Phát triển sớm thường là câu chuyện của gia đình
la-croix.com, France Lebreton, 2020-03-31
Chỉ số thông minh cao hơn bình thường một phần do gia truyền. Phát triển sớm của em bé này có thể khơi dậy hay cho thấy sự phát triển sớm của em bé kia.
“Tôi tiếc là đã không theo dõi Sự phát triển con gái lớn của tôi”
Ông Gilles Boissou, 62 tuổi, có con gái 35 tuổi và con trai 11 tuổi
“Sự phát triển sớm của con gái đầu lòng có từ cuộc hôn nhân đầu của tôi đã không được phát hiện chính thức. Thời đó không ai nói về tiềm năng cao. Tôi không thể theo dõi con như đáng lý phải làm. Và con tôi đã gặp khó khăn rất lớn, đặc biệt trong thời gian tôi ly hôn. Tôi phát hiện ra tiềm năng cao của con trai tôi lúc cháu 3 tuổi”.
Tôi hỏi cháu nhiều câu hỏi như ‘làm thế nào các ngôi sao trên trời trụ được’, ‘con nói cho ba biết thêm về các mảng kiến tạo’. Chúng tôi thấy được sự nhạy bén của con trong các trường hợp khác nhau. Khi học mẫu giáo, thái độ của cháu đã có vấn đề. Louis ‘làm mọi chuyện lộn xộn’. Bà hiệu trưởng chấp nhận để cho Louis lên lớp trên với điều kiện cuối năm em phải rời trường.
Vì không có ‘tiềm năng cao đồng điệu’ nên Louis bị chênh lệch một số môn như viết chẳng hạn. Louis được một một nhà tâm lý vận động theo dõi. Chúng tôi không muốn Louis nhảy lớp để tránh con bị sống bên lề. Nhưng phải canh khi cháu làm xong một việc, phải giao việc khác cháu thích làm, nếu không cháu sẽ tắt lịm.
Ở nhà, chúng tôi biết cách nào để cháu bớt căng thẳng, nghĩa là bình tĩnh lại, như đặt tay lên vai hoặc thay đổi môi trường. Cẩn thận nhất là không làm cái gì với bạo lực. Các em bé này từ chối mọi thẩm quyền nếu chúng không hiểu được sự hữu ích, sự nhất quán của lời chỉ dẫn.
Tất cả phải được chứng minh. Các em đặt các mục tiêu rất cao có thể làm các em nổ lên các cơn thiếu kiên nhẫn. Cha mẹ sau đó phải chịu đựng cái nhìn không tán thành của người khác. Nhưng cũng có lúc kỳ diệu. Tôi tự hào về con trai khi chúng tôi có thể thảo luận đến nhiều chủ đề. Louis có nhiều sinh hoạt khác như bóng ném, âm nhạc, các bộ môn giúp em mở ra với người khác”.
“Một tiến trình gia đình”
Bà Chantal, 50 tuổi, có con trai 16 tuổi, và con gái 13 tuổi
Tôi có hai đứa con sớm phát triển. Một đứa hướng nội, một đứa hướng ngoại. Con trai tôi được xác định lúc lên ba tuổi rưỡi và sau đó lúc 11 tuổi. Nó có khó khăn về vận động và tập trung. Để xử lý tính bốc đồng của cháu, chúng tôi phải làm dịu, phải lên khuôn cho cháu để giúp cháu tìm thấy vị trí của mình. Ở trường, cháu tuân theo những gì nhà trường mong chờ, nhưng khi về nhà cháu bức rức và tức giận. Khi cháu lên lớp sáu, chúng tôi phát hiện cháu là nạn nhân của vụ hách sách đã nhiều năm. Các bạn gọi cháu là “ông trí thức” hay “người ngoài hành tinh”.
Tôi trải qua một thời gian phủ nhận hoàn toàn. Tôi không muốn con trai tôi khác với các bạn khác. Cháu đã khơi ra các đau khổ xưa cũ. Qua cháu, cuối cùng tôi đã hòa giải với đứa trẻ ngày xưa của tôi. Tôi là cô gái tuân theo luật lệ, phẳng phiu, không bao giờ biết nói không. Con trai tôi đã khôi phục thẩm quyền cho tôi. Mọi người phải biết vị trí của mình trong gia đình. Những người quá nhạy cảm này như tấm bọt biển, họ cảm nhận được sự xung đột, giải mã ngôn ngữ bằng lời hay không bằng lời. Không có khu vực màu xám, không có điều cấm kỵ nào có thể có với họ.
Về phần chồng tôi, anh muốn thử nghiệm để hiểu điểm mạnh, điểm yếu của anh về mặt nhận thức. Tiềm năng cao của anh được xác nhận. Ở tuổi 52, anh loay hoay tìm chỗ đứng của mình, anh thiếu tự tin. Tiến trình gia đình này đã tốt cho mọi người”.
“Chồng tôi ở trong tình trạng phủ nhận”
Bà Laurie, 37 tuổi, có hai con trai 10 và 5 tuổi
“Con trai lớn của tôi có thể đọc một phần lớn. Các thử nghiệm tâm thần khi 6 tuổi rưỡi cho thấy cháu có trình độ trưỏng thành trí tuệ của một người ở tuổi 16 và trưởng thành cảm xúc của trẻ 4, 5 tuổi. Khoảng cách giảm dần khi cháu lớn lên. Như thường xảy ra với các em bé có tiềm năng cao, con trai tôi không có nhiều bạn. Vì ý thức cao về trung thực, công bằng nên cháu không chịu được gian dối, dù một chút.
Qua nhiều tuần, cháu có một hoặc hai người bạn quay lại. Nhưng chung chung, cháu không nói nhiều các chuyện ở trường. Đó là ngôi vườn bí mật của cháu. Sang năm cháu lên lớp 6, tôi nghĩ cháu sẽ tìm được những gì cháu đang tìm. Cháu thường thay đổi các sinh hoạt vì cháu mau chán. Bây giờ cháu thích kịch nghệ và leo núi. Em trai của của cháu chưa làm thử nghiệm nhưng cháu ít nổ hơn.
Ở nhà, người anh lớn đặt nhiều câu hỏi và hay cắt ngang câu chuyện người lớn, cháu không ngủ được khi chưa có câu trả lời. Nhiều người trong gia đình tôi có tiềm năng cao, kể cả tôi. Chồng tôi cũng vậy, nhưng anh phủ nhận. Thật là phức tạp khi nói chuyện này trong gia đình anh. Anh bị chứng loạn đọc, thậm chí thất bại, anh không thích đến trường. Chúng tôi đã có thể thảo luận về chuyện này nhờ sự hỗ trợ của Hiệp hội Quốc gia dành cho trẻ em sớm phát triển trí tuệ”.
Marta An Nguyễn dịch