Roger-Pol Droit: “Tha cảm, chia sẻ cảm xúc không trì hoãn, không suy nghĩ vẫn là một chuyện bí ẩn”
Tha cảm. Minh họa thế kỷ 19, London News Ltd/Mary Evans Picture Library/Photononstop
lemonde.fr, Giáo sư, triết gia Roger-Pol Droit, 2020-04-10
Giáo sư, triết gia Roger-Pol Droit tìm trong thư viện của mình chất liệu để nói đến tha cảm, khả năng cảm nhận một cách trực giác những gì người bên cạnh cảm nhận, như thử chính mình sống thực cảnh ngộ của người đó.
Tha cảm, sức sống tuyệt đối
Tất cả bị chia cách, cách ly, cô lập. Dù vậy chúng ta tất cả hiệp nhất, nối kết và chia sẻ cùng cảm xúc. Làm sao có thể được? Câu trả lời sẽ không thuần trong địa hạt màn hình và tính phổ biến của các phương tiện truyền thông. Tất cả các chuyện này là thiết yếu, nhưng đó chỉ là phương tiện. Nó sẽ không có một hiệu quả nào nếu trong tâm hồn chúng ta, trước tất cả mọi kỹ thuật, không tồn tại một khả năng kỳ lạ là phải chia sẻ ngay lập tức. Nó cho chúng ta cảm nhận được những gì người khác cảm nhận.
Không cần phải biết họ. Cũng không cần phải có liên hệ yêu thương, bạn bè, cũng không cần một mối quan hệ nhỏ nào. Chỉ cần đó là con người, vô danh và đồng loại. Chúng ta cảm nhận họ đau khổ, họ nghẹt thở, họ chết trơ trọi một mình, chúng ta biết người thân của họ điếng lòng, ngay lập tức chúng ta sống nỗi đau và nỗi kinh hoàng này. Và rõ ràng chúng ta thấy các bác sĩ, y tá, các người khiêng cáng và các nhân viên khác đối diện với nạn dịch với tấm lòng vị tha. Chiều đến, chúng ta ra cửa sổ hết lòng vỗ tay, tỏ tình đoàn kết và lòng biết ơn, vào trống không.
Được che chở, còn khỏe mạnh, chúng ta sống những gì người khác sống. Và chúng ta trực tiếp cảm nhận, không suy luận, không giả thử. Trên thực tế, đó là điều khó hiểu. Và luôn luôn không giải thích được. Vì nếu nó tầm thường, hiển nhiên, thì sự chia sẻ cảm xúc không trì hoãn, không suy nghĩ vẫn là điều bí ẩn. Tùy mỗi thời chúng ta cho nó các tên khác nhau. Nó được mô tả và xem xét kỹ lưỡng mà không thể nào làm sáng tỏ hoàn toàn được.
Cảm xúc của người khác
Trước hết là triết gia Rousseau, sau đó là Schopenhauer gọi đó là “thương hại” – chữ dùng trở nên khó nghe trong nghĩa rộng nhất vì nó làm cho chúng ta chỉ nghĩ đến sự yếu đuối của lòng thương hại tội nghiệp. Triết gia Adam Smith, trong tác phẩm Lý thuyết về cảm nhận đạo đức (Théorie des sentiments moraux, 1759) thì thích gọi đó là “thiện cảm”. Còn các triết gia hiện đại từ Jaspers và Freud thì dùng chữ “tha cảm.”
Các khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Nhưng tất cả đều đưa về một ghi nhận: chúng ta hiểu, chúng ta cảm nhận ngay lập tức các cảm xúc của người khác. Như triết gia Adam Smith nói: “Các cảm xúc này được truyền từ người này sang người khác ngay lập tức.” Hậu quả kỳ lạ: chúng ta vừa là mình vừa là người khác. Triết gia Schopenhauer nhấn mạnh trong tác phẩm Nền tảng đạo đức (Le Fondement de la morale, 1840): “Tôi đau khổ với họ và trong họ, dù làn da của họ không bao phủ thần kinh của tôi.” Tiến trình của việc nhận căn tính này vẫn chưa được hiểu rõ, dù con đường dò tìm các “nơ-ron tấm gương” được các ngành khoa học nhận thức nghiên cứu có vẻ đầy hứa hẹn. Dù bằng cách nào, tha cảm làm cho chúng ta cảm nhận và cũng làm cho chúng ta hành động.
Giải cứu, tương trợ nhau, đó là tha cảm. Triết gia Trung hoa Mạnh Tử, thế kỷ thứ IV trước công nguyên đã sáng tạo câu chuyện rất ngắn nhưng mẫu mực: một em bé chơi ở bờ giếng, em bé sắp té, một người đi qua thấy vậy vội lao tới chụp em! Tất cả đều ở đó! Người đi qua có thể là người xa lạ, chưa bao giờ biết em này. Sự thúc đẩy ngay lập tức để cứu không đến từ suy nghĩ. Chúng ta lưu ý, câu chuyện ngắn này là của Trung hoa và từ thời cổ đại. Vì tha cảm là phổ quát hoàn vũ, ở mọi thời, ở mọi nơi và ở mọi văn hóa.
Điều làm cho tha cảm bị dập tắt
Nhưng còn một điều cần biết là tha cảm thường bị làm gián đoạn, dập tắt thậm chí còn bị phá hủy. Điều này thì ít bí ẩn hơn. Dửng dưng, ích kỷ, lý trí lạnh lùng góp phần vào đó. Hơn nữa, niềm tin cuồng tín, cứ nghĩ là phải thật có thể che đi tha cảm, dẫn đến việc giết người nhân danh điều tốt. Từ Tòa án Dị giáo đến Tổ chức hồi giáo cực đoan là cả trăm ví dụ. Tất cả chỉ dạy một điều: ngược với tha cảm là man rợ.
Marta An Nguyễn dịch