Một nhà thờ “tỉnh thức”

232

Một nhà thờ “tỉnh thức”

Patrice Bergeron, linh mục giáo xứ Saint-Bonaventure, ở Rosemont, Montréal, Canada

Trong ba năm, giáo xứ Saint-Bonaventure, ở Rosemont đã tăng gấp ba lần số giáo dân đi lễ ngày chúa nhật. Bí mật của linh mục: áp dụng quan điểm của một linh mục Halifax, người ủng hộ một nhà thờ có tinh thần “thức tỉnh”, truyền giáo và huynh đệ.

lapresse.ca, Mathieu Perreault, 2021-04-04

Cách đây ba năm, linh mục Patrice Bergeron tuyệt vọng trong việc tạo một Giáo hội truyền giáo và huynh đệ mà cha mơ ước. Đó là thời điểm cha xứ nhà thờ Saint-Bonaventure, một giáo xứ ở Rosemont, đã nhờ bà Élisabeth Boily làm nhân viên mục vụ. Cuộc gặp này rất quan trọng cho sự thành công của giáo xứ của họ, trước đại dịch đã thu hút 250 đến 300 người đến dự lễ ngày chúa nhật, một con số phi thường đối với một giáo xứ nói tiếng Pháp ở tỉnh bang Quebec.

Cha Bergeron nói: “Ba năm trước, chỉ có chưa đầy 100 người. Bà Elizabeth đã tìm trên YouTube và thấy linh mục James Mallon ở Halifax nói lên tình trạng giáo dân ít đi lễ và đưa ra giải pháp. Cha gọi đó là Tái sửa chữa Thiêng liêng. Chúng tôi quyết định áp dụng công thức này ở đây và gọi đó là ‘Nhà thờ thức tỉnh’. Cho đến lúc đó, tôi đối phó với sự giảm sút giáo dân, điều mà người ta gọi đó là giáo xứ suy giảm, chúng tôi gọi đó là giáo xứ cầm cự.”

Thánh lễ bên ngoài mùa hè năm ngoái, với linh mục quản xứ Patrice Bergeron

Dạy giáo lý và bữa ăn tối alpha

Trong số những đổi mới: thay đổi các bài thánh ca, dạy giáo lý chuẩn bị các bí tích và bữa ăn trong tinh thần huynh đệ được gọi là “buổi alpha.”

Chúng tôi muốn có các bài hát nói về trải nghiệm của con người nhiều hơn, ít nặng nề như các bài hát cũ. Patrice Bergeron, linh mục giáo xứ Saint-Bonaventure, ở Rosemont

Cha Bergeron nói: “Chúng tôi tìm thấy các bài hát của nhóm Glorious của giáo phận Lyon, Pháp, và hiện nay chúng tôi có mối liên hệ. Một cây đàn ghi-ta, một chiếc piano, một ban nhạc.”

Việc chuẩn bị cho các bí tích cũng đã được sửa đổi để ít mang tính trường lớp hơn. “Trước đây, trong vòng hai năm, trẻ em phải đến nhà thờ học mỗi chiều thứ ba, như đi học thêm. Bây giờ, chúng tôi dạy giáo lý ở tầng hầm nhà thờ ngày chúa nhật trong thánh lễ, đến Kinh Lạy Cha thì các em lên nhà thờ, và có rất nhiều em tham dự, đôi khi có 80 đến 100 em quanh bàn thờ khi đọc Kinh Lạy Cha với cha. Có nhiều khóa học tùy chọn.”

Trẻ em xung quanh bàn thờ để đọc Kinh Lạy Cha với linh mục Patrice Bergeron, trước đại dịch

Bà Boily nói, bây giờ lớp học giáo lý được cá nhân hóa. “Có những em được rước lễ lần đầu trong năm.”

Các Buổi Alpha được tổ chức hai lần một năm và quy tụ các giáo dân hiện tại hoặc tiềm năng, nhất là với những người lớn muốn được rửa tội ăn một bữa ăn tối. Bà Boily cho biết: “Chúng tôi nói với mọi người ‘Hãy đến và xem’. Nếu họ thích, họ ở lại. Và thực sự thường xuyên là như vậy.”

“Thật tốt khi cùng sống chung với nhau”

Tại Montreal, trong thánh lễ chúa nhật, nhiều giáo xứ quy tụ trong cộng đoàn văn hóa của mình các tín hữu đến từ cùng một quốc gia nhập cư, trực tiếp hoặc qua cha mẹ của họ. Còn giáo xứ Saint-Bonaventure là giáo xứ đa văn hóa, nhưng khoảng một phần ba tín hữu là con cháu của những người định cư ở Tân Pháp.

Có rất nhiều người Haiti và Phi châu, họ mong tìm được tinh thần các giáo xứ của đất nước xuất xứ của họ. Họ thường nói: “Tôi đi lễ, nhưng không ai chào tôi, không hỏi tôi là ai.” Linh mục Patrice Bergeron, giáo xứ Saint-Bonaventure, ở Rosemont

Những người nhập cư đến tỉnh bang Quebec thường đến từ các quốc gia mà việc giữ đạo rất mạnh. Đức tin của họ có thể trở thành nơi gặp gỡ không? Linh mục Bergeron nói: “Có thể và đúng vậy, đó là một điều rất tốt khi chúng ta cùng sống chung với nhau.”

Một linh mục “trẻ”

Năm nay 51 tuổi, linh mục Patrice Bergeron là linh mục trẻ so với tuổi trung bình của các linh mục ở tỉnh bang Québec là 75 tuổi. Làm thế nào mà một thanh niên lớn lên ở thành phố Montréal trong những năm 1970 và 1980 lại quyết định trở thành một linh mục?

“Cha mẹ tôi giữ đạo nhưng gia đình tôi không phải là gia đình lúc nào cũng nói về Chúa. Năm tôi 15 tuổi, tôi gặp Chúa Giêsu qua một linh mục tuyên úy, cha đem tôi vào các sinh hoạt nhóm, giống như các Buổi Alpha. Tôi vào chủng viện năm 20 tuổi, cũng hơi khó cho cha mẹ tôi, vì như thế ông bà sẽ có ít cháu hơn.”

Bà Élisabeth Boily năm nay 56 tuổi và lớn lên ở tỉnh bang Québec. Bà có sáu người con, tuổi từ 13 đến 27 tuổi. “Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi giữ đạo sốt sắng. Tôn giáo luôn quan trọng với tôi, và khi tôi 16 tuổi, tôi đã có kinh nghiệm cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, tôi bắt đầu tham dự các buổi phụng vụ có tính cách đặc sủng và vui vẻ hơn.”

Bà Élisabeth Boily (phải), phụ tá mục vụ ở giáo xứ Saint-Bonaventure, Rosemont, cùng con gái Judith Cournoyer, cũng làm việc ở giáo xứ Saint-Bonaventure

Thỉnh nguyện lễ Phục sinh

Mùa đông năm ngoái, bà Boily đưa ra một bản kiến nghị trên trang mạng để “cứu” Lễ Phục sinh, cho rằng chính phủ đang áp dụng những biện pháp hạn chế quá nghiêm khắc với các nơi thờ phượng so với các tỉnh bang khác, với nước Mỹ hay với nước Pháp. Bản kiến nghị đã thu được gần 10.000 chữ ký. Bà Boily đã rất ngạc nhiên và hài lòng với thông báo của nhà nước cách đây một tuần, ngay trước Lễ Phục sinh của người công giáo và do thái, được tăng từ 25 đến 250 người được tham dự trong các buổi lễ tôn giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Ý tưởng tuyệt vời của Cha Damien, người đã cách mạng hóa việc dạy giáo lý