Ăn ngon theo Đức Phanxicô: Bài học từ cuốn phim Babette
cath.ch, 2020-09-10
Trong nhiều dịp, Đức Phanxicô đã chia sẻ niềm say mê của mình với bộ phim Bữa tiệc của Babette (Le festin de Babette, 1987) của nhà đạo diễn Gabriel Axel, dựa trên một truyện ngắn của Karen Blixen. Ngay từ năm 2016, trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris laetitia, 2016), ngài đã trích dẫn phim Bữa tiệc của Babette như sau: “Chúng ta phải nhớ cảnh vui vẻ trong phim, khi bà đầu bếp nhận vòng ôm biết ơn và lời khen ngợi: ‘Với cô cũng như với các thiên thần ăn ngon!’” Gần đây, trong quyển sách phỏng vấn với nhà xã hội học Dominique Wolton có tựa đề Chính trị và Xã hội (Politique et société, 2018), ngài cũng đề cập đến phim này và sự “biến đổi của những người sống khép kín, sau bữa tiệc, họ được giải phóng bằng lời, bữa tiệc đã dạy họ một cách khác để trở thành”.
Trong quyển sách Quả đất Tương lai (TerraFutura) ra mắt ngày 9 tháng 9 năm 2020, khi nhà báo Carlo Petrini hỏi Đức Phanxicô về tầm quan trọng của bữa ăn như giây phút chia sẻ trong cộng đoàn, ngài nhắc lại cuốn phim Bữa tiệc của Babette thêm một lần nữa, đây là “một trong số các phim hay tôi được xem”. Ngài kể lại cốt truyện như sau: “Câu chuyện xảy ra trong một cộng đồng theo chủ nghĩa Calvin rất nghiêm khắc ở Đan Mạch. Hai chị em nhân vật chính, con gái của mục sư Tin lành bắt đầu yêu, nhưng họ bỏ tình cảm này, vì bị cho là đi ngược với đạo đức nghiêm khắc mà họ được thừa hưởng. Họ sống một cuộc đời từ bỏ, không chỉ trong tình yêu mà còn tất cả các chuyện khác, kể cả thức ăn và áo quần. Một loại hãm xác liên tục. Trong bối cảnh này, cô đầu bếp người Pháp Babette, “người nước ngoài” sau khi trúng một giải rất cao, quyết định nấu một bữa ăn tuyệt vời cho cả cộng đồng và qua hành vi này, cô đã làm cho mọi người cảm nhận và thấy được vẻ đẹp của con người, thấy được niềm vui thần thánh, mà vì sai lầm đã bị bóp nghẹt quá lâu”.
Ý nghĩa biểu tượng của thức ăn
Trong quyển sách phỏng vấn này, Đức Phanxicô cho rằng, thức ăn dự phần vào việc xây dựng bản sắc và phản ánh các xác tín thân thiết nhất của con người: “Lựa chọn thức ăn riêng của mình là một phần trong các chọn lựa này, đó là một cơ chế thay đổi cực mạnh: có nghĩa là thưởng cho một mô hình sản xuất và kinh tế này hơn mô hình khác”. Ngài không quên đưa ra, các khoản chi tiêu chính là thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm và thú vật nuôi trong nhà. Vì thế thực phẩm được phân biệt theo một “thú tiềm ẩn đặc trưng cho thời đại này và làm cho chúng ta thích một vẻ đẹp nhân tạo, phù du và hời hợt…”
Mặt khác, không thể phủ nhận một ý nghĩa biểu tượng trong hành động ăn uống trong cộng đồng, chúng ta nhớ lại các bữa tiệc Thánh Thể: tiệc cưới Cana hay Tiệc Ly. Vì thế, ngài tâm sự, khi còn là giám mục phụ tá ở Buenos Aires, ngài thường chiếu phim Bữa tiệc của Babette cho các thừa tác viên hiệp thông mà ngài có trách nhiệm lo. Ngài nói: “Vì nếu chúng ta phải mang Thánh Thể đến cho người bệnh, thì chúng ta không được làm cứng nhắc, chúng ta phải mang đến trong tình yêu và niềm vui, chúng ta phải biết nắm được vẻ đẹp của món quà”.
