Vatican: Ba phụ nữ muốn “phá vỡ bức tường bất bình đẳng”

330

Vatican: Ba phụ nữ muốn “phá vỡ bức tường bất bình đẳng”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2020-01-07

Ba phụ nữ ở Vatican công khai đăng tải trên báo L’Osservatore Romano để tố cáo sự bất bình đẳng mà họ là nạn nhân trong nội bộ Nhà nước Vatican và kêu gọi tinh thần hỗ tương.

Đây là diễn đàn đã gây xôn xao ở Ý và Mỹ. Bằng chứng là bài báo được đăng trong những ngày gần đây ở tờ phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới (Donne Chiesa Mondo) trên nhật báo chính thức L’Osservatore Romano của nhà nước Vatican. Tựa đề đã nói lên về mình, trong hai năm gần đây có nhiều cuộc điều tra và diễn đàn về các vụ lạm dụng quyền lực mà các nữ tu đôi khi là nạn nhân.

Lần này bài viết nêu bật sự bực mình của các nữ nhân viên ở Vatican và được ba bà Romilda Ferrauto, Adriana Masotti và Gudrun Sailer ký, họ là các người đồng sáng lập Hiệp hội Phụ nữ Vatican (Association Femmes du Vatican, DVA), một hiệp hội ra đời vào tháng 12 năm 2016. Bà Romilda Ferrauto là người từ rất lâu đã điều khiển đài phát thanh tiếng Pháp, bây giờ bà là cố vấn cho ban quản trị Văn phòng báo chí Vatican, còn các bà Adriana Masotti và Gudrun Sailer là ký giả của cơ quan truyền thông Vatican News. Tiến trình của họ, công khai ký trên trên tờ báo chính thức, dù họ làm với tư cách là người đồng sáng lập Hiệp hội Phụ nữ Vatican Đài Vatican, nhưng đây là một sự kiện hiếm hoi đáng được nói lên.

Mối quan hệ phụ thuộc

Các bà ghi nhận: “Làm việc và biết rằng mình đóng góp vào hoạt động của giáo hoàng là một động lực của sự hài lòng và hãnh diện không có gì so sánh được. Vào khoảng 950 phụ nữ làm việc ở Vatican cũng có tâm tình như vậy. Họ không phải chỉ là những người làm việc nhất thời, họ cũng không phải là thiện nguyện viên. Trong các ban bộ khác nhau, trong các văn phòng, trong các tạp chí… ở mức độ ngang nhau, lương của họ cũng bằng các đồng nghiệp nam giới. Ở mức độ ngang nhau. Đó là vấn đề đầu tiên. Có bao nhiêu phụ nữ trong chúng ta ở vị trí trách nhiệm và đã thành công lên được bậc cao của ban quản trị?” Các bà lấy làm tiếc, cho đến bây giờ con số này là rất ít. Và để giải thích, ngoại trừ các linh mục, giám mục và hồng y, họ là đàn ông, tình trạng cũng không mấy tốt hơn giữa các giáo dân, các ông ở đây cũng có nhiều khả năng quyết định, chọn lựa và đưa ra các quy tắc. 

Ở Vatican, cũng như trong nhiều xã hội, phụ nữ thường bị xem là những người có khả năng trí tuệ và nghề nghiệp kém, luôn sẵn sàng phục vụ.

Nhưng muốn lên được các địa vị có trách nhiệm không phải là điểm quan tâm duy nhất của phụ nữ. Mối quan hệ phụ thuộc và thiếu tin tưởng nơi phụ nữ cũng được các bà nêu ra. Các bà Romilda Ferrauto, Adriana Masotti và Gudrun Sailer ghi nhận: “Thật đáng buồn khi thấy vẫn còn các phụ nữ sống đời sống nghề nghiệp của mình không được thoải mái lắm ở Vatican. Một số không đủ can đảm để bảo vệ quyền lợi của mình, họ không lên tiếng công khai. Ở Vatican, cũng như trong nhiều xã hội, phụ nữ thường bị xem là những người có khả năng trí tuệ và nghề nghiệp kém, luôn sẵn sàng phục vụ, luôn dễ bảo theo lệnh cấp trên.” 

Không có chuyện phụ nữ làm linh mục

Dù các bà thấy các dấu hiệu tích cực trong triều giáo hoàng Đức Phanxicô như việc bổ nhiệm các phụ nữ gần đây, nhưng các bà xác nhận: “Điều này vẫn chưa đủ. Thay vì bổ nhiệm các vị trí, phải bắt đầu tiến hành các quy trình, vượt lên các đòi hỏi về ý thức hệ để các vai trò được ngang nhau, và tránh cám dỗ giáo sĩ hóa tình trạng phụ nữ.” Nói một cách rõ ràng: Các bà không mơ mình làm linh mục. Các bà nhấn mạnh: “Không có chuyện phong chức linh mục, nhưng cấp bách là phải phá vỡ bức tường bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà trong Giáo hội. Cấp bách là phải có một sự thay đổi não trạng sâu đậm, và còn hơn nữa, như Đức Phanxicô đề nghị, đó là phát triển một khái niệm hỗ tương để thắng được sự phụ thuộc, để cổ động cho tinh thần đồng trách nhiệm và cùng tiến bước với nhau.”

Có một nhu cầu cấp bách là thay đổi não trạng.

Việc đăng tải bài viết này là một dấu hiệu rất mạnh. Dấu hiệu cho thấy phụ nữ, bên trong nội bộ phụ nữ tiếp tục dám lên tiếng phê phán và càng ngày càng có nhiều phụ nữ công khai lên tiếng.

Marta An Nguyễn dịch