Abnousse Shalmani: Cuốn theo dòng Lịch sử

249

Abnousse Shalmani: Cuốn theo dòng Lịch sử

lexpress.fr, Abnousse Shalmani, 2020-06-22

Nhà báo Abnousse Shalmani tại Paris, ngày 16 tháng 12 năm 2019. Serge Picard, L’Express

Lập trình lại các bộ phim hoặc hạ tượng là không hiểu gì Lịch sử và vai trò của nó

Cuốn theo chiều gió vừa được Grand Rex lập trình lại “theo thời sự.” Một sai lầm. Và dịp để xem lại vai trò của Lịch sử.

Trong bảy mươi năm trị vì, hoàng đế Ramses II đã dựng các tượng đài ấn tượng cho vinh quang của ông, đẩy sự tinh tế đến mức viết lại các thất bại của mình. Vì thế trận chiến thất bại Qadesh chống người Hittites, được khắc trên đá để lưu danh vĩnh cửu, đã trở thành bài ca chiến thắng của vị vua vĩ đại. Nước Pháp Cộng hòa thứ ba đã “quên” Napoléon khi từ chối dựng tượng và đặt tên đường cho danh tiếng của ông, nên cứ  khăng khăng theo đường lối trực tiếp đi từ Cách mạng Pháp đến Cộng hòa, nhưng không vì thế mà ngăn không để Cộng hòa ấn định quy tắc theo … Bộ luật Napoleon. Đó là một quá trình lâu đời mà nền văn minh bây giờ muốn thu nhỏ quá khứ lại cho vừa để bỏ vào hộp giày đựng ý thức hệ hiện nay.

Khi bà Margaret Mitchell viết cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, tham vọng của bà tóm tắt lại trong câu hỏi: “Tại sao có một số người làm điều đó và một số người khác thì không? Những người sống sót đưa ra một lý do: dũng cảm. Tôi đã kể câu chuyện về những người có can đảm và những người không có.” Cuốn theo chiều gió là một quyển sách – và một bộ phim – về sự sống còn chứ không phải về nô lệ. Nhân tiện, chúng ta nên lưu ý, những người nói đến cái nhìn “diễm tình” về chế độ nô lệ có một ý tưởng khá kỳ lạ của “thể chế đặc biệt”: tôi không tin có một khán giả nào rời phòng chiếu mà mơ mình thành người nô lệ của Scarlett O’Hara!

Cuốn theo chiều gió là cuốn phim nói về ý chí và sự kiên cường, mô tả sự bất khả thi của một số người tách khỏi quá khứ, không làm tù nhân của một thế giới bị chôn vùi sẽ không bao giờ trở lại. Sự trớ trêu kỳ lạ, trớ trêu muốn xóa bỏ quá khứ qua bộ phim thì lại phản ánh chứng loạn thần kinh lạc hậu.

Việc hạ tượng các nhân vật lịch sử đã bị lý thuyết hóa, trục lợi hoặc hoan nghênh chế độ nô lệ hay thuộc địa đi theo cùng một lô-gic: che giấu quá khứ này mà tôi không thể thấy. Vậy làm thế nào để kể và phân tích các phong trào Lịch sử? Nếu lịch sử đầy những chuyện vĩ đại thì nó cũng có một phần tương đương đầy các bạo lực, chiến tranh, các nhân vật độc ác. Chúng ta không phán xét lịch sử. Chúng ta không lọc lựa những gì phù hợp với chúng ta, những gì làm chúng ta lớn lên, những gì an ủi chúng ta, những gì làm nhục chúng ta hay những gì làm cho chúng ta buồn. Lịch sử không ở đó để trấn an bạn hoặc giúp bạn vượt qua sự khó chịu của mình, Lịch sử không phải là cẩm nang về phép lịch sự hay huấn luyện đúng cách, Lịch sử không đẹp cũng không xấu, không dữ cũng không dễ thương. Lịch sử là vậy. Điều duy nhất Lịch sử có thể làm cho chúng ta, là nó giúp chúng ta hiểu các cơ chế, lô-gic của nó, các ý tưởng đã định hình nó.

Hiện tại của chúng ta phụ thuộc vào lựa chọn chính trị của chúng ta, không phụ thuộc vào tổ tiên chúng ta

Lịch sử dạy chúng ta, không một dân tộc nào, một quốc gia nào, không một xứ sở nào có đặc quyền về cái đẹp hay về chủ nghĩa nhân văn, cũng như không có quốc gia nào, dân tộc nào có bàn tay sạch. Đế quốc Ba Tư đã cho thế giới thấy cách tàn bạo khai thác thuộc địa của họ, trong số các phát minh khác họ có sáng kiến gởi các thống đốc bạo ngược đến cai trị các quốc gia phục tùng họ. Điều này cũng không ngăn được các cuộc xâm lược của người Ả Rập ở  thế kỷ thứ 8 và các vụ trở lại bắt buộc, cũng như việc buộc người Dô-rô-át ương ngạnh ra đi của Ấn Độ để họ trở thành người Parsis sáng lập ra Bombay. Vậy thì? Mỗi người ả rập sunni tôi gặp nên quỳ xuống trước mặt tôi để xin lỗi vì đã thay đổi tôn giáo của tổ tiên tôi và phá vỡ đế chế không?

Từ lâu và ở quy mô lớn, đế quốc ả-rập – hồi giáo đã khai thác chế độ nô lệ: thỏa hiệp buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương bao gồm từ 9,6 đến 11 triệu người, buôn bán nô lệ hồi giáo ả rập đã xuất hơn 17 triệu người châu Phi. Các hậu duệ của nô lệ xuyên Đại Tây Dương đã lên đến con số 70 triệu người, so với con số 1 triệu người của hiệp ước buôn bán nô lệ hồi giáo- ả rập, hậu quả của một vụ cắt xén có hệ thống. Vậy thì? Chúng ta có nên “vỗ tay” cho người phương Tây và “chỉ” lên án thế giới hồi giáo-ả rập không mà thôi sao? Thanh lọc dân tộc thiểu số đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 tại Balkan, vùng lãnh thổ thuộc Đế chế Thổ. Đế chế này có tốt hơn đế chế phương Tây không?

Chế độ nô lệ và thuộc địa là các sự kiện lịch sử đê hèn, nhưng chúng không phải là đặc thù riêng của “Người da trắng” hay của các đế chế phương Tây. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi chứng cuồng loạn chủng tộc, muốn xóa bỏ quá khứ, viết lại lịch sử, tôn vinh một số người và lên án một số người khác với lý do màu sắc hoặc sắc tộc, chúng ta không những phải cự lại với kiểu nói dối ngây ngô nhưng trên hết phải chấp nhận chúng ta là hậu duệ của những điều tồi tệ nhất cũng như những điều tốt lành nhất – của loài người – và phải thừa nhận rằng hiện tại của chúng ta phụ thuộc vào các quyết định chính trị của chúng ta, chứ không phải phụ thuộc vào tổ tiên chúng ta, dù họ là lãnh chúa ở Bagdad, thống đốc bạo ngược ở Dakat hay nhân vật cấp cao ở Belgrade.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hạ tượng: Điều nổi bật ở đây là tầm mức phản kháng lớn lao

Có phải hạ các tượng liên quan đến nạn kỳ thị không?