Rủi ro sức khỏe, khủng hoảng kinh tế:  ba thế hệ đối diện trước hoàn cảnh mới

138

Rủi ro sức khỏe, khủng hoảng kinh tế:  ba thế hệ đối diện trước hoàn cảnh mới

la-croix.com, Bernard Gorce, Marion Lecas và Emmanuelle Lucas, 2020-08-24

Không có ai mướn, Enora (trái) phải xem lại kế hoạch có rời nhà hay không. Natalya Saprunova

Mùa tựu trường năm 2020 sẽ không giống bất cứ một mùa tựu trường nào, vừa lo âu vừa lạc quan. Báo La Croix ghi lại các mong chờ và sợ hãi của ba thế hệ, trong thách thức phải tự bảo vệ, phải tìm một chỗ đứng hoặc phải thay đổi tất cả.

25 tuổi, hòa nhập vào cuộc sống

Ở tuổi hai mươi, sẵn sàng lao mình vào cuộc sống, chinh phục thị trường làm việc, nhiều bạn trẻ nản chí với cuộc khủng hoảng nhưng tất cả đều nói lên mong muốn đi đến đàng trước của mình, dù có như thế nào.

Cô Camille, 24 tuổi, tàn nhang lấm chấm trên khuôn mặt, Camille có cái nhìn trong suốt và tươi cười. Tháng 5 vừa qua cô tròn 25 tuổi. Cho đến nay, cô nghĩ mình có một cuộc sống ngăn nắp, cô nói: “Tôi làm mọi thứ trong khuôn phép. Tôi đậu tú tài, học xong năm năm không trễ năm nào. Nhưng khi đi tìm việc, tôi bị kẹt, kẹt và vẫn còn kẹt…” Tháng 3, cô tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông kỹ thuật số và sau thời gian dài nghiên cứu, cô ký hợp đồng với một công ty tuyển dụng. Rồi cơn khủng hoảng sức khỏe ập đến. Nền kinh tế tê liệt, giới chủ nhân im lặng… Vào đầu tháng 4 thì tin không hay: hợp đồng không được tôn trọng. Cô nhớ lại: “Tôi đã khóc rất nhiều.” Tôi cảm thấy mình phải bắt đầu lại từ đầu.

Có hai bằng thạc sĩ trong tay, tìm việc từ tám tháng nay

Giống như cô Camille, nhiều người trẻ là nạn nhân của một hoàn cảnh chưa từng có. Bây giờ, ở tuổi 25, mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều quan trọng hơn giai đoạn trước. Cần độc lập để xây dựng. Anh Nathan vừa đậu bằng thạc sĩ văn hóa ở một trường cao học ở Paris. “Tôi tự nghĩ: Hoan hô nhà vô địch, bạn đã đậu, bạn đã xong thời gian thực tập. Theo lẽ, tôi dễ dàng tìm được việc.” Sáng suốt, thận trọng vì ngay cả trước khi có coronavirus, một số bạn của anh cũng tìm việc không ra, anh cho biết: “Cô bạn gái bên cành nhà tôi, cô có hai bằng thạc sĩ và đã đi tìm việc tám tháng nay nay”… Coronavirus là giọt nước tràn thêm, anh có cảm tưởng mình lớn lên giữa các cuộc khủng hoảng và mệnh lệnh là phải “chiến đấu”.

Anh đã đưa ra quyết định cho năm 2020. Nhưng phải hoãn tìm việc để không kiệt sức vô ích trong lãnh vực văn hóa bị tàn phá vì các hạn chế sức khỏe. Anh ghi danh học một bằng thạc sĩ khác trong một năm. Anh nói và không giấu thất vọng: “Tôi muốn thử tìm việc, nhưng tôi không tự tin và nghi ngờ khả năng của mình. Một thời gian dài thất nghiệp không bao giờ là điều tốt cho lý lịch”. “Bạn có thấy là bình thường khi học nhiều mà không có việc không?”  Anh Nathan sẽ ở với mẹ thêm một năm trong căn hộ nhỏ của hai người ở thủ đô.

Cũng vậy với Enora. Vì không kiếm được chương trình vừa học vừa làm trong ngành thương mại, cô sẽ về ở với cha mẹ ở Carrière-sur-Seine, vùng Yvelines. Gần 23 tuổi, cô đã có các dự tính trong đầu, mơ ước rời tổ ấm, sốt ruột muốn độc lập xoay xở tiền bạc, chất đầy tủ lạnh thức ăn mình thích, không phải trả lời ai về đời sống xã hội của mình. Cô tươi cười nói: “Bố mẹ tôi rất bình thản, nhưng tôi phải nói cho cha mẹ biết, tối nay tôi có đi chơi không, tôi có ăn tối với cha mẹ không, tôi có ngủ ở nhà không. Như thử tôi vẫn còn ở tuổi vị thành niên”.

Căn nhà của mình, ngôi vườn của mình, con chó của mình

Trong lúc chờ đợi cô giữ tinh thần tích cực, đầu vẫn còn đầy ắp kỷ niệm mùa hè, cô vừa đi nghỉ hè với các bạn ở Caromb, vùng Provence nước Pháp. Cô hy vọng giờ chót sẽ có việc, tạm thời cô là nhân viên phục vụ trong một tiệm trà, cũng cùng tiệm từ nhiều mùa hè nay, tiệm vẫn còn mở dù bị khủng hoảng: “Dù sao cũng còn may.” Nụ cười trong giọng nói, cô biết mình đang ở tuổi cho phép vô tư một chút. Rốt cuộc, “một nửa các bạn của cô” cũng còn ở lại với cha mẹ: họ thảo luận với nhau, hỗ trợ nhau, tiếp tục mơ về các bạn sẽ cùng ở chung phòng trong tương lai. Enora cũng biết cô sống khá giả, trong căn nhà xinh xắn, ngôi vườn của cô, con chó của cô.

Ở những nơi khác, tuổi trẻ gay go hơn. Morgane, 26 tuổi, là mẹ của bé trai Samuel, 2 tuổi. Mẹ đơn thân trong căn hộ ở Roubaix. Cô có bằng hội họa-xây dựng, kể từ khi mang thai cô không làm việc, cô sống nhờ trợ cấp xã hội. Trong thị trấn, đôi khi đi đường, cô gặp các đồng nghiệp cũ, họ hỏi cô khi nào cô đi làm trở lại. Cô chờ đến tháng 12 sẽ xin việc lại, dù có thể gặp rủi ro với các bất ổn mới: “Nếu lúc đó phải cách ly lại… thì phiền quá”, cô thở dài, hai tay ôm đầy hàng hóa giữa tiếng lách tách của máy tính tiền. Cô không muốn mình bị gục vì đại dịch, cô đã chịu đựng “bao nhiêu năm tháng khó khăn vừa qua”. Hiện tại cô hoạt động trong hiệp hội ATD Quart Monde để giúp các người trẻ khác sống trong hoàn cảnh bấp bênh. Không có chuyện nhốt mình trong sợ hãi, cũng không hối tiếc chuyện gì. Cô nhìn con trai nhỏ bé với đôi má ửng hồng và mái tóc rối bù của mình. Samuel là sức mạnh của cô. “Trong trường hợp gay go, tôi sẽ tự xoay sở. Chắc chắn một điều là tôi không muốn quay về sống chung với cha mẹ. Tôi xem đó là một bước đi lui”.

Thích ứng, đi tới đàng trước. Động lực này cũng đã níu kéo Camille, sau khi cô mất việc trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số vào đầu cuộc khủng hoảng. Cô gái trẻ nhanh chóng tiến tới, cô đầu tư tiền tiết kiệm để mua thiết bị quay phim, hy vọng có thể tự lập. Cô thổ lộ: “Bạn trai của tôi vừa tìm được việc làm, tôi thấy chúng tôi cứ xâu xé nhau suốt ngày, tôi bực mình vì cứ bị trì hoãn, anh bỏ đi. Chúng tôi lớn lên với hai tốc độ khác nhau”.

Bây giờ cô không còn hối tiếc chọn lựa của mình: cô được nhiều lương hơn chỗ cũ đã hứa với cô, cô hiểu mình hơn, có khả năng thích nghi và chiến đấu hơn. Đồng thời cô yên tâm về tương lai của mình và nhận thức rõ về các bất ổn đang chờ: “Tôi phải nghĩ đến các tháng tôi ít việc hơn. Vì lý do y tế, đã có các công ty hủy các buổi chụp được lên lịch vào tháng 9.”

Các thách thức của họ cho mùa tựu trường

Sinh ra giữa các năm 1990 đến năm 2000, họ được gọi là “dân bản xứ kỹ thuật số” hay “trẻ em kỹ thuật so” vì khả năng diêu sử dụng trực quan các công nghệ mới, họ chiếm 12,4% đa số, 8,3 triệu người.

Họ từ 8 đến 18 tuổi khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, từ 15 đến 25 tuổi khi tờ báo Charlie hebdo ở Paris bị tấn công.

Vào mùa tựu trường: thách thức của họ là hội nhập vào nghề nghiệp. Cuối tháng 7, họ là thành phần được bà Bộ trưởng Bộ Lao động Élisabeth Borne lên kế hoạch “1 trẻ, 1 giải pháp”, dành 6,5 tỷ âu kim và các biện pháp kèm theo để giúp đỡ họ. Bù 4.000 âu kim cho công ty nào thu nhận người trẻ từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, 8.000 âu kim để tuyển dụng một sinh viên vừa học vừa làm trên 18 tuổi và nhiều chương trình bổ sung khác, v.v.

Ở tuổi 45, bám trụ hay thay đổi tất cả  

Ở tuổi trung niên, chúng ta xây dựng gia đình, đã vạch sự nghiệp… Nơi những người tứ tuần, khủng hoảng thường làm cho họ đặt vấn đề một cách sâu đậm. Với tất cả mọi cách để trả lời.

Cô Sylvie và anh Alain tận hưởng ngày cuối cùng trên bãi biển xứ Basque ngày 20 tháng 8. Trước khi về lại thủ đô, hai cha mẹ ở tuổi 40 và 41 này đã sạc năng lượng cho mùa tựu trường hứa hẹn đầy khó khăn.

Ngoài trời với chân trời bao la, xa kỷ niệm những ngày cách ly khó khăn trong căn hộ ngoại ô Paris với ba đứa con.

Đứa con trai Timothée 13 tuổi, mắc chứng tự kỷ. Tháng 3, bỗng chốc Timothée không còn đến các trung tâm chăm sóc em. Phòng khách biến thành phòng học. Cô Sylvie, nhân viên làm việc trong ngành phân phối và anh Alain trong ngành dầu mỏ, làm việc trực tuyến trong các điều kiện khó khăn. Mũ kết trên tai, vợ chồng căng thẳng.

Vào cuối tháng 8, họ run khi nghĩ phải cách ly lại, họ chỉ có một mục đích: trụ vững! “Xung quanh chúng tôi, một số người suy sụp, một số muốn rời Paris, Alain và tôi không có thì giờ để đặt lại vấn đề, để đặt các câu hỏi lớn. Tình trạng cách ly quá gay go, chúng tôi phải tập trung vào điều chính yếu. Con gái 10 tuổi của chúng tôi là Thạs cùng với anh trai lo việc nhà. Vì thế chúng tôi khởi đi lại, chúng tôi cố gắng tin tưởng”.

Giữa cuộc đời

Cuộc khủng hoảng sức khỏe ập đến với thế hệ trung niên, một loại khủng hoảng hiện sinh giữa đời người về mặt gia đình và nghề nghiệp, mọi thứ dường như vẫn còn do dự giữa những gì có được và những gì có thể bị đảo ngược. Đối với nhiều người, việc bỗng phải lo âu này là một thử thách. Một số khác run khi dùng các phương tiện giao thông công cộng. Các khoản tín dụng, các dự án cho tương lai bỗng phải đặt lại vấn đề vì thất nghiệp một phần hay mất việc làm. Vậy phải làm gì: thay đổi, trụ vững hay thích ứng? Thật khó để quyết định khi không biết lúc nào thì chân trời xa tắp này biến mất.

Đối với ông Pierre và bà Armelle Germain, 49 tuổi, có ba người con, cuộc khủng hoảng xảy ra giống như trái cây đã chín gặp đợt trời nóng phải hái gấp. Ông là giám đốc điều hành trong ngành vi tính, bà Armelle đổi nghề, bà thi đậu vào ngành quản lý bệnh viện công và đang thực tập xa thành phố Rennes. Căn nhà gia đình ở Rennes chắc chắn là những năm cuối cùng của nó. Và viễn cảnh về một cuộc sống mới ở trước mặt.

Như nhiều người, họ mất định hướng vào tháng 3 vừa qua. Con gái lớn 22 tuổi của họ ngưng một năm học để đi du lịch vòng quanh thế giới và bị kẹt ở Chi-Lê. Hai em thì học trực tuyến ở nhà.

Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’

Dù phải vượt khó khăn mọi mặt nhưng với đại dịch, gia đình được củng cố trong hành trình trí tuệ của mình. Dấn thân trong phong trào Hướng đạo sinh Pháp, tác động của Thông điệp Chúc tụng Chúa đã ghi dấu ấn mạnh về môi sinh trong đời sống gia đình.

Các tác giả Pablo Servigne và Jared Diamond viết về chủ đề sự sụp đổ của thế giới đã là đề tài tranh luận trong gia đình. Bà Armelle nói: “Tôi đang cố gắng thuyết phục con gái, rằng rời bỏ xã hội không phải là một lựa chọn đúng đắn. Chúng ta phải tìm giải pháp, vẫn có thể thay đổi lối sống của mình.”

Mùa hè này, cha mẹ đã để xe trong nhà xe, họ đi xe lửa đến Mercantour để đi bộ. Sự thay đổi nghề nghiệp của bà Armelle mang đến cho ông Pierre một triển vọng thay đổi nghề nghiệp của mình. “Tôi muốn làm một cái gì có ý nghĩa, có thể bắt đầu bằng cách giúp con gái tôi sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh, con tôi muốn hành nghề nuôi trồng thủy sản với bạn của mình”.

Trong hơn một năm nữa, tùy khu vực sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, hai vợ chồng đã nghĩ đến việc nên dời đi. Ông muốn một cuộc sống ít thành phố hơn, gần thiên nhiên hơn. Mong muốn thay đổi, cuộc khủng hoảng làm thay đổi, đã đến lúc các con rời nhà để đi học. Hai đứa sẽ học ở Nantes, một đứa ở Angers.

Một tháng bảy tốt đẹp 

Ông Jérôme Raymond, 45 tuổi, chủ nhà hàng ở Nièvre, có hai con lớn từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Vào mùa tựu trường, con gái sẽ vào trường ở Nevers và con trai là sinh viên ở Paris. Người cha gia đình nghĩ đến tương lai các con, đặc biệt trong tình trạng kinh tế phức tạp hiện nay. Vì các lý do khác, cặp vợ chồng có thể thay đổi nghề nghiệp của mình. Bà Amélie cũng đồng ý. Cả hai đều nghĩ đến con cái trước hết.

Vào tháng 3, ông đã thấy mình phải đóng cửa. Nhưng may mắn tháng 7 tốt đẹp trở lại, cứu cho tiệm của ông trong mùa hè. Tôi phải thích nghi, phải xem lại các món ăn. “Tôi rất thích sự thay đổi trong nhà bếp của tôi. Tôi phải thêm vào thực đơn một món ăn trong vùng để phục vụ cho một loại khách hàng khác.” Ông thích các chất liệu trong vùng gần đây, tìm nguồn cung cấp ở các nhà sản xuất địa phương ở Autun.

Ông nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng sẽ thanh lọc khi nghề chúng tôi phải đối diện với tình hình kinh tế bấp bênh, nhưng tôi cũng tin tưởng sẽ có cơ hội để nắm bắt.” Hiện tại ông có các mối lo khác: làm sao tìm hai nhân viên cho mùa tựu trường, một trong nhà bếp, một ngoài phòng ăn.” Tiệm ăn của ông ở vùng Bourgogne xanh ngát tuyệt đẹp nhưng rất xa vắng. Ông đến đây năm 2015 trên vùng đất gia đình nhưng bây giờ phải đối diện với thực tế: coronavirus chưa làm cho người dân thành thị về nông thôn.

“Tôi cảm thấy có một tinh thần đoàn kết thực sự”

Ông sẽ làm tất cả để sống với nghề đam mê của mình. Dù phải từ bỏ một số kế hoạch như làm lại sân thượng để tổ chức các bữa ăn trưa chúa nhật, mùa hè này ông đã thành công khi có các thực đơn khách đến lấy rất thành công. “Điều làm cho tôi yên tâm là tôi không thấy mình đơn độc. Mọi người ủng hộ tôi, một số khách hàng trở lại vào mỗi cuối tuần. Tôi cảm thấy có một tinh thần đoàn kết thực sự”. Ở vùng Bretagne, xa đồi núi Morvan, bà Armelle cũng thấy các khía cạnh tích cực của cuộc khủng hoảng. “Bệnh viện trở thành nơi mọi người đều quan tâm. Tình hình làm chúng tôi phải suy nghĩ lại cách tổ chức mà cho đến nay dựa trên hiệu suất,” bà sáng suốt thấy các khó khăn nhưng không bỏ cuộc.

Các thử thách của họ cho mùa tựu trường

Sinh giữa những năm 1970 và 1980, họ chiếm 14,1% dân số với 9,4 triệu người.

Họ là con của thế hệ baby-boomer, những người sinh từ những năm 1945 đến năm 1965. Họ lớn lên cùng với cuộc cách mạng kỹ thuật số, chứng kiến sự xuất hiện của Internet, điện thoại di động và bước vào thị trường làm việc với đồng âu kim.

Họ lên 9 đến 19 tuổi khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, từ 21 đến 31 tuổi khi Trung tâm Thương mại Thế giới New York bị đánh sập năm 2001.

Vào mùa tựu trường: nếu là nhân viên, họ buộc phải mang khẩu trang đi làm việc. Chính phủ khuyến khích các công ty tổ chức làm việc từ xa. Ngày tựu trường vẫn được ấn định vào ngày 1 tháng 9. Sau ngày tựu trường, chính phủ sẽ vạch ra kế hoạch phục hồi, trong đó có chương trình thúc đẩy kinh tế và trợ giúp các công ty và một số ngành nghề.

Ở tuổi 75, bảo vệ mình đến đâu?

Nếu đại dịch đã đặt người lớn tuổi vào trọng tâm mọi chú ý thì rủi ro bị bệnh là có thật. Những người ở tuổi bảy mươi lo lắng cho sức khỏe của mình, nhưng họ cũng muốn có cuộc sống trọn vẹn.

Mùa hè đã kết thúc với bà Martine. Bà sẽ đóng cửa căn nhà nông thôn ở Bourguignonne để về Paris. Vì thế bà tận hưởng các phiên chợ mùa hè ngập nắng cuối cùng ở vùng Beaune, nơi bà thích thả bộ với chiếc khẩu trang trên mũi. Người phụ nữ 75 tuổi năng động và chồng bà quyết tận hưởng cuộc sống bất chấp Covid, tuy vậy họ chăm sóc cẩn thận sức khỏe của mình. “Tôi rất khó chịu khi thấy khách du lịch không mang khẩu trang.”

