Mùa sinh ích cho những người mới đi trên con đường tìm kiếm tâm linh
Trung tâm Đào tạo cho Giáo hội của vùng nói tiếng Pháp tại Thụy Sĩ (CCRFE) đã tổ chức khóa học trong hai ngày 2 và 3 tháng 2 năm 2021 về những người mới đi trên con đường tìm kiếm tâm linh, tìm hiểu và đặt câu hỏi về Giáo hội. Khóa học trực tuyến xen kẽ giữa các bài giảng và chứng từ, chia sẻ giữa các nhóm và các bài tập hít thở sâu.
cath.ch, Bernard Litzler, 2021-02-04
Mục sư Nils Phildius ở Genève nói lời chứng của mình: “Năm 2005, vợ tôi bỏ tôi và trời đất sụp đổ dưới chân tôi”. Sau đó mục sư bắt đầu bước vào con đường chữa lành nội tâm để giải thoát cho mình. Mục sư chia sẻ hành trình này với khoảng hơn 50 thừa tác viên mục vụ và những người đang được đào tạo tại CCRFE, trong phiên thảo luận trực tuyến về những người mới đi trên con đường tìm một linh đạo.
Bị tổn thương vì bị chia tay, mục sư Phildius cố gắng đứng vững nhờ các bài tập thở sâu và thiền định. Ông nói, những phương pháp này, khác xa với môi trường kitô giáo thông thường của chúng ta nhưng đã được kết hiệp với nhau. Trở thành nhà huấn luyện, ông thành lập tại thành phố Genève một hội thảo về tâm linh kitô giáo qua kinh nghiệm của mình. Quyển sách gần đây của ông, Nếm hương vị nên một trong Chúa, Phương pháp tiếp cận bất nhị đối với linh đạo kitô giáo (Se goûter un en Dieu, Approche non duelle de la spiritualité chrétienne, nhà xuất bản Labor et Fides) làm chứng cho kinh nghiệm thiền định của ông bằng cách đưa thiền định đến gần hơn với truyền thống kitô giáo. Và màu xanh da trời đã trở thành màu của mục sư Nils Phildius. Những người mà mục sư đào tạo gặp nhau ở Căn nhà Xanh (Maison Bleu Ciel), một không gian tâm linh kết hợp giữa việc đi tìm linh đạo kitô và một môi trường sinh thái hướng về tâm linh.
Khát khao được chia sẻ kinh nghiệm
Về phần mình, linh mục Jean-Luc Souveton, giáo phận Saint-Etienne, một vị khách khác của khóa CCRFE cho biết cha đã học thêm kinh nghiệm trên hành trình này. Cùng với Hiệp hội các tín ngưỡng mới do Hội đồng Giám mục Pháp thành lập, cha trả lời các câu hỏi mục vụ do “những người tìm kiếm Chúa” nêu ra.
Nữ tu Isabelle Donegani, học giả Kinh thánh của Dòng Saint Maurice | © Jacques Berset
Theo linh mục Souveton, chúng ta đón nhận những cuộc hành trình này không thiên kiến: một thái độ tế nhị đối với Giáo hội vì những người đi tìm này thường tự cắt đứt quan hệ với Giáo hội. Nhưng “điều quan trọng là phải mở lòng, vì đó chính là đời sống của Giáo hội. Vì các người mới đang đi trên con đường này có khát khao trong lòng, họ đi tìm điều thiết yếu, họ cần chia sẻ kinh nghiệm”. Linh mục lưu ý, “hành trình của họ là cơ bản: hành trình này đóng góp vào việc Mạc khải.” Và qua họ, “là phối hợp với Giáo hội và với nhân loại.” Do đó, vấn đề đặt ra là thiết lập một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại. Và đâu là các thách thức? Đó là tương lai của nhân loại. Như Công đồng Vatican II đã cảm nhận: “Và Giáo hội phục vụ cho tương lai này.”
Những cách thực hành mới
Vào ngày đầu tiên của khóa họp, linh mục Souveton nói lên kinh nghiệm của mình trong tư cách là đại biểu giáo phận cho “Sự phát triển cá nhân và các linh đạo vượt ngoài biên giới”, đã có mặt trong giáo phận của cha: “Kinh nghiệm tâm linh của những người mới trên con đường đi tìm Chúa rất mãnh liệt, có thật, dù phải sống xa thể chế: họ không đi tìm nghi thức, họ không muốn thuộc về, không. Họ đi tìm bạn đồng hành”.
“Đối với những người này, chúng ta có thể hy sinh thể chế vì lợi ích cho một linh đạo-tự tại” Linh mục Jean-Luc Souveton
Một cuộc khảo sát xã hội học kép đã hỗ trợ những nhận xét này. Tại Thụy Sĩ, một cuộc khảo sát về Tôn giáo và Tâm linh trong kỷ nguyên ego (Religion et spiritualité à l’ère de l’ego) được nhà xuất bản Labor và Fides phát hành năm 2015, cho thấy cách xã hội chúng ta đã tạo ra bốn loại mối quan hệ với tôn giáo-thiêng liêng: thể chế, xen kẽ, xa cách và thế tục. Mỗi đặc tính này minh họa một cách sống niềm tin, giữ đạo hoặc thế tục.
“Linh đạo-tự tại”
Tại Pháp, Nhóm Nghiên cứu và Tìm tòi về các thực hành tâm linh ló ra (Groupe d’études et de recherche sur les pratiques spirituelles émergentes, GERPSE) đã thực hiện một cuộc khảo sát chuyên sâu về những thực hành mới này. Những người đi tìm Chúa thường nói họ là tín hữu kitô, nhưng họ giữ cách xa với thể chế: họ chủ trương một linh đạo vượt ra ngoài tôn giáo, đi theo con đường riêng của mình. Họ tìm cách để hiểu con người nội tâm của mình mà không nhất thiết phải liên kết với một cộng đồng. Linh mục Jean-Luc Souveton ghi nhận: “Với những người này, chúng ta có thể hy sinh thể chế vì lợi ích cho một linh đạo-tự tại”.
Linh mục Dòng Tên Luc Ruedin | © Mục vụ vùng Jura
Tuy nhiên, con đường này không nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa cá nhân. “Những người này rất dấn thân trên các lãnh vực xã hội hoặc các hiệp hội, đôi khi là giáo hội.” Và họ không ngại kết hôn với những người khác mình: bạn có thể ở trong và ngoài tổ chức, bạn có thể cho mình vừa là tín hữu kitô vừa là phật tử.
Tài liệu về “Hiện diện”
Hai ngày thảo luận này đã có các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các nhóm nhỏ qua mạng. Những người tham gia phiên họp đã có thể trao đổi cảm nghĩ của họ, đặc biệt là sau khi xem bộ phim tài liệu “Hiện diện, Présence” của Manuel Régnier, về thiền định kitô giáo. Bức tranh toàn cảnh được quay ở các nơi thiền tập hoặc Zen khác nhau, đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là về nhân học truyền qua các thực hành này, sự tương thích giữa Chúa Kitô và Đức Phật, sự hiện diện của một cộng đồng.
Các kinh nghiệm trong vùng nói tiếng Pháp cũng được thảo luận. Ông Michel Alibert và nữ tu Isabelle Donegani đã trình bày các khóa học yoga tại La Pelouse ở Bex, trụ sở chính của các Nữ tu St-Maurice. Những buổi tập yoga này, đôi khi gắn liền với Kinh thánh, đã được tổ chức từ 16 năm nay. Họ gặp những người đôi khi đã xa Giáo hội, nhưng lại thường thấy họ trở lại với đức tin kitô giáo qua con đường này.
Một số người tham dự thiền tập kết hiệp với niềm tin kitô giáo của họ trong khóa họp (tài liệu “Présence” trên màn hình, Manuel Régnier).
“Nhà thờ thành phố”
Về phần mình, linh mục Dòng Tên Luc Ruedin trình bày dự án Không gian Maurice Zundel đã được thành lập ở nhà nguyện Mon-Gré, dưới nhà ga thành phố Lausanne. Nhà thờ Thành phố, một nhà thờ đô thị mở cửa vào mùa hè năm 2022, sẽ là nơi để tham khảo kho dữ liệu của Linh mục Zundel, và cũng là nơi gặp gỡ văn hóa, đại kết và liên tôn giáo.
Mỗi tối sau ngày học là buổi tập thở nhẹ nhàng, được những người tham gia ghi nhận: “Đây là tinh thần cởi mở lành mạnh và tái tạo” , “điều kỳ diệu cho những người đi tìm Chúa và lời kêu gọi luôn là chính mình trên đường đi” , “một món quà thực sự, giúp những gì tôi đã có trong hành trình quá khứ của tôi bây giờ được phối hợp để có mặt trong Giáo hội”.
Ông Philippe Hugo, giám đốc, và nhóm điều hành Đào tạo cho Giáo hội của vùng nói tiếng Pháp tại Thụy Sĩ, CCRFE, đã mở ra những con đường mới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch