Lạm dụng các nữ tu: cuộc điều tra của nhà báo Constance Vilanova

569

Lạm dụng các nữ tu: cuộc điều tra của nhà báo Constance Vilanova

Trong hơn một năm nhà báo Constance Vilanova đi nhiều nước trên thế giới điều tra về hành vi lạm dụng thiêng liêng và tình dục của các nữ tu. Cuộc điều tra được bà ghi lại trong quyển sách Các nữ tu bị lạm dụng, một im lặng bao trùm (Religieuses abusées, Le Grand silence, phát hành tháng 10 năm 2020), đã đưa nhà báo đến Vatican phỏng vấn một số người có trách nhiệm.

cathkathcatt.ch, Claire Guigou, 2020-10-21

Công nhận các nỗ lực của Đức Phanxicô để chống tai họa này, tuy nhiên bà Constance Vilanova có ấn tượng như nói đến một chuyện “không-vấn đề” với một số giám chức của Bộ Đời sống Thánh hiến, bộ phụ trách giám sát các cộng đồng có vấn đề, bộ lấy làm tiếc vì “thiếu nhân lực”

Điều gì đã thúc đẩy bà làm việc trên đề tài này?

Nhà báo Constance Vilanova: Tôi là ký giả làm việc cho nhật báo La Croix phụ trách vấn đề tôn giáo từ hai năm nay. Khi đó tôi tự hỏi về hậu quả như thế nào của phong trào Tôi cũng vậy #Metoo bên ngoài thế giới điện ảnh, và tôi đọc một bài báo của hãng tin Associated Press (AP) nêu lên tác động của phong trào này trong lãnh vực tôn giáo. Vì thế tôi làm cuộc điều tra các nữ tu bị lạm dụng, mới đầu ở Phi châu vì tôi được các Linh mục Dòng Trắng báo động.

Đầu tiên, tôi viết một bài cho báo La Croix, sau đó nhà xuất bản Artège liên lạc với tôi để nhờ tôi thực hiện một cuộc khảo sát lớn hơn. Đây không phải là viết một tác phẩm chống Giáo hội công giáo, nhưng đưa ra một tình trạng cho thấy có một một nỗ lực đồng hành của một số dòng và nhân vật của thể chế công giáo. Và cũng là để có thể đưa ra các giải pháp cho các vụ lạm dụng  ảnh hưởng đến các nữ tu bị lạm dụng tình dục và thiêng liêng. Vì thế tôi đã đến một số quốc gia để lắng nghe các nạn nhân và về Rôma một tháng.

Như vậy quyển sách của bà vừa nói đến các  lạm dụng tình dục và vừa nói đến lạm dụng thiêng liêng?

Đúng. Cùng với nhà xuất bản, chúng tôi chọn tựa đề “Các nữ tu bị lợi dụng” để nói lên hai khía cạnh này. Trên thực tế, trong trường hợp các nữ tu thánh hiến bị hiếp dâm, bị tấn công tình dục hoặc ngay cả bị sách nhiễu xảy ra sau khi họ bị dưới ảnh hưởng, bị tẩy não trong bối cảnh đồng hành thiêng liêng. Rất hiếm khi xảy ra lạm dụng tình dục từ một chuyện không có gì (ex nihilo). Thường thường, người nữ tu biết người tấn công mình và bị buộc không được nói với ai, để không được hiểu rằng có một cái gì không đúng đã xảy ra.

Làm thế nào để chúng ta ấn định đây là trường hợp lạm dụng khi các nữ tu đã là người lớn? Điều này có phức tạp không?

Chắc chắn vấn đề đồng ý không đặt ra trong trường hợp ấu dâm, đó là điều hiển nhiên. Đối với người lớn, câu hỏi này khá trọng tâm. Chẳng hạn, để xác định trường hợp lạm dụng về mặt thiêng liêng hay một vụ tấn công tình dục thì phải hiểu mối quan hệ được xây dựng như thế nào. Nói chung, các mối quan hệ không tương xứng làm dễ dàng cho việc lạm dụng. Các vụ này thường xảy ra khi tháp tùng thiêng liêng và  với một linh mục có sức lôi cuốn mạnh.

“Điều làm thuận lợi cho các vụ lạm dụng là các quan hệ không tương xứng, như khi tháp tùng thiêng liêng” – Constance Vilanova

Bà Karlijn Demasure, giáo sư thần học tại Giáo hoàng Học viện Greigorian, giải thích rất rõ cơ chế này. Các yếu tố dễ bị tổn thương và tuổi trẻ cũng được thêm vào. Cuối cùng còn có vấn đề chi phối, một vấn đề mới được đưa ra rất gần đây và Giáo hội cho đây là một vấn đề rất quan trọng. Tất cả các yếu tố này giúp để phát hiện xem có lạm dụng hay không.

Bà đã đến Rôma để thảo luận vấn đề này với những người có trách nhiệm. Bà đã gặp ai và bà đã nhận được phản hồi nào?

Trước tiên tôi gặp Giám mục Charles Scicluna, Phó tổng thư ký Bộ Giáo lý Đức tin (CDF). Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận khá cởi mở, ngài giải thích trong trường hợp các vụ tấn công nhằm vào các nữ tu, Bộ không thể can thiệp. Bộ Đời sống Thánh hiến sẽ điều tra. Tôi chỉ muốn gặp Đức Giám mục Scicluna vì địa vị “cánh tay phải” trong chủ trương “không nhân nhượng” của triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Chúng tôi đã nói đến cơ chế im lặng và mong muốn bảo vệ Giáo hội khỏi các vụ bê bối.

Sau đó, tôi gặp hai đại diện của Bộ Đời sống Thánh hiến, họ xin ẩn danh. Ở đây cuộc trao đổi có vấn đề hơn một chút theo nghĩa là có nhiều kiểu nói vòng, không đi vào vấn đề. Hiện nay, sau cuộc khủng hoảng lạm dụng, Giáo hội buộc phải minh bạch. Nhưng tôi chỉ thấy một lớp sơn minh bạch và lời nói được kiểm soát. Cuộc trao đổi này không được cởi mở cho lắm. Nó cũng cho tôi thấy Bộ chỉ có một cơ cấu nhỏ dành riêng cho các vấn đề này so với quy mô của vụ bê bối.

Hai nhân vật này không có khả năng xử lý nhiều vụ lạm dụng như vậy. Đó là không nói đến hệ thống, chúng ta cần biết vấn đề này thực sự ảnh hưởng đến tất cả các Dòng từ Dòng Ân phúc cho đến Dòng Đa Minh… Điều này cho tôi thấy Vatican có rất ít nhân lực để theo dõi và giám sát các Dòng có vấn đề. (Lời của ban biên tập: Bộ Giáo lý Đức tin có quyền tái phán với các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên và liên quan đến các bí tích, Bộ Đời sống Thánh hiến có quyền tài phán trong các vụ lạm dụng của các tu sĩ trên các nữ tu. Bộ Đời sống Thánh hiến đảm trách các vụ các linh mục địa phận lạm dụng các nữ tu.)

Bà có nghĩ vấn đề được Bộ đời sống Thánh hiến, nói chung là được Vatican giải quyết không?

Không. Tôi phải minh bạch với bà, tôi có cảm tưởng các giám chức ở Bộ Đời sống Thánh hiến che giấu một cái gì đàng sau lý do thiếu nhân lực của họ. Điều khá buồn cười là họ nói với tôi về các nạn nhân, những người tôi đã gặp mà họ không biết tôi biết các nạn nhân này. Họ kể cho tôi nghe các nạn nhân này đồng ý, nhưng sự thật không phải như vậy. Trong câu nói: “Thật là phức tạp, đây là những người lớn” mà tôi hiểu trong một nghĩa, nhưng nó chưa đủ. Với tôi, lập luận của họ là nói vòng, không đi đúng vào vấn đề và không nhấn mạnh gì được cho tôi. Tôi có cảm tưởng làm phiền họ và đưa ra một vấn đề không liên quan.

Tuy nhiên, tôi thấy lời nói của Đức Giám mục Scicluna rất tốt. Thêm nữa Đức Phanxicô đã thay đổi tình hình một chút, ngài đưa những người dễ bị tổn thương vào giáo luật bao gồm các nữ tu, đây đã là bước đầu tiên. (bắt đầu từ tự sắc Các con là ánh sáng thế gian Vox estis Lux mundi được ban hành tháng 5 năm 2019). Ngài tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng, nhưng biện pháp này gần như không có hiệu quả. Hoặc, nó đi qua các bề trên tôn giáo: thông qua Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp (CORREF) hoặc Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền (UISG).

