Cuộc sống bị lấy đi của em Alexandra 3 tuổi, biểu tượng của thảm kịch ở Beirut
parismatch.com, Ban biên tập, 2020-08-10
Em Alexandra, 3 tuổi đã qua đời vì các vết thương sau vụ nổ ở Beirut. PATRICK BAZ / AFP
Em Alexandra sống sót sau vụ nổ ở Beirut ngày thứ ba 4 tháng 8, nhưng đã qua đời ngày thứ sáu 7 tháng 8 vì các chấn thương quá nặng.
Tháng 10 năm ngoái, trên vai cha, em Alexandra tự hào cầm cờ Li-băng đi biểu tình. Từ 3 tuổi, em đã mơ một tương lai tốt đẹp cho Li-băng như đã được hứa hẹn. Với chiếc áo màu hồng và các lọn tóc nâu tung bay trong gió, em đã biết hô to chữ “cách mạng”. Một cuộc cách mạng chống lại chính phủ của một đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Và rồi cuối cùng, em sẽ không bao giờ biết được tương lai của đất nước mình sẽ ra sao.
Em bé có nụ cười tươi là một trong nhiều nạn nhân của vụ nổ ở Beirut. Em đã qua đời tại bệnh viện ngày thứ sáu 7 tháng 8.
Vụ nổ do cháy nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ trong sáu năm tại cảng Beirut mà không có biện pháp phòng ngừa, ít nhất đã có 158 người chết, 6.000 người bị thương và hơn 300.000 người lâm vào cảnh không nhà cửa.
Khi ngọn lửa bùng phát vào cuối ngày, từ căn hộ của mình, Alexandra và cha mẹ chạy đến cửa sổ xem chuyện gì đang xảy ra. Vài phút sau, tiếng nổ đầu tiên vang lên. Tracy, bà mẹ 33 tuổi vội chạy đến ôm con, trong một cố gắng lấy thân mình che con. Một giây sau, nhiều tiếng nổ dữ dội hơn thổi bay tất cả các tòa nhà xung quanh. Lần này, Tracy không ôm được con, em Alexandra lọt khỏi vòng tay mẹ. Ông ngoại của Alexandra kể với báo Daily Mail: “Như mọi người, cả nhà ở ban-công để xem chuyện gì xảy ra. Con gái tôi nói nhìn thấy một vật thể lớn màu xám từ trên trời rơi xuống và hét lên kêu mọi người vào nhà. Cô cố gắng che chở Alexandra, nhưng sức thổi quá mạnh, cô không thể ôm con được, tất cả bay qua nhà.” Đầu của Alexandra đụng vào đàn piano, hoặc cánh cửa làm em bị thương nặng. Cha mẹ vội đem em đi cấp cứu nhưng vết thương quá nặng”.
“Nạn nhân của những kẻ cầm quyền bất cẩn và tham nhũng”
Trả lời trên kênh LBCI, ông Paul, cha của em Alexandra từ chối cho em là “người tử đạo”. Ông nói: “Đúng hơn, con tôi là nạn nhân của những kẻ cầm quyền cẩu thả và tham nhũng.” Ông tố cáo: “Họ đã giết chúng tôi tại nhà, nơi tôi nghĩ là tôi có thể bảo vệ gia đình… nơi, nếu tội ác xảy ra và nếu đất nước không mang đến một cái gì cho chúng tôi, thì ít nhất chúng tôi cũng có được một mái nhà an toàn. Những gì họ đã làm là một tội ác đã trả giá bằng mạng sống của gia đình chúng tôi, một gia đình hợp nhất, và đối với tôi, đây là tội ác với giá của tình yêu, vì nếu có một điều gì đó mà tôi tin trong lòng tôi – thì đó là nền tảng của gia đình chúng tôi, nó vẫn đang và sẽ mãi mãi như vậy ”.
Các tấm biển có khuôn mặt em Alexandra trong cuộc biểu tình ở Beirut vào cuối tuần vừa qua. © Pierre Raimbault / Hans Lucas / Hans Lucas qua AFP
Cái chết của em “Alixou”, tên thân mật của em ở nhà, đã gây xúc động lớn lao ở Li-băng và cả thế giới. Các bức ảnh của em được chia sẻ hàng ngàn lần trên các trang mạng xã hội. Khuôn mặt của em trên nhiều tấm biển của các người biểu tình giương cao vào cuối tuần qua. Một cách để tiếp tục cuộc chiến mà em đã bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, với lời hứa tương lai sẽ thay đổi cho tất cả các em bé còn sống sót.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Phép lạ của em bé George, sinh ngay giữa vụ nổ ở Beirut
Đoạn video xúc động của một bà lớn tuổi đàn dương cầm khi Beirut đổ nát