Đức Phanxicô lên tiếng phản đối việc “kinh doanh” từ thiện

429

Đức Phanxicô lên tiếng phản đối việc “kinh doanh” từ thiện

Đức Phanxicô tại trụ sở Caritas Rabat, Marốc ngày 30 tháng 3 năm 2019

cath.ch, 2019-05-28

Ngày 27 tháng 5, trước Đại Hội đồng Caritas trong buổi tiếp kiến tại Vatican, Đức Phanxicô xúc động lên tiếng: “Thật tai tiếng khi thấy các nhà điều hành từ thiện biến công việc này thành việc kinh doanh. Việc bác ái đích thực là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.

Đức Phanxicô nêu lên, theo các quy chế của Caritas, Caritas thực hiện sứ mạng của Giáo hội qua các việc từ thiện. Theo ngài, bác ái không phải là công việc khô cằn, chỉ là cái oi quyên góp, nhưng bác ái là “vòng ôm” của Chúa đến với từng người. Vì thế Caritas không chỉ đơn thuần là cơ quan nhân đạo, nhưng là “dấu chỉ và công cụ” của tình yêu Thiên Chúa.

Caritas không chỉ đơn thuần là cơ quan nhân đạo

Bác ái không thể tồn tại nếu không có mối quan hệ giữa các cá nhân và người nghèo. Theo Đức Phanxicô, trong bất cứ trường hợp nào, bác ái không thể là “viên thuốc an thần” để xoa dịu lương tâm, nhưng bác ái là đức tính cao quý nhất mà chúng ta phải hướng đến. Do đó ngài tuyên bố: “Thật tai tiếng khi thấy các nhà điều hành từ thiện biến công việc này thành việc kinh doanh”, họ sống xa xỉ và nhàn hạ hoặc chi rất nhiều tiền để tổ chức các buổi hội thảo về từ thiện.

Từ thiện phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người

Ngài nói tiếp, vì vậy, từ thiện không phải chỉ là một ý tưởng hay một cảm nhận, nhưng là một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô, nên từ thiện đòi hỏi một phong cách khó nghèo, nhưng không và khiêm nhường. Vì vậy, từ thiện phục vụ cho sự phát triển toàn diện của mọi con người – theo các chữ của Đức Phaolô VI đã nói trong Tông huấn Thăng tiến các Dân tộc (Populorum progressio, 1967) –  “thuốc giải độc” thực sự cho loại văn hóa vứt bỏ.

Buổi hội kiến diễn ra ở phòng Clémentine của Dinh Tông Tòa, đây là lần hội kiến thứ nhì của Đức Phanxicô với Đại Hội đồng Caritas họp từ ngày 23 đến 28 tháng 5.

Ngày 23 tháng 5, Đức Phanxicô đã dâng thánh lễ ở Đền thờ thánh Phêrô, ngài mời các người tham dự xem người nghèo là “nhà tạm sống” của Chúa Kitô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch