Trong Giáo hội, lạm dụng luôn là lạm dụng thiêng liêng
Lạm dụng không phải lúc nào cũng là lạm dụng tình dục, trong Giáo hội, lạm dụng luôn là lạm dụng thiêng liêng. Các tu sĩ nhìn thẳng nguy cơ lạm dụng thiêng liêng.
la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-12-11
Lèo lái đức tin xảy ra khi kẻ săn mồi dùng địa vị tu sĩ của mình để quyến rũ nạn nhân. Lạm dụng thiêng liêng của các tu sĩ có thể biến mọi quan hệ với Chúa thành trái ngược. Kẻ săn mồi thao túng nạn nhân trên nhiều khía cạnh để bóp méo mối quan hệ với Chúa.
Quyết tâm đối diện tận gốc với cuộc khủng hoảng mà Giáo hội đang đi qua, ngày thứ hai 9 tháng 12, trên một trăm các bề trên Dòng, các nhà trị liệu, luật sư và các nạn nhân đã có cuộc họp tại Paris để đưa ra quan điểm của họ về các vụ tai tiếng này. Theo sáng kiến của Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp (Corref), các người tham dự cuộc họp suy nghĩ để tìm lối thoát cho việc lạm dụng thiêng liêng, các phương tiện để phòng ngừa và giúp đỡ nạn nhân xây dựng lại cuộc đời.
Một nạn nhân trong cuộc họp lên tiếng: “Người này đã dùng rất nhiều Lời Chúa, đối với tôi, Lời Chúa là tất cả… Sau đó, ngay khi tôi đến nơi rất quý giá với tôi, ký ức của người này trở về lại, ông ở đó!”, dù đã thoát được vòng kiểm soát của linh mục này, nạn nhân này vẫn còn giữ các tác hại mà người hướng dẫn thiêng liêng lệch lạc này gieo trên mình. Một dấu ấn quá mật thiết làm nạn nhân nghĩ sai lầm về mọi quan hệ với Chúa.
Qua các tiết lộ trong những năm vừa qua: lạm dụng không phải lúc nào cũng là lạm dụng tình dục, trong Giáo hội, lạm dụng luôn là lạm dụng thiêng liêng và tác hại của nó rất sâu đậm, nơi nạn nhân cũng như nơi tội phạm. Một nạn nhân khác kể: “Toàn bộ nhân cách bị rạn nứt, kể cả đức tin, một cái gì như cái chết đã gieo vào tâm hồn.” Chính sự lệch lạc tinh vi và lan rộng này mà Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp đã dành nguyên ngày thứ hai 9 tháng 12 để nghiên cứu. Các bề trên các dòng, các nạn nhân, các trị liệu gia, các nhà luật học… có cả trăm người đến họp dù Paris đang bị tê liệt giao thông vì đình công.
Kiểm soát? Lạm dụng lương tâm? Định nghĩa các chuyện này không đơn giản. Theo Linh mục Dòng Đa Minh Gilles Berceville, một trong các người tham dự buổi họp thì lạm dụng lòng tin trong Giáo hội còn nghiêm trọng hơn, vì “nó đụng đến sức mạnh của động lực nơi con người, trong việc đi tìm ý nghĩa của mình”. Khác với lạm dụng lương tâm, lạm dụng thiêng liêng là “lèo lái đức tin”. Nữ tu Véronique Margton, chủ tịch Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp nhấn mạnh: “Lạm dụng thiêng liêng xảy ra khi có dối trá, bịp bợm, chiếm đoạt. Lạm dụng tự do đức tin, gặp gỡ với Chúa Kitô, với lòng quảng đại mong muốn tận hiến, để biến những chuyện này thành phục tùng và im lặng”.
Nữ bác sĩ Isabelle Chartier-Siben phân tích: “Rất nhiều phụ nữ khi xem phim về lạm dụng các nữ tu trên kênh truyền hình Arte đã nói: ‘Nhưng tôi, tôi không bao giờ để cho họ làm như vậy!’ Trong tất cả các vụ lạm dụng, luôn có hiện tượng khống chế: nếu người đó nhận ra, họ sẽ chạy trốn, vì vậy lương tâm phải ngủ”, bác sĩ Isabelle Chartier-Siben là nhà tâm lý trị liệu, chuyên gia về nạn nhân học, chủ tịch hiệp hội “Có-nghĩa-là” (C’est-à-dire) giúp các nạn nhân bị bạo hành về thể xác, tâm lý, tâm linh, bà đã có một bài can thiệp đáng chú ý để giải mã các cơ chế trấn áp tinh thần.
Nhiều bề trên cộng đoàn hay nhà tập chia sẻ nỗi lo ngầm của họ: “Làm sao tôi nhận ra chính tôi cũng ở trong cảnh lạm dụng?” “Điều gì giúp tôi sống với thẩm quyền theo đúng chỗ của nó?” Các nhóm hội thảo buổi chiều là dịp để các tham dự viên suy nghĩ về các điều kiện cần thiết – nhưng chưa đủ -, để tránh rơi vào cảnh lạm dụng thiêng liêng. Một sư huynh Dòng Thánh Gioan lên tiếng: “Tôi có nghĩ rằng tôi biết Chúa muốn gì nơi người đang trước mặt tôi không, đâu là điều tốt cho họ? Điều quan trọng là tôi có thể trả lời không”. Một tu sĩ Dòng Tên nói thêm: “Chính tôi có cần gặp người này không? Tôi có thể nhanh chóng thấy mình là không thể thiếu không… Ở đây cũng vậy, cần thiết là tôi phải trả lời không”.
Rất nhiều người nhấn mạnh đến tâm lý học, đến giám sát, ngay cả phải làm việc với chính mình. Với điều kiện là nó phải được thực hiện càng sớm càng tốt, vì một khi được bổ nhiệm là người có trách nhiệm thì sẽ thiếu thì giờ và thiếu tính sẵn sàng để làm.
Làm thế nào để xây dựng lại? Về phần mình, các nạn nhân đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một tinh thần tôn trọng cao độ trong việc tháp tùng, vì người bị lạm dụng thiêng liêng sẽ nhanh chóng bị mặc cảm tội lỗi dày vò và “nhạy cảm với mọi hình thức ràng buộc tâm linh nào”. Một trong các nạn nhân nói chứng từ của mình: “Người đồng hành của tôi đã giúp tôi rất nhiều, họ nói tôi ngưng cầu nguyện, ngưng đi lễ để có thể phân biệt giữa hình ảnh sai lệch của Chúa và hình ảnh một Thiên Chúa thực sự tôn trọng tự do của tôi”. Một nhà trị liệu tâm lý nhắc: “Đừng bỏ qua các bước khi nói ngay đến tha thứ, nhưng dùng thì giờ để ‘tang chế’ cho những gì đã xảy ra và phải đi trị liệu tâm lý đến cùng.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Linh mục ấu dâm, “Phải nhớ trách nhiệm của giới giáo sĩ”