André Comte-Sponville: “Tình đoàn kết có thể nảy sinh từ cuộc khủng hoảng này”

128

André Comte-Sponville: “Tình đoàn kết có thể nảy sinh từ cuộc khủng hoảng này”

la-croix.com, Bernard Gorce, 2020-08-24

Theo triết gia Pháp André Comte-Sponville thì cuộc khủng hoảng này làm cho người dân mất lòng tin ở xã hội nhiều hơn, nhưng lại hứa hẹn một xã hội có tình đoàn kết hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo chống lại sự ám ảnh về sức khỏe. Nỗi sợ hãi cái chết không nên lớn hơn tình yêu cuộc sống.

Phỏng vấn triết gia André Comte-Sponville, nhà giáo và tác giả của nhiều tác phẩm, bằng phong cách rõ ràng và phương pháp sư phạm, ông đã làm cho triết học dễ dàng đến với mọi người.

Cuộc khủng hoảng này tạo ra các bất ổn lớn trong một thế giới nặng về chiều hướng muốn kiểm soát mọi sự. Một sự trật nhịp như vậy có phải là chưa từng có?

André Comte-Sponville: Lịch sử không bao giờ tự nó lặp lại: một cuộc khủng hoảng luôn là một điều gì chưa bao giờ xảy ra. Nhưng chắc chắn không phải là không có bất an, đó là bản chất của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Và chúng ta muốn nói đến sự kiểm soát nào? Chúng ta nghĩ mình có thể kiểm soát được khí hậu toàn cầu nóng lên sao? Chúng ta kiểm soát được nạn đói trên thế giới (9 triệu người chết mỗi năm, trong đó có 3 triệu trẻ em), việc di cư, việc phong trào dân túy trỗi dậy, tình trạng thất nghiệp kéo dài sao?

Tôi thì nói ngược lại: ít nhất là ở Châu Âu, hiện nay chúng ta kiểm soát đại dịch Covid tốt hơn là kiểm soát khí hậu toàn cầu nóng lên, hay khủng hoảng kinh tế! Kiểm soát, thường thường chỉ là ảo tưởng. Triết gia Ăngghen (Engels) đã thấy điều này: “Cái mà mỗi cá nhân muốn thì lại bị cá nhân khác ngăn cản, đến mức cái xuất hiện từ nó (sự kiện lịch sử) là điều không ai muốn”.

Nếu chúng ta làm chủ được lịch sử của mình thì sẽ không có chiến tranh, không có cách mạng, không có thảm họa, không có khủng hoảng. Đó không phải là lý do để chúng ta phó mặc cho tình cờ hay buông xuôi. Không ai muốn có Covid-19. Không ai có thể xóa nó bằng một nét bút. Nhưng chúng ta có thể hành động chống lại nó, và hơn nữa chúng ta làm điều đó khá hiệu quả. Tôi thấy có lý do để lạc quan ở điểm này.

Chúng ta có thể dựa trên nguồn lực nào để đối diện với cuộc khủng hoảng này?

Như tất cả mỗi lần, chúng ta dựa trên thông minh, thận trọng, sáng suốt, đoàn kết, dũng cảm… Chống đại dịch dễ hơn chống khủng hoảng kinh tế. Khi đối diện với một căn bệnh truyền nhiễm, tự bảo vệ bản thân đồng nghĩa với việc bảo vệ người khác và ngược lại. Điều này hiếm thấy trong khủng hoảng kinh tế.

Chúng ta có thể mong chờ các thay đổi tích cực nào?

Tôi lại chờ các tiêu cực trên hết: nghèo hơn, ít tin tưởng hơn, ít tự do hơn, ít chung bàn hơn… Nhưng đồng thời, một tinh thần đoàn kết có thể nảy sinh từ cuộc khủng hoảng này, một lời nhắc nhở về sự mong manh chung của chúng ta, đề cao cảnh giác và hợp tác quốc tế hơn. Cuộc khủng hoảng cũng giúp chúng ta hiểu cái chết là một phần của cuộc sống. Triết gia Pháp Montaigne đã nói, “Chúng ta không chết vì bệnh; chúng ta chết với những gì chúng ta sống”. Cho đến khi nào chúng ta chưa hiểu chuyện này, nỗi sợ hãi cái chết có xu hướng chiến thắng tình yêu cho cuộc sống.

Các người trẻ bị yêu cầu giới hạn tự do của họ để bảo vệ người lớn tuổi. Đại dịch có nguy cơ rối loạn quan hệ giữa các thế hệ không?

Rối loạn thì không. Nhưng chắc chắn là có ảnh hưởng đến họ. Chúng ta rất bất công với các bạn trẻ. Tình trạng thất nghiệp của các bạn trẻ bắt đầu giảm thì vì cách ly, tình trạng này lại có khuynh hướng tăng cao. Và bây giờ, chúng ta muốn họ bỏ tiệc tùng, tán tỉnh, chơi thể thao, đi ra ngoài, để bảo vệ những người trên 65 tuổi! Chúng ta đòi hỏi họ quá nhiều.

Nói rộng hơn, cuộc khủng hoảng này có nguy cơ chia rẽ chúng ta hay ngược lại, đưa chúng ta đến gần nhau hơn trong sự mong manh chung của nhân loại?

Chắc chắn là cả hai. Nhưng đừng trông chờ coronavirus để có được những gì mà Tin Mừng trong hai mươi thế kỷ đã không thành công: bỏ được tính ích kỷ, bạo lực, hận thù. Theo tôi, khi tôi thấy một người lớn tuổi hôn cháu, tôi rất vui. Đây là điều tôi tự nói với bản thân, mình phải đặt tình yêu lên trên sức khỏe. Theo tôi, điều này trung thành với tinh thần Tin Mừng hơn là luật lệ sức khỏe có khuynh hướng áp đặt.

Chúng ta hãy cẩn thận với cái mà tôi gọi là “hệ thống hóa đại dịch”, biến sức khỏe thành một giá trị tối thượng. Nó hoàn toàn không phải vậy, mặt khác, sức khỏe không phải là một giá trị của tất cả: nó chỉ là một điều tốt, chắc chắn là điều ai cũng mơ, nhưng không có gì đáng ngưỡng mộ ở đó. Chúng ta đừng dựa vào việc phòng ngừa để thế chỗ cho tình yêu, công lý hay tự do! Một lần nữa, tôi lo về việc khí hậu toàn cầu nóng lên hơn là về Covid và về tình trạng thất nghiệp của thanh niên nhiều hơn là các tiệc tùng của họ!

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Triết gia André Comte-Sponville: “Tận dụng cách ly để đọc và suy ngẫm”

André Comte-Sponville: “Xin quý vị để chúng tôi chết như chúng tôi muốn!”