thương lẫn nhau. Và ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa. Chính xác: đó là Chúa. Tình yêu là Chúa.
Nhưng nó có điểm không hay, vì các thực hành này thường làm rối ren, tạo xa cách giữa người thích làm theo kiểu này, người thích làm theo kiểu kia. Điều gì làm người này người kia xa nhau, tự bản chất là điều không tốt. Khi tình yêu bị giảm đi, thì ở đó bắt đầu vừa có sợ hãi, vừa thù địch. Đó là chuyện không tốt.
Vì vậy: tất cả chúng ta bị sai lầm khi nghĩ rằng các việc giữ đạo của chúng ta làm cho chúng ta được phong phú. Những gì việc giữ đạo làm. Là chúng gắn kết chúng ta nhiều hơn một chút. Và đó là điều lành mạnh.
Nhưng những lời cầu nguyện dài dòng, những lời cầu khấn siêu phàm, rằng có một Thượng đế đang lắng nghe, Đấng sẽ làm phép lạ nếu chúng ta cầu nguyện theo cách này, nhưng không theo cách kia, rằng đó là điều Chúa hứa, rằng đó là nền tảng tôn giáo của tôi, v.v. Tất cả đều sai. Một tôn giáo không đặt nền tảng trên tình thương lẫn nhau đã là sai.
Tôn giáo là như sau: nền văn hóa của chúng ta thúc đẩy một cách đặc biệt để nhận biết Chúa. “Chúa” có thể được diễn nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Tất nhiên, tôn giáo có thể là văn hóa, nhưng không bao giờ tha hóa
Chúng ta lưu ý, phong cách mang tính địa phương này chắc chắn mang nét văn hóa – quốc gia, nơi chốn, ngôn ngữ, tuổi tác, xác tín, mối quan hệ, thói quen, v.v. – của người được cảm hứng đầu tiên để truyền thông điệp cụ thể này, thường thường là một người thực sự thánh thiện. Nhưng cốt lõi vẫn là tình yêu.
Một nguồn cảm hứng đánh thức một người về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến mức người đó truyền ngọn lửa cho người khác. Và ngay sau đó, một nhóm bắt đầu hăng say và thành lập các cấu trúc để chia sẻ và lôi cuốn người khác về chủ đề vừa mới nổi lên.
Nhóm phát triển rộng ra. Nhưng dần dần chính các cấu trúc lại thành quan trọng và “trọng tâm không thể nắm giữ.” Đó là câu chuyện của linh mục Dòng Tên Ấn độ Anthony de Mello kể về con mèo của tu sĩ khổ hạnh hồi giáo. (Tóm tắt, khi tu sĩ cầu nguyện thì con mèo ngồi với ông. Đến khi tu sĩ qua đời thì các môn đệ tổ chức buổi cầu nguyện cho ông, họ nằn nì phải có con mèo ở đó, chuyện này làm mọi người cãi nhau.)
Mọi người vẫn tiếp tục xem cấu trúc tôn giáo của họ là tôn giáo của họ, không cần biết cố gắng của một số người đã khai sáng cho họ.
Như vậy, thay vì mở ra với tình yêu, hòa bình, dâng mừng và kết hiệp thì đau lòng thay, lại biến thành một sự sắp đặt giữa chính mình với người khác, thậm chí của chúng ta với mọi người khác. Và bây giờ chúng ta có một chính sách thâm độc.
Trọng tâm của sự nguyền rủa cho tất cả những điều này dĩ nhiên là cái chết của tình yêu vốn là nền tảng của tiến bộ, đồng thời lại chính đáng hóa sự hận thù như một lập trường có thể biện minh được cho các vấn đề, nhưng cũng là kết thúc cho điều mà một tôn giáo chân chính phải là – một phương tiện thể hiện mối quan hệ với Đấng mà chúng ta thường gọi là Chúa, được trải nghiệm trong cảm hứng đầu tiên đó.
Tôn giáo giờ đây đã trở thành một câu lạc bộ, một Manchester United, một Boston Redsox, nơi mà màu áo là quan trọng.
Thay đổi câu lạc bộ trong lãnh vực này (tôn giáo) còn nghiêm trọng hơn, và chúng ta sẽ nghe những từ ngữ như tội lỗi, nhiệt tình quyến dụ vào đạo, dứt phép thông công và cả phản quốc được tuyên bố rất cẩn thận. Ai cũng đã nghe trong các bài học ở trường “Lên dàn thiêu với anh, với chị”?
Vậy mà Covid đã giúp chúng ta nhận ra sự ngu ngốc kinh hoàng của điều này và sự xấu xa của các manh động chính trị để củng cố chuyện này. (Một tờ báo nơi tôi sống hiện nay loan báo, kể từ nay luật pháp nghiêm cấm việc cải đạo).
Dĩ nhiên tôn giáo có thể là văn hóa, nhưng không bao giờ tha hóa. Covid đã làm phong phú cho sự hiểu biết của chúng ta về thế nào là tôn giáo.
Đó là nơi tự do, được gắn kết với nhau bằng tình yêu không loại trừ, nó có những đặc tính văn hóa dễ nhận biết nhưng không loại trừ và được xây dựng trên tình yêu. Duy nhất trên tình yêu. Ngoài ra, nó chỉ đơn thuần là chính trị, và thuộc loại chính trị xấu xa nhất. Xin Chúa gìn giữ chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch