Christophe Dickès: “Đức Phanxicô hiểu tình trạng nghiêm trọng của thời buổi”

241

Christophe Dickès: “Đức Phanxicô hiểu tình trạng nghiêm trọng của thời buổi”

fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2020-04-07

Kể từ đầu đại dịch, Đức Phanxicô đã có nhiều buổi cầu nguyện, cử chỉ và lên tiếng, vừa có tính cách biểu tượng vừa có tính cách thiêng liêng. Sử gia và chuyên gia Vatican Christophe Dickès giải thích cho báo Aleteia: “Giáo hội thông qua Giáo hoàng Phanxicô mang ý nghĩa đến cho đời sống, và mang ý nghĩa đến cho đau khổ và cái chết mà xã hội tây phương chúng ta thường không muốn đối diện.”

Đá tảng trong cơn bão, nơi ẩn náu trong nghịch cảnh, người mục tử trong bóng tối. Trong cuộc chiến chống nạn dịch trong nhiều tuần nay, từng giây phút Đức Phanxicô huy động để chống Covid-19. Bằng lời cầu nguyện, bằng cử chỉ, bằng lời nói. Sử gia Dickès cho biết: “Đức Phanxicô không có phương tiện nào khác hơn là lời nói, lời cầu nguyện và các bí tích.”

Trước hết là hình ảnh ngài đi hành hương ngày chúa nhật 15 tháng 3 trên đường phố Rôma vắng vẻ, các hình ảnh này sẽ in sâu vào tâm trí giáo dân lâu dài. Một mình cùng với vài nhân viên bảo vệ, ngài đi bộ đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cứu rỗi thành phố Rôma. Sau đó ngài đến nhà thờ Thánh Marcel cầu nguyện trước Thánh giá nhiệm mầu. Nhà báo Dickès nói: “Nhìn ngài đi trong thành phố nổi tiếng Rôma bình thường là một dấu hiệu sống, nhưng bây giờ là giữa thành phố chết, thành phố không có hồn mà trước đây Rôma là thành phố của đức tin, của di tích lịch sử.”

Làm thế nào để hiểu một hành vi như vậy? Sử gia cho biết: “Đức Phanxicô đi theo bước chân của những người đi trước ngài: tôi nghĩ đến Giáo hoàng Gregory Cả, ngài đã đi trên đường phố Rôma vào thế kỷ 4 và cũng đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ xin chấm dứt dịch hạch.”

 Nhưng Giáo hội với bản chất của mình, vun trồng các đức tính Tin, Cậy, Mến. Giáo hội biết sức mạnh của lời cầu nguyện và của bí tích. Chính vì thế mà Giáo hội luôn đổi mới.

Ngoài việc đi hành huơng trên đường phố Rôma, Đức Phanxicô còn dâng thánh lễ trực tiếp được triue đi mỗi ngày từ Nhà nguyện Thánh Marta. Mỗi buổi sáng ngài kết hiệp với hàng triệu tín hữu. Trưa thứ tư 25 tháng 3, ngài xin giáo dân trên toàn thế giới cùng đọc Kinh Lạy Cha với ngài, “để Chúa nghe lời cầu nguyện kết hiệp của tất cả các môn đệ của Chúa.”

Sử gia Dickès giải thích: “Đức Phanxicô hiểu tình trạng nghiêm trọng của thời buổi hiện nay. Ngài cũng thấy giới hạn của giáo hội bệnh viện làng quê mà ngài chủ trương ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình. Bây giờ các giám mục, linh mục phải cách ly như mọi người, phải tìm các cách khác để giảng Tin Mừng… Nhưng Giáo hội với bản chất của mình, vun trồng các đức tính Tin, Cậy, Mến. Giáo hội biết sức mạnh của lời cầu nguyện và của bí tích. Chính vì thế mà Giáo hội luôn đổi mới.”

Và rồi còn hình ảnh của người mặc áo trắng, đi một mình dưới bầu trời xám xịt trên sân trước Đền thờ thánh Phêrô, bị gió và mưa cuốn khi màn đêm buông xuống.

Sử gia Dickès nói tiếp: “Có một nghịch lý trong hình ảnh này: Đức Phanxicô luôn mong triều giáo hoàng của mình là đồng đội, là hưóng về các vùng ngoại vi, bây giờ ngài một mình. Một mình trước mặt Chúa. Một cô đơn gần như mang tính ngôn sứ. Một từ mà triết gia Jean Guitton dùng khi nói về Đức Phaolô VI trong những năm cuối triều giáo hoàng của ngài. Đức Phanxicô như chúng ta biết, ngài không thích dùng thuật ngữ ‘giáo hoàng có chủ quyền’ mà ngài cho là giống như thời xưa. Dù vậy, theo nghĩa nguyên thủy, giáo hoàng là người tạo cây cầu giữa trời và đất. Đức Phanxicô nhấn mạnh nhiều đến việc cần thiết phải bắt cầu giữa con người với nhau.” Sử gia giải thích: “Nhưng thảm kịch đại dịch đặt ngài trước mặt Chúa,với sức nặng của nỗi bất hạnh hiện nay trên vai.” Thiên Chúa, qua mặt nhật Mình Thánh Chúa, ngài ban phép lành cho thành phố Rôma và thế giới. Một cử chỉ nhắc lại các lời trong sách Đệ nhị luật: “Chính Đức Chúa đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi” (Đnl 31:8). Tôi nghĩ Đức Phanxicô nói với chúng ta, dù cho các bất hạnh của thế giới, dù bão tố, dù sợ hãi, Chúa sẽ cứu chúng ta.

Trong các tuần vừa qua khi đứng trước đại dịch, Đức Phanxicô không ngừng nhắc lại, mỗi người phải đáp trả bằng lời cầu nguyện, bằng lòng trắc ẩn, bằng sự dịu dàng.

Trong cuốn phim Sự Thương Khó của Chúa Giêsu của Mel Gibson, kịch bản có lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ khi Ngài vác thánh giá: “Con sẽ làm mọi sự mới”, đây là một đoạn trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan, sử gia nhấn mạnh. “Giữa nghịch lý của đau khổ có hy vọng này trong Chúa. Và đó là cương vị của giáo hoàng, ngài mang Hy vọng này của Chúa dù giáo hội và thế giới đang trải qua cơn bão tố.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô xem giai đoạn hiện nay là giai đoạn “mất ổn định lớn” 

Theo Giáo sư Delgado, Covid-19 đòi chúng ta phải chuyển hướng