Philippe Lançon: “Dũng cảm, là nhận biết mình mong manh”

205

Philippe Lançon: “Dũng cảm, là nhận biết mình mong manh”

lepelerin.com, Romain Mazenod, 2020-09-03

Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai anh em Chérif và Said Kouachi đột nhập tòa nhà có trụ sở báo Charlie Hebdo giết hại 11 người đang họp, trong đó có 8 người trong ban biên tập và làm bị thương nặng 11 người khác. Hai thủ phạm bị cảnh sát giết sau đó hai ngày. Sống sót sau vụ này, nhà báo Philippe Lançon kể lại tâm trạng nhói lòng, một tâm trạng không diễn tả được.

Gần sáu năm sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo và vụ Hyper Cacher, Tòa án đặc biệt ở Paris sẽ xử các nghi phạm cho đến ngày 10 tháng 11. Ông Philippe Lançon, người sống sót sau vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, ông tránh xa sự náo động của giới truyền thông và đồng ý kể cho báo Le Pèlerin (Người hành hương) biết thảm kịch đã thay đổi con người ông như thế nào.

Bị thương rất nặng trong vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, ông bị đạn bắn vào cằm, vỡ nát phần dưới mặt. Gương mặt của ông bị biến dạng. Ông viết quyển sách Giẻ rách (Le Lambeau) kể câu chuyện phục hồi khó khăn của mình. © Mollona / Opale / Leemage qua AFP

Ông khỏe không?

Ông Philippe Lançon: Cuộc sống của tôi đã thay đổi. Dù tôi vẫn tiếp tục viết cho tờ Liberation Charlie Hebdo, nhưng tôi đang nghỉ việc hoàn toàn. Dù sao, tôi sẽ không thể tiếp tục cuộc sống như trước đây được, đến sở làm với các gò bó bao gồm. Tôi sẽ mệt vô cùng. Cái gì mà người khác xem như giây phút thư giãn, đi ăn nhà hàng, uống một ly… thì đối với tôi, đó là một hạn chế. Nói, ăn, đó là những lúc cái miệng làm việc. Đối với tôi bây giờ, đọc và xem một phim hay là giây phút nghỉ ngơi.

Covid-19 làm cho giai đoạn này trở nên đặc biệt. Tôi cách ly ở nhà quê hơn năm tháng, gần như không gặp ai. Về sức khỏe, sau hai mươi lần giải phẫu, tôi vẫn tiếp tục chữa trị, tôi tập phục hồi chức năng mỗi ngày. Tôi sắp gặp bà Chloé Bertolus, bác sĩ giải phẫu của tôi để xem các thủ tục mới để giải phẫu, đặc biệt là về môi.

Trong quyển sách Giẻ rách ông kể sự kinh hoàng của ông sau cuộc tấn công, đau đớn và hồi phục chậm chạp ở bệnh viện. Đây trước hết có phải là quyển sách nói về nỗi cô đơn khi còn sống phải không?

Đúng, nhưng nỗi cô đơn này bây giờ không còn đè nặng trên tôi. Tôi muốn viết một tác phẩm vừa riêng tư vừa công khai, về một sự kiện gây chấn động của cả nước, và trong một chừng mực nào đó cũng đã gây chấn động cho thế giới, vì đây là lần đầu tiên cuộc tàn sát như vậy diễn ra ở một tòa soạn. Một kiểu “thảm sát tại gia”. Tôi cũng mong muốn cho thấy, làm thế nào sự kiện tập thể này đã thay đổi cuộc đời của một trong các nạn nhân, tôi trong trường hợp này, trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Thật ra nó là quyển sách về một trạng thái của kỷ niệm. Tôi không thể nói: “Nó đã xảy ra chính xác như vậy. Tôi chỉ có thể nói: Tôi nhớ chuyện này đã xảy ra như vậy.”

Nhưng với các phản ứng ở bệnh viện Salpêtrière và ở tất cả các nhân vật chính, tôi nghĩ tôi đã gần thực tế nhiều nhất có thể.

Quyển sách của ông được viết một cách chính xác tỉ mỉ. Ông có nợ sự chính xác này cho các người đã giúp ông không?

Tự bản chất là như vậy. Tôi nợ sự thật cho việc chính xác này, để dùng một thuật ngữ hơi huênh hoang. Tôi sẽ không bắt đầu kể chuyện hay cho thấy tôi lười biếng về kinh nghiệm đã thay đổi tôi một cách sâu đậm. Kinh nghiệm đòi hỏi sức lực về phần tôi và sức lực của cộng đồng người chăm sóc, những người đã giúp tôi vượt lên con dốc… Nhiều người chung quanh tôi đã cố gắng hết sức để tôi có thể khỏe hơn, mọi người theo cách của mình: một người xoa bóp chân, người kia ngồi canh tôi ngủ ban đêm trong phòng tôi.

Ông quyết định không dự phiên xử vừa bắt đầu. Đây có phải là dấu hiệu của tình trạng không còn tha thiết nữa không?

Không. Chính những người chịu trách nhiệm về vụ giết người này làm cho tôi không tha thiết, đặc biệt là anh em nhà K. như tôi gọi họ trong sách. Họ là những người hành xử mà chẳng có gì trong đầu óc, những tác nhân của một ý thức hệ giết người, chỉ muốn xóa đi các giá trị mà xã hội dân chủ chúng ta dựa trên, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Còn với phiên tòa, chắc chắn tôi ở phía dân sự, nhưng tôi không cảm thấy mình có sức mạnh cũng như muốn dự. Nếu công lý thực sự cần tôi làm chứng, tôi sẽ làm.

Vấn đề phiên tòa này là thời điểm quan trọng đối với đất nước chúng ta?

Đó là quá trình nhận biết tội ác đã xảy ra và nhận diện được càng nhiều người có trách nhiệm càng tốt và các ảnh hưởng trên nạn nhân. Địa điểm cũng quan trọng: tòa án, với tất cả sự nghiêm minh của nó, xa các ý kiến chủ quan và dao động của các cơ quan truyền thông. Nghi thức này có thể không dẫn đến sự khách quan nhưng công nhận một cách cụ thể những gì đã xảy ra. Nó cũng là một hoạt cảnh,  một dàn dựng. Để đi đến sự thật, chúng ta phải đi qua cái giả dối, theo nghĩa bất kỳ dàn dựng nào cũng có mưu mẹo. Điều gì sẽ được phép trong trường hợp này? Tôi không biết vì các sát thủ đã chết và các bị cáo hầu hết là “con dao thứ nhì”.

Ông nói đến các nghi thức. Ở bệnh viện ông cũng đã kinh nghiệm các việc chăm sóc như một hình thức nghi thức…

Đúng, tôi đã quen với nó và thậm chí là gắn bó với nó. Tôi Cảm thấy khó khăn khi bỏ nó.

Cuộc tấn công đã thay đổi đời sống nội tâm của ông như thế nào?

Tôi đã đơn giản hóa bản thân rất nhiều. Ít nhất là ở bệnh viện. Vì kể từ ngày đó, tôi như ngưng các lỗi lầm ngày xưa. Tôi thật sự ở trong tình trạng tốt nhất lúc đó. Phần lớn tôi đã bỏ đi tính xấu, khó chịu, những chuyện liên quan đến bản ngã… Khi tôi viết quyển sách Giẻ rách, tôi đã sống một loại nhị hóa nhân cách ngay giây phút sau cuộc tấn công. Tôi có cảm giác thể chất không còn như trước nữa. Philippe Lançon trước đây, người bất chấp mọi thứ vẫn còn tồn tại, là người có thể viết, nghĩa là làm công việc của mình. Đơn giản.