Các đức tính của “ăn” và “uống”
Đức Phanxicô đã tâm sự với nhà xã hội học Dominique Wolton trong quyển sách Chính trị và Xã hội: “Có một sự hiệp thông thực sự trong việc ăn uống”. Với quyển sách Quả đất Tương lai, thêm một lần nữa, ngài nói chủ đề ăn uống với nhà báo Carlo Petrini, người sáng lập tổ chức “Thức ăn chậm”, một phong trào ủng hộ việc thưởng thức ẩm thực có chất lượng và có trách nhiệm hơn. Ngài nhắc một câu châm ngôn Ả Rập: “Để tạo tình bạn, chúng ta cần hàng kí-lô muối”, có thể câu này cũng được tìm thấy trong Kinh thánh nhưng được viết theo một cách khác. Đức Phanxicô nói tiếp: “Để tạo mối quan hệ, chúng ta phải ăn với nhau nhiều lần, phải chia sẻ thức ăn. Thức ăn là công cụ của tinh thần chung bàn, bẻ bánh là cử chỉ biểu tượng nhất, chúng ta bẻ bánh, trước là mời khách sau là chia sẻ.” Theo ngài, chúng ta có hai khuynh hướng cũng có hại như nhau, dường như ngược với thời đại phong phú hiện nay: “Một mặt, chúng ta phóng đại quá mức với cảnh tượng ăn uống, và mặt khác là kiểu phàm ăn và không kiềm chế”.
Ở đây, lời của Đức Phanxicô nhắc đến các trang khác của quyển sách Quả đất Tương lai, nơi quan điểm của Giáo hội công giáo về khoái cảm xác thịt được đưa ra thảo luận. Ngài nhắc, giáo lý kitô giáo khuyến khích niềm vui lành mạnh và chính đáng, đồng thời lên án những ai chỉ “biểu hiện cho chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân tiềm ẩn”, những người đi tìm “thức ăn vì thức ăn, không có tương quan với người khác, thức ăn chỉ là một phương tiện”. Nói tóm lại, “khi chúng ta có khả năng đặt con người vào trọng tâm, thì ăn là hành động tối cao của người nào muốn làm thuận lợi cho tình bạn, cho tinh thần chung bàn, tạo dịp để làm nảy sinh và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp, và hành động như phương tiện nói lên các giá trị và văn hóa.”
Một số bài học về chủ nghĩa nhân văn và tình huynh đệ trong điện ảnh
Bữa tiệc của Babette cũng là dịp để thảo luận về các phim đã tác động đến Đức Phanxicô, các trang tiếp theo là các phim tuyệt vời đã ghi dấu ấn trên Đức Phanxicô về chiều sâu và vẻ đẹp của nó. Ngài tâm sự với nhà báo Carlo Petrini: “Tôi thực sự thích điện ảnh, tôi đam mê nó”. Từ thời thơ ấu, ngài còn giữ kỷ niệm đã xem các phim vĩ đại về chủ nghĩa tân hiện thực Ý thời hậu chiến, ngài ca ngợi “minh triết vĩ đại và lịch sử vĩ đại” trong các phim của Aldo Fabrizi, Anna Magnani, Vittorio Từ Sica, v.v. Ngài cho biết: “Theo tôi, phim La Strada của nhà đạo diễn Fellini là kiệt tác của chủ nghĩa nhân văn Ý và Thiên chúa giáo.” Qua diễn tiến của người nông dân (Zampano) và một người có tâm hồn đơn sơ (Gelsomina), một ví dụ điển hình về “tình anh em giữa con người” và “tình bạn xã hội” bất chấp các khác biệt. Các giá trị thiết thân của Đức Phanxicô sẽ là chủ đề của thông điệp tiếp theo của ngài. Ngài kết luận: “Chúng ta nên xem lại các phim này để hiểu chúng ta đã thay đổi như thế nào và xã hội chúng ta đã thay đổi như thế nào, không phải lúc nào cũng tốt hơn.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô ca ngợi đối thoại trong cuộc nói chuyện với ông Carlo Petrini