Với khủng hoảng Covid, thế hệ được ưu đãi này đôi khi cảm thấy lo cho một tương lai có thể không có họ. Hoặc ít nhất họ bị để ra bên lề. Vì sự chăm sóc sẽ kết thúc từ đâu? Bắt đầu từ đâu thì để cách ra? Bà Martine nhượng bộ: “Với cuộc khủng hoảng sức khỏe, ranh giới giữa hai mốc thật nhỏ. Tôi nghĩ, cũng như trong các năm 1970, có một chương trình truyền hình có tên ‘Đứa trẻ cũng là một nhân vị’ thì bây giờ cũng nên gọi ‘Người baby-boomer cũng là một nhân vị’ để nhắc nhở, già cũng đẹp. Ở tuổi 75, chúng tôi không nhất thiết phải được cưng chiều hoặc không thể tự lo cho mình.”

Cảm thấy khó thành người lớn

Tuy nhiên, đôi khi bà cảm thấy khó chịu vì nó không tự nhiên. Nhân danh bảo vệ cho người lớn tuổi, họ bị cho là con nít. Bà không thích những câu “phải cẩn thận”, “đừng làm này, đừng làm kia” cho bà cảm tưởng mình không phải là người lớn. Bà cười nói: “Đây là chủ đề thảo luận bất tận với một trong các con dâu bác sĩ của tôi. Con dâu tôi rất dễ thương nhưng khi nào cũng bảo tôi phải cẩn thận. Vì thế tôi đã phải lưu ý con tôi, tôi đủ khả năng suy nghĩ một mình.”

Bà thấy đây là đặc điểm của thời đại, con cái đã lớn lo cho cha mẹ nhưng làm cha mẹ bị tổn thương. Bà tương đối hóa: “Tôi bắt đầu lãng tai, chồng tôi bị bệnh tiểu đường, nhưng không vì vậy chúng tôi bị nhiễm virus lo âu. Chúng tôi cẩn thận, nhưng chúng tôi không bi thảm hóa. Đơn giản là vậy.” Bà không thích nghe kể về “các bà, các ông tội nghiệp bị nhiễm Covid. Có quyền gì người ta nói với chúng tôi về những chuyện này? Ba năm trước, tôi vẫn cón làm việc!” Trên thực tế không dễ đầu hôm sớm mai thế hệ này bị xếp vào hàng “lão ông, lão bà.” Bà Martine nhớ lại: “Vào tháng 4, khi tổng thống Emmanuel Macron nói những người trên 65 tuổi có thể phải bị cách ly lâu hơn người khác, ông đã làm nhiều người khó chịu”.

Không thể quên mái tóc bạc

Bà Annette cũng vậy, bà không thể quên mái tóc bạc của mình. Hơn cả tấm kiếng, cái nhìn của người khác nhắc bà nghĩ đến tình trạng của mình. Bà nói: “Có một lúc, tôi tin một xã hội mới sẽ bắt đầu, sẽ đoàn kết hơn. Mỗi buổi tối, từ cửa sổ phòng, chúng tôi vỗ tay cám ơn những người chăm sóc. Tôi nghĩ tất cả chúng ta sẽ sống tốt với nhau hơn”. Nhưng bây giờ bà không tin nữa. Bà buồn bã nói: “Kể từ khi dỡ bỏ cách ly, mọi người trở về với tính ích kỷ của mình”.

“Lớn tuổi” và tìm chỗ đứng của mình trong số những người khác đã trở thành khó khăn hơn. Như hôm bà đi chợ, bà xin một thanh niên dời xe mô-tô của anh, anh trả lời: “Ở tuổi bà, bà nên ở nhà.” Cả một cú sốc. Một lần khác, trên xe buýt, bà bị một người nói: “Bà già này, bà đi về nhà đi.” Vì thế khi về nhà, bà viết thư ngay cho công ty giao thông và tòa thị chính Rennes nơi bà sống. Bà Annette muốn bảo vệ mình. “Tôi lớn lên với ý nghĩ mình phải chăm sóc các em bé nhỏ, phải đưa bàn tay ra. Các giá trị này là hàng đầu trong việc giáo dục con cái tôi”. Vậy mà sự ích kỷ của một số người ập vào bà như một làn sóng, bà quyết tâm chống lại. Mỗi ngày, bà mang khẩu trang, vén mái tóc bạc phơ và đi dạo trong khu phố của mình. Cử chỉ này, giống như quả bóng oxy.

“Tôi thích ở đây. Tôi được làm những gì tôi muốn”

Để mình bị xép xó ư? Chắc chắn không, ông Jean-Pierre cũng trả lời như vậy. Ở tuổi 72, ông là người trẻ nhất của nhà hưu dưỡng Saint-Maur-des-Fosseùs (Val-de-Marne). Chính căn bệnh đa xơ cứng đã đưa ông vào đây. Nhưng ông không phàn nàn. Ông hơi tự hào giải thích: “Tôi thích ở đây, tôi được làm những gì tôi muốn.” Trong thời gian cách ly, ông không ra khỏi phòng, “nhưng tôi không bị cô lập, nhờ có máy truyền hình, máy tính và các nhân viên”. Từ khi dỡ bỏ cách ly, căn nhà mở cửa lại. Với phương tiện giao thông thuận tiện, ông có thể về Paris tiếp tục học khóa vi tính của mình.

“Tháng 9 tôi sẽ đi học lại. Rất dễ, tôi ra ga Vincennes, sau đó tôi đi trên các vỉa hè đủ rộng cho chiếc xe lăn điện của tôi”. Ông lấy tay gạt đi nỗi sợ virus. Vì ông yêu đời và muốn tận hưởng đời sống đến cùng, dù ông ”thích thế kỷ 20 hơn.” Các baby-boomer đã biết các năm tháng tốt đẹp. “Tôi bắt đầu làm việc ngoài chợ với cha mẹ. Trời lạnh có khi âm 16 độ! Sau đó, tôi làm việc trong một công ty bảo hiểm, nhờ vậy tôi qua được chương trình hỗ trợ và thăng cấp.” Đủ để có một lương hưu thoải mái và đi du lịch “Club Med”. Ông hy vọng chân trời của ông sẽ không bị cản trở vì đóng cửa biên giới. “Ngay khi có thể, tôi sẽ đi Mỹ, xem thắng cảnh ở Vườn quốc gia Yellowstone. Bạn biết đó không?” Ông vừa hỏi vừa nheo mắt cười.

Bà Annette cũng có các dự án. “Tôi mong ở trong một xã hội đoàn kết hơn, nhưng tôi tự hỏi liệu tôi có được vào không?” Đối diện với việc bỗng cảm thấy mình cô đơn và mong manh vì cuộc khủng hoảng, bây giờ bà tìm an ủi trong lời cầu nguyện. Bà xem lễ trên truyền hình và “xin Chúa cho mình can đảm để đối diện với tương lai này”. Bà mơ được dấn thân nhiều hơn, chẳng hạn vào hiệp hội Hành động đúng ở Bretagne. Với đầy ý tưởng trong đầu cho các tháng sắp tới.

Các thách thức của họ trong mùa tựu trường

Họ sinh trong những năm 1940 đến năm 1950, họ chiếm 9% dân số,  với 6 triệu người.

Họ là hiện thân của khởi đầu thế hệ baby-boomer. Họ lớn lên trong những năm vinh quang và biến cố lịch sử tháng 5 năm 68 đánh dấu tuổi trẻ của họ. Họ là nhân chứng của quá trình xây dựng châu Âu và sau đó là toàn cầu hóa, một tiến trình nhanh chóng gia tăng từ những năm 1990.

Họ từ 12 đến 22 tuổi khi chiến tranh Algeria kết thúc, từ 31 đến 41 tuổi khi bắt đầu đại dịch sida.

Vào mùa tựu trường: Chính phủ hiện không xem lại biện pháp ngăn chặn toàn bộ các Nhà dưỡng lão. Các chính quyền địa phương kiểm soát thăm viếng ở các khu vực có virus lưu hành nhiều. Ngoài ra, những người trên 70 tuổi được khuyên nên làm xét nghiệm nếu nghi ngờ bị nhiễm. Thử nghiệm này được hoàn tiền và không cần toa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch