Đức Hồng y Schönborn: “Độc thân vẫn là hình thức cơ bản của linh mục”

384

Đức Hồng y Schönborn: “Độc thân vẫn là hình thức cơ bản của linh mục”

furche.at, Otto Friedrich, 2019-12-18

Trong một bài phỏng vấn dài với nhật báo Áo “Furche” ngày 18 tháng 12-2019, hồng y Christoph Schönborn nói đến các vấn đề lớn của Giáo hội trong năm 2019: Thượng hội đồng Amazon, khí hậu, vấn đề phong chức các ông đã lập gia đình, chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội, vấn đề lạm dụng tình dục trong các cộng đoàn mới, đồng tính, phân cực trong Giáo hội và các cáo buộc chống giáo hoàng. Cuối cùng, cơn sốt chính trị chung quanh bài diễn văn về khí hậu ở Madrid, Tây Ban Nha cho thấy ở điểm nào, những gì xảy ra ở vùng Amazon cũng là những gì xảy ra cho toàn thế giới.

Hồng y Christoph Schönborn, Dòng Đa Minh, Tổng Giám mục giáo phận Vienne, Áo. Ngài là người soạn thảo chính của Giáo lý công giáo. Sinh ngày 22 tháng 1 năm 1945, ngài sắp 75 tuổi, tuổi các giám mục tự động đệ đơn từ chức lên giáo hoàng và ngài đã làm. Giáo hoàng sẽ quyết định.

Khi hồng y Christoph Schönborn trả lời cuộc phỏng vấn dài của báo Furche, ngài vừa trải qua cơn bệnh nặng. Ngài đang thời kỳ dưỡng bệnh, trong khi chờ đợi ngài khỏe mạnh, ngài không xuất hiện trước công chúng cho đến trước tháng 1 năm 2020. Ngày 22 tháng 1 sắp tới, ngài sẽ mừng sinh nhật 75 tuổi. Trong thời gian  Thượng hội đồng Amazon tháng 10 vừa qua, theo luật của Giáo hội, ngài đã đệ đơn từ chức lên giáo hoàng và chờ giáo hoàng quyết định.

Báo Die Furche: Năm 2019 là năm quan trọng với Giáo hội trên nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Thượng hội đồng Amazon. Đâu là thông điệp của thượng hội đồng này đối với người dân Áo?

Hồng y Christoph Schönborn: Theo tôi, thông điệp Thượng hội đồng Amazon liên quan đến cả thế giới chứ không riêng gì nước Áo. Đối với tôi, cú sốc của giáo sư Hans Joachim Schellnhuber của Học Viện Potsdam ở Berlin, người cuối cùng phát biểu tại thượng hội đồng vẫn còn rất mạnh. Giáo sư phát biểu trước giáo hoàng: “Sự hủy hoại vùng Amazon là sự hủy hoại thế giới”. Nghe có vẻ bi thảm, nhưng Amazon vẫn là một trong các yếu tố ổn định quan trọng nhất cho khí hậu thế giới. Chắc chắn mối quan tâm của Đức Phanxicô đã là động lực để ngài quyết định triệu tập thượng hội đồng rất bất thường này. Vì đây là thượng hội đồng vùng: tất cả các giám mục của chín nước ở vùng Amazon đều có mặt, ngoài ra còn có một số lớn các người tham dự, tu sĩ, giáo dân, chuyên gia. Giám mục chúng tôi chỉ chiếm thiểu số, năm người Âu châu, hai người Phi châu, một Á châu, một thuộc vùng Đại dương và hai ở Bắc Mỹ.

Nhưng thượng hội đồng còn bàn nhiều chuyện hơn là khí hậu?

Vấn đề lớn thứ nhì là những người sống ở đó. Nhất là bảo vệ các dân tộc bản địa, văn hóa, quyền của họ, không gian sống của họ. Vấn đề căn bản là họ không có vùng đất cố định. Khi các đại công ty nông nghiệp, các công ty dò khoáng sản, các công ty thủy điện đến làm các dự án lớn, họ mua đất và người bản địa không có quyền trên đất của họ.

Vấn đề thứ ba là vấn đề bảo vệ văn hóa người bản địa. Với tất cả các vấn đề của thế giới hiện đại, với Internet vào tận rừng sâu, với việc di cư nông thôn đã định hình cuộc sống người dân trong rừng, thúc đẩy thanh niên về thành phố.

Tôi cảm thấy mình không có quyền đưa ra lời khuyên ở thượng hội đồng. Nhưng tôi đã đặt ba hoặc bốn câu hỏi.

 

Đâu là quan điểm của Giáo hội về các vấn đề này?

Vấn đề được đặt ra: có một Giáo hội của người Amazon với phụng vụ riêng của họ không? Điều này dẫn chúng ta đến chủ đề lớn thứ tư, đó là mục vụ và  đó là chủ đề tôi lắng nghe nhiều nhất.  Tôi cảm thấy mình không có quyền đưa ra lời khuyên ở thượng hội đồng. Nhưng tôi đã đặt ba hoặc bốn câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất: sự tiến bộ đáng kinh ngạc của các giáo hội tự do tin lành, đặc biệt là phái Ngũ Tuần có nghĩa là gì? Một số người nói 60 đến 80% tín hữu kitô hiện nay là thanh viên các nhóm giáo hội tự do. Tôi ngạc nhiên khi thấy ít có câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên vấn đề mục vụ chính là vấn đề đi từ mục vụ ‘viếng thăm’ đến mục vụ ‘hiện diện’, vì vậy không phải thỉnh thoảng đến thăm mà là ở đó. Tôi có cảm tưởng chúng ta bỏ lỡ chủ đề này.

Sau đó tôi đặt câu hỏi thứ nhì. Giáo hoàng đã nói với họ trong bài diễn văn khai mạc: có sự đoàn kết của Châu Mỹ La Tinh với vùng Amazon không? Đã có sự thiếu hụt linh mục trầm trọng ở vùng Amazon khi 1200 linh mục Cô-lông-bi qua Mỹ và Canada làm việc, ít nhất đây là vấn đề đoàn kết.

Và cuối cùng, vì tôi là người Vienne, tôi đặc biệt xúc động với câu hỏi: chúng tôi có rất nhiều phó tế vĩnh viễn ở giáo phận Vienne, tất cả là 214. Vì sao chúng ta không có phó tế vĩnh viễn ở vùng Amazon? Không phải vấn đề viri probati sẽ là thử nghiệm cho các ông đã lập gia đình được phong chức linh mục đó không? Đó là những câu hỏi mà theo tôi vẫn còn để mở, nhưng đã được ghi vào tài liệu cuối cùng.

Vì sao chúng ta không có phó tế vĩnh viễn ở vùng Amazon? Không phải vấn đề viri probati sẽ là thử nghiệm cho các ông đã lập gia đình được phong chức linh mục đó không?

 

Có một xôn xao của giới truyền thông tại Thượng hội đồng Amazon về các bức tượng bản địa và câu hỏi liệu chúng ta có đưa văn hóa bản địa vào giáo hội không. Các nhà chỉ trích bảo thủ thậm chí còn cho là giáo hoàng cổ động cho các bức ngẫu tượng này, vì các bức tượng này được dựng lên trong thượng hội đồng. Cha đánh giá sự căng thẳng này như thế nào?

Tôi trả lời bằng câu nói danh tiếng của chính trị gia người Áo: Hãy học ở lịch sử! Khi có các cuộc tranh cãi này, bài xã luận báo Osservatore Romano trích dẫn lời của hồng y John Henry Newman vừa được phong thánh, khi hồng y Newman chứng tỏ cho thấy qua bao nhiêu thời kỳ, Giáo hội đã đưa các yếu tố tôn giáo từ ngoại giáo vào. Chẳng hạn việc xông hương, chúng ta không hình dung đây là hình thức của giáo hội tiên khởi vì đây là dấu hiệu của ngoại giáo, mũ giám mục và phẩm phục cũng không phải là truyền thống của Thánh Kinh nhưng theo mẫu của người la-mã và lương dân. Việc tôn kính các thánh cũng được kitô hóa từ các yếu tố ngoại giáo. Việc lấy các yếu tố lương dân đưa vào di sản kitô giáo là chuyện đương nhiên với tín hữu kitô. Bức tượng Pachamama gây tranh cãi chỉ là bức tượng một phụ nữ mang thai. Trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã nói với một nhà báo Mỹ: ông và tôi – chúng ta được sinh ra cùng một cách và tôi nghĩ ông Phò Sự sống (Pro Life) thì chắc chắn ông có một cam kết rất mạnh với sự sống. Mẹ trái đất và mẹ sự sống là một nguyên mẫu thì tất nhiên có chỗ đứng của hình ảnh này trong kitô giáo. Thánh Phanxicô đã nói trong bài ca mặt trời: Mẹ được ca ngợi về Đất Mẹ, người nâng đỡ và nuôi dưỡng chúng ta. Không có gì để nói thêm về chủ đề này.

Bức tượng Pachamama

Khi tôi còn trẻ, tôi đã thấy Đức Phaolô-VI. Các chỉ trích của ngài cũng giống như các chỉ trích của Đức Phanxicô bây giờ.

 

Tôi có cảm tưởng trong một số môi trường, họ thấy đây là chủ đề sắp tới để chỉ trích giáo hoàng. Trong chừng mực nào Đức Phanxicô gánh chịu những chuyện này?

Tôi nghĩ ngài có được bình an và trong sáng nội tâm rất mạnh, điều này có được nhờ đời sống cầu nguyện sâu đậm của ngài. Tôi chỉ có thể nói: hãy học ở lịch sử!  Khi tôi còn trẻ, tôi đã thấy Đức Phaolô-VI. Bây giờ ngài đã được phong thánh. Nhưng các chỉ trích của Đức Phaolô-VI hoàn toàn giống các chỉ trích của Đức Phanxicô bây giờ – những người hủy diệt giáo hội, những người hủy diệt truyền thống, những người coi thường giáo quyền. Đối với một số người, ngài là người tự do nguy hiểm, với một số người khác, ngài là cái thắng, ngài chưa đủ can đảm… 

Trở lại với mục vụ: Cha nói phó tế vĩnh viễn có thể là “thử nghiệm” cho các cấu hình tương lai của giáo hội? Điều này có nghĩa cha hướng về các ông đã lập gia đình viri probati?

Các phó tế vĩnh viễn đã được hồng y König phong cách đây 50 năm ở Vienne. Đây đúng là một thử nghiệm vì đa số phó tế vĩnh viễn đã lập gia đình, họ có đời sống nghề nghiệp, đời sống gia đình và họ tự nguyện làm phó tế trong nhà thờ. Tất nhiên, bước nhảy vọt tiến đến chức linh mục sẽ là bước nhảy vọt về chất, vì làm công việc linh mục trên cơ sở tự nguyện sẽ rất khó. Nhưng không phải là không được.

Điều này có nghĩa gì với đời sống độc thân?

Nhất là sau kinh nghiệm của thượng hội đồng, tôi càng xác quyết hơn hình thức cơ bản của linh mục công giáo là hình thức sống theo Chúa Giêsu trong bậc độc thân và có lẽ sẽ vẫn vậy. Tôi nói điều này một cách xác quyết hơn, vì tôi chịu trách nhiệm với 30 linh mục công giáo Hy lạp ở Áo, đa số họ kết hôn và có gia đình. Tôi có thể nói, họ là các linh mục xuất sắc. Tuy nhiên, tôi tin bậc sống độc thân của linh mục là một điều rất quý cho Giáo hội công giáo la-mã mà chúng ta không nên từ bỏ.

Nhưng nếu cha đưa ra ví dụ của Giáo hội công giáo đông phương, điều này sẽ cho thấy có thể có nhiều khía cạnh bên cạnh nhau. Chúng ta có thể nào nói: Hình thức căn bản của linh mục là đời sống độc thân, nhưng ở vùng Amazon, chúng ta có thể có lý do để miễn hình thức này không?

Có thể nói được. Nhưng tôi luôn đặt câu hỏi: Chúng ta thật sự có cạn nguồn lựa chọn thay thế để khỏi nhượng bộ cho một giải pháp dễ dàng, một lối thoát không? Điều này không có nghĩa là không có và sẽ không có các tình huống trong đó các ông đã lập gia đình viri probati có thể mở ra như một khả năng bổ sung. Nhưng tôi muốn rõ ràng. Đó không phải là hình thức cơ bản. Tôi càng xác quyết hơn sau Thượng hội đồng Amazon.

Chủ đề lớn thứ hai bên cạnh đời sống độc thân là vai trò của phụ nữ trong các chức vụ lãnh đạo tinh thần trong Giáo hội công giáo. Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Amazon đề cập đến vấn đề này và vấn đề phó tế cũng cần được xem lại.

Vấn đề phó tế phụ nữ cần được xem xét kỹ càng, đó là yêu cầu của thượng hội đồng với giáo hoàng. Nhưng tôi nghĩ lãnh vực chính là ở nơi khác. Thượng hội đồng chỉ nhìn đến các sự việc: những gì đang xảy ra ở các cộng đồng nhỏ bị phân tán ở vùng Amazon? Trong hầu hết các cộng đoàn, thực tế phụ nữ là người đứng đầu các cộng đồng. Có đủ khả năng, theo luật của giáo hội, để phụ nữ có thể được ủy thác để điều khiển giáo hội ở đây. Họ không thay thế các linh mục, nhưng họ làm một việc không thể thay thế được. Thượng hội đồng đã đề cập đến vấn đề này và tham chiếu với tự sắc kitô hữu giáo dân Ministeria quaedam (ấn định một số quy luật về chức phó tế) của Đức Phaolô-VI, ngài ấn định các sứ vụ trong giáo hội thuộc các tầng thấp hơn như “sứ vụ giáo dân”, nhưng chỉ dành cho các ông. Có một yêu cầu mạnh mẽ xin Đức Phanxicô thay đổi những gì trong quyền hạn của ngài. Và với điều này, nhiều công việc trong giáo hội thực sự có thể do phụ nữ phụ trách, vì chúng ta đã có một số lượng lớn đứng đầu các nghi thức phụng tự hay tang lễ.

Các vấn đề độc thân và phụ nữ trong Giáo hội không chỉ ở vùng Amazon mà còn được nói đến ở Âu châu trong mấy mươi năm qua – cách đây 20 năm là “Đối thoại cho nước Áo”, sự kiện cuối cùng của diễn đàn toàn giáo hội Áo. Chủ đề gây sôi nổi một thời. Đã đến lúc bây giờ chúng ta làm như vậy trong giáo hội thế giới không?

Bây giờ nó đã được xử lý một lần trong thượng hội đồng vùng, và tôi tin chắc nếu Đức Phanxicô muốn làm, ngài không làm một mình mà sẽ làm theo cách thượng hội đồng, có nghĩa là có thể bao gồm toàn giáo hội thế giới. Nhưng tôi nhắc, quan điểm Âu châu là trọng tâm ở đây thì hơi chật hẹp. Năm 2050, Âu châu sẽ chỉ là 7% dân số thế giới, có nghĩa người Âu châu rõ ràng sẽ trở nên thiểu số trong cộng đồng giám mục toàn cầu. Chúng ta không thể mong chờ các Giáo hội Âu châu lãnh đạo theo chủ đề trong Giáo hội toàn cầu. Chúng ta sẽ phải làm quen với điều này. 

Theo tôi, rất đáng sợ ở một vài cộng đồng mới, có một hành xử lạm dụng nơi các người sáng lập.

 

Một vấn đề khác của năm vừa qua mà cha đã trình bày là cuộc khủng hoảng các lạm dụng, kể cả lạm dụng thiêng liêng trên các nữ tu. Trong cuộc trò chuyện gần đây được xuất bản dưới dạng quyển sách với cựu nữ tu Doris Wagner, cha đã cởi mở đề cập đến vấn đề lạm dụng các nữ tu. Chủ đề này cho đến nay chưa được giải quyết.

Trên tất cả, tôi có nhiều kinh nghiệm đau thương khi nói đến những người trong cuộc. Dĩ nhiên tôi cố gắng đưa ra kết luận chung: đâu là tác động của các vụ lạm dụng trong xã hội và trong Giáo hội? Một tác động, đó là sự hung bạo thiêng liêng

Theo tôi, điều này rất đáng sợ ở một vài cộng đồng mới, có một hành xử lạm dụng khủng khiếp nơi các người sáng lập. Tôi tự hỏi: thẩm quyền thiêng liêng có bị lợi dụng quá đáng không? Có những lợi dụng thiêng liêng dẫn đến các hình thức lợi dụng khác. Đây là chủ đề nổi lên rất rõ trong những năm gần đây. Nhưng tôi nghĩ, Giáo hội nước Áo chúng ta đã có một cách xử lý có trách nhiệm với vấn đề đau đớn này. Và điều này cũng đã được nhận biết ở tầm vóc quốc tế.

Cha cũng đã can thiệp trên một lãnh vực khác, các nhóm bảo thủ tấn công cha đã giới thiệu những người đồng tính ở nhà thờ chính tòa St-Étienne với ông Gery Keszler và những người khác trong một sự kiện vào cuối tháng 11. Vì sao cha làm như vậy?

Chiều hôm đó là buổi đặc biệt giúp các bệnh nhân sida, chứ không phải chỉ có những người đồng tính. Sự kiện tập trung ở nhà thờ chính tòa là để giúp người Malta ở Nam Phi, và những người được chăm sóc chủ yếu là nạn nhân dị tính của sida. Dĩ nhiên vấn đề sida cũng là vấn đề chính của người đồng tính. Và đối với tôi, làm việc với ông Gery Keszler, là công việc chúng ta cùng làm với nhau để giúp cho nghĩa cử này. Mối quan tâm cho bệnh nhân sida là trọng tâm của đêm thứ ba này. Tôi nghĩ đây là một cố gắng tốt. Tôi rất ý thức, đây là cách đối phó đúng đắn với đồng tính, đây cũng là vấn đề lớn của xã hội cũng như của giáo hội. Tôi mạnh mẽ ủng hộ, đầu tiên hết, chúng ta không nhìn vào xu hướng tình dục, nhưng nhìn đến phẩm giá con người. Câu hỏi trước hết là: mình cư xử như thế nào với người khác? Và đó là câu hỏi đầu tiên mà Chúa đã đặt ra cho chúng ta. Chúa không phải là người duy nhất đặt ra câu hỏi, nhưng là người đầu tiên. Thông điệp lớn nhất trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu không đặt câu hỏi về xu hướng giới tính, nhưng: Ta đói, các con đã cho Ta ăn, ta trần truồng, các con đã cho Ta mặc. Đó là cách tôi để các sự kiện từ thiện này trong nhà thờ chính tòa để giúp các bệnh nhân sida.

 Giáng Sinh là tiếng vâng không thể hơn được nữa và không bao giờ rút Chúa ra khỏi chúng ta

Gần đến lễ Giáng Sinh, cha có lời chúc nào cho độc giả báo Furche?

Tôi xin độc giả đọc chương 22 của Hiến chế mục vụ Tông huấn Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes) trong phần nói Thiên Chúa làm người. Trong đó có câu tuyệt vời như sau: “Vì Ngài, là Con Thiên Chúa, Ngài kết nối với từng người trong sự Nhập Thể. Ngài làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ với tinh thần con người, hành động với ý chí con người, yêu thương bằng trái tim con người”. Sự Nhập thể đơn giản là lời tuyên bố cơ bản về cách Thiên Chúa ở với con người và làm thế nào Ngài ở thế gian do Ngài tạo ra này, một thế gian đầy giao động với các phiền toái của nó. Giáng Sinh là tiếng vâng không thể hơn được nữa và không bao giờ rút Chúa ra khỏi chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: “Hãy trung thành với giáo hoàng”: Một thái độ công giáo đơn giản và cơ bản