Trong nhiều tháng, vì hàm và miệng bị tàn phá, ông không nói được. Khi đó các chữ có mang một tầm quan trọng mới không?

Dù sao thì trong trường hợp này nó giúp tôi suy nghĩ. Tôi chú ý hơn những gì tôi kể, kể cả việc viết nguệch ngoạc bằng bút dạ trên máy tính bảng. Các lời nói bị phủ bằng im lặng nhiều hơn, một im lặng nội tâm. Việc không thể nói, đặc biệt là người lắm lời như tôi, thì đây là tái phân phối lại các thẻ ngôn ngữ. Bây giờ tôi thành người lắm lời lại. Ngược lại, chữ viết của tôi trở nên đơn giản hơn, rõ ràng hơn. Tôi nghĩ đó là điều thụ đắc được cho cơ thể đề kháng của tôi.

Ông viết, bây giờ ông có một ý tưởng rõ nét hơn về địa ngục là như thế nào. Còn thiên đàng thì sao?

Tôi không tin vào trạng thái hạnh phúc có ý thức. Khi chúng ta ở đó, chúng ta không nhận ra. Còn thiên đàng, đó là nơi tôi ở. Vào những giây phút nào đó, do sự kết hợp gần như kỳ diệu của các hiện tượng tình cảm, cảm giác, trí tuệ, có một cái gì đó giống như một sự ra đời mới. Nhưng ngay lúc đó, tôi không nghĩ chúng ta nhận ra điều đó. Trạng thái của tình yêu, khi được chia sẻ chắc chắn đó là điều gần gũi nhất với thiên đàng. Khi đó có một cảm giác thiên đàng, hòa trộn, rất nhanh chóng kèm theo một u phiền hoặc nỗi buồn, vì người ta không thể ở trong sự hòa trộn lâu dài.

Quyển sách của ông cũng nói về cầu nguyện. Một từ mà ông liên tưởng đến hai danh xưng  lớn: nhạc sĩ Bach và… nhà văn Kafka!

Tôi không phải là tín hữu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi không tìm cách đến với siêu việt. Đối với tôi, người trung gian hòa giải là nhạc sĩ Bach. Ông đã có cuộc sống rất khó khăn, với nhiều cái chết trong gia đình, các con của ông! Ngoài việc ông là thiên tài, ông còn là anh hùng. Chúng ta có ấn tượng tất cả tác phẩm nghệ thuật của ông là nhờ cuộc sống, như đất lấn biển là nhờ biển. Hay đúng hơn nhờ cái chết.

Dũng cảm theo ông là gì?

Dũng cảm đối với tôi bây giờ là… (tìm chữ) là hàng ngày chăm sóc và nâng đỡ những người tôi yêu thương. Và theo quan điểm của họ. Đó cũng là từ bỏ một số việc mình thích làm hoặc mình nghĩ mình thích làm, để chọn đồng hành và giúp đỡ các người quan trọng đối với mình. Đó là tình yêu với hình thức quên mình. Trong kiểu chiến đấu.

Ông có can đảm đó không?

Không, tôi chỉ nhận ra rằng đây là loại can đảm mà tôi nên có. Trong cuốn phim Người nữ tù nhân của sa mạc, một trong các phim tôi yêu thích, nhân vật của John Wayne chỉ trở nên can đảm khi ông chấp nhận đem cô gái trẻ người Ấn mà ông đi tìm về theo ông, thay vì giết cô. Lúc mà cuối cùng ông chấp nhận ông mong manh và nhạy cảm. Sự mong manh và nhạy cảm này đã làm tiêu tan đi người anh hùng đầy thành kiến mà ông từng là cho đến lúc đó. Ông đi từ một can đảm bề ngoài đến can đảm sâu đậm và nhất thiết hơn nhiều. Và cuối cùng, vinh dự hơn nhiều.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Quay trở về với thiêng liêng sau thảm sát