Ở Đức, chưa khi nào quỹ Giáo hội đầy như vậy

234

Ở Đức, chưa khi nào quỹ Giáo hội đầy như vậy

Nhà thờ chính tòa Berlin ngày 10-5-2020

la-croix.com, Caroline Celle, 2020-07-22

Năm 2019, Giáo hội công giáo Đức quyên được hơn 6,76 tỷ âu kim nhờ thuế tôn giáo, một loại thuế chỉ duy ở Đức mới có, rút từ tiền lương của giáo dân, số tiền này tiếp tục tăng từ năm này qua năm khác. Nhưng Giáo hội Đức lại phải chứng kiến cảnh giáo dân của mình bỏ đi hàng loạt.

Trong lúc ghế nhà thờ trống thì quỹ của Giáo hội Đức lại đầy. Ngày thứ hai 20 tháng 7, Hội đồng Giám mục Đức công bố bảng chiết tính năm  2019-2020, họ cho biết năm 2019 Quỹ nhận hơn 6,76 tỷ âu kim nhờ thuế tôn giáo. Đây là số tiền kỷ lục của Giáo hội, nhiều hơn 100 triệu âu kim so với năm 2018, năm này chỉ thu được 6,643 tỷ âu kim. Quỹ đã đều đặn tăng từ năm 2015.

Đây là một đặc thù được quy định trong luật pháp Đức, thuế tôn giáo quy định tín hữu phải trả một phần thuế lợi tức của mình cho các tổ chức tôn giáo – công giáo, tin lành hoặc do thái giáo – mà họ gắn bó về mặt hành chính. Số tiền thuế thay đổi trong khoảng từ 6 đến 10% tiền lương tín hữu tùy theo vùng.

Sự gia tăng tiền quỹ được giải thích là do mức sống của người công giáo Đức gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2017, quỹ tăng mạnh lên đến 2,2%, trước khi giảm nhiều nào năm 2019.

Rời bỏ Giáo hội hàng loạt và đột ngột

Nhưng đồng thời, cộng đồng công giáo của Giáo hội Đức đang bị xói mòn nghiêm trọng. Năm 2019, hơn 272.000 người rời khỏi cộng đồng, ngưng nộp thuế và do đó không còn ở trong sổ rửa tội. Sự rời bỏ hàng loạt và đột ngột này (24% nhiều hơn so với năm 2018) một phần do cuộc khủng hoảng lòng tin của tín hữu phải đối diện với nhiều vụ tai tiếng trong hàng giáo sĩ. Ngoài các trường hợp lạm dụng tình dục, người Đức còn nhớ các vụ lừa đảo tài chính như vụ giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst, giáo phận Limburg sống xa hoa và khu nhà tòa giám mục trị giá 31 triệu euro bị báo chí phanh phui năm 2013.

Chính từ vụ bê bối này mà 27 tòa giám mục Đức  phải công khai di sản của họ, cùng một lúc cho thấy sức khỏe kinh tế vững mạnh. Ông Kai Littmann, chủ bút nhật báo Pháp-Đức Eurojournalist giải thích: “Không những các toà giám mục Đức hưởng lợi từ các khoản thu thuế tôn giáo mà còn từ các nguồn tài chính cũ và đầu tư giỏi. Họ có các ngân hàng, các dịch vụ xã hội, các căn nhà và tiếp tục nhận tiền bồi thường sau khi bị tước bỏ một phần đất đai của họ vào thế kỷ 18 và 19, như được ghi trong Hiến pháp Weimar.”

Cảnh giác từ việc bỏ đi hàng loạt của tín hữu, các giám mục đã áp dụng chính sách thắt chặt ngân sách mạnh hơn từ mười năm qua. Sáp nhập các giáo xứ, giảm đóng góp vào các tổ chức công giáo như Chương trình Thế giới vì Hòa bình Pax Christi hoặc ban trợ giúp công giáo ở nước ngoài … các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng được áp dụng. Ông Kai Littman cho biết: “Nghịch lý, sự thắt chặt này lại góp phần vào sự ra đi của giáo dân, họ vẫn là tín hữu nhưng càng ngày càng chỉ trích Giáo hội. Và với cuộc khủng hoảng sức khỏe và trong thời kỳ suy thoái mà nước Đức đang bị lún sâu, nhiều người công giáo sẽ bước vào danh sách những người bây giờ từ chối đóng thuế tôn giáo.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch