Điều gì đang xảy ra ở Bộ Truyền thông Vatican?
americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2020-10-24
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Đại thính đường Phaolô VI ngày 21 tháng 10 năm 2020. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Bộ Truyền thông Vatican hoạt động như thế nào? Đó là điều nhiều người đang thắc mắc sau khi Tòa thánh không trả lời các câu hỏi được nêu ra liên quan đến những gì Đức Phanxicô thực sự nói về sự cần thiết phải có luật cho các kết hợp dân sự dân sự trong tuần này. Sự hoang mang xảy ra khi cuốn phim tài liệu “Francesco” của đạo diễn Evgeny Afineevsky ra mắt tại Liên hoan phim Rôma ngày 21 tháng 10. Vatican không kiểm duyệt biên tập nào với cuốn phim tài liệu này của đạo diễn Afineevsky.
Sau buổi chiếu phim, các phóng viên đã hỏi đạo diễn người Nga về bối cảnh các lời tuyên bố của Đức Phanxicô (vì các câu ngài trả lời không có trong tài liệu). Ông trả lời các câu này là từ cuộc phỏng vấn trên máy quay mà ông đã làm, nhưng ông không cung cấp bất cứ thông tin nào của bối cảnh và tuyên bố đã ngạc nhiên và lấy làm tiếc các câu này đã tạo ra cơn bão lửa. Ông không có một lời bổ túc nào làm rõ thêm.
Về phần mình, Vatican đã không trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về nguồn gốc các lời của giáo hoàng, cũng như không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào về vấn đề này, ngay cả khi một số hồng y và giám mục chỉ trích giáo hoàng, họ cũng không kiểm kỹ những gì đã thực sự xảy ra. Kinh nghiệm nhiều năm đưa tin ở Vatican cho tôi có thể kết luận, văn phòng báo chí giữ im lặng chỉ vì họ biết, đây là điều mà giáo hoàng muốn.
Kinh nghiệm nhiều năm đưa tin ở Vatican cho tôi có thể kết luận, văn phòng báo chí giữ im lặng chỉ vì họ biết, đây là điều mà giáo hoàng muốn.
Đức Phanxicô cũng đã giữ im lặng, như ngài đã làm trong một vài trường hợp trước đây khi có nhiều tranh cãi. Chúng ta vẫn chưa biết liệu Vatican sẽ đưa ra tuyên bố nào về toàn bộ vụ việc này. Nhưng Đức Phanxicô có thể làm chúng ta ngạc nhiên khi ngài sẽ nhắc đến trong giờ Kinh Truyền Tin chúa nhật ngày mai.
Đạo diễn Afineevsky đã nói với tôi khi ông đến Rôma tháng 3 năm 2008 với ý định làm một phim tài liệu về Đức Phanxicô, người mà ông xem là “nhà lãnh đạo” thế giới và “là người bảo vệ sự sống trên toàn cầu”. Ông cho biết ông muốn thảo luận về dự án của mình với giáo hoàng nhưng chỉ thành công vào tháng 11 năm 2018 sau nhiều nỗ lực kiên trì. Kể từ đó, ông cho biết ông đã gặp ngài từ bốn hoặc năm lần, nhưng theo nguồn tin của trang America, thì ông chưa bao giờ có được cuộc phỏng vấn trên máy quay như ông rất mong muốn.
Theo nguồn tin của trang America, thì đạo diễn Afineevsky chưa bao giờ có được cuộc phỏng vấn trên máy quay như ông rất mong muốn.
Thay vào đó, ông được truy cập vào thư khố truyền hình của Vatican và ở đó ông tìm thấy đoạn phim chưa chỉnh sửa của cuộc phỏng vấn dài trên truyền hình của Đức Phanxicô với bà Valentina Alazraki, phóng viên đài Televisa Mexico thực hiện vào tháng 5 năm 2019. Như bình thường, một đơn vị truyền hình Vatican quay phim cuộc phỏng vấn, theo thỏa thuận trước, các nhân viên sẽ chỉnh sửa và vài ngày sau sẽ đưa bản chỉnh sửa cho Televisa, đài sẽ phát sóng phim. Trang America cho biết, trong vụ này cũng như nhiều vụ tương tự khác, theo nguyên tắc chung, Vatican không chỉnh sửa hay cắt bỏ bất kỳ phần nào lời của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn mà không có sự đồng ý trước của ngài.
Đạo diễn Afineevsky dùng phiên bản chưa chỉnh sửa của cuộc phỏng vấn, đã trích dẫn một phần câu trả lời của ngài về hai câu hỏi khác nhau. Ông ráp lại các câu trích từng phần này thành câu: “Người đồng tính có quyền ở trong một gia đình. Họ là con cái của Chúa và có quyền có được gia đình. Không ai bị loại ra ngoài gia đình, cũng như không thể làm cho cuộc sống của họ thành không thể sống được vì điều này. Những gì chúng ta phải có là luật kết hợp dân sự – theo cách đó họ được bảo vệ về mặt pháp lý. Tôi đã ủng hộ điều này”.
Nhưng như văn bản gốc chưa chỉnh sửa cho thấy, ba câu ngắn đầu tiên của lời tuyên bố này trong phim tài liệu chỉ là một phần nhỏ trong câu trả lời dài của Đức Phanxicô cho một câu hỏi (cũng được tìm thấy trong phiên bản đã chỉnh sửa của cuộc phỏng vấn Televisa) về việc hội nhập vào Giáo hội của những người sống trong “tình trạng bất thường.” Ngài nhắc lại, trong một cuộc họp báo trên máy bay, ngài đã trả lời “về việc hòa nhập vào gia đình của những người có khuynh hướng đồng tính và tôi đã nói, những người đồng tính có quyền ở trong gia đình, những người có xu hướng đồng tính có quyền ở trong gia đình và cha mẹ có quyền công nhận người con trai này là đồng tính, người con gái này là đồng tính. Không ai bị loại ra khỏi gia đình, và không thể làm cho cuộc sống của những người này thành không thể sống được.”
Câu cuối cùng của lời tuyên bố trong phim tài liệu là phần cuối của câu trả lời ban đầu của một câu hỏi hoàn toàn khác, chỉ có thể tìm thấy trong phiên bản chưa chỉnh sửa trong cuộc phỏng vấn của Televisa. Bà Alazraki nhắc lại Đức Giáo hoàng đã chống lại hôn nhân đồng giới khi ngài là Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires và hỏi ngài liệu khi làm giáo hoàng, quan điểm của ngài tự do hơn có phải là do Chúa Thánh Thần hay không.
Câu trả lời đầy đủ của ngài bằng tiếng Tây Ban Nha (bản dịch của tôi) là: “Ơn của Chúa Thánh Thần chắc chắn có. Tôi đã luôn bảo vệ giáo điều. Và điều đáng tìm hiểu là luật hôn nhân đồng giới…. Thật không hợp lý, không xác đáng, khi bàn đến hôn nhân đồng giới. Nhưng cái chúng ta phải có là luật kết hợp dân sự (ley de convivencia civil), họ có quyền được pháp luật che chở”.
Hiểu biết về hệ thống thông tin phức tạp của Vatican có thể giúp hiểu một chút về các quy trình của nó. Tháng 6 năm 2015, Đức Phanxicô ra sắc lệnh cải tổ toàn bộ hệ thống truyền thông của Vatican với mục đích có được “sự tích hợp và quản lý thống nhất” của các cơ quan khác nhau liên quan đến truyền thông vào thời điểm đó, “để toàn bộ hệ thống có thể phản ứng hiệu quả với nhu cầu của sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.”
Tân Bộ Truyền thông giám sát các thông điệp của giáo hoàng được thành lập thông qua cuộc cải tổ đó. (ghi chú của ban biên tập: Tổng biên tập trang America, Linh mục Dòng Tên James Martin là cố vấn của Bộ.) Đây là cơ quan lớn nhất của Giáo triều La Mã có tổng cộng khoảng 530 nhân viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Bộ phục vụ trực tiếp cho giáo hoàng nhưng cũng phục vụ cho Phủ Quốc Vụ Khanh, cơ quan ra chỉ thị và các thông tin do Văn phòng báo chí công bố.
Bộ có trách vụ rất rộng; công việc phức tạp và đa dạng. Công việc của văn phòng báo chí còn phức tạp hơn vì thường hoạt động theo giờ địa phương của Rôma trong ngày nhưng còn phải hoạt động 24/7 theo vòng tin tức toàn cầu. Đội ngũ gồm năm nhà báo phục vụ cho khoảng 300 nhà báo được công nhận từ các hãng tin chính trên thế giới, đăng các bản tin hàng ngày và tổ chức các cuộc họp báo.
Công việc của văn phòng báo chí còn phức tạp hơn với Đức Phanxicô, ngài là ngôi sao riêng biệt theo đúng nghĩa của ngài, người làm việc không chỉ thông qua cơ quan báo chí mà còn độc lập với nó. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng gặp gỡ các nhà báo, họp báo và trả lời phỏng vấn nhưng không có gì so sánh với quy mô của Đức Phanxicô. Ngài không chỉ tham gia các cuộc họp video và họp báo mà không cần biết trước câu hỏi, ngài còn chấp nhận các cuộc phỏng vấn riêng và không ghi hình, cũng như các cuộc phỏng vấn dài làm thành sách, được Bộ tổ chức và ngài cũng làm như vậy với các ký giả độc lập với Bộ và thường Bộ chỉ biết sau khi ngài đã làm xong.
Đức Phanxicô nói một cách thoải mái, đôi khi khiến một số hồng y, giám mục và các quan chức Vatican phải kinh ngạc, họ muốn ngài dùng một bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và Tòa thánh giữ toàn quyền biên tập và bản quyền đối với những gì ngài nói. Tuy nhiên, Đức Phanxicô thích phát biểu tự do và ngẫu hứng, thậm chí có khi còn có nguy cơ nói sai hoặc bị hiểu sai. Cũng không phải hiếm khi ngài gây phật lòng những người mà ngài gọi là “tiến sĩ luật”.
Tháng 12 năm 2013, ông Greg Burke, cựu giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh được nhiều người cho là thiên tài trong ngành giao tế công cộng vì thành công của truyền thông Vatican vào lúc đó, nhưng trong một cuộc phỏng vấn của tôi với đài BBC, ông dứt khoát phủ nhận: “Xin cho tôi cắt ngang. Là người đó! Là người đó!” ông muốn nói đến Đức Phanxicô. “Ngài là người đã làm tất cả những điều này.”
Rồi ông tâm sự: “Đúng vậy, chúng tôi có một chiến lược: sút bóng cho Phanxicô và ngài sẽ ghi bàn! Ngài giỏi hơn cả Maradona và Messi cộng lại”.
Bây gi ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông hiện nay cũng nói như vậy khi ông nói với mọi người: “Người phát ngôn tốt nhất của giáo hoàng là chính giáo hoàng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Vì sao Đức Phanxicô ủng hộ việc công nhận kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính
Lời của Đức Phanxicô về hôn nhân đồng tính: mới hay tiếp tục?