Cuộc điều tra của bà cũng bắt đầu sau báo cáo của đài truyền hình Arte về các nữ tu bị lạm dụng. Trong đó, Linh mục Hans Zollner, chuyên gia về các vụ lạm dụng tình dục, nhìn nhận rằng “cấu trúc của Giáo hội trao quyền cho các linh mục một cách tuyệt đối và vượt quá tất cả những gì được phép”, linh mục khẳng định Đức Giáo hoàng nhận thức được vấn đề. Bà nghĩ sao?

Đây là vấn đề chủ nghĩa giáo quyền, một vấn đề trọng tâm của Giáo hội. Tôi nhận thấy các linh mục không được đào tạo đúng. Tôi không nghĩ theo cách đó. Đây là kết quả của các cuộc thảo luận với nhiều chuyên gia trong hơn một năm. Trong các cuộc hội thảo, chúng tôi thấy mình phải đối diện với những người thường không độc lập cho lắm và khi họ ra ngoài, họ được đối xử như các ông hoàng. Những lời này không phải của tôi, tôi nghe từ Linh mục Stéphane Joulain, bà Karlijn Demasure, hay Linh mục Piere Vignon.

“Khi chúng ta thấy các nữ tu có bằng tiến sĩ làm việc nhà cho các giám mục…” – Constance Vilanova

Chúng ta thường cho linh mục luôn hoạt động trong con người Chúa Kitô – persona christi, nhưng không phải như vậy khi các ngài ở bên ngoài các bí tích. Không có việc nghi ngờ lời của các linh mục. Nhưng trên thực tế, việc tháp tùng thiêng liêng của các nữ tu chủ yếu do nam giới thực hiện đã đặt ra vấn đề. Vấn đề còn nan giải hơn ở Phi châu khi linh mục là một nhân vật chính trị. Khi chúng ta thấy các nữ tu có bằng tiến sĩ lại làm việc nhà cho các giám mục… Đức Giáo hoàng nói rất rõ về hậu quả của chủ nghĩa giáo quyền, vấn đề này được nhiều chuyên gia nêu ra khi tôi đặt câu hỏi.

Bạn đề cập đến sự khác biệt tình trạng tùy từng quốc gia. Liệu vấn đề lạm dụng các nữ tu có vượt quá đặc thù văn hóa không?

Dù ở bất cứ đâu, ở Âu châu, Ấn Độ, hay ở Cộng hòa Dân chủ Congo, các chiến lược mà “kẻ săn mồi” dùng đều giống nhau, có nghĩa là công thức được sao chép từ châu lục này qua châu lục khác. Chắc chắn đây là điều tôi ấn tượng nhất trong cuộc điều tra này. Tuy nhiên, có một sự mong manh rất lớn ở một vài Dòng ở Phi châu, các nữ tu không có một độc lập tài chánh nào.

Ở Ấn Độ cũng vậy, tôi gặp các nữ tu chỉ có năm âu kim tiêu vặt hàng tháng… Bằng cách nào các nữ tu có thể thoát ra được cảnh này? Ở Pháp, các nữ tu không bị như vậy. Ngoài các yếu tố dễ bị tổn thương này, ở các nước này, các chiến lược đều giống nhau và phụ nữ cũng ít được lắng nghe còn làm nặng thêm cho vấn đề.

Bà có thấy kết quả của tự sắc Các con là ánh sáng thế gian Vos estis lux mundi, đòi hỏi phải thành lập một văn phòng báo động cho mỗi giáo phận không? Và nói chung, sau các bài phát biểu của Đức Giáo hoàng lên án các vụ lạm dụng, mọi người có nhận thức điều này không?

Tôi có thể nói, tôi đã gặp những người đấu tranh để giải phóng lời, nhưng tôi cũng gặp những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông chía mũi dùi khắp nơi và phải tiếp tục giặt đồ dơ của mình trong gia đình. Có sự căng thẳng giữa hai bên và tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm. Những gì Giáo hoàng nói không nhất thiết phải được áp dụng ở cuối bậc thang. Tôi không còn đếm được bao nhiêu lần từ chối phỏng vấn… Có một sự phân đôi giữa các văn bản của Vatican và các bài phát biểu của Giáo hoàng và các ứng dụng của họ. Điều đáng mừng là với mạng xã hội, luật im lặng không còn nữa và tình hình đã tiến triển.

Marta An Nguyễn dịch

Các nữ tu bị lạm dụng, một im lặng bao trùm (Religieuses abusées, Le Grand silence, phát hành tháng 10 năm 